April 19, 2024, 2:31 am

Dạy Văn là phải bình văn

Mấy năn gần đây Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có nhiều cải cách về chương trình, sách giáo khoa, thi cử và cải tiến phương pháp giảng dạy… thu được một số thắng lợi bước đầu, tuy vẫn còn không ít bất cập.

Chúng ta đã thực hiện cuộc vận động “Hai không” với nội dung: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Song, hiện nay đa số học sinh không thích học văn, ít thi vào lớp văn ở các trường THPT chuyên, ít đăng ký thi Đại học khối C. Các thầy cô dạy văn tuy đã có nhiều cố gắng dạy theo phương pháp “đọc - hiểu”, “tích hợp” (3 trong 1), dạy theo “nêu vấn đề” bằng hệ thống câu hỏi để thầy chủ đạo, trò chủ động… nhưng xem ra kết quả thu được chẳng là bao. Kết quả thi Tốt nghiệp THPT năm 2019 đã chứng minh chương trình có phần còn sơ cứng và sách giáo khoa văn vẫn còn quá tải.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

       Trước đây, dạy và học Văn thời phong kiến quan niệm: Văn chương là điểm quy chiếu của triết học, lịch sử, đạo đức… là một thứ giáo lý “văn sử bất phân”, “văn triết bất phân”, “văn dĩ tải đạo”. Từ Tam tự kinh, Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, cho tới Tứ thư, Ngũ kinh… đều được quán triệt ý thức Nho giáo, lấy đạo thánh hiền làm chân lý tuyệt đối, được truyền thụ từ đời Tam hoàng, Ngũ đế cho đến bấy giờ, áp dụng khắp bốn biển không sai, muôn đời vẫn đúng… Vì thế, đã hình thành một phương pháp học thuộc lòng, nhớ suốt đời theo sách, theo lời thầy giảng nên đã hạn chế rất nhiều đến sự suy nghĩ độc lập của người học về tư tưởng và bị gò bó tính sáng tạo về học thuật.

       Tuy nhiên, nhiều người đã vượt qua rào cản của lối học văn “tầm chương trích cú” ấy, thoát ra khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc của văn chương cổ Trung Hoa và tạo nên những tác phẩm lớn mang bản sắc dân tộc. Đó là các nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn lớn, như: Trương Hán Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Qúy Đôn, Phan Huy Chú, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan… mà đỉnh cao là Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều.

        Thời nay, nhiều giáo viên dạy văn mà cứ như người đánh vật, lúc nào cũng lo cháy giáo án, lúc nào cũng sợ các em không hiểu bài. Bài văn không được phân tích theo thông điệp nghệ thuật mà văn bản vốn có, ngược lại nó bị băm nát, gán ghép, mổ xẻ theo một loạt những câu hỏi rời rạc, trò thay nhau đọc, thầy giải thích ý nghĩa nội dung, nghệ thuật, rồi rút ra bài học ghi nhớ. Và các thầy gọi đó là dạy văn theo phương pháp “nêu vấn đề”, thầy chủ đạo, trò chủ động. Vì thế, trò “chủ động” chép được bao nhiêu thì chép, câu chẳng ra câu, không phân biệt được các ý chính, ý phụ. Còn thầy thì chăm chú thao tác sao cho xong giáo án đúng giờ quy định 45 phút. Có thầy quá lo đối phó với thi cử nên cứ đọc cho học sinh chép bài văn mẫu đã soạn theo ý thầy mà đa phần là ghi lại các ở sách giáo viên hay sách văn mẫu. Vì vậy, các thầy cô rất cần “Nói không với nạn đọc chép trong giảng dạy Văn”.

         Một thực tế mà không ai chối cải là lâu nay các em ít yêu thích môn Văn, vì học sinh không cảm được nó hay ở chỗ nào. Điều đó có lý do ở người dạy. Nhiều thầy cô quên mất đặc trưng của văn học, dạy văn mà cứ như dạy chính trị, giáo dục công dân hay sử, địa. Suốt giờ dạy không thấy có một lời bình văn nào, không khai thác được những “điểm sáng thẩm mỹ” của hình tượng văn học. Quanh đi quẩn lại chỉ thấy thầy trò vấn đáp rời rạc, rồi nếu có màn hình vi tính thì cho các em xem vài cảnh đẹp thiên nhiên, con người, ảnh tác giả… Học sinh ra khỏi lớp là quên tất cả, dồn sức để giải bài tập các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa, Sinh… để thi vào khối A, B để khi tốt nghiệp đại học ra trường dễ xin việc làm và có lương cao.

