April 24, 2024, 2:08 am

Dấu tích người xưa

Tôi quen PGS.TS Trinh Năng Chung ở Viện Khảo cổ học Việt Nam sau những chuyến ông từ Hà Nội lên Tuyên Quang đi tìm dấu tích người Nguyên thủy. Hàng chục năm qua, anh đặt chân lên hầu hết các bản làng trên rẻo đất non cao này. Anh bảo, anh nợ tình cảm với người dân bản địa, nơi anh được sống hòa mình vào với tình người hồn hậu bên bóng núi. Họ đã giúp anh trong mỗi chuyến điền giã, thám sát và khai quật di chỉ khảo cổ.

Với vỏn vẹn một chiếc ba lô khoác vai, trong đựng tư trang và dụng cụ đồ nghề phục vụ công việc, thế là anh lại lên đường. Nói là đường chứ thực tế nó chỉ là những lối mòn, có chỗ rậm rạp, cây cối mọc um tùm, phải dùng dao phát cây ra mà đi. Đường rừng gặp nhiều đèo dốc, suối sâu, nguy hiểm không sao tả xiết. Nhiều chuyến luồn rừng, gặp cảnh mưa bão, đành phải dựng lán trú ngụ trong hang đá qua đêm. Đám muỗi, vắt nơi rừng xanh núi đỏ được dịp, lao đến mở tiệc hân hoan nơi da thịt người. Lặn lội bên cánh rừng đại ngàn đằng đẵng như thế, nhưng không phải chuyến đi nào cũng thành công. Có khi cả mấy ngày trời băng qua triền đá tai mèo sắc nhọn, ăn núi, ngủ rừng, rồi lại về tay không. Công việc cứ thế cuốn đi, có lúc khiến con người ta quên đi muôn nỗi lo toan của cuộc sống. Trước mặt vẫn luôn là những chuyến đi xuyên rừng để tìm ra cái gạch nối mỏng manh giữa quá khứ và hiện tại của hành trình người.

Nhớ lần trong một chuyến công tác, anh điện cho tôi, giọng như lạc đi:

- Hương lên Na Hang đi. Bọn anh vừa phát hiện ra di chỉ khảo cổ ở hang Phia Muồn, tiêu biểu lắm. 

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú 

Nghe anh nói vậy, tôi tất tả khăn gói để có chuyến lên với Na Hang. Từ thành phố lên đến bản Nà Lạ của xã Sơn Phú, chúng tôi bỏ xe lại và bắt đầu đi bộ. Nghe đâu, đoạn đường Nà Lạ vào đến hang Phia Muồn cỡ chừng sáu cây số đèo dốc. Cứ nghĩ đến đoạn đường ấy thôi là tai tôi đã muốn thở ra rồi. Cánh truyền hình tác nghiệp bao giờ cũng vất vả hơn cánh báo viết, luôn lỉnh kỉnh đồ nghề bên cạnh. Gặp địa bàn thuận tiện thì còn đỡ, chứ vác đồ nghề máy quay vượt đèo dốc như thế là cả một vấn đề. Cũng may, cánh trai đinh trong bản người Dao Nà Lạ thấy vậy đều xúm vào mỗi người một tay, thành ra chuyến vào Phia Muồn của chúng tôi nhàn hơn rất nhiều. Sau khi trao đổi ngắn, cả đoàn chia làm ba nhóm, hối hả lên đường. Nhóm người đi trước, gùi quẩy tấu, tay lăm lăm con dao phát dọn đường. Nhóm thứ hai thì khênh vác máy. Đi sau cùng là nhóm người đảm nhiệm công việc gùi thêm lương thực và thực phẩm để tiếp tế cho đoàn khảo cổ đang thực hiện công việc khai quật di chỉ người tiền sử trong hang đá Phia Muồn. Tuy chia ba nhóm, nhưng các nhóm chỉ đi cách nhau độ mươi bước chân. Chúng tôi cứ nhằm theo lối mòn của con đường rừng mà đi, nhiều đoạn gặp dốc đổ ngược đến tức ngực. Cả đoàn thấm mệt, rừng vẫn một màu xanh ngằn ngặt trên đầu, khiến những tia nắng gay gắt của mùa hạ không thể nào xuyên qua nổi lớp lá ken dày. 

Tôi hỏi:

- Phia Muồn có nghĩa là gì?

