April 19, 2024, 1:59 pm

Đau đáu nỗi niềm đất nước, quê hương

 

Ai đã từng đọc thơ Lôi Vũ từ những tập trước đây đã xuất bản: Mùa đông cho em (2017); Bất chợt (2018) và cả tập Về Tây Tiến này nữa, sẽ không quá khó để nhận ra đây là một nhà thơ luôn đau đáu những nỗi niềm với đất nước, quê hương…

Về Tây Tiến là một sự cố gắng rất đáng được ghi nhận ngõ hầu có thể để đem đến cho công chúng, bạn đọc sự hài lòng ít nhiều về những đề tài, chủ đề cũ mà anh đã dày công làm mới lại theo cách của riêng mình.  Hai mảng chính, xuyên suốt của Về Tây Tiến là mảng thơ tình và mảng thơ thế sự, là những điều mà có thể ai cũng dễ dàng nhận ra khi tiếp cận văn bản tập sách. Tuy nhiên với không ít bạn đọc lại không mấy dễ dàng nhận ra cách làm mới những bài thơ thuộc hai mảng này của Lôi Vũ. Trong tư cách của một người làm lý luận, phê bình, tôi quan đến cách làm mới hơn là cái được làm mới của nhà thơ trong quá trình xử lý các đề tài, chủ đề không phải là mới.  

Tây Tiến là bài thơ nổi tiếng làm nên thi hiệu của nhà thơ tài hoa Quang Dũng trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cam go và ác liệt, cách thời điểm hiện tại của chúng ta chừng ba phần tư thế kỷ (1948-2019). Là người thuộc thế hệ con cháu của thi sĩ Quang Dũng, Lôi Vũ cũng đã tìm được cách riêng cho mình khi thể hiện lại một cách khá thành công về đề tài, chủ đề này trong bài Về Tây Tiến.  

Sau gần ba phần tư thế kỷ, non song, đất nước ta đã sạch bóng quân xâm lược, nhà thơ Lôi Vũ hôm nay về Tây Tiến trong tâm thế của người chiến thắng, lên miền Tây trong không khí hòa bình, người dân khắp mọi miền Tổ quốc đang ngày đêm hăng say lao động sản xuất xây dựng lại quê hương, Ngược Tây Bắc trong tâm thế ấy, nhà thơ hoàn toàn có thể phóng tầm mắt mà ngắm nhìn đất trời xứ sở đang thay da đổi thịt từng ngày và thả trí  tưởng tượng đến từng ngõ ngách của bản làng với những người con trai, con gái nơi đây hồn nhiên và xinh đẹp đến nao lòng: Cô gái bản mắt trong veo như suối/ Giấu mặt trời trên má hây hây/ Sương chẳng chịu tan níu mùa xuân cạn/ Cỏ ngọt lùi xanh mía Mộc Châu.

Có thể nói hai câu đầu của khổ thơ này thuộc loại hai câu thơ hay nhất của Lôi Vũ, khi anh miêu ánh mắt và gương mặt của cô gái bằng cách nói của người dân tộc vùng cao: mắt trong veo như suối giấu mặt trời trên má hây hây. Quả là một sự quan sát tinh tế và vận dụng ngôn ngữ dân tộc khá nhuần nhuyễn.

Bài thơ viết về một đề tài không mới, nhưng người đọc vẫn cảm thấy bị cuốn hút bởi cách viết mới của tác giả từ việc khai thác đề tài, chủ đề đến sự thay đổi giọng điệu, kết cấu và ngôn ngữ thể hiện… trong tác phẩm.  

