March 28, 2024, 6:58 pm

Dấu son mới của một nghiệp văn

1.

Tôi đọc, và đọc. Đầu vẫn nghĩ đọc chơi, đọc thử một hai trang. Vậy mà rồi cặp kính lão cứ ruổi theo con

chữ, ruổi theo bước chân của Quyền chủ tịch tỉnh tên là Nguyễn Trí và viên Thư ký trẻ tuổi có tên là Tùng. Hai người vừa rời khỏi cuộc mít tinh mừng ngày lễ Độc lập ra bờ hồ Sâm Cầm trò chuyện, rồi cùng đắm mình tưởng tượng về một quần thể nhà cao tầng với biểu tượng hình đôi chim sâm cầm quấn quít đêm đêm rực rỡ dưới ánh đèn, sẽ mọc lên trên khu đầm lầy rậm rì cỏ lác và những bụi cây tầm ma, với từng bãi tha ma rải rác cùng những vạt hoa xuyến chi trắng ngần…

Và, đúng lúc ông chủ tịch tỉnh tương lai đang mơ đến viễn cảnh tươi đẹp ấy, thì những bông hoa xuyến chi thầm nhắc ông ta niệm hoài về một ký ức tình yêu. Nhưng rồi trớ trêu, một sự kiện chính trị nghiêm trọng sắp xảy ra ập vào tai ông, kéo ông trở lại với con người trách nhiệm của mình, với những đối thoại càng lúc càng gay gắt, quyết liệt với Chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh, tỏ rõ bản lĩnh cương quyết của người đứng đầu cơ quan công quyền cấp tỉnh tương lại, khi ông ra lệnh cho Chánh văn phòng không được lộ tin tức cho bất cứ ai, kể cả bên Tỉnh ủy và Công an tỉnh. Chừng như để cho kín kẽ, ông nói với Chánh văn phòng và cũng là nói với chính mình, rằng nếu cần thiết ông sẽ trực tiếp điện cho Bí thư Tỉnh ủy và gọi thẳng cho Giám đốc Công an tỉnh! Rồi ông quyết định tự mình cùng thư ký Tùng cất ô tô, đèo nhau bằng xe máy xuống trại Đạo Cường – nơi được Chánh văn phòng báo cáo là dân công giáo đang tụ tập để kéo nhau lên tỉnh biểu tình.

Và, thế là hai thầy trò Trí, Tùng sau khi thay quần áo, dắt xe máy ra lên đường… Nhưng không may xe máy hỏng. Hai người đi nhờ xe công nông đầu ngang của Nguyễn Chí Nguyện – một con chiên của chính trại Đạo Cường để về “lò thuốc súng” mang nhãn mác Đạo Cường…

Vậy là vào cái tôi không chỉ đọc chơi, đọc thử vài trang tiểu thuyết Nền móng của Nguyễn Nhuận Hồng Phương, mà tôi đã “ngốn” một lèo hai “mục” truyện dài ngót 40 trang in khổ sách 14x20 do lối dựng truyện sinh động, tốc độ nhanh, lại ẩn chứa thủ pháp truyện trinh thám của tác giả. Khá lắm, lại thêm tiền đề cho một dấu son mới trên hành trình văn chương đã rõ! Tôi lau nhanh hai mắt kính, thầm nhắc với tác giả quyển tiểu thuyết thứ 7 của ông vừa ra mắt bạn đọc.

2.

