April 16, 2024, 11:02 am

“Đề án thẩm định tác phẩm nghệ thuật”- Sự kỳ vọng về một thị trường tranh minh bạch?

  • Tính đến thời điểm hiện tại, trước khi có Đề án thẩm định tác phẩm nghệ thuật, việc thẩm định tranh ở Việt Nam chủ yếu dựa vào mắt thường, thiếu những thiết bị, công nghệ hiện đại để kiểm chứng tác phẩm có hay không phải là bản gốc
  • Nhận định về nạn sao chép tranh, hoạ sĩ Thành Chương từng là nạn nhân và cũng là người đâu tiên viết đơn tố cáo lên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm và đề nghị được bảo vệ quyền tác giả, cho biết nạn sao chép tranh đã hoành hành khoảng 30 năm trở lại đây, và tranh giả đang thao túng thị trường mỹ thuật Việt Nam. Chính vì vậy, để đưa nền mỹ thuật Việt Nam trở lại đúng vị thế, ngoài việc các hoạ sĩ đăng ký bản quyền cho “đứa con” của mình, cũng rất cần một Hội đồng thẩm định chuyên môn có tâm, có tài thực sự.

 

Tranh giả thao túng thị trường Mỹ Thuật

Năm 2016 giới Mỹ thuật Việt Nam sửng sốt trước bộ sự tập tranh của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh: Những tác phẩm từ châu Âu, khi có rất nhiều ý kiến về nguyên gốc và chất lượng mỹ thuật của bộ sưu tập này. Sự việc được đẩy lên đến đỉnh điểm khi hoạ sĩ Thành Chương, một trong những gương mặt hoạ sĩ đương đại của Việt Nam, phát hiện ra một trong số 15 bức tranh có mặt tại triển lãm là của chính ông, chứ không phải của hoạ sĩ Tạ Tỵ. Ngay sau đó, ông đã lập tức gửi đơn lên cấp có thẩm quyền cao nhất là  Cục Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm, để tổ cáo cáo hành vi gian lận và yêu cầu xác lập “bản quyền” cho tác phẩm nghệ thuật của mình.

 Hội đồng giám định làm việc theo các quy định của Quy chế về hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh bởi các chuyên gia chuyên ngành mỹ thuật, chuyên ngành nhiếp ảnh; có kinh nghiệm hoạt động mỹ thuật - nhiếp ảnh từ 10 năm trở lên, có uy tín, có khả năng giám định tác phẩm nghệ thuật. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, công tâm theo nguyên tắc khi và chỉ khi 100% hội đồng tán thành mới đi đến kết luận cuối cùng về tác phẩm được giám định là thật hay giả. Ngoài ra, quy chế cũng quy định, Hội đồng có số thành viên là số lẻ, từ 5 đến 11 thành viên, và phiên họp của Hội đồng chỉ hợp lệ khi có từ 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự cuộc họp.

Bức tranh lụa (trái) được nghi là tranh nhái và giả chữ kí

Ngày 19/7/2016  Bảo tàng Mỹ Thuật Tp Hồ Chí Minh đã chính thức ra thông cáo báo chí (sau khi đã có kết luận chính thức từ hội đồng thẩm định chuyên môn, nhà quản lý và các hoạ sĩ) xác nhận: 15 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện. 2 bức tranh trong Bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (HS. Tạ Tỵ và HS. Sỹ Ngọc).  Đồng thời đề nghị Tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý và sớm có kết luận cho vấn đề này

Ngay sau bản thông cáo báo chí nói trên, không chỉ hoạ sĩ Thành Chương mà nhiều hoạ sĩ trong làng Mỹ thuật Việt đã có thể thở phào vì họ sẽ không còn đơn độc trong cuộc chiến chống lại nạn tranh giả, tìm lại giá trị đích tực cho mỹ thuật Việt Nam.

Thế nhưng, giống như khối u đã bị di căn, nạn tranh giả vẫn tự tung tự tác. Sau vụ của hoạ sĩ Thành Chương, lại đến Phố cũ của cố hoạ sĩ  Bùi Xuân Phái. Điều khiến giới mỹ thuật xôn xao là bức tranh đấu tại hai nhà đấu giá quốc tế và bức của nhà đấu giá tại Việt Nam rất giống về hình thức, chỉ sai lệch không đáng kể về kích thước và chất liệu. Điều đó có nghĩa, trong các bức tranh của ba nhà đấu giá đề tên của Bùi Xuân Phái, sẽ có ít nhất hai bức tranh giả! Ngay tại thời điểm đó, trên các trang mạng xã hội, giới nghệ thuật trong nước và quốc tế đã bàn luận khá sôi nổi về nguồn gốc, xuất xứ, tính xác thực và các chi tiết trong tranh Phố cũ. Thế nhưng vụ việc cũng nhanh chóng dừng lại. Và gần đây nhất là bức tranh lụa vẽ Con gái nhà văn Dương thu Hương của cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương đã bị làm giả, có mặt tại các phiên đấu giá khá đình đám và được định giá rất cao. Sự việc bị phát giác khi những người thân, bạn hữu có liên quan đến hoạ sĩ lên tiếng. Thế nhưng thay vì nhận lỗi và nói không với hành vi đạo tranh nói trên, nhà sưu tầm, đơn vị tổ chức đấu giá đã đổ lỗi cho khâu thẩm định tác phẩm. Và đến đây thì dường như hy vọng có thể tìm ra giải pháp để khai tử nạn tranh giả ra khỏi thị trường mỹ thuật Việt chẳng khác nào mò kim đáy bể.

