April 16, 2024, 8:24 pm

Dấu mốc mới trên một hành trình tiều thuyết

Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.

Thực chất đây là cuộc trốn chạy của cha con họ Trịnh khỏi thị xã An Phước, nơi vừa diễn ra cuộc Cải tạo công thương nghiệp Tư bản tư doanh mà hậu quả là vợ Trịnh Huệ treo cổ tự tử và ngôi nhà hai tầng xây kiểu nhà Tây của họ ở ngay góc ngã tư đẹp nhất thị xã đã bị tịch thu cùng toàn bộ đồ đạc trong nhà. Nhưng khốn thay, chạy trốn không thoát được số phận, ngỡ rời nơi phố phường về quê nội sẽ được yên thân, và cái chính là thầy thông Huệ (như bao năm người đời thường gọi) muốn đứa con trai trong trắng, thơ dại của mình khỏi bị ám ảnh bởi những gì vừa diễn ra, nào hay, chân ướt chân ráo về đến quê hương Hạ Lỗi, ông mới biết chính nơi đây cũng vừa trải qua một sự kiện và tầm mức còn lớn hơn nhiều lần sự kiện Cải tạo Công thương nghiệp Tư bản tư doanh ở thị xã An Phước. Đó là cuộc Cải cách ruộng đất nhằm đánh đổ giai cấp bóc lột địa chủ cường hào để đem lại ruộng đất cho nông dân, mà kết quả là địa chủ ác bá Trịnh Biên – em trai thông Huệ bị đấu tố, bị xử bắn; tá điền Nguyễn Văn Bao được đưa lên làm Chủ tịch Ủy ban xã Hạ Lỗi, còn vợ ông ta có tên là Mụ Ở (từng là người ở để giúp việc nhà và bế ẵm cậu bé Trịnh Hạ của vợ chồng thông Huệ) do có công hăng hái đấu tố không kém chồng nên được cất nhắc làm Tổ trưởng Tổ đổi công, sau đó làm Đội trưởng Đội sản xuất khi Hạ Lỗi xây dựng Hợp tác xã Nông nghiệp. Là cầu nối trong quan hệ giữa bố con Trịnh Huệ, Trịnh Hạ với vợ chồng Chủ tịch Nguyễn Văn Bao và Mụ Ở là Tâm khịt – một thằng bé mồ côi, không quê quán, dạt đến Hạ Lỗi, ngày đêm tá túc ở điếm canh đê, sống vạ vật bằng nghề săn bắt chuột và nhái. Trẻ con nhưng nhanh nhẹn, lại hăng hái tham gia cổ động và hô hào đấu tố trong Cải cách nên khi Cải cách kết thúc, Tâm khịt được bà Gái – Đội trưởng Đội Cải cách, sau đó là Bí thư chi bộ Hạ Lỗi, bảo lãnh để Tâm được chính thức là dân Hạ Lỗi. Sáu con người – bốn người lớn và hai đứa trẻ con – của màn Giáo đầu dài 26 trang bản thảo, tương đương trên 60 trang in, sẽ là những nhân vật chính chạy suốt Tấn kịch ở Hạ Lỗi dài hơn 400 trang in với những câu chuyện buồn vui lắm nỗi, lạ lùng và níu kéo người đọc đến tận trang sách cuối cùng…

Thiên tiểu thuyết kết thúc có hậu: Kẻ gian ác đã phải chết trong đau khổ. Mọi khúc mắc đều được giải tỏa bằng chính suy nghĩ và ứng xử có tình có nghĩa của các nhân vật. Gấp sách lại, ngẫm nghĩ kỹ về Tấn kịch ở Hạ Lỗi, xem đằng sau câu chuyện với kết thúc có hậu có thể nói là trọn vẹn và rất đẹp như vừa nêu trên, thì cuốn sách có điều gì đọng lại? Trước hết, nguyên cớ của thiên truyện? Từ nguyên cớ này, đã có bao chuyện xảy ra, những ai gây nên chuyện và ai hứng chịu hậu quả? Tôi nghĩ, tìm cho ra câu trả lời của những câu hỏi trên đây cũng chính là tìm được giá trị nội dung cuốn tiểu thuyết này của Nhà văn.

Bây giờ bàn về Nghệ thuật tiểu thuyết của Tấn kịch ở Hạ Lỗi.

