March 29, 2024, 2:35 pm

Dạy văn, học văn trước chu kỳ thay sách

Môn văn (bài chỉ đề cập phân môn văn học) với vị trí đặc biệt trong trường phổ thông, lẽ ra rất được yêu thích. Vì đây là môn học nghệ thuật giàu cảm xúc, có chiều sâu và ý nghĩa nhân văn nhất, với mục tiêu hình thành, phát triển nhân cách cao đẹp cho học sinh. Vậy mà đáng buồn khi các em rất ngại và chán học; chất lượng bộ môn chưa bao giờ được nhìn nhận đạt yêu cầu (ngoại trừ trường chuyên, lớp chuyên). Nhiều giáo viên dạy văn đã thẳng thắn: học sinh học văn chỉ để tuyển sinh vào lớp 10 hoặc thi tốt nghiệp, không hơn không kém.

Gần 20 năm thay sách, đây là thời gian giáo viên văn được bổ túc nhiều chuyên đề đổi mới dạy học; được trang bị nhiều kiến thức, phương pháp; được hỗ trợ nhiều phương tiện dạy học. Thế nhưng chất lượng dạy học văn vẫn không được cải thiện, học sinh vẫn không hứng thú với môn văn. Tại sao có nghịch lý đó? Với tư cách người thầy, trước chu kỳ thay sách mới, xin góp thêm một vài ý kiến về dạy học văn đang tồn tại lâu nay ở trường phổ thông.

Các tài liệu hỗ trợ dạy học văn ôm đồm, nặng nề, chồng chéo

Những năm đầu thay sách ngữ văn, khi tiếp thu chuyên đề dạy học văn theo sách giáo khoa mới (SGK), giáo viên rất hào hứng với hai chữ tích - tích hợp (trong biên soạn SGK) và tích cực (trong phương pháp dạy học). Cốt lõi của phương pháp tích cực là “biết phát huy tối đa tính tích cực, tính sáng tạo của học sinh, chủ thể của học tập, ở tất cả các khâu...”. Với phân môn văn học “cần làm cho học sinh biết chủ động tiếp cận tác phẩm theo hướng: đọc  suy ngẫm  liên tưởng” (dẫn sách giáo viên ngữ văn, Nxb Giáo dục, 2002). Với hai chữ tích đó, lần đầu tiên, giáo viên có cảm tưởng như là “đôi đũa thần” để đổi mới dạy học văn. Nhưng qua từng năm học, “đôi đũa thần” cứ so le dần...

Cùng với chuyên đề thay sách, giáo viên được tiếp nhận các tài liệu hỗ trợ dạy học – SGK ngữ văn, sách giáo viên ngữ văn (SGV); sách Thiết kế bài giảng ngữ văn và sách Chuẩn kiến thức kỹ năng.

Trong các tài liệu trên, người dạy sử dụng nhiều nhất là SGK và SGV. Tác giả biên soạn SGK đồng thời biên soạn SGV. Nội dung chủ yếu SGV là trả lời các câu hỏi do chính tác giả đặt ra sau mỗi văn bản. Theo định hướng, SGV được biên soạn theo tinh thần kết hợp “đóng” và “mở” (semi-ouvert) để người dạy “tùy nghi sử dụng”. Khách quan mà nói, SGV đã giúp người dạy cảm hiểu được cơ bản tác phẩm khi chuẩn bị bài dạy.

Do tác giả biên soạn muốn người học “ôm” trọn nội dung và nghệ thuật của văn bản nên đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Phần đọc - hiểu, mỗi văn bản từ 4-6 câu tùy thời lượng 1 hoặc 2 tiết (nếu tách nhỏ có văn bản đến 8-9 câu). Trong khi, cấu trúc tiết dạy học không chỉ có phần đọc – hiểu văn bản, mà còn: kiểm tra bài cũ, giới thiệu bài mới, đọc văn bản, tìm hiểu tác giả và từ khó, kể tóm tắt (với văn bản tự sự), tìm hiểu bố cục, tổng kết, luyện tập. Bởi vậy, để hoàn thành khối lượng công việc đó, để khỏi “cháy giáo án”, người dạy phải cấp tập mục nọ sang mục kia.

Đến mục đọc – hiểu (trọng tâm tiết dạy học văn bản), thầy trò phải đua với thời gian để giải quyết tất cả câu hỏi của SGK nên làm hạn hẹp đi rất nhiều thời gian dẫn dắt suy ngẫm, liên tưởng cho học trò. Thời gian hạn hẹp nên không tránh khỏi qua quýt, hình thức, chiếu lệ. Gặp lớp học yếu, giáo viên đặt câu hỏi xong lại phải trả lời thay (trừ câu hỏi mức độ thấp). Hoạt động nặng về cơ học như thế nên chẳng còn những khoảng lặng để khơi dậy rung động thẩm mĩ. Cùng với thầy, học trò cũng phải làm việc cấp tập - như đọc, chú ý nghe câu hỏi, suy nghĩ, trả lời, nhận xét bạn (có khi thảo luận nhóm), rồi cắm cúi ghi chép... làm cho tiết dạy học văn lẽ ra nhẹ nhàng, tạo cảm hứng thi vị, lắng đọng hoặc bay bổng thì trở nên nặng nề, máy móc, tẻ nhạt. Thẳng thắn nhìn nhận, đó là kiểu dạy học công thức, ôm đồm, nhồi kiến thức, nhồi kỹ năng cho người học. Biết vậy mà cứ dạy, bao năm rồi vẫn không sửa được.

