April 25, 2024, 4:05 pm

Đất với người như một

 

  Thơ Mai Văn Phấn là một hành trình tìm tòi sáng tạo những đổi mới không mệt mỏi về thi pháp. Với Mai Văn Phấn, cái đích cuối cùng là đưa thơ Việt vươn ra thế giới. Qua mỗi tập thơ, anh lại xuất hiện với diện mạo tinh thần mới, “không lặp lại,” làm nên một gương mặt nổi bật của thơ Việt Nam đương đại. Đọc thơ Mai Văn Phấn dễ nhận thấy hai tuyến hình ảnh - biểu tượng: một - Con người và một - Thiên nhiên. Con người kết tinh từ những anh, em, tôi, hắn,... Còn Thiên nhiên một thế giới cỏ cây, hoa lá, sông núi, đất đai, gió, nước, trăng,... Tất cả tạo nên một “bản tổng hòa” vẻ đẹp đầy sức sống của vũ trụ vạn vật. Trong thế giới nghệ thuật ấy, đất là một biểu tượng tạo nghĩa cho các ý nghĩa nhân sinh và thẩm mĩ rất độc đáo.

Trong thơ Mai Văn Phấn, qua mười một tập thơ (Giọt nắng - 1992, Gọi xanh - 1995, Cầu nguyện ban mai - 1997, Nghi lễ nhận tên - 1999, Trường ca Người cùng thời - 1999, Vách nước - 2003, Hôm sau - 2009, và đột nhiên gió thổi - 2009, Bầu trời không mái che - 2010, hoa giấu mặt - 2012, Vừa sinh ra ở đó – 2013), hình ảnh biểu tượng đất xuất hiện một cách hệ thống, tới 267 lần. Trong ý hướng tìm về không gian thiên nhiên đẹp, trong, thuần khiết để nuôi dưỡng, thanh tẩy hồn mình sau những việc đời hỗn tạp, đất trước tiên là một hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp phồn sinh: phì nhiêu và sinh sôi, nảy nở.

Một “công cuộc gieo trồng” và những hình ảnh, sự vật, hoạt động gắn liền với công cuộc đó tạo nên “Bài hát mùa màng”: Lan nhanh, choáng ngợp đất hoang vừa mở/Em đổ từng trận lũ dại cuồng/Cuốn xiết anh khỏi ngôi nhà có khu vườn bé nhỏ/…

Thoát khỏi “ngôi nhà có khu vườn bé nhỏ”  là thoát  một không gian chật hẹp, khuôn khổ để đến với bao la không gian tự nhiên, không gian vũ trụ - kết đọng trong hình ảnh đất đai “mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt/ dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời”; thể hiện nỗi khát khao mãnh liệt:  tái sinh và “làm bầu trời đổi khác”.

 

 

 


Có thể bạn quan tâm