Cánh trai bản bảo: Theo phiên âm từ tiếng địa phương, Phia Muồn có nghĩa là ruộng cuối mùa. Thế mới biết, rẻo đất trên non ngàn này, mỗi địa danh được gọi tên đều mang ý nghĩa riêng của nó. Lúc ngang qua trảng ruộng xanh nõn nà, cánh trai bản kể, Phia Muồn là một hang động rất rộng, mang vẻ đẹp mê hoặc với những dòng nước chảy ngầm từ trong lòng hang ra. Qua bào mòn của thời gian, hang động này hình thành nên những nhũ đã có hình thù độc đáo. Một số hộ đồng bào trong bản khai phá tràn rộng dưới chân Phia Muồn, vào mùa thu hoạch, họ chuẩn bị thức ăn và dựng lán nghỉ lại trong hang, chờ đến khi thu hoạch lúa, phơi khô xong thì mới kĩu kịt gánh thóc về nhà. Cuộc sống cứ bám vào rừng xanh mà nuôi nhau qua biết bao nhiêu đời người.

Đi hết cái tràn ruộng cuối cùng, rồi lội qua khúc suối nhỏ trước mặt, chúng tôi chạm vào hang Phia Muồn. PGS.TS Trình Năng Chung và cả đoàn khảo cổ đang lúi húi ở ngay lối vào cửa hang. Cả đoàn có đến mấy chục con người. Ngoài số cán bộ đến từ Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh, còn có thêm người dân bản địa tham gia giúp những công việc lặt vặt. Mỗi người một việc, họ vừa làm vừa nói chuyện ran lên, như xua đi vẻ u tịch, huyền bí của đại ngàn. Thấy tôi, anh Chung mừng lắm. Anh ngừng tay, quay lại nở nụ cười tươi rói, rồi vội vã kéo tôi đến trước một hố rộng cỡ một gian nhà, đất đá ở đấy đang được đào bới tung lên, sâu lút đầu người.

- Công việc khai quật đang được tiến hành khẩn trương. Theo nghiên cứu bước đầu cho thấy, các lớp văn hóa ở đây thuộc văn hóa Hòa Bình, giai đoạn muộn, niên đại kéo dài từ khoảng sáu đến bảy nghìn năm về trước đấy.

Tôi lặng lẽ quan sát mọi người trong đoàn khảo cổ đang tất bật làm việc. Tiếng nói cười lan xa cả một khu rừng rộng, ẩm ướt. Cánh phụ nữ thì đảm nhiệm công việc đưa đất từ khu vực khai quật di chỉ khảo cổ đổ lên cái sàng đan mắt cáo. Toàn bộ phần đất này chảy qua sàng, rồi trút xuống đất, phía trên mặt sàng lộ ra hiện vật di chỉ còn sót lại. Cánh đàn ông ở Viện Khảo cổ thì tay lăm lăm cái bay nhỏ, lặng lẽ lật tìm trong từng thớ đất nơi lòng hang. Công việc đã mấy ngày nay của họ diễn ra đều đặn như vậy. Tôi lặng lẽ đứng quan sát, lòng rộn lên bao điều mà như thấy cả quá khứ tổ tiên của người Việt cổ đang hiện về. Bất chợt, tôi nhìn lên cái vòm hang như cái phễu đang phình ra, nom như muốn nuốt chửng cả mấy chục con người vào trong cái miệng xám lạnh ấy. Phía trên đầu, rừng lào xào tỏa bóng, mang theo hơi lạnh toát ra từ trầm tích đá và những ngọn gió đi hoang. Nằm sâu trong cánh rừng già với nhiều động, thực vật vô cùng phong phú, hang không sâu, hầu hết phần phía cửa hang đều nhận được ánh sáng tự nhiên. Trên bề mặt cửa hang, PGS.TS Trình Năng Chung và đoàn khảo cổ đã tiến hành đào một hố rộng cả chục centimet. Anh Chung khẳng định, đây là địa bàn cư trú của người nguyên thủy. Những chứng tích cho thấy, trong lớp đất của toàn bộ lòng hang đã từng tồn tại hai lớp văn hóa nằm chồng trực tiếp lên nhau và không có khoảng phân cách. Trong đó, lớp văn hóa sớm nằm ở phía dưới, có chứa nhiều tàn tích thức ăn, bao gồm xương, răng động vật là những loài thú nhỏ, cùng vỏ nhuyễn thể núi. Đặc biệt, trong lớp văn hóa sớm ở hang Phia Muồn, còn tìm thấy vỏ nhuyễn thể biển, là loài ốc Cypereaarabica. Điều đó cho thấy, mối quan hệ giữa cư dân cổ ở đây với cư dân vùng biển đã diễn ra từ rất sớm.

