April 24, 2024, 1:29 pm

Dấu ấn Nguyễn Thế Phương trong tiến trình văn học Việt Nam 60 năm qua

 

Trong lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (1957-2017) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhà văn Nguyễn Thế Phương đã được truy tặng Giải thưởng Cống hiến Hội Nhà văn Việt Nam (đợt 1).

Đây là giải thưởng giành cho những tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học đã có những tác phẩm, những công trình nghiên cứu và dịch thuật văn học có giá trị, để lại những dấu ấn trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam 60 năm qua.  

Nguyễn Thế Phương có tên khai sinh là Nguyễn Xuân Phê, sinh ngày 29/12/1930 tại làng Bình Lâm, xã Hà Tâm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Làng Bình Lâm, một ngôi làng xinh đẹp, soi bóng xuống dòng sông Lèn – một nhánh của sông Mã đổ về cửa Lạch Sung, không xa là ngọn núi Chung Chinh khiến ngôi làng tăng thêm vẻ “sơn thủy hữu tình”. Có thể nói, làng quê xinh đẹp và cây cầu Lèn nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ thắp lên tình yêu văn chương mà còn trở thành đối tượng cảm xúc chính trong những sáng tác của Nguyễn Thế Phương.

Xuất hiện và gây ấn tượng ngay từ những sáng tác đầu tay như: Đào chèo Người bạn cũ, ngay sau đó với tiểu thuyết Đi bước nữa, Nguyễn Thế Phương đã trở thành “hiện tượng” trên văn đàn những năm 60 của thế kỷ trước. Cho đến năm 1999, Đi bước nữa đã được tái bản tới 6 lần, số lượng lên đến hàng vạn bản. Trên văn đàn Việt Nam, số lượng những tác phẩm được tái bản nhiều lần trong một thời gian ngắn không nhiều. 

Trong thời gian được “tăng cường” về quê hương xứ Thanh để giúp đỡ và xây dựng lực lượng viết văn, Nguyễn Thế Phương đã chuẩn bị xong tư liệu và lên "khung" cho tiểu thuyết Nắng, một cuốn tiểu thuyết mà khi ra mắt được dư luận bạn đọc lại đánh giá rất cao.

Với 5 tiểu thuyết và hai tập truyện ngắn – ký, Nguyễn Thế Phương đã tạo nên một lối viết, một cá tính riêng độc đáo. Dù vẫn tuân thủ nguyên tắc phản ánh của văn chương một thời, Nguyễn Thế Phương luôn có cách khám phá và tiếp cận riêng: nghiêng về phía đời tư với những cảm nhận sắc sảo, tinh tế và giàu cảm xúc. Thêm nữa, trong khi phần lớn những cây bút lúc bấy giờ thường tập trung phản ánh những tấm gương, những điển hình tiên tiến thì Nguyễn Thế Phương lại dành sự quan tâm, chia sẻ tới những số phận bé nhỏ, những thân phận chịu nhiều thiệt thòi. Dường như, với những nhà văn giàu tâm huyết và tài năng, họ luôn có trái tim thật mẫn cảm, điều đó khiến họ luôn tìm được lối đi riêng trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. 

Không phải ngẫu nhiên, năm 1958, khi Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia) cần một trưởng ban Triết học, Nguyễn Thế Phương đã được điều về phụ trách công tác này. Có lẽ, người ta đã nhận ra tố chất tư duy triết lý trong người cán bộ tuyên huấn lâu năm nên Nguyễn Thế Phương đã được điều về công tác ở một cơ quan quản lý về tư tưởng chăng?

Năm 1960, Nguyễn Thế Phương lại được điều sang Nhà xuất bản Văn học. Dường như, đây mới là môi trường thích hợp nhất với ông. Tại nơi đây, trong một năm 1960, ông đã cho ra mắt hai thiên truyện gây "sốt" lúc bấy giờ là Đào chèoĐi bước nữa.

