April 19, 2024, 10:15 pm

Đầu tư tác phẩm văn học nghệ thuật: Bỏ lượng lấy chất

Đưa ra những tiêu chí cụ thể trong lựa chọn đối tượng tham dự các trại sáng tác, từ đó quyết định đầu tư có trọng điểm để có được những tác phẩm đỉnh cao về văn học, nghệ thuật được xem là quyết tâm của Bộ văn hóa, Thể thao & Du lịch trong triển khai chuỗi hoạt động đầu tư sáng tác tại Trung tâm hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật những ngày đầu tiên của tháng 3/2021 vừa qua.

BỎ LƯỢNG LẤY CHẤT

Nếu như năm, mười năm trước đây, việc tổ chức các trại sáng tác văn học, nghệ thuật thường chú trọng đến số lượng và yếu tố vùng miền để mời các tác giả tham dự trại viết theo kiểu đến hẹn lại lên. Thì nay, những ưu tiên nói trên đã trở thành thứ yếu để thay vào đó là sự lựa chọn những cây bút tiêu biểu, có ít nhiều thành tựu văn học, nghệ thuật (ở quy mô cấp chuyên ngành), hoặc đang có những dự án ấp ủ (đúng với yêu cầu của đơn vị tổ chức trại sáng tác) cần được hỗ trợ để hoàn thiện. Nhờ sự minh bạch trong công tác tổ chức các trại sáng tác, mà tâm lý đi trại là để “an dưỡng, hội hè”  đã không còn tồn tại, thậm chí tình trạng những tác phẩm hoàn thành trong thời gian tham dự trại viết bị đắp chiếu đã ngày một giảm bớt, đem lại cái nhìn nhiều thiện cảm hơn đối với các trại sáng tác, vốn được xem là chất xúc tác cho hoạt động sáng tạo hiện nay.

Thông thường, đối với các đơn vị chủ quản, việc mở trại sáng tác là nhằm bù đắp vào sự thiếu hụt đề tài, kịch bản, hay tìm ra những cây bút có triển vọng đề bồi dưỡng chuyên sâu nhằm tạo ra lực lượng kế cận hùng hậu. Tuy nhiên, hình thức mở trại để bồi dưỡng các cây bút trẻ không nhiều, mà chủ yếu là các trại viết theo kiểu “mì ăn liền”, thiếu kịch bản là mở trại, thiếu tác phẩm tuyên truyền về các vấn đề chính trị, xã hội... cũng có thể mở trại viết. Vì vậy, việc xuất bản hay đưa tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng cũng trở nên khó khăn hơn do LượngChất không tỷ lệ thuận, chưa kể kinh phí dàn dựng, xuất bản (đối với kịch bản sân khấu, điện ảnh) vẫn còn là bài toán khó đối với nhiều đơn vị nghệ thuật, Nhà xuất bản hiện nay.

Theo Báo cáo của Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 quy mô và số lượng mở trại sáng tác của Hội đã bị thu hẹp và giảm xuống còn 9 trại sáng tác (4 trại thực tế và 5 trại sáng tác tại chỗ). Đánh giá về chất lượng tác phẩm, Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, đã có sự đa dạng về thể loại, nhiều tác phẩm (theo chuyên ngành hội họa) có chiều sâu, có giá trị nghệ thuật và có thể tham dự các triển lãm...

 Được xem là đơn vị có nhiều nỗ lực trong hoạt động chuyên sâu, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã khai thác triệt để chất xám của văn nghệ sỹ tại các trại viết với số lượng bình quân 2 trại viết/ năm, cá biệt có năm tổ chức 3 trại viết (dành cho kịch bản sân khấu thể nghiệm). Mở nhiều trại sáng tác, tổ chức các đợt thi để chọn tác phẩm xuất sắc đưa vào dàn dựng (sân khấu) và triển lãm (hội họa), là đích đến cuối cùng của các Hội chuyên ngành. Nhưng thực tế lại không như mong đợi, tác phẩm dù đoạt giải thưởng thì con đường đến với công chúng vẫn không hề dễ dàng. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sân khấu kịch Indecaf, hiện đời sống sân khấu đang thừa mứa kịch bản, trong khi sân khấu vẫn triền miên “khát” kịch bản hay. Muốn thay đổi, cần có nhiều buổi đối thoại giữa tác giả - người dựng - sân khấu để biết điều gì sân khấu đang cần.