 

Hy vọng một thị trường tranh minh bạch

Ngày 1/10 Quy chế về hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh, do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm ban hành đã chính thức có hiệu lực. Quy chế  này khẳng định, công tác giám định sẽ do Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đảm nhận. Đây là đơn vị trực tiếp và duy nhất thực hiện và chịu trách nhiệm trong việc giám định tác phẩm nghệ thuật .  

Trước đó, thông tin đến báo giới, họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, hội đồng giám định gồm 3 hội  đồng  nhỏ: Giám định tác phẩm hội họa, đồ họa do họa sỹ Lương Xuân Đoàn đứng đầu; Hội đồng điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt do PGS.TS Vương Học Báo đứng đầu; Hội đồng nghệ thuật nhiếp ảnh do ông Vũ Quốc Khánh đứng đầu. Đồng thời ông Thành cũng khẳng định, ông tin tưởng vào những cá nhân đứng đầu và các thành viên trong hội đồng thẩm định có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với sự ra đời của Trung tâm  Giám định quy tụ những chuyên gia đầu ngành trong hội đồng thẩm định, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã làm việc với Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an để có thể nhận được sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật phục vụ cho công tác thẩm định tác phẩm nghệ thuật.

Những động thái tích cực nói trên được kỳ vọng sẽ đem lại sự lành mạnh cho thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh hiện nay. Thế nhưng, dư luận trong giới cũng như những người yêu hội hoạ, nhiếp ảnh vẫn còn không ít băn khoăn. Bởi lẽ, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh cũng chỉ là một kênh giám định, mà thị trương mỹ thuật, nhiếp ảnh hiện đang phát triển một cách toàn diện, dưới sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, việc làm giả các tác phẩm nghệ thuật đang ngày một tinh vi hơn, nhiều tác phẩm mắt thường không thể phân biệt, do đó, nhiều công đoạn thẩm định nên được giao cho các cơ sở, trung tâm, tổ chức xã hội có chuyên môn cao để thực hiện.

Việc làm giả tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các hoạ sĩ tên tuổi trong làng hội hoạ Việt Nam hiện vẫn chỉ là những vụ việc được phát giác trong nước tại các cuộc đấu giá, triển lãm nghệ thuật. Nhưng rất khó để đảm bảo rằng trong một tương lai không xa, với xu hướng hội nhập một cách toàn diện của nền kinh tế, hội hoạ Việt Nam cũng sẽ cuốn theo xu hướng đó. Và khi ấy, nếu không có những chuyên gia thẩm định được đào tạo bài bản, những trang thiết bị phục vụ công tác phân tích mẫu vật phẩm hiện đại, thì e rằng việc thẩm định nếu chỉ bằng kinh nghiệm, bằng mắt thường sẽ khó mà chính xác. Hay như một chia sẻ của nhà đấu giá tranh có tiếng ở Hà Nội khi nói về tranh của cố danh hoạ Bùi Xuân Phái thì, Chúng tôi đã công bố rất rõ tên tuổi của nhà sưu tầm. Những thẩm định chỉ có thể dựa trên nguồn gốc của tranh và kinh nghiệm. Còn để khẳng định có phải là tranh thật của Bùi Xuân Phái hay không thì chỉ cụ Bùi Xuân Phái sống lại mới khẳng định được. Rõ ràng, với thẩm định tranh, chúng ta vẫn đang ở giai đoạn dựa theo kinh nghiệm, mà chưa thể có những nghiên cứu bài bản, xây dựng ngân hàng dữ liệu cho những tác phẩm nghệ thuật của các danh hoạ nổi tiếng (về chất liệu, về năm ra đời, phong cách sang tác)… Chưa kể, tới đây sẽ có những cuộc đấu giá, những triển lãm tranh của các danh hoạ thế giới tại Việt Nam, và khi ấy, công tác thẩm định sẽ trở thành thách thức không nhỏ đối với Hội đồng thẩm định như quy chế và mô hình hoạt động hiện nay chúng ta đang có.

Hiện, Chính phủ đang giao cho các Bộ, ngành gấp rút hoàn thiện đề án tái cơ cấu bộ, ngành, trong đó cắt giảm tối đa các  thủ tục hành chính, theo phương châm việc gì các tổ chức xã hội làm được thì giao cho các tổ chức xã hội có chuyên môn để làm, Nhà nước không nhất thiết phải đảm nhận tất cả mọi công việc. Với mỹ thuật cũng vậy, nếu các tổ chức xã hội có chuyên môn, có phương tiên kỹ thuật đáp ứng đầy đủ những yêu cầu khắt khe của việc thẩm định tác phẩm nghệ thuật, thì nên giao một phần  hoặc từng phần cho các đơn vị, tổ chức xã hội đảm nhận và chịu trách nhiệm về kết quả mà quá trình thẩm định có được. Thị trường tranh sẽ minh bạch hơn, nếu như có tiếng nói của nhiều đơn vị thẩm định tác phẩm nghệ thuật.

 

 


Có thể bạn quan tâm