April 18, 2024, 11:57 am

Đất lành Phong Hóa - Minh Cầm

 

Giai điệu lẫn ca từ trong ca khúc Ngược chiều sơn cước như níu kéo chúng tôi về với một vùng Sơn - Thủy - Mạc phía Đông nam huyện Tuyên Hóa bình yên như cổ tích, danh xưng đẹp như mơ: Minh Cầm! Minh Cầm là vùng đất, vùng văn hóa. Phong Hóa là xã, là đơn vị hành chính, cũng như Thanh Lạng chỉ là một làng mà trong lịch sử lại bao gồm cả một tổng và ngày nay thì trong ý niệm người ta vẫn nghĩ đến cả cụm xã Thanh – Hương - Lâm vùng Tây Bắc huyện Tuyên vậy. Minh Cầm, danh xưng này xin đại diện cho cả Sảo Phong, Cao Trạch, Mã Thượng, Yên Tố, Cầm Nội, Cầm Ngoại, Cầm Trang, bảy thôn thuộc xã Phong Hóa trù mật, như ca từ trong ca khúc tha thiết gọi mời: “Anh đến Minh Cầm Trang, anh sang Minh Cầm Ngoại, thổn thức niềm mong đợi, theo đò về Kinh Châu...”

Đất Phong Hóa là đất bãi, được bồi đắp bởi sự hợp lưu giữa hai dòng Rào Nậy và Rào Trổ, rất hợp cho cây lúa cạn và các loại cây họ đậu, bắp, khoai và dâu tằm. Cơ cấu diện tích cây ngô bằng gần nửa cây lúa, phần còn lại là lạc, đậu và... cây cỏ dành chăn nuôi. Để hình dung được với vùng đất đồng màu bãi bồi mức sống của người Phong Hóa: Tối thiểu không nghèo, tối đa cũng chưa giầu. Nhưng đất Phong Hóa lành và mát. Phải thế chăng mà phụ nữ Phong Hóa trắng da dài tóc, mềm mại uyển chuyển. Đàn ông Phong Hóa cũng có nét riêng, thanh lịch tao nhã và (dường như) trí tuệ hơn người. Cảnh quan Phong Hóa thật đẹp. Ca khúc đã dẫn trên đây vang vọng những ca từ thật ấn tượng: “Sương khói nhòa trong nắng/ Mây chiều lãng đãng bay/ Lòng ai ngây ngất say/ Nhuộm tím chiều sơn cước...”. Hai nhánh Rào Trổ và Rào Nậy, qua hành trình mải miết len lỏi hết chiều dài, rộng của dãy Trường Sơn, dãy Hoành sơn, đến đây hợp thủy, dòng chảy rộng ra, lưu tốc nhỏ dần, khoan thai, xanh mát bình yên trong trẻo vô cùng. Có thể do vậy mà từ nửa thiên niên kỷ trước, đất này đã hấp dẫn các bậc tiền nhân có “con mắt thần” trên dòng chảy ly hương mở cõi. Thần phả họ Hồ ở Minh Cầm ghi rằng, năm 1527-1540, cụ Hồ Công Cao, cháu năm đời của cụ khởi tổ họ hồ ở Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu (Nghệ An), trong một cơn biến động chính trị cục bộ nào đó đã phải để chánh thất lại quê nhà, cùng hai con trai di cư về phương Nam lánh nạn. Họ đi theo lộ trình Đức Thọ - Hương Sơn - Hương Khê (Hà Tĩnh), vượt Hoành Sơn xuôi dòng Gianh xuống gặp vùng đất bồi giữa hai nhánh sông thì tấp lại, định cư. Tiếp đó là các họ tộc lớn khác: Họ Nguyễn từ Quảng Trạch lên, họ Phạm, họ Trần, họ Vương từ Nam Đàn vào... tất cả quần cư thành Minh Cầm Trang, sau, giãn ra Minh Cầm Nội, Minh Cầm Ngoại và các làng khác trong xã.