Đầu tiên là về nghệ thuật xây dựng nhân vật. Số lượng nhân vật của tiểu thuyết này không nhiều: chỉ có 10 nhân vật, kể cả có tên và không có tên. Mười nhân vật xoay quanh năm cặp nhân vật trung tâm là Tâm khịt và Trịnh Hạ - Nguyễn Công, từ lúc là hai cậu bé chỉ bảy, tám tuổi, trải qua ba mươi năm, giữa hai người vẫn dăng mắc một mối quan hệ phức tạp. Đây là lần thứ hai Nguyễn Nhuận Hồng Phương “nuôi” nhân vật từ lúc thơ dại đến lúc trường thành. Lần đầu, ở tiểu thuyết đầu tay Đồng vọng ngược chiều, tác giả đã “nuôi” nhân vật chính từ lúc còn là bào thai nằm trong bụng mẹ đến lúc khôn lớn. Cũng như lần thứ nhất, cặp nhân vật lần này đã để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Một thằng nhóc mồ côi, không gốc gác nhưng sớm tinh ranh lọc lõi tay nghề săn bắt và chế biến các loại thịt chuột và nhái bén. Cùng với thời gian, Tâm khịt lớn lên, biết chớp cơ hội mở cửa hàng đặc sản, tiến tới ý định len chân vào cơ quan công quyền bằng mọi thủ đoạn. Trái ngược với Tâm khịt, Trịnh Hạ được sinh ra và nuôi dạy trong một gia đình gia giáo ở thành thị, ngây thơ, trong trắng, sau này may mắn có dịp được học hành tử tế, trở thành một cán bộ có năng lực nhiều mặt, sống có tâm, có đức. Hai con người, hai lối sống, hai tính cách trái ngược nhau như nước với lửa, nhưng sự đời trái ngang bắt họ làm một cặp đôi luôn va đập để nảy sinh bao chuyện. Hai nhân vật tiếp theo cũng để lại nhiều dấu ấn là thông phán Trịnh Huệ và Chủ tịch Nguyễn Văn Bao. Thông phán Trịnh Huệ cũng được nuôi dạy trong môi trường có văn hóa, học hành chỉn chu, thành đật nhưng cũng vì vậy mà có phần nhu nhược, trong khi Nguyễn Văn Bao là một tá điền, một cố nông, nhờ thời thế mà được làm Chủ tịch xã, đã bộc lộ cái tính cách tham lam, mưu mẹo của người ít học… Có một nhân vật không mất nhiều câu chữ của tác giả nhưng để lại ấn tượng khó phai. Đó là nhân vật Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Tư bản tư doanh thị xã An Phước, với hai tính cách: cực kỳ sắt đá, cứng nhắc trong công việc và theo đòi lý tưởng, nhưng cũng là tay si tình bậc nhất, đến mức bất chấp tất cả, cốt sao chiếm đoạt được người phụ nữ mà lão si mê, để dẫn đến kết cục chết khổ chết sở… Điểm qua một số nhân vật để thấy rằng, với tiểu thuyết mới này, tác giả đã tỏ rõ sự vững tay trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Thành công của tiểu thuyết còn phụ thuộc vào nghệ thuật dàn dựng và cách thức dẫn truyện. Với cách kể chuyện đã dày kinh nghiệm, cộng với nghệ thuật đan xen phục dựng những chuyện đã ở thì quá khứ một cách sinh động, đúng lúc, đúng chỗ đã góp phần đắc lực tạo nên mạch truyện có sức lôi cuốn, một số chương, đoạn như có ma lực, tạo được ám ảnh với người đọc. Những mưu mô vận động tranh cử, sự tráo trở, ranh ma của kẻ vô học và lưu manh của nhân vật Tâm khịt và Nguyễn Văn Bao, sự giằng xé tâm can của Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Tư bản tư doanh thị xã An Phước trong những giây phút hoài niệm về quyền lực và nỗi si mê tình ái, vân vân, là những ví dụ về thành công này của nhà văn.

Vấn đề cuối cùng của nghệ thuật tiểu thuyết là nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Nguyễn Nhuận Hồng Phương, ngay từ tiểu thuyết đầu tay Đồng vọng ngược chiều đã lộ rõ năng lực dùng từ mới lạ và viết những đoạn văn giàu triết lý. Ở tiểu thuyết mới này vẫn giữ được năng lực đó. Xin dẫn một vài ví dụ.

  • Con người bởi tạo hóa sinh ra nhưng tâm địa lại do thời cuộc rèn đúc tạo nên, mà cuộc sống thì luôn biến cải không ngờ. Chế độ đẻ ra lòng người. Mục đích vươn tới là lòng tham cộng với thủ đoạn. Lòng tham là chất xúc tác cho sự khát them, tạo ra thủ đoạn và mánh khóe để thực hiện mưu đồ…”. (Suy nghĩ của lão Bao, cựu Chủ tịch xã Hạ Lỗi – tr.160).
  • Mọi mánh khóe, thủ đoạn nấp sau khuôn mặt dở ngô dở ngọng. Cứ thế, gã đi giữa hai chiều sáng tối trong cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện trên con đường của một kẻ trưởng thành từ nghèo túng, thấp hèn, thiếu học và nhờ mánh lới kiếm tiền, và khi có tiền rồi thì bất chấp mọi thủ đoạn để vươn tới địa vị và quyền lực”. Đây là đoạn văn về chân dung Tâm khịt thật ấn tượng.
  • “Vết thương không thể tự khỏi, nếu không có thuốc chữa. Vết thương lòng chỉ có thể chữa bằng tình yêu thương. Lấy yêu thương bù đắp cho yêu thương, lấy vị tha làm thang, lấy sự rộng lượng làm thuốc, hun nóng nó bằng trái tim mẫn cảm của tình người…”.

Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương, người đọc không hiếm gặp những đoạn văn giàu tính triết luận trên đây, chính nó tạo những khoảng lặng thú vị cho người đọc suy ngẫm.

Tuy nhiên, ở Tấn kịch ở Hạ Lỗi này, Nguyễn Nhuận Hồng Phương cũng mắc không ít lỗi câu chữ. Có chỗ vì mải chạy theo tìm câu chữ lạ, nhà văn sa vào những từ ngữ rối rắm, rất tối nghĩa. Những “phẫn cảm”, “tinh chiếu lạnh lùng”, “xa xăm khắc khoải”, “niệm hoài ký ức”, “kham nhẫn”, “tất cả như định số vận kiếp”… như đánh đố người đọc vậy. Ngoài ra cũng có trường hợp dùng từ sai, thậm chí đôi khi còn có lỗi viết câu chưa trọn nghĩa. Những lỗi trên đây không khó chữa, nếu trong quá trình sáng tác, nhà văn đừng quá ruổi theo ý tứ nội dung mà sao nhãng việc viết câu và sự dụng ngôn từ.


Nguồn Văn nghệ số 38/2019


Có thể bạn quan tâm