Việc phát hiện những vỏ nhuyễn thể biển lần này là trường hợp khá hi hữu trong các di chỉ khảo cổ học ở Việt Nam. Một số di vật đá, bao gồm những công cụ rìu ngắn, công cụ hình bầu dục được chế tác từ đá cuội sông, suối cũng được tìm thấy ở đây. Ngoài lớp văn hóa sớm, trên bề mặt hang Phia Muồn là lớp văn hóa muộn, với độ dày không đồng nhất, có chứa nhiều tàn tích thức ăn của người tiền sử để lại. Những tàn tích thức ăn ấy bao gồm xương, răng động vật, vỏ nhuyễn thể suối, dấu tích than tro, đồ gốm, cùng những chiếc rìu đá và dao đá được mài nhẵn toàn thân. Những mảnh gốm được phát hiện khá dày, được nặn bằng tay, có độ thô ráp, với lối trang trí hoa văn thừng độc đáo. Đặc biệt, tại hang còn tìm thấy vật thổ hoàng màu đỏ, vật dụng người tiền sử dùng để bôi lên cơ thể người chết. Bằng kinh nghiệm và luận cứ khoa học, anh Chung giải thích: Người tiền sử họ quan niệm rằng, màu đỏ tượng trưng cho sự sống vĩnh hằng. Đồng thời vật dụng này cũng được người tiền sử bôi lên vật dụng hàng ngày, hoặc được bôi lên cơ thể người sống trong lối tư duy về cái đẹp hết sức nguyên sơ.

Những cánh rừng Phia Muồn vẫn một màu u tịch, chỉ có tiếng gió đi hoang hòa lẫn với tiếng nước chảy róc rách dội về từ con suối dưới chân núi. PGS. TS Trình Năng Chung kéo tay tôi đến một khu đất có màu khác hẳn với màu đất trong tổng thể hố khai quật. Chỗ ấy đất có màu nâu xỉn, gồ lên mấp mô. Anh đứng lặng, chắp hai tay trước mặt, vẻ rất thành kính. Đoạn, khẽ khàng nói:

- Đây là nơi phát lộ mười hai di tích mộ táng của người Nguyên thủy. Các ngôi mộ táng này đều nằm trong lớp văn hóa sớm đấy Hương ạ.

Tôi lặng lẽ chắp tay theo PGS.TS Trình Năng Chung và ngẩn người quan sát. Lòng chợt gợn lên bao điều về mối quan hệ giữa thiên nhiên hoang dã với địa bàn cư trú mà tổ tiên của người Việt cổ xưa đã từng sinh sống trong tiến trình hình thành và phát triển. Tám nghìn năm trước, rừng Phia Muồn đã nuôi sống tổ tiên chúng ta, rồi rừng Phia Muồn cũng mang tổ tiên chúng ta trở về nằm lại bên thẳm xanh của đại ngàn. Trong nỗi xúc động trực diện, dường như đang có chút lạnh từ trong lòng tôi dâng lên. Những ngọn gió hoang vẫn theo hơi ẩm của lòng hang mà dội về. Sự trầm mặc, u tịch của cảnh sắc thiên nhiên cứ thế kéo lòng tôi chùng xuống. Đã nhiều chuyến theo chân anh Chung đi tìm dấu tích của người tiền sử, nhưng lần vào hang Phia Muồn lại khiến tôi bồi hồi xúc động nhất. Những di cốt của người tiền sử cách nay cả nghìn năm vẫn được bảo lưu trong lớp đất đá và trầm tích thời gian, được xếp cạnh nhau một cách ngay ngắn. Tất cả đều trong tình trạng bán hóa thạch bởi sự tác động của thời gian.