Năm 1964, Nguyễn Thế Phương được điều về "tăng cường" cho quê hương Thanh Hóa. Khi ấy, xứ Thanh đang rất cần một tờ báo văn hóa, cũng đang rất cần một lực lượng viết, cổ vũ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc tại địa phương. Nguyễn Thế Phương khi ấy là nhà văn duy nhất người Thanh Hóa là hội viên Hội nhà văn Việt Nam đã được trao trọng trách này. Nguyễn Thế Phương trở lại Hà Nội năm 1970, sau những năm tháng dồn hết tâm huyết cống hiến cho quê hương. Với công lao to lớn ông đã nhen nhóm gây dựng nên một lực lượng sáng tác văn học khá mạnh cho xứ Thanh, cũng chính là một người góp phần quan trọng vào việc hình thành Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa (1974).

Nguyễn Thế Phương là cây bút chuyên về văn xuôi, ông thể hiện sức viết ở cả ba thể loại: truyện ngắn, kí và đặc biệt là tiểu thuyết.

Năm 1960, khi đang công tác tại Nhà xuất bản Văn học, Nguyễn Thế Phương ra mắt làng văn với truyện ngắn Đào chèo. Chọn truyện ngắn này, không chỉ vì chủ đề của truyện mang tính thời sự (cách mạng tháng Tám không chỉ làm hồi sinh con người nói chung mà còn làm hồi sinh cả những tầng lớp văn nghệ sĩ và văn chương nghệ thuật) mà còn vì chính phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm. Truyện xây dựng được tình huống truyện súc tích, chặt chẽ. Với Đào chèo, Nguyễn Thế Phương tỏ ra "có nghề" trong tạo dựng tình huống truyện, khắc họa nhân vật và lối dẫn dắt truyện hấp dẫn.

Cũng ở thể loại truyện ngắn, Người bạn cũ xây dựng được tình huống truyện khá sắc sảo. Giờ đây, đọc lại Người bạn cũ, người đọc không khỏi thán phục trước sự dũng cảm của Nguyễn Thế Phương ở cách lựa chọn đối tượng và tình huống phản ánh. Ngòi bút tinh tế, sắc sảo của tác giả đã dựng nên một chân dung sống động cho kiểu cán bộ thoái hóa, một kiểu "quan cách mạng" đời mới qua hình tượng nhân vật Trọng. Có lẽ, trong xu hướng cổ vũ cho phong trào xây dựng con người mới, ca ngợi điển hình tiên tiến, việc phản ánh kiểu nhân vật cán bộ thoái hóa, biến chất là "lạc điệu" chăng, nên Người bạn cũ nhanh chóng rơi vào im lặng, không được tiếp nhận rộng rãi như Đào chèo.

Năm 1964, khi Nguyễn Thế Phương về Thanh Hóa thì chỉ một năm sau, năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lan ra miền Bắc, Thanh Hóa nói riêng, khu Bốn nói chung trở thành mục tiêu hủy diệt.  

            Tiểu thuyết Ngày trở về và một loạt kí sự, phóng sự, bút kí đã hình thành từ những rung động sâu sắc và tươi rói chất liệu đời sống. Đấy là những năm mà cây bút Nguyễn Thế Phương tỏ ra sung sức nhất và là một trong số ít nhà văn đã kịp ghi lại nhiều sự tích, tư liệu về chiến tranh phá hoại để thế hệ sau có thể hiểu cụ thể hơn một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt.

Tuy có nhiều tác phẩm văn chương cùng ra trận nhưng những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong dư luận bạn đọc của Nguyễn Thế Phương lại là những tác phẩm khai thác hiện thực cuộc sống đời thường, nhất là thể hiện những uẩn khúc, những tâm sự, khát vọng sâu xa trong tâm lý con người. Đây có thể coi là thế mạnh của Nguyễn Thế Phương. Sự chững chạc ngay từ những sáng tác đầu tay khi ông thể hiện tâm lý, tính cách nhân vật cho thấy Nguyễn Thế Phương thực sự là một "cây" tiểu thuyết đầy triển vọng.