Đến đây, xin lý giải, tại sao giáo viên không “tùy nghi sử dụng” SGV như định hướng của người biên soạn? Xin thưa, chỉ có những giáo viên giỏi, đủ năng lực, đủ bản lĩnh và giàu tâm huyết mới “tùy nghi sử dụng” để tổ chức tiết dạy vừa đủ, mượt mà, giàu chất văn. Có điều, số giáo viên giỏi, tâm huyết ở mỗi huyện, thành chỉ tính trên đầu ngón tay. Còn giáo viên đại trà thì mặc định phương châm “an toàn”: dạy đủ còn hơn dạy thiếu, khỏi bị bắt bẻ, phê phán.

Ngoài SGV, sách Thiết kế bài giảng ngữ văn, sách không phải của NXB Giáo dục nhưng được Bộ “bật đèn xanh” cung ứng cho các nhà trường, gây hệ lụy xấu cho dạy văn. Sách nặng về thương mại nên chẳng có gì đổi mới, sáng tạo để giáo viên vận dụng. Các bài soạn hết sức dông dài, tùy hứng, vô thưởng vô phạt. Tiếc thay nhiều giáo viên đã rập khuôn bài soạn này làm cho tiết dạy học cứng nhắc, lê thê.

Sau 6 năm thay sách, sự chồng chất của tài liệu làm người dạy bị rối, thậm chí mất phương hướng. Tháng 8/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành thêm sách Chuẩn kiến thức kỹ năng. Sách biên soạn theo tinh thần “đóng” (frmé), được coi như pháp lệnh chuyên môn. Từ đó, tổ chuyên môn, ban giám hiệu, thanh tra, kiểm tra, giám khảo thi giáo viên dạy giỏi đều căn cứ chuẩn đó để đánh giá tiết dạy. Vì thế đa phần giáo viên chẳng dại gì “vượt rào”. Thế là chuẩn kiến thức kỹ năng trở thành sợi dây vô hình trói buộc, thậm chí “giết chết” ý tưởng sáng tạo của người dạy. Mà dạy văn rất cần sáng tạo, rất cần cái riêng, không thể đóng khung nghệ thuật và ý nghĩa vào một khuôn mẫu.

Có thể nói, gần 20 năm thay sách, những tài liệu hỗ trợ dạy học văn vừa chồng chéo vừa chuyển thái cực này sang thái cực khác, vô tình làm cho người dạy lúng túng, chẳng những không đổi mới được gì đáng kể phương pháp dạy học tích cực, không giải quyết được bài toán chất lượng mà còn triệt tiêu cảm hứng người dạy, người học.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học văn - sự đổi mới chỉ là cảm giác    

Những năm học gần đây, các tiết thao giảng hoặc thi giáo viên dạy giỏi môn văn, hầu như giáo viên nào cũng sử dụng bằng được các phương tiện dạy học – nhất là phương tiện công nghệ thông tin (CNTT). Đa số giáo viên có cảm giác, không sử dụng phương tiện CNTT coi như chưa đổi mới dạy học văn. Tiếc thay, một số giám khảo cũng quan niệm vậy.

Phương tiện CNTT mà giáo viên văn sử dụng là bài soạn điện tử (phần mềm Powerpoint); là ảnh tác giả, ảnh quê hương tác giả, ảnh tác phẩm, tranh ảnh minh họa một số chi tiết trong văn bản; là trò chơi ô chữ, bản đồ tư duy, sơ đồ biểu mẫu, bài hát (với văn bản thơ đã được phổ nhạc)... thông qua các phương tiện trình chiếu (máy tính, máy chiếu, màn hình).

Phương tiện CNTT nếu sử dụng khéo, đan cài hợp lý, vừa đủ, cũng có ưu điểm nhỏ: giảm các thao tác phụ, tiết dạy sinh động hơn, gây chú ý hơn cho học sinh. Tuy nhiên không ít giáo viên đã lạm dụng, biến tiết học thành tiết “chiếu bài giảng”. Trong khi, văn chương là nghệ thuật của ngôn từ; hình tượng qua ngôn từ, các chi tiết nghệ thuật qua ngôn từ (khác các môn nghệ thuật âm nhạc, mỹ thuật). Sử dụng các hình ảnh, màu sắc, âm thanh thiên về nghe nhìn sẽ chi phối tâm trạng, tâm thế, cảm xúc của học sinh, đánh mất con đường tiếp cận đặc trưng vốn dĩ của văn chương. Như thế làm sao đạt được mục tiêu bài dạy.  