          Sở dĩ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua mà lớp nhà giáo đã nghỉ hưu như chúng tôi vẫn còn nhớ như in những giờ dạy văn của một số thầy hồi còn  học cấp II, cấp III hay Đại học, chính là nhờ những giây phút được “thăng hoa”, khi nghe các thầy bình văn. Những giây phút đó trí tưởng tượng của chúng tôi được “bay lên” cùng những vần thơ giàu tính hoạ, tính nhạc, hoặc được sống với những nhân vật trong văn xuôi, kịch. Đúng như cố nhà thơ Xuân Diệu đã có lần nói: “Mỗi áng văn, lời thơ là một con cá lội, con bướm bay, con chim hót. Việc nghiên cứu giảng dạy thơ văn là phải đưa vào trái tim người đọc cái kỳ diệu của chim hót, bướm bay, cá lội, chứ không phải làm cho bướm ép dẹp, chim nhồi rơm và cá chết khô”. Một lời bình hay, đúng lúc, đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị thẩm mỹ của bài văn, bài thơ, khơi dậy ở trái tim non trẻ của các em tình yêu người, yêu đời để các em biết ghét cái ác, cái xấu mà hướng tới chân, thiện mỹ. Còn nếu dạy văn mà cứ như dạy ngữ pháp, hay dạy cách làm văn với mấy chục câu hỏi lý trí, vô bổ, thì hỡi ôi, chẳng khác nào nước xối đầu vịt, nước đổ lá khoai. Thậm chí có thầy cô còn chưa biết đọc diễn cảm, chứ chưa nói đến ngâm thơ khi cần để minh hoạ…

Rất buồn khi thấy một số thầy cô giảng thơ mà chưa thuộc nổi bài thơ ấy, lúc nào cũng phải dán mắt vào sách giáo khoa và giáo án thì làm sao có lời bình hay được. Đã có một thời các cụ đồ Nho gọi dạy văn là bình văn thông qua cách đọc diễn cảm. Trong phong trào Đông kinh nghĩa thục trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các buổi diễn thuyết người ta thường xen vào việc bình văn để thu hút người nghe:

Buổi diễn thuyết người đông như hội

Kỳ bình văn khách tới như mây.

     Nói vậy không có nghĩa là bảo thủ theo lối dạy xưa, hay không coi trọng việc cải tiến phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn hiện nay. Việc người thầy làm “đạo diễn” đứng sau “sân khấu” ở vị trí thứ hai chủ đạo, còn học trò được đưa lên vị trí thứ nhất là chủ động để tự tìm hiểu, tiếp thu văn bản, thầy không cảm thụ thay cho trò là điều đáng khuyến khích. Nhưng có một thực tế là các bài văn, bài thơ ở các bộ sách đã cải tiến vẫn còn rất dài. Tác phẩm thì học sinh chưa được đọc, thậm chí một số thầy cô cũng chưa đọc, nhất là những tác phẩm văn học nước ngoài. Ví dụ, dạy trích đoạn Uy- lit- xơ trở về mà chưa được đọc sử thi Ô-đi-xê của Homer thì làm sao bình được tâm trạng của Uy- lít- xơ. Dạy Hồi trống cổ thành (hồi 28) mà chưa đọc Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung thì làm sao hiểu được một phần tính cách của nhân vật Quan Công, Trương Phi. Dạy Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu mà không đọc thơ Đường, thơ Tống thì làm sao cảm được hết cái hay của nó. Chỉ bốn câu thơ của Nguyễn Du tả tiếng đàn khi Thuý Kiều đánh cho Kim Trọng nghe buổi đầu gặp gỡ mà người dạy không đọc Tì bà hành của Bạch Cư Dị thì làm sao thấy được cái tài “vay mượn” rất khéo và sáng tạo của Nguyễn Du trong việc tả tiếng đàn trực tiếp hay gián tiếp…  