Các tiểu thuyết “Đi bước nữa” và “Nắng” là những tác phẩm “đi trước” trong đổi mới quan điểm tiếp cận và phản ánh hiện thực.

Đi bước nữa có thể coi là "hiện tượng" của văn xuôi Việt Nam thập kỷ 60 của thế kỷ trước, là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học cách mạng khai thác đề tài “nữ quyền”. Vì vậy, cho đến nay, tư tưởng chủ đề của tác phẩm vẫn còn nguyên sức hấp dẫn. Một trong những vấn đề cốt lõi của cuộc sống mới mà cách mạng đem lại, đó là quyền con người, đặc biệt là quyền cho phụ nữ. Người phụ nữ Việt Nam, bộ phận luôn chung vai gánh vác vận mệnh đất nước, dân tộc suốt chiều dài dựng nước và giữ nước nhưng luôn bị tư tưởng, lề thói phong kiến chèn ép, bóc lột, đối xử tàn nhẫn. Cách mạng tháng Tám vĩ đại đã làm nên kỳ tích là đem lại độc lập, tự do cho dân tộc  và cho mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tập tục, lề thói cũ đã ăn sâu bén rễ từ bao đời không dễ gột rửa. Tất cả đều được phản ánh trong tác phẩm này của ông. Đề tài “đi bước nữa” của người phụ nữ là đề tài không mới nhưng sẽ không bao giờ là cũ trong xã hội ngày nay, Nguyễn Thế Phương đã đi vào và khai thác vấn đề mang tình thời đại sâu sắc.

            Thành công của tiểu thuyết Nắng lại là cách nhìn nhận, đánh giá về người theo đạo Công giáo. Tác phẩm được đánh giá là bức tranh chân thực về người công giáo. Tác giả đã tiếp cận hiện thực với cái nhìn đa chiều, khách quan về tầng lớp tu sỹ chăn dắt phần hồn, đức tin cho con chiên, đồng thời có cái nhìn đa chiều, khách quan về người nông dân công giáo.

            Chân trời gió mưa (1990) là tập một trong bộ tiểu thuyết ba tập Mặt đất mà tác giả ôm ấp và bạn đọc chờ đợi đã không trọn bộ vì sự ra đi có phần đột ngột của nhà văn Nguyễn Thế Phương. Ông có ý đồ viết tiểu thuyết này để bao quát toàn cảnh một làng quê tiêu biểu phong trào cách mạng từ thời điểm tiền khởi nghĩa (1940-1945), tiếp đến cách mạng tháng Tám và kháng chiến toàn quốc (1946-1950) cho tới ngày kết thúc chiến tranh và xây dựng hợp tác xã (1955-1958). Đó là mơ ước của Nguyễn Thế Phương ông đã tập trung sức sưu tầm, ghi chép nhiều tư liệu quý hiểm để dàn dựng bối cảnh và xây dựng nhân vật. Thật là thiệt thòi cho thế hệ bạn đọc vì nhà văn đã ra đi ở cái tuổi mà ngòi bút đang còn ở độ sung sức nhất.

Nguyễn Thế Phương mất năm 1989. Ba mươi năm đã trôi qua, kể từ ngày nhà văn buông rời cây bút Tuyển tập Nguyễn Thế Phương bao gồm những đứa con tinh thần mà ông yêu quý nhất đã được đông đảo bạn đọc chào đón. Vỉa quặng ngầm với trữ lượng lớn ấy được ông khai thác bền bỉ và cũng chính từ đấy ông đã kết được bó hoa đẹp nhất tặng cuộc đời.

            Sự bức phá táo bạo, sắc sảo vượt ra khỏi nguyên tắc thẩm mỹ một thời đã chứng tỏ tài năng và tâm huyết của một cây bút tiểu thuyết xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Là tác giả đã có những tác phẩm văn học có giá trị, để lại những dấu ấn trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam 60 năm qua, Nguyễn Thế Phương xứng đáng được truy tặng giải thưởng cống hiến của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguồn Văn nghệ số 39/2019


Có thể bạn quan tâm