April 26, 2024, 1:49 am

Đất ấm

Khi tôi ra đời, cả cha mẹ tôi đều trở thành những người thất nghiệp. Không nhà cửa. Không ruộng vườn. Mẹ tôi mỗi sớm bày cà phê ra bán ngoài vỉa hè cho những người lao động. Cha tôi chạy xe ôm để kiếm tiền nuôi vợ con. Nói như bác Tư Kèn - “Cô chú ấy đều là những người có danh, có giá cả, có biên chế của nhà nước, có lương… Ấy vậy mà họ dám rũ bỏ tất cả để làm người dân thường. Thiệt là uổng. - Rít xong hơi thuốc lá cuốn tổ sâu, bác tặc lưỡi-Người ta bỏ ra cả đống tiền xin việc còn chả được. Cô chú Bàng bỏ việc như không. Đúng thiệt là trẻ người non dạ, coi trời bằng vung”. Bác Tư Kèn gương mắt nhìn soi vào mặt tôi như nhìn con chim công trong vườn kiểng. Như thể không tin bác hỏi: “Vậy cháu là con cô Ba Hiền, thiệt hả?”.

Minh họa của TRẦN NGỌC QUỲ

Đấy là cuộc trò chuyện đầu tiên của tôi với bác Tư Kèn sau 15 năm tôi trở lại cao nguyên. 15 tuổi, tôi lớn phổng phao, xinh đẹp, nói giọng bắc đặc sệt, không nói ngọng “n” với “l”. Ấy là cũng bởi tôi luôn được mẹ rèn rũa bằng phẩm chất và nghề nghiệp của cô giáo dạy văn cấp II. Bữa ấy xuống xe, tôi say nôn ra mật xanh, mật vàng. Bác Tư Kèn chở tôi trên chiếc xe đạp thồ, nhem nhúa, cũ nát từ bến xe về tá túc tại nhà ông bà ngoại. Thỉnh thoảng bác Tư Kèn lại khen tôi “giống mẹ như trang!”

Ngoại tôi, một người đàn bà xuất thân trong một gia đình khá giả, sống bằng nghề buôn bán, lần đầu tiên nhìn thấy đứa cháu sau nhiều năm xa cách, ứa nước mắt thương cảm. Thương cho sự nghèo khổ của một đưa cháu ngoại mà bà nâng đỡ, cưu mang tôi từ khi còn trong bụng mẹ. Còn trong ánh mắt của đám anh chị em con dì, con cậu họ hàng ruột thịt của mẹ tôi, chúng vừa tỏ ra ngạc nhiên thích thú vì có một người chị họ dân bắc, vừa có ý coi thường cái cách ăn mạc tuyềnh toàng, đơn giản của tôi, vốn quen sống nghèo khổ, tằn tiện.


Có thể bạn quan tâm