Ai đã một lần đến Phong Hóa, đừng quên đây từng là đất được chính quyền bảo hộ Pháp chọn đóng lỵ sở huyện Tuyên Hóa bao gồm cả hai huyện Tuyên - Minh ngày nay. Dân gian có câu ca dao truyền tụng: Thứ nhất Thanh Lạng, Bàu La/ Thứ nhì Quy Đạt, thứ ba Minh Cầm. Cả bốn địa danh này đều là đất lành nước ngọt, khí hậu điều hòa sinh nhiều trai thanh gái lịch. Người Pháp cũng kỹ lưỡng lắm, trước khi chọn đặt lỵ sở, họ lấy nước giếng khoan mang về tận Paris xét nghiệm, được nước tốt mới dùng. Tình cờ, trong bốn địa danh được nhắc đền trong câu lục bát truyền khẩu thì đã có ba nơi người Pháp chọn đặt trung tâm chính trị hoặc cụm công nghiệp để khai thác thuộc địa; Thanh Lạng, Minh Cầm, Quy Đạt. Người Pháp, khi đặt chân đến Minh Cầm đã cảm nhận ngay được vùng đất lành, khí hậu ôn hòa bèn đặt lỵ sở huyện Tuyên hóa. Sau cách mạng tháng tám, ta vẫn giữ vùng đất này làm huyện lỵ. Mãi đến năm 1976, với chủ trương “Pháo đài cấp huyện”, hai huyện Tuyên Minh nhập lại lấy Đồng Lê làm trung tâm, Minh cầm mới hết vai trò huyện lỵ.

Năm 1896, ở Quy Đạt mới có đồn binh Pháp. Trước đó hơn mười năm Pháp đã xây đồn Minh Cầm. Đồn Minh Cầm nằm ngay ở doi đất hợp thủy hai dòng Rào Nậy và Rào Trổ, vị trí gần đúng như đồn Đuồi Diện ở Hiền Ninh (Quảng Ninh) cũng là nơi hợp thủy của hai dòng Đại Giang và Kiến Giang thành sông Nhật Lệ. Đồn Minh Cầm khá hoành tráng, trong suốt gần tám mươi năm trấn giữ một vùng thượng lưu hiểm trở và đầy bất trắc đối với họ. Cuộc Cần Vương nổ ra giữa những năm tám mươi thế kỷ 19. Vua Hàm Nghi chọn Tuyên Hóa (bao gồm cả Minh Hóa ngày nay) làm thủ đô kháng chiến. Sĩ phu Quảng Bình, Hà Tĩnh hưởng ứng chiếu Cần Vương nổi lên khắp nơi. Lệ Thủy, Quảng Ninh có tướng Hoàng Phúc, Đề Én, Đề Chít. Quảng Trạch có Hải Long Vương Bạch Xỉ Đoàn Chí Tuân, Cao Mại có lãnh binh Mai Lượng, Tuyên hóa có đề đốc Lê Trực. Nguyễn Phạm Tuân được vua giao trọng trách quản lý cơ quan cần vương trung ương (như Ngự tiền đổng lý văn phòng). Ngày 15/3/1887, ông lâm bệnh nặng đang điều trị tại làng Cổ Liêm thuộc xã Tân Hóa huyện Minh Hóa thì quân Pháp ập tới. Sau một cuộc so gươm ngắn ngủi, ông bị thương và bị bắt. Chúng đưa ông về đồn Minh Cầm cứu chữa và tìm cách chiêu hồi. Ngay tại đây đã diễn ra một cuộc đấu trí giữa một vị quan yêu nước đang thất thế với Viên sĩ quan cáo già thực dân: quan ba Mutô. Để bảo toàn khí tiết, sau nhiều ngày tuyệt thực, đêm 17/3/1887, nhằm giờ sửu, ông dũng cảm tự sát. Viên quan ba nổi giận sai vứt xác ông xuống Rào Nậy và cấm dân làng chôn cất. Nhưng, bất chấp tòa án binh có thể xử bắn bất kỳ, người dân Minh Cầm đã vớt xác Nguyễn Phạm Tuân đưa về mai táng ở làng Kim Thanh, sau, cải táng ở núi Yên Sơn xã Yên Phong, Quảng Trạch.