Cuộc vi hành bất thường của ông quan đầu tỉnh tương lai của tỉnh Phúc Vinh đã dẫn dụ người đọc vào một trận chiến không tiếng súng nhưng rất quyết liệt, giữa một bên do Bùi Phẩm - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, một cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh có “sỏi” trong đầu, mà cả tuổi đời, tuổi Đảng đều vượt trội so với Nguyễn Trí, và do vậy, ông ta cũng muốn đạt lấy cái ghế chủ tịch tỉnh, không để Nguyễn Trí được ngồi vào đó. Nếu mưu sự mà thành, Bùi Phẩm không những chỉ được là người đứng đầu cơ quan Hành pháp mà còn nghiễm nhiên có thêm cái ghế Phó bí thư Tỉnh ủy. Chưa hết, ông ta còn giấu nhẹm được tội lỗi từ Nhiệm kì trước, giữ yên được số của cải, tiền bạc do thủ đoạn gian manh mà có, trong khi cựu Chủ tịch Trần Kha đang phải ngồi chơi xơi nước chịu tội thay tất cả. Cánh tay đắc lực của ông ta đã nối dài xuống tận trại Đạo Cường, nơi Hà Xuân Hương – Chủ tịch xã Đạo Cường cầm đầu. Trong khi đó, bên chống lại phái “tiêu cực” của Bùi Phẩm do Nguyễn Trí đứng đầu, lực lượng có vẻ đông đảo, đủ mọi thành phần, lứa trẻ tuổi hăng hái nhiệt tình thì có Thư ký Tùng và Bảo Thoa bạn gái của cậu ta; ở lứa tuổi trung niên, gồm các cựu chiến binh và các bạn đồng môn thời Đại học cùng Nguyễn Trí. Quan chức ở các cơ quan thì có Phó chủ tịch ủy ban tỉnh phụ trách khối Văn – Xã và nữ Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; thêm Giám đốc Công an tỉnh. Thành phần luống tuổi có Bí thư Tỉnh ủy Trần Quyết; cựu Chủ tịch tỉnh Trần Kha đang ngồi chơi xơi nước chờ xét kỷ luật. Đông đảo nhất là nhân dân ở khu phố nơi có chiếc giếng cổ nằm giữa trung tâm thành phố, và cụ Trùm cùng với bà con giáo dân ở trại Đạo Cường, khi họ được Nguyễn Trí - bằng lời nói và việc làm có tâm, có tầm thuyết phục. Lực lượng tương quan so sánh xem ra bên Nguyễn Trí áp đảo và cầm chắc phần thắng. Nhưng, thực tế không dễ thế! Tất cả lực lượng xã hội này chỉ đứng về phía Nguyễn Trí, một khi anh chứng tỏ được anh là người thật sự lo cho tỉnh Phúc Vinh trở nên giàu có, không mắc vào chuyện tư túi cho riêng anh và gia đình, và trong công việc cũng chứng tỏ rằng anh đủ tài – trí xứng đáng làm người đứng đầu tỉnh Phúc Vinh.

Không kể cuộc vi hành thắng lợi ngay sau Quốc khánh về trại công giáo Đạo Cường thuyết phục được cụ Trùm và bà con giáo dân không kéo nhau lên tỉnh, và sau đó đồng ý dời chuyển đến chỗ định cư mới, nhường đất cho tỉnh làm khu công nghiệp, thì có bốn sự kiện Nguyễn Trí chứng tỏ được tài năng và bản lĩnh của mình. Sự kiện thứ nhất: Thuyết phục được sư trụ trì Am Cổ Chân và bà con dân phố dịch chuyển chiếc giếng cổ để mở thông con đường huyết mạch mang tên cố Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim chạy giữa thành phố. Hai là: Đấu tranh thắng lợi trong cuộc họp bất thường của Thường vụ Tỉnh ủy. Ba là: Ngăn chặn, giải quyết thành công vụ việc những người dân ở Đạo Cường bị kẻ xấu kích động bắt giữ đoàn cán bộ xuống địa bàn thị sát nơi xây dựng tổ hợp sản xuất vật liệu. Bốn là: Tổ chức thành công hội nghị tiếp xúc, kêu gọi các Doanh nhân ngoài quốc doanh đầu tư vào khu công nghiệp Tam Thiên. Bốn sự kiện lớn ấy vừa chứng tỏ năng lực của Quyền chủ tich tỉnh Phúc Vinh, và cũng chứng tỏ một tài năng xây dựng và miêu tả sự kiện của nhà văn. Ở Nền móng Nguyễn Nhuận Hồng Phương đã thật sự vượt qua được cái rất khó này. Ông dựng, ông tả lại hai hội nghị quan trọng, mỗi hội nghj rất khác hẳn nhau, nhưng cả hai đều trọn vẹn, hấp dẫn, cả hai đều là những Cơlip quay bằng bút (bằng chữ viết) sống động và rất thành công.

Cùng với thành công của hai đại cảnh, trong Nền móng, các nhân vật nhất là những nhân vật trung gian – cũng được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, khiến người đọc nhận ra ngay tầm vóc, tinh cách qua cách ứng xử, ngôn ngữ (lời ăn tiếng nói) và những nghĩ suy… làm hiện rõ chân dung từng người đúng với cương vị của họ, cho dù tác giả rất ít, thậm chí không bỏ công sức miêu tả ngoại hình nhân vật. Thêm nữa, những trang viết về Phật giáo, Ki tô giáo với các đoạn dẫn Kinh thánh luận về các vấn đề Đạo và Đời chuẩn, thích hợp và hay.

3.

