April 19, 2024, 9:46 pm

Để niềm vui của phụ huynh học sinh trở nên trọn vẹn

 

Vừa qua, các báo chính thống của nhà nước ta đưa tin Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 nêu rõ một số chủ trương liên quan đến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo đó Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29 khóa XI, nghị quyết của Chính phủ nêu. Nếu chủ trương được thực hiện thì có thể ngay trong năm học 2018-2019 và những năm học tiếp sau đó, tất cả học sinh từ trẻ Mầm non 5 tuổi đến học sinh THCS (từ lớp 6 đến lớp 9) trường công lập đều được miễn hoàn toàn học phí, và đây là tin vui cho tất cả học sinh, đặc biệt là những phụ huynh học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc đồng lương, thu nhập cố định... khi năm học mới 2018-2019 sắp sửa bắt đầu khai giảng.

Song để niềm vui thật sự trọn vẹn và có ý nghĩa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc các trường tự động thu các khoản lệ phí khác, mà theo nhiều phụ huynh học sinh là cao gấp nhiều lần mức phải đóng học phí, ví như các loại tiền vệ sinh, máy quạt, máy lạnh, ghế ngồi v.v... đặc biệt là tiền bồi dưỡng học thêm, mua đồng phục, dụng cụ học tập... Thông thường các khoản thu này đều được núp dưới hình thức là “qua sự đề xuất của Hội phụ huynh học sinh... Song đây chính là “vấn nạn” chưa thể giải quyết một cách triệt để của ngành Giáo dục và các trường học trong những năm vừa qua….

Thông thường từ trước đến nay, ngoài khoản tiên thu học phí theo quy định, các trường học tùy theo cấp học mà đề ra các khoản thu “bắt buộc” gồm tiền mua dụng cụ, sách vở học tập, tiền trả chi phí các dịch vụ phục vụ học sinh như thuê làm vệ sinh, trả tiền điện máy quạt, máy lạnh, tiền mua ghế ngồi... Tiền hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên dạy phụ đạo, dạy thêm, tiền mua đồng phục v.v và v.v... Điều đáng nói, là có các khoản thu rất nghịch lý, phiền hà mà phụ huynh học sinh bắt buộc phải đong. Ví dụ như tiền mua… ghế ngồi sinh hoạt dưới cờ: Việc sinh hoạt chào cờ hàng tuần là điều cần thiết, nên làm để giáo dục học sinh về truyền thống yêu nước, song cần thật ngắn gọn, không nên kéo dài thành “tiết học” để sinh hoạt, phổ biến quá nhiều vấn đề, mà chỉ cần thông báo giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt trong lớp là đủ. Do kéo dài, học sinh cần phải có ghế ngồi. Ban đầu có trường yêu cầu học sinh mang theo, nhưng sau thấy bất cập và không thẩm mỹ, như nhiều màu sắc, kiểu ghế, cao thấp khác nhau, nên bắt buộc học sinh đóng tiền để nhà trường mua đồng loạt. Có điều, sau nhiều năm, số ghế còn nhiều, nhưng mỗi năm mỗi mua vừa lãng phí lại không có chỗ cất, chứa…

Tiếp theo là “đồng phục”. Cả nước có hàng ngàn các trường từ Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học đến THCS thì cũng có... hàng ngàn kiểu đồng phục khác nhau. Đủ sắc màu, đủ hoa văn, kiểu cách. Dường như các trường muốn có sự khác biệt, “phong cách” riêng khác nhau nên tha hồ sáng tác, thiết kể các mẫu đồng phục theo sở thích của... Hiệu trưởng hoặc Ban Giám hiệu, mà không có một sự thống nhất theo quyđịnh… Về sách giáo khoa, dụng cụ học tập cũng vậy. Cần tạo điều kiện để các anh chị lớp trước, có thể trao tặng lại các sách giáo khoa, dụng cụ học tập của mình cho lớp sau, góp phần giáo dục đức tính tiết kiệm, biết giữ gìn đồ dùng học tập cá nhân cẩn thận, góp phần chống lãng phí trong việc học tập.

Đã có người ngồi thống kê, trừ khoản đóng góp học phí, mỗi năm, mỗi học sinh còn phải đóng góp cho trên ... hai mươi loại phí khác như kể ở trên, mà món nào cũng làm oằn lưng những bậc làm cha mẹ khi muốn cho con đến trường. Bớt đi một món Học phí, để thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và Ngành Giáo dục đối với nhân dân, song nếu còn duy trì những món thu “bất hợp lý” khác trong nhà trường thì quả là niềm vui chẳng hề trọn vẹn, mà còn nảy sinh những hệ lụy tiêu cực khác...


Có thể bạn quan tâm