        Hiện nay, nhiều thầy cô còn bận “đánh vật” với miếng cơm manh áo đời thường, thì còn đâu thời giờ để đi thư viện đọc các tác phẩm dài hàng mấy trăm trang, tiền đâu để mua các tác phẩm văn học có liên quan đến chương trình văn ở các lớp. Đó là chưa kể một số thầy cô lớn tuổi chưa biết sử dụng vi tính và internet. Nếu không đọc - hiểu sâu về tác phẩm thì không thể có lời bình đúng và hay. Cũng có thầy cô nhờ chất giọng tốt qua những lời bình văn được các em yêu thích nhưng lại quá lạm dụng, thành ra lời bình ấy thiên về “tán”, “bốc đồng” rông dài, ngẫu hứng mà thôi. Có khi nó còn góp phần băm nát hình tượng thơ theo kiểu “chẻ sợi tóc làm tư”, hoặc gán cho bài thơ, bài văn nhiều nội dung xã hội mà tác phẩm ấy vốn không chứa đựng. Bình thơ theo kiểu thoát ly văn bản, bình cho sướng miệng, lọt lỗ tai trò nhưng thực ra trò chẳng nắm được gì, thì đó là dạy văn theo “điệu sáo”, theo kiểu “múa chữ” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã phê phán.

      Nếu không có năng khiếu bình thơ, bình văn, không biết ngâm thơ thì hãy cố đọc diễn cảm bài thơ, bài văn đó cho tốt. Đọc lần thứ nhất chỉ là “bì phu” (mới sờ tới phần “da” của tác phẩm), đọc lần thứ hai hiểu thêm một tầng nghĩa nữa, là cách đọc “cốt nhục” (hiểu được xương, thịt của tác phẩm), và đọc đến lần thứ ba, thứ tư là đã hút được một phần chất “tuỷ” của tác phẩm. Đánh giá cao vai trò đọc văn, GS-TS Trần Đình Sử có lần đã đưa ra đề nghị với Bộ Giáo dục & Đào tạo: Theo tôi gọi môn văn trong nhà trường là môn dạy đọc văn là đúng nhất và sát nhất (Trang 3, báo Văn nghệ số 46- ra ngày 17/11/2007). Tuy nhiên nhận định trên mới chỉ là “điều kiện cần nhưng chưa đủ”, còn nhiều điều phải bàn thêm. Song, nếu dạy văn mà thầy và trò không được đọc tác phẩm, hoặc có tác phẩm mà không biết cách đọc thì khó thẩm thấu cái hay, cái đẹp của tác phẩm ấy.

       Điều đáng buồn là hiện nay “văn hóa đọc” đang bị xuống cấp. Người thầy muốn thắp sáng ngọn lửa tình yêu văn chương trong tâm hồn học sinh thì trước hết hãy thổi bùng ngọn lửa văn chương trong trái tim của mình, để các em có lòng yêu tiếng Việt:

Tiếng tha thiết nói thường như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh.

...

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình.

                             (Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ)

Tóm lại: Việc dạy và học văn “không có nấc thang cuối cùng”. Và sách là “người thầy thứ hai” giúp chúng ta mở ra những “chân trời mới”. Nhưng “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại đáng thơ là loại chuyên chú ở con người, loại không đáng thờ loại chuyên chú ở văn chương” (Nguyễn Văn Siêu). Vì vậy, việc chọn để dạy cái gì, học cái gì ở trang sách và cuộc sống để giúp việc “dạy người” đạt hiệu quả hơn là một vấn đề lớn mà Bộ Giáo dục & Đào tạo và tất cả chúng ta cần quan tâm tháo gỡ. Cùng với việc cải tiến chương trình và sách giáo khoa môn văn, cải tiến phương pháp dạy văn, song theo tôi, trong quá trình dạy văn, lời bình hay không thể thiếu. Nó có ý nghĩa rất quan trọng là nâng cao lòng yêu thích văn chương cho các em. Từ đó góp phần giáo dục nhân cách, lẽ sống, tính nhân văn cho các em trước mắt và sau này, để các em sống tốt hơn, tránh xa cái xấu, cái ác, hướng tới Chân, Thiện Mỹ.

Nguồn Văn nghệ số 32/2019


Có thể bạn quan tâm