Chúng tôi đã đến thăm dấu tích đồn Minh Cầm vào một buổi chiều trung tuần tháng sáu. Trời cao xanh, nắng chan hòa trên ngọn cây dừa cao vút tương truyền đã trăm năm tuổi, sống sót qua bao biến loạn binh đao. Nước Rào Trổ, Rào Nậy vẫn trong vắt ngọt lịm. Bên kia sông, một chuyến tầu tốc hành trong lộ trình thiên lý dằng dặc đang nhẫn nại thông qua hang Minh Cầm. Nghe như vẳng đâu đây tiếng thơ Nguyễn Phạm Tuân để lại trước khi tuẫn tiết:

Trung Nghĩa hữu trung nghĩa

chi báo

Tích thiện phùng tích thiện chi ân.

Nghĩa rằng: “Người trung nghĩa có điều trung nghĩa báo đáp/ Làm điều lành sẽ gặp điều lành trả ơn”

Và:

Lịch thế quốc ân thường nhất tử

Bất niên gia trạch ký tam sinh’

(Ơn nước trải đời báo đền bằng một cái chết/ Phúc nhà trăm năm giữ kiếp ba sinh).

Kể từ đêm 17/3/ năm đinh hợi 1887, hơn một trăm ba mươi năm đã trôi qua, đồn Minh Cầm đã thành phế tích và có thể chúng ta sẽ không phục dựng trùng tu một chứng tích buồn của một thời mất nước. Cuộc thế đang chuyển động hối hả từng ngày. Quốc lộ 12A xuyên Á đi qua đất Minh Cầm - Phong Hóa đã và đang đánh thức tư duy nhiều lớp người bắt kịp công cuộc đổi mới. Lần đầu tiên, những người ngư dân, nông dân Phong Hóa bước lên vũ đài thể thao giành giải quán quân bơi thuyền toàn tỉnh gây ngỡ ngàng dư luận, lại giành giải á quân ngay trên mặt nước hồ Tây giữa lòng thủ đô. Lại nữa, không phải bất cứ ở đâu trên đất nước này có phong trào luyện tập thể dục thể thao lớn mạnh, được đầu tư hùng hậu và huấn luyện viên tài năng, mà chính ở quãng sông hợp thủy hai nguồn sông Gianh chảy qua Phong Hóa - Mai Hóa - Tiến Hóa xuôi về Quảng Trạch  tưởng như còn hoang sơ “vùng sâu vùng xa” lại nuôi dưỡng một tài năng thể thao chiếm huy chương vàng SEAGAME, vận dộng viên Olimpic đầu tiên của Việt Nam: Tuyển thủ bơi lội Vũ Huy Hoàng.

Đất Phong Hóa tụ sơn tụ thủy. Dãy Giăng Màn (Trường Sơn) trên hành trình từ phương bắc “trảy” xuống Khánh Hòa, đến đất Phong Hóa, dường như mỏi mệt, thấy vùng thủy tú mà dừng chân quẩn lại tạo nên một vùng sơn - thủy - mạc vừa hùng vĩ mà bình yên như thần thoại như cổ tích. Đất cổ tích sinh người cổ tích. Từ hương hoa của đất - nước - gió Minh Cầm mà sinh thành những nhân vật ấn tượng: Trải biến động thăng trầm, đến nay dân số Phong Hóa mới hơn sáu nghìn người mà đã có tới hơn hai mươi sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, hai ông tướng, có cả tướng Anh hùng, 84 người con Phong Hóa nằm lại rải rác trên các chiến trường. Nhà giáo ưu tú Hồ Duy Thế, thầy thuốc ưu tú Hồ Thị Hồng Hoa, PGS-Ts Phạm Thượng Hà, hoa hậu Quốc tế toàn cầu năm 2019 Phạm Trần Hoa Quyên được coi như những bông hoa của đất của gió của nước Phong Hóa Minh Cầm.