Tôi cứ đứng lặng như thế, dõi mắt nhìn về khoảng đất nâu xỉn ngay trước mặt mà thấy cả nhịp sống xa lắc hiện về. Nó vừa mơ hồ, mỏng mảnh như sương khói, vừa hiện hữu như cái thảm rừng xanh đang trải ra mênh mông kia, tưởng như có thể chìa tay là nắm được. Cuộc sống của người Nguyên thủy xưa thật giản đơn đến nhường nào. Họ chọn những hang đá rộng, nằm dưới tán rừng làm nơi trú ngụ, rồi sinh con đẻ cái. Các thế hệ nối tiếp nhau đều như vậy. Họ lấy phương thức săn bắt, hái lượm làm kế sinh nhai. Việc phát hiện ra các di chỉ khảo cổ là điều vô cùng quý giá. Ngay như di chỉ hang Phia Muồn đã khẳng định rõ ràng hơn về điều quý giá ấy. Dựa vào cách thức táng tục và đồ tùy táng kèm theo cho thấy, những di tích mộ thuộc lớp cư dân cổ Hòa Bình muộn. Họ đã chôn cất người chết ngay trong di chỉ theo táng thức nằm nghiêng, co chân, tay có đặt đá phủ lên trên. Tiếp nối lớp văn hóa sớm, sau này lớp văn hóa hậu kỳ đá mới vẫn tiếp tục chôn người chết xuống phía dưới lớp cư trú Hòa Bình, nhưng với loại táng thức khác, đó là việc đặt người chết theo tư thế nằm ngửa, duỗi tay chân và có kè đá xung quanh. Cách táng tục mộ kè đá này là hiện tượng hiếm gặp trong các di chỉ hậu kỳ đá mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi vui mừng nhất trong đợt khai quật di chỉ hang Phia Muồn lần này không chỉ là việc phát lộ hàng trăm di vật khảo cổ mà lại là các di tích mộ táng của người tiền sử. Điều đó lý giải về nguồn gốc tổ tiên mà Na Hang được xem là cái nôi của người Việt cổ xưa.

Công việc khai quật tại hang Phia Muồn của đoàn khảo cổ vẫn đang diễn ra hết sức khẩn trương. Khi đã gần trưa, mọi người ngừng tay, chuẩn bị dùng bữa để nạp thêm năng lượng sau một buổi lao động vất vả. Cánh cấp dưỡng cũng kịp bày thức ăn ra mâm, mùi thơm tỏa dâng ngào ngạt. Thời gian ở đây rất khó xác định, bởi những bóng cây cổ thụ đan vào nhau, tỏa bóng xuống mặt đất, khiến ánh nắng không thể nào lọt qua được. Tôi lặng lẽ theo đoàn người bước vào cái lán nhỏ, được dựng lên ngay cạnh cửa hang. Nó nhỏ bé, tuyềnh toàng. Chỉ có mấy cây gỗ tạp to cỡ cổ chân được cắm thẳng xuống đất. Trên lưng khúc gỗ ấy được buộc thêm những khúc gỗ khác, nút buộc bằng lạt tre, có nhiệm vụ gồng gánh toàn bộ cái sàn nứa mà đoàn khảo cổ dùng để nghỉ ngơi, ăn uống trong quãng thời gian thực hiện công việc khai quật. Bữa cơm cũng tạm bợ, chỉ có rau rừng, kèm theo đĩa thịt lợn mà đám trai bản Dao Nà Lạ mới gùi vào sáng nay. Tất cả đều đói và mệt, nên bữa cơm dưới cái thẳm xanh của đại ngàn càng trở nên ngon hơn. Mọi người vừa ăn, vừa nói chuyện ran, hòa lẫn vào tiếng gió hú và tiếng nước suối rì rào chảy dưới chân núi. PGS. TS Trình Năng Chung kéo tôi ngồi xuống bên cạnh. Trong bữa cơm, anh kể cho tôi về cuộc đời anh và những kỷ niệm của anh suốt quá nửa đời làm khoa học. Chính những câu chuyện của anh lại như nhen lên trong lòng tôi ngọn lửa của thử thách và cả ý chí vượt qua muôn nỗi nhọc nhằn của cuộc sống. Chỉ có ý chí và khát vọng mới giúp con người hướng đến những điều lớn lao, tốt đẹp đang chờ đợi ở phía trước.

- Mình già rồi. Cả đời mình luôn gắn bó với rừng. Cứ đi miết thế, thành ra quen. Nhiều khi sau chuyến đi dài ngày từ rừng trở về nhà, lại thấy các đồ vật trong nhà trở nên lạ lẫm. Mình rất yêu công việc đang làm. Nó giống như một duyên nợ ấy. Với Na Hang, mình đến đã nhiều lần rồi, lần nào cũng đầy ắp bao nhiêu kỷ niệm. Chuyến đầu tiên mình lên là thời điểm sông Gâm, sông Năng chưa được chặn thủy. Chuyến ấy bọn mình lên khai quật di chỉ hang Phia Vài. Bọn mình đã khóc khi chạm vào các di vật ở đây, bởi nó là địa bàn cư trú liên tục của cư dân tiền sử, với di tích mộ táng bán hóa thạch của người cổ Hôm sapiens, có niên đại cách nay mười hai nghìn năm. Điều mà bọn mình chú ý là di chỉ mộ táng ở Phia Vài đã đem lại nhận thức mới về táng thức thô sơ. Đó là nghi thức khâm liệm bằng cách đặt vỏ ốc vào hốc mắt người chết, với mục đích là làm cho người chết đẹp hơn, sống động hơn. Bằng lập luận khoa học, bọn mình đã chứng minh được người tiền sử tại hang Phia Vài mang chủng tộc Monggoloid đầu tiên ở Việt Nam.