Tôi thật sự ấn tượng bài thơ anh viết về quê nội, một làng chài ven biển miền Trung, có cái mặn mòi của biển cả, cái bỏng rát của gió Lào, những mùa vụ đánh bắt hải sản và cái tình người làng quê được gửi vào bát nước chè xanh. Ở nơi đấy có hình bong người cha đã từng oằn mình ra chống chọi với bão lũ, có dáng vẻ người mẹ siêng năng, cần cù và lam lũ, để cho những mùa vàng về tận sân: Tôi nghiện nước chè xanh quê nội/ Yêu đất cát pha gội sóng biển ngàn đời/ Chắt từ gió Lào ngọt nước sông quê/ Củ khoai bở đầu hè dậy thơm hương đất/ Thơm dụ nước chè nhâm nha mỗi sang/ Tôi thả mình trong trời sớm Tĩnh Gia/ Gió biển mùa chiêm ngậy vị quê nhà…/ Đăng đắng chè xanh, thơm muối vừng ai giã/ Nhớ bóng Cha nghiêng đồng chống lũ/ Mẹ chở mùa về sân/ Phượng đỏ trời đón hạ/ Bạn mời ta bát nước tình thân. (Tình quê nội)

Bài thơ tuy không có gì mới về nội dung đề tài, chủ đề hay hình thức biểu hiện, nhưng bù lại là tính chân thật và giàu cảm xúc trước cái tình quê hương, chòm xóm. Theo tôi, với thơ thế là đủ.

Có thể nói một tỷ lệ không nhỏ trong tập này là những bài thơ thế sự được Lôi Vũ thể hiện dưới nhiều dạng thức, giọng điệu và ngôn ngữ khác nhau, chứng tỏ nhà thơ rất quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng chủa đất nước và người dân về chủ quyền biển đảo, biên giới, về đối ngoại, về tốc độ đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt, những tệ nạn xã hội hay vấn đề ô nhiễm môi trường… qua các bài: Chào tháng Tám, Mưa Hà Nội, Các anh không về, Bay về miền xích đạo, Rác đêm, Bạn tôi, Đa thần làng Ngụ, Bước chân người lính, Thăm Vị Xuyên, Tiếng khua đêm, Ngoại giao Trung Nam Hải,…

Phần lớn trong số gần 60 bài thơ có trong tập này đều thể hiện rất rõ nỗ lực làm mới lại những đề tài, chủ đề cũ bằng cách riêng của nhà thơ Lôi Vũ. Vì thế, nhìn chung các bài thơ viết khá đều tay, không có sự chênh lệch quá lớn giữa các tác phẩm. Thậm chí có một số bài Lôi Vũ dường như đã tiếp cận được lối viết khá hiện đại so với mặt bằng thơ hôm nay, nên trở thành những bài thơ đọc khá thú vị, đặc biệt ở mảng thơ tình: nắng quái về ngõ nhỏ/ dậy sắc vàng mắt thu/ tím nhạt trăng mê dụ/ vàng ru khúc thụy du. (Thu sang). Hay: Chim rộn ngoài hiên vắng/ Mắt ánh niềm nhớ xa/ Gió vịn cành gọi nắng/ Thả hồn ta ú òa. (Bâng khuâng)

Đây là những bài thơ ngắn gọn, khá chân thật, giản dị về nội dung tư tưởng chủ đề cũng như lối diễn đạt, nhưng chúng vẫn gây nên sự bất ngờ thú vị chính ở lối bẻ ghi, hay đổ đèo của một câu hay có khi chỉ là một vài thực từ, thậm chí là hư từ như ú òa.    

Tôi đồ rằng không ít người còn chưa bao giờ được nghe và hiểu một cách tường tận nghĩa của cụm từ phẩy nai trong ngôn ngữ đời sống chứ chưa nói là trong thơ. Không biết đây có phải là những cụm từ mới được Lôi Vũ sáng tạo ra hay không, nhưng chắc chắn trước đây, tôi rất ít khi thấy ai gieo vần câu bát bằng một cụm tính từ láy đôi như: điểm một lả lơi nốt ruồi và cụm từ phẩy nai quả thực lần đầu tôi mới bắt gặp.

Trên mặt bằng của đời sống thơ ca Việt hiện nay Về Tây Tiến là tập thơ được nhà thơ Lôi Vũ đầu tư khá nhiều công sức, viết khá đều tay. Mặc dù đây đó cũng còn những khiếm khuyết nhất định, nhưng đều có thể được bỏ qua, châm chước được.

Nguồn Văn nghệ số 43/2019


Có thể bạn quan tâm