Tôi gặp nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương giữa năm 2001. Bấy giờ tôi đang được làm Phó Tổng biên tập Thường trực Tạp chí Văn nghệ Công nhân của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Một bữa, Hồng Phương tìm vào văn phòng Tòa soạn Tạp chí. Gặp tôi rụt rè đưa một bản thảo truyện ngắn. Tôi ngắm dung nhan công tác viên mới: Cao, to, vạm vỡ từ đầu đến chân. Gương mặt khắc khổ, rất từng trải. Rất ít nói, như con gấu thu mình. Nộp bản thảo xong, tần ngần một thoáng, rồi xin phép về. Tôi trao bản thảo truyện ngắn cho nhà văn Trần Dũng – bấy giờ là Tổng biên tập NXB Lao Động, nhưng nhận biên tập phần truyện cho tạp chí. Sáng sau, Trần Dũng gặp tôi, vui vẻ: “Này, truyện của tay gì viết được đấy, ông ký in Tạp chí đi”. Tôi ký liền. Tạp chí in ra, tôi điện cho Hồng Phương, anh xuống liền, nhận báo và lại đưa cho tôi bản thảo mới. Lần này tôi trực tiếp đọc, biên tập. Vẫn thấy truyện ổn, in được. Rồi truyện thứ 3, thứ 4, thứ 5… và Nguyễn Nhuận Hồng Phương thành tác giả không còn mới nữa của Tạp chí. Nhà văn Trần Dũng bàn với tôi bảo Phương tập hợp các truyện để in thảnh tập. Một tuần sau Phương đưa cho tôi cả xấp bản thảo dày, gồm tập truyện ngắn Trong rác không có rác và bản thảo tiểu thuyết Đồng vọng ngược chiều. Tôi vẫn nhớ cảm giác khi đọc tiểu thuyết Đồng vọng ngược chiều. Đó là cái cảm giác lạ lùng về một cuốn tiểu thuyết đầu tay của một tác giả mới toe, mà qua tiếp xúc, thấy rõ là người có bề dày về đời sống nhiều hơn là bề dày kiến văn. Vậy mà sao anh ta viết được một tiểu thuyết mấy trăm trang với bút pháp mới lạ thế này? Nhân vật chính của truyện viết kỹ, từ lúc hoài thai trong bụng mẹ cho đến lúc trưởng thành, qua bao quăng quật của cuộc đời, với quê hương và với nhân vật, sự sống động hiển hiện trước mắt người đọc… Ấy là bởi người viết lấy trường Đời làm trường Đại học để làm vốn viết văn...

Với tôi, Đồng vọng ngược chiều là dấu son thứ nhất của Nghiệp văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương.

Thời gian trôi đi. Năm nay đã là năm thứ 21 kể từ sau lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Theo năm tháng, nhà văn sống vùng đất cổ trung du này đã viết và đưa in thêm được 6 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn nữa. Không kể kịch bản phim truyền hình cùng tên 17 tập chuyển thể từ tiểu thuyết Vận may, thì Nền móng chính là cuốn tiểu thuyết thứ 7 và là văn phẩm thứ 11 của nhà văn. Khi nhận xét về Nền móng, ở phần trên trong bài này tôi đã viết nhiều, giờ viết thêm để nhấn tới hai ý quan trọng. Về nội dung: Nền móng đề cập đến một vấn đề hệ trọng mang tính nguyên lý của tất thảy mọi sự ở đời và con người đã có nhiều tổng kết. Với cá nhân con người thì: Hãy đứng bằng đôi chân và cái đầu của mình. Với tự nhiên: Gốc có vững cây mới tốt (bền). Với xã hội: “Cán bộ nào phong trào ấy” (Lời Bác Hồ). Giờ đến lượt nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương đưa ra một định đề: Cán bộ tốt là nền móng của tổ chức xã hội. Ý tưởng không mới và không chỉ mình nhà văn biết. Không sao! Vấn đề là viết thế nào để người đọc bị lôi cuốn vào cái nội dung chủ đề không mới ấy. Ở dấu son thứ nhất, do bút pháp đồng hiện mới mẻ, sinh động của Đồng vọng ngược chiều làm nên. Ở tiểu thuyết Nền móng này, nhà văn viết theo bút pháp cổ điển, tức là không có gì mới về bút pháp, vấn đề của tiểu thuyết (nội dung, chủ đề) cũng không mới, vậy mà theo tôi, Nền móng thật sự là dấu son thứ hai của Nghiệp văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Vậy cái gì làm nên dấu son lần này? Phải chăng trên kia tôi phần nào tôi đã kể ra, đó là kể chuyện tốc độ nhanh, dựng truyện sinh động (đặc biệt là ba đại cảnh) kết hợp với sử dụng thủ pháp viết truyện trinh thám – hình sự (hoạt động của Bùi Phẩm và Hà Xuân Hương qua điện thoại, qua cuộc hẹn gặp nhau ở hồ câu ngoại thành Hà Nội…) đã làm nên thành công của Nền móng và đặt thêm một dấu son trên hành trình văn chương của nhà văn.

Nguồn Văn nghệ số 12/2022


Có thể bạn quan tâm