Có thể khẳng định, cảm giác trên của đa số giáo viên là sai lầm, tự đánh lừa mình mà không biết. Với dạy học văn, phương tiện CNTT chỉ là phụ trợ đơn thuần, không thể giúp đổi mới tính tích cực của phương pháp. Dạy học văn chương, bảng đen, phấn trắng với nghệ thuật sư phạm uyển chuyển, ngôn ngữ linh hoạt của người dạy không phương tiện nào có thể thay thế được.

Để có sự đổi mới về chất trong dạy học văn

Môn văn là môn học nghệ thuật. Muốn dạy học đúng đặc trưng, muốn đổi mới thật sự phương pháp, muốn hồi sinh tâm lí yêu thích học văn cho các em, cần xác định sát hơn mục tiêu môn văn trong nhà trường.

Về mục tiêu phân môn văn học, chúng tôi rất đồng tình với Ts Nguyễn Thị Kim Ngân – đó là, bồi dưỡng và phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh. Hình thành ở trẻ em một kiểu cảm nhận đặc thù về thế giới, một cách nhìn về sự vật và con người thấm nhuần cảm xúc… bồi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách cho học sinh, khơi dậy ở học sinh tình yêu đối với cái đẹp, lòng nhân ái, khát khao lý tưởng cũng như những hiểu biết về thế giới, về xã hội và nhất là về con người (Báo Giáo dục Tp. Hồ Chí Minh).

Chỉ vậy là đủ, là rõ, là đúng đặc trưng, đúng chức năng văn học. Không nhất thiết hàm chứa quá rộng, quá cao siêu, nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh, và đạo đức hóa như mục tiêu hiện hành. Nghe chẳng có gì sai nhưng làm không xuể, dẫn đến sự ôm đồm, nặng nề trong dạy và học.

Muốn vậy:

- Trước hết, SGK phải chọn được các văn bản (text) thật sự đặc sắc nghệ thuật, giàu tính nhân văn. SGK không nhất thiết biên soạn theo nguyên tắc tích hợp. Phân môn Tiếng Việt và Tập làm văn chọn ngữ liệu độc lập để hình thành khái niệm cũng chẳng ảnh hưởng gì bài học. Gò ép tích hợp dọc, tích hợp ngang rối rắm sẽ khó chọn được văn bản hay. SGK cũ do ràng buộc nhiều tiêu chí nên không ít văn bản quá nghèo nàn nghệ thuật. Theo chúng tôi, hãy đặt tiêu chí số một là giá trị nghệ thuật để chọn văn bản. Các tác giả biên soạn nên tham khảo ý kiến của các nhà văn, nhất là các nhà văn trong Ban nhà văn giáo dục (tránh sự cố như SGK Tiếng Việt 1 năm học 2020-2021).

Trong chọn lựa văn bản, chúng tôi đề xuất bỏ các văn bản nhật dụng. Văn bản nhật dụng khô cứng, không mang màu sắc văn chương, sao lại để phân môn văn học gánh chịu? Nhiều năm học qua, văn bản nhật dụng cũng là một nguyên nhân làm mất hứng thú dạy học văn. Những vấn đề bức thiết trong đời sống mà văn bản nhật dụng phản ánh lẽ ra nên đưa vào chương trình giáo dục công dân hoặc tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp.

- Hãy mạnh dạn từ bỏ kiểu khai thác ôm đồm, cơ học, nặng về kiến thức như SGK và SGV cũ. Môn văn khác môn học khác. Các kiến thức về văn học sử, về tác giả, thể loại, cùng với bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho người học sẽ được thẩm thấu, tích lũy tự nhiên. Văn là môn học nghệ thuật nên hãy tiếp cận văn bản dưới góc độ nghệ thuật. Dành đủ thời lượng để tổ chức hoạt động phân tích, đánh giá, bình hẩm điểm sáng nghệ thuật và giá trị nghệ thuật; hoạt động này không được vội vàng, không “cưỡi ngựa xem hoa”; hãy coi đây là hoạt động trọng tâm của tiết học, khơi dậy sự rung cảm, sự đồng cảm nghệ thuật giữa thầy - trò và tác phẩm. Từ đó hình thành năng lực thẩm mĩ cho học sinh – đó là kỹ năng tiếp cận thế giới nghệ thuật, là cách cảm, cách nghĩ riêng đối với tác phẩm văn học.

Trên đây là vài suy nghĩ hạn hẹp dưới góc nhìn trực tiếp của người dạy văn cơ sở với mong muốn góp thêm ý kiến vào việc đổi mới dạy học văn ở trường phổ thông trước ngưỡng cửa chu kỳ thay SGK mới.

Nguồn Văn nghệ số 45/2020 


Có thể bạn quan tâm