Quốc lộ xuyên Á đi qua vùng hợp thủy Minh Cầm phải vượt qua hai chiếc cầu lớn: Cầu Minh Cầm nối Mai Hóa với Phong Hóa, cầu Yên Tố nối Phong Hóa với Đức Hóa. Và, cũng không có vùng đất nào đặc biệt như Phong Hóa trải dài cả hai bờ sông Gianh khiến ngành giao thông phải bắc cả nột chiếc cầu vượt sông khá hùng vĩ chỉ để nối hai thôn trong xã: Cầu Sảo Phong khánh thành dịp đón tết Canh Tý này. Đất lành, nhiều khi lại phát sinh hiện tượng ngẫu nhiên mà như huyền thoại. Đất Minh Cầm, chỉ là một làng nằm giữa xã Phong Hóa, từ khi đất nước ta giành được chính quyền đến nay “phát tích” đến... dăm sáu ông chủ tịch huyện, chủ tịch thành phố tỉnh lỵ. Lạ hơn là mẩu chuyện về vùng Bàu sen Minh Cầm, từ xa xưa vẫn nở hoa mỗi độ hè về. Và cũng từ xa xưa, Bàu sen chỉ là cảnh quan tự nhiên, sen nở sen tàn theo năm thắng. Quanh quanh bàu có đến ba bốn ông cứ lần lượt đắc cử chủ tịch huyện. Rồi chiến tranh, bom đạn hay khí hậu có biến động mà sen không mọc. Năn lác chiếm chỗ, người Minh Cầm cũng thôi không đắc cử vị trí lãnh đạo cao nhất chính quyền huyện nữa. Tròn hai mươi năm sau, năm 1999, cũng chẳng có tác động khách quan gì nhưng bỗng nhiên mùa xuân sen trỗi lên xanh tươi xum xuê cả bàu, trổ hoa thơm ngát. Dân gian nửa đùa kháo nhau, không khéo người Minh Cầm lại làm chủ tịch huyện!? Nhân bảo như thần bảo, mùa thu, sen chưa tàn, trong dịp bầu cử nhiệm kỳ mới, viên đại úy họ Hồ từng tham chiến từ Trị Thiên vào tận Sài Gòn, một cây bút rất ấn tượng của quân đội, của miền Trung nhà ở ngay bên hồ sen bỗng dược dân bầu lên chủ tịch huyện. Rồi nữa, vẫn nối tiếp một hai người Minh Cầm nữa giữ chức vụ này và đều để lại tiếng tốt, mẫn cán thanh liêm...

Ôi, đất trời vũ trụ biến thiên nhiều đều khó lường thay!.

Người Phong Hóa - Minh Cầm như hoa đất, lành hiền, thông minh và lãng mạn. Ca khúc Ngược chiều sơn cước trên đây là của nhạc sĩ Dương Viết Chiến phổ thơ Mai Khoa. Mai Khoa, viên sĩ quan an ninh đẹp trai hào hoa, hậu duệ của danh tướng cần vương Mai Lượng, đã có những năm tháng công tác ở Minh Cầm để lại một mối tình đẹp mà vô vọng. Biết mình mắc trọng bệnh, ông trở lại vùng đất xưa lang thang tìm hình bóng cố nhân, để lại cho đời một áng thơ thành ca từ đẹp cho nhạc sĩ chắp cánh. Cũng chuyện rằng, ngày khánh thành cầu Sảo Phong qua sông Gianh nối hai vùng đất của một xã Minh Cầm, có đôi tình nhân luống tuổi nhớ thời hoa niên tình duyên lỡ dở, trở về tìm nhau lên cầu hẹn ước, trao nhau tín vật rồi bấm ổ khóa trên lan can cầu ném chìa xuống sông, khóa chặt mối tình trắc trở éo le rồi hai người hai ngả theo bổn phận riêng tây.

Ai đã từng ngang qua Phong Hóa - Minh Cầm một đôi lần, hoặc may mắn hơn được lưu lại hẳn sẽ có ấn tượng tốt lành. Xin kết lại bài viết ngắn về một vùng đất nhỏ mà ấn tượng bằng những ca từ trong ca khúc mà bây giờ và rất lâu về sau chắc sẽ còn vang vọng:

Ngược thời gian, thời gian/ Tóc nhuốm mầu nhung nhớ/ Biết mình còn duyên nợ/ Với rừng sâu núi ngàn...”

Nguồn Văn nghệ số 08/2020


Có thể bạn quan tâm