April 25, 2024, 12:57 pm

Đào tạo ngoại ngữ và câu chuyện về Sách giáo khoa Ngoại ngữ

 

Đó là điều mà bất kỳ một phụ huynh học sinh, hay rộng hơn là tất cả người dân Việt Nam nếu quan tâm đến nền giáo dục nước nhà có thể hiểu được từ thông điệp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV. Bộ trưởng cho rằng, việc sử dụng chương trình và sách giáo khoa của nước ngoài liên quan đến vấn đề bản quyền. Kinh phí để mua bản quyền đắt hơn rất nhiều so với việc huy động các chuyên gia trong nước tự xây dựng chương trình và sách giáo khoa của Việt Nam. Còn nếu nhập khẩu thì giá thành sách giáo khoa cũng vì thế mà tăng lên nhiều, đa số người dân Việt Nam không thể mua sách giáo khoa của nước ngoài xuất bản.

 

Tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp mà còn là công cụ để học sinh Việt Nam thu nạp các kiến thức KHKT khác. Ảnh Internet

Trước tiên, xin được nói ngay rằng, sở dĩ có những giãi bày của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là do có khá nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra tại các phiên thảo luận ở tổ cũng như hội trường, rằng tại sao Bộ Giáo dục & Đào tạo không nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa ngoại ngữ của nước ngoài thay cho việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa của Việt Nam? Và câu trả lời của Bộ trưởng thì như chúng ta đã thấy.

Thôi thì bỏ qua vấn đề bản quyền, và cũng không bàn luôn đến việc sách giáo khoa tiếng Anh nước ngoài có giá đắt đỏ ra sao, hay cố tìm hiểu xem có bao nhiêu phần trăm phụ huynh của Việt Nam có thể mua được cuốn sách đó, mà chỉ cần bàn đến những cuốn sách giáo khoa tiếng Anh (thuần Việt), như Bộ trtưởng nói.

Có thể hình dung thế này, sách giáo khoa tiếng Anh do người Việt biên soạn sẽ theo hai hướng: - Thứ nhất, việc biên soạn dựa theo trình độ hiểu biết, kinh nghiệm của các chuyên gia tiếng Anh người Việt Nam được đào tạo bài bản ở nước ngoài; - Thứ hai, biên soạn dựa theo những tài liệu tiếng Anh có sắn từ nhiều nguồn theo chuẩn châu Âu. Đây là cơ sở ban đầu, và sau đó được bổ sung rất nhiều nhờ những công trình nghiên cứu về giáo pháp, về thiết kế chương trình nhằm hướng đến sự phù hợp cao nhất với đặc thù của giáo dục Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam đã đưa tiếng Anh vào giảng dạy và trở thành ngôn ngữ thứ hai bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, năm 1990, bộ sách tiếng Anh đầu tiên từ lớp 3 đến lớp 12của Việt Nam do các thầy cô giáo giỏi tiếng Anh được đào tạo bài bản ở nước ngoài biên soạn  chính thức ra đời. Ngay lập tức, bộ sách đã được coi là nhịp cầu để thế hệ trẻ Việt Nam tự tin bước ra thế giới, nói thứ ngôn ngữ mà cả thế giới đang sử dụng. Tuy nhiên kỳ vọng thì có thừa mà thực tế lại không phải là chùm khế ngọt, tình trạng học đâu, biết đó, thậm chí có học nhưng không biết đã khiến cho giấc mơ Anh hoá vẫn chỉ loanh quanh ở mức xuất phát điểm.

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” được phê duyệt theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ (được gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ 2020) đã chính thức ra đời. Đến ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2080/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Đề án tiếp tục có mục tiêu triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam.

Những gì được cho là điều kiện cần và đủ của việc dạy và học ngoại ngữ đã có đủ, việc còn lại là triển khai sao cho hiệu quả. Nhưng những bất cập trong dạy và học ngoại ngữ chưa hẳn đã hết. Trình độ giáo viên không đạt chuẩn (nói ngọng, nói tiếng địa phương) đã khiến cho việc dạy và học ngoại ngữ trở nên vô cùng khó khăn cho học sinh. Thiếu chuẩn nên nhiều trường thay vì dùng sách giáo khoa mới, buộc phải sử dụng sách giáo khoa cũ (chưa đạt chuẩn châu Âu) giảng dạy. Cũng lại có trường mời giáo viên người bản ngữ đến dạy tiếng Anh (có thu thêm tiền học sinh để chi trả). Nhưng, trình độ giáo viên bản ngữ thế nào, có phù hợp với người Việt Nam hay không vẫn còn là câu hỏi ngỏ chưa có lời giải đáp.

Mỗi trường một cách giảng dạy tiếng Anh là câu chuyên có thật của giáo dục Việt Nam. Vì vậy, mong muốn hình thành quy trình thi, kiểm tra tiếng Anh tại các cấp học được tổ chức đại trà trong toàn quốc vẫn không thể thực hiện. Và như vậy, thì mục tiêu đến năm 2025, đào tạo công dân toàn cầu và ngoại ngữ là thế mạnh của người Việt Nam rất khó trở thành hiện thực. Thế nên, khi chúng ta đang đón đầu 4.0 thì việc dạy và học ngoại ngữ cũng nên có những tư duy thông thoáng, mà câu chuyện về Sách giáo khoa chỉ là một phần trong những câu chuyện đó.

 


Có thể bạn quan tâm