Giọng PGS.TS Trình Năng Chung có lúc như chùng xuống, lúc lại trở nên sôi nổi khi anh nói về các di tích khảo cổ. Dường như cái nghiệp nó thế. Có lần anh bảo, cứ chạm vào nghiệp mà anh đeo đuổi suốt mấy chục năm qua thì nó lại như thước phim trở về sống lại quãng đời đi tìm dấu tích của người xưa trên suốt một rẻo núi non của Tổ quốc. Chúng tôi vừa nói chuyện, vừa nhấm nháp chén rượu ngô men lá. Hơi rượu cay nồng, khiến tôi chếnh choáng. Bên tai tôi vẫn là tiếng của anh Chung, trầm đục và sôi nổi.

- Hương biết không, trước đây theo quan niệm khảo cổ học cho rằng, nguồn gốc dân tộc Việt là nguồn gốc ngữ hệ Ấn- Âu di cư đến và tiến hóa thành các chủng tộc Việt sơ khai. Tuy nhiên, qua việc phát hiện di cốt bán hóa thạch ở hang Phia Vài đã cung cấp bằng chứng về mặt nhân chủng học. Rằng, các tộc người Việt trước đây được hình thành và phát triển tại chỗ, sau đó theo quá trình mà hình thành nên Nhà nước của riêng mình. Đây là hiện vật thực sự tiêu biểu không chỉ đối với Việt Nam mà còn tiêu biểu đối với cả khu vực Đông Nam Á đấy. 

Giờ thì anh đã nghỉ hưu, nhưng năm nào anh cũng có từ một đến hai chuyến lên Xứ Tuyên. Lên Tuyên là anh lại điện cho tôi, giọng vẫn ấm và đầy chất hào sảng. Đầu năm nay anh lại điện, bảo tôi bố trí thời gian đi Na Hang với anh một chuyến. Tôi bận công việc cơ quan nên không đi được, nên tiếc cho một chuyến đi trải nghiệm và khám phá sự huyền bí trong lớp đất đá ở Na Hang. Những cái tên Phia Vài, Thẩm Choóng, Phia Muồn… nơi phát lộ dấu tích cư trú của người Nguyên thủy thì vẫn còn vẹn nguyên trong lòng tôi nóng hổi. Điều đó khiến tôi tự hào về vùng đất quê hương mình, với tiềm năng khai quật các nền văn hóa cổ, có niên đại kéo dài liên tục, cách chúng ta ngày nay từ bốn nghìn đến mười hai nghìn năm. Anh Chung bảo: Trong tiến trình phát triển, tỉnh Tuyên Quang nói chung và huyện vùng cao Na Hang nói riêng được các nhà khảo cổ học Việt Nam xem là một trong số ít những địa phương trong cả nước phát hiện di cốt một táng, cùng hàng nghìn hiện vật thuộc nhiều giai đoạn khác nhau.

Nghe anh nói vậy, tôi chỉ gật đầu, rồi im lặng. Bởi nói gì thì nói, với lĩnh vực khảo cổ học, tôi chỉ là người ngoại đạo. Nhung tôi cũng lờ mờ hiểu ra phần nào công việc anh đóng góp cho khoa học. Anh vẫn lọ mọ từ Hà Nội lên Tuyên Quang lần tìm thêm dấu vết để lại của người tiền sử. Vẫn lại những chuyến xuyên rừng dài ngày, đôi chân có thể bị rách tướp bởi trèo qua triền đá tai mèo sắc nhọn. Vẫn lại những đêm trằn trọc không ngủ dưới bóng tối bao trùm của đại ngàn, mang theo hơi lạnh của những ngọn gió đi hoang, hay những cơn mưa hối hả. Vẫn lại những bữa cơm đạm bạc, ăn vội vã trong căn lán nhỏ tuyềnh toàng đến mức tối giản nơi mép núi. Nghĩ đến chặng đường trên hành trình dài dằng dặc của anh, tôi lại thấy như có ngọn lửa của tổ tiên người Việt cổ đang được thắp lên ấm áp. Ngọn lửa ấy như tấm màn được vén ra, sáng bừng lên, dẫn dắt anh đi xuôi về quá khứ của những hành trình người. 

Nguồn Văn nghệ số 36+37/2022


Có thể bạn quan tâm