March 28, 2024, 8:35 pm

Đẩy mạnh truyền thông về Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”

 

Bộ Thông tin và truyền thông  vừa xây dựng kế hoạch Đẩy mạnh truyền thông về Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 nhằm tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Theo đó, mục đích đề án nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số; thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa.

Tuyên truyền về "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” và “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” hằng năm. Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền về gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; những gương sáng về tự học, tự học thành tài để lập thân, lập nghiệp tại các địa phương; Tuyên truyền vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân xây dựng, duy trì thói quen tự học, ý thức học tập suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân.

Cụ thể, về phương thức tuyên truyền, Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu xây dựng các chuyên mục về xã hội học tập; sản xuất các tin, bài, ảnh, phóng sự ký, trực tuyến media; multimedia (Enagazine, Infogaphic) đăng, phát trên báo điện tử; tăng cường các ký sự, phóng sự chuyên đề, các chương trình phỏng vấn, tọa đàm, hình ảnh phản ánh trên các hệ phát thanh, kênh truyền hình. Truyền thông thông qua các chương trình phát thanh trên hệ thống cơ sở truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác tại địa phương; thông tin trên bảng tin công cộng tại nơi đông người, tụ điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân; thông tin trên các bản tin, tài liệu không kinh doanh, các tài liệu tuyên truyền đặt tại điểm bưu điện - văn hóa xã; thông tin trên trang thông tin điện tử; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền lưu động ở cơ sở; tuyên truyền, vận động thông qua hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở….

Trong thời gian thực hiện, Bộ Thông tin và truyền thông cũng đề nghị các đơn vị xây dựng dự toán kinh phí, triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hằng năm của đơn vị theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.

Trước đó, ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" (Đề án). Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện Đề án. Quan điểm chỉ đạo trong Đề án chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

Duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng; xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp.

Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

NP  

Có thể bạn quan tâm