April 19, 2024, 4:57 pm

Dạy học Ngữ văn cho học sinh dân tộc thiểu số hiện nay

 

            Nâng cao chất lượng giáo dục dối với học sinh dân tộc nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trở thành một yêu cầu bức thiết, được xã hội đón nhận.Vấn đề chất lượng giáo dục của học sinh dân tộc luôn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Ðiều đó đòi hỏi toàn ngành Giáo dục và Đào tạo, mỗi nhà trường, thầy giáo, cô giáo cần có những giải pháp đổi mới hữu hiệu nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, vấn đề chất lượng dạy học đối với học sinh dân tộc và đặc biệt là chất lượng dạy học môn Ngữ Văn của học sinh dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay thu hút nhiều sự quan tâm tuy nhiên công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác giáo dục học sinh dân tộc trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo nền tảng thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc nhưng cũng còn gặp không ít khó khăn trong việc dạy học Ngữ Văn đối với học sinh dân tộc, xuất phát từ những lí do sau:

            Ngữ Văn là môn học thuộc phạm trù xã hội mang tính rộng lớn, đòi hỏi người học phải có vốn Tiếng Việt phong phú, giàu về ngôn từ, hơn nữa ngôn từ trong các tác phẩm văn chương mang tính thẩm mỹ và sự sáng tạo… và đối với các tác phẩm văn chương thường phong phú về thể loại, tái hiện nhiều vấn đề của đời sống xã hội và con người, trong các tác phẩm có nhiều phương thức sáng tạo của văn học thông qua sự hư cấu và cốt lõi của các tác phẩm, cách thể hiện và tất cả các nội dung đều phải thông qua ngôn ngữ.

Và Tiếng Việt là ngôn ngữ, nói đúng hơn là công cụ để tiếp thu kiến thức và trao đổi các thông tin với xã hội một cách thuận lợi hơn. Khi đến trường các em phải làm quen với một ngôn ngữ khác hoàn toàn tiếng mẹ đẻ nên trong quá trình học tập cũng gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng không ít đến chất lượng dạy học. Rào cản tiếng Việt đối với học sinh người dân tộc thiểu số ở khu vực vùng núi khi tiếp cận chương trình giáo dục quốc gia là vấn đề trở ngại. Tuy nhiên học sinh dân tộc cũng yêu thích môn Ngữ Văn nhưng hạn chế về ngôn ngữ (Tiếng Việt) nên chất lượng chưa cao. Đây là nỗi băn khoăn của nhiều thầy cô giáo dạy Ngữ Văn, thực tế hơn hiện nay có nhiều học sinh chưa thực sự yêu thích học Ngữ Văn và đó là những trở ngại lớn bởi môn văn có một giá trị đích thực mà các em chưa hiểu được, vì thế mà học sinh tiếp cận bài tác phẩm với tinh thần gượng ép nên chất lượng chưa cao.

Trong chương chương trình giảng dạy của bậc học Mầm Non và bậc Tiểu học đã chú trọng tổ chức thực hiện việc dạy Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và trên 6 buổi/tuần để học sinh có nhiều cơ hội cũng như thời gian giao tiếp bằng tiếng phổ thông với cô giáo và bạn bè, tăng cường tích hợp dạy Tiếng Việt trong các môn học, các hoạt động giáo dục, tăng thời gian luyện nói cho học sinh.

Thực tế nhiều trẻ mầm non dân tộc thiểu số lại chưa trang bị sẵn sàng tiếng phổ thông trước khi bước đi học lớp 1, do học sinh hạn chế về ngôn ngữ vì vậy trong quá trình học tập học sinh ngại giao tiếp, lười đọc tác phẩm, ngại tiếp cận với các tác phẩm văn học từ đó không khơi gợi, kích thích trong học sinh niềm say mê, hứng thú đối với chương trình văn học nói chung, các tác phẩm văn học nói riêng, cảm nhận về tác phẩm chưa phong phú, tâm hồn nghèo nàn.

 Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, đồng thời nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể theo lộ trình cần chú trọng chính sách "Ưu tiên, tôn trọng, giúp đỡ cùng phát triển giữa các dân tộc", xóa dần khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa "miền núi và đồng bằng", đòi hỏi công tác giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số phải tiếp tục được quan tâm, đầu tư hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Trước thực tế đó quá trình thực hiện chính sách phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số cần được quan tâm nhiều hơn từ chương trình sách giáo khoa, phương pháp giáo dục và dạy học đến chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Chính sách sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên dạy ở các vùng dân tộc thiểu số còn nhiều bất hợp lý, chưa thực sự tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút giáo viên có tâm huyết với nghề, với sự phát triển sự nghiệp giáo dục.

          Trong những năm qua việc tổ chức dạy học được các nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực trách nhiệm cao, có chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có phong cách sư­ phạm mẫu mực, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và phát triển chất lượng giáo dục của nhà trường.

             Xuất phát từ thực tế ở trên rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp ngành Giáo dục đầu tư cơ sở vật chất, công cụ, thiết bị dạy học cho học sinh dân tộc, đặc biệt là những vấn đề mới về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để giáo viên nắm bắt kịp thời những thông tin mới về tri thức trong chương trình sách giáo khoa mới. Nắm chắc lý luận về đổi mới phương pháp dạy học từ đó phấn đấu xây dựng trường học cho học sinh dân tộc thành đơn vị có chất lượng cao, thầy và trò có cơ hội để phát huy hết khả năng tư duy sáng tạo của mình.

 

Nguồn Văn nghệ 15/2019

 

 

 


Có thể bạn quan tâm