Để có được những tác phẩm đỉnh cao theo đúng nghĩa, người viết kịch bản phải hiểu được thị hiếu khán giả, nắm bắt sâu sắc những chuyển động của đời sống xã hội, từ đó chắt lọc và hình tượng hóa đời sống thông qua những nhân vật trong kịch bản của mình, để từ kịch bản, qua bàn tay đạo diễn, diễn xuất của diễn viên trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh, ra mắt công chúng và được công chúng đón nhận. Đó chính là sự thành công của một kịch bản hay. Nhưng lâu nay, đời sống sân khấu nói riêng, nghệ thuật nói chung có rất ít những tác phẩm quý như vậy. Và vì thế, thay vì mở trại sáng tác theo định kỳ, nhiều Hội đã thu hẹp quy mô và giảm số lượng trại viết, chỉ mở trại và lựa chọn những cây bút có tiềm năng, những kịch bản thật sự có chất lượng để đầu tư, hoàn thiện. Đây được xem là hướng đầu tư có chiều sâu và đang được các Hội thực hiện.

ĐẦU TƯ THEO CƠ CHẾ ĐẶT HÀNG

Đặt hàng văn nghệ sỹ là cơ chế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xây dựng từ năm 2014 nhằm phát huy hiệu quả các trại sáng tác văn học nghệ thuật. Từ đó, cho ra đời những tác phẩm có chất lượng, phục vụ ngày càng tốt hơn cho dời sống tinh thần của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế này cũng không mấy suôn sẻ, thậm chí không muốn nói là giẫm chân tại chỗ do thiếu sự phối hợp liên ngành giữa hai bộ Tài Chính và Văn hóa, Thể thao & Du lịch về kinh phí thực hiện đầu tư. Chính vì vậy, để có được các trại viết và thu được sản phẩm theo đúng mục tiêu đặt ra, hầu hết các Hội chuyên ngành sử dụng hình thức xã hội hóa, và siết chặt đầu vào (đối tượng tham dự và đề cương của người tham dự trại viết) để quyết định mở trại. Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) và Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết thành công Chương trình phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021-2025. Với chương trình này nhiều văn nghệ sỹ và ngay cả bạn đọc cũng đang kỳ vọng, trong công tác quản lý và phát triển sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn học Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật các tỉnh, thành phố hoạt động theo định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ sáng tác cũng sẽ được chú trọng. Tiến trình sau ký kết, các bên sẽ xây dựng đề án “Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; tổ chức giải quốc gia về văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em; đặt hàng sáng tác văn học chất lượng, có chủ đề, nội dung cụ thể…

Đây là những tín hiệu vui đầu tiên về sự hợp tác theo chiều sâu của cơ quan Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch với Hội chuyên ngành, Hội Nhà văn Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của văn học nước nhà. Bởi, theo cơ chế phối hợp, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ chịu trách nhiệm giới thiệu và phổ biến những tác phẩm, công trình nghiên cứu về văn học xuất sắc; tạo điều kiện để độc giả tiếp nhận, hưởng thụ tác phẩm văn học; phối hợp đưa tác phẩm văn học giá trị vào nhà trường… Phía Hội Nhà văn Việt Nam cũng sẽ tham gia ban chỉ đạo, hội đồng giám khảo, hội đồng thẩm định, ban tổ chức các cuộc thi, liên hoan, các hoạt động khác thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Đầu ra cho sản phẩm vốn là nỗi lo của hầu hết các Hội chuyên ngành và bản thân mỗi văn nghệ sỹ. Và không phải ngẫu nhiên vần đề này lại trở đi trở lại tại hầu hết các hội thảo khoa học với câu hỏi: Làm thế nào để đưa các tác phẩm đến với công chúng, song chưa thực sự có được câu trả lời thỏa đáng.

Con đường để tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng hơn lúc nào hết rất cần những bà đỡ mát tay, nhất là những Mạnh Thường Quân (không đóng vai trò người quản lý) để có thể đầu tư những khoản kinh phí giúp các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, tổ chức các cuộc triển lãm, đưa tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng, dần lấp vào chỗ trống thiếu vắng những tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao trong đời sống tinh thần của người dân.

Nguồn Văn nghệ số 12/2021


Có thể bạn quan tâm