April 25, 2024, 12:31 pm

Đào tạo ngành Văn: Cần kích thích khả năng sáng tác của sinh viên

Hiện nay, đào tạo ngành Văn ở nước ta đi theo 3 ngành chính đó là Văn học, Sư phạm Ngữ Văn và Sáng tác, Lý luận, Phê bình văn học. Tuy vậy, sinh viên tốt nghiệp thường gắn với công việc giảng dạy, nghiên cứu mà ít có khả năng sáng tác, sáng tạo tác phẩm mới.

Lối mòn đã nhiều năm

Văn học chính là hơi thở cuộc sống, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống xã hội. Tuy vậy, đã nhiều năm nay, trong sách giáo khoa phổ thông chỉ có những tác phẩm văn học từ xa xưa, gần nhất cũng thuộc về thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, phải chăng hiện nay chúng ta không có những tác phẩm văn học xuất sắc để bổ sung vào sách giáo khoa theo từng giai đoạn, từng năm?

Sinh viên được đào tạo các ngành Văn học và Ngữ Văn chiếm tỷ lệ lớn hơn rất nhiều so với ngành Sáng tác, Lý Luận, Phê bình văn học (hiện chỉ có Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đào tạo ngành sáng tác). Thậm chí, khi học lên bậc học cao hơn như thạc sĩ, ngành Văn học và Sư phạm Ngữ Văn chỉ tập trung vào dạy sinh viên về các bình diện văn học, lý luận văn học, ngôn ngữ, cách cảm nhận văn học, thi pháp học… nhưng hoàn toàn không có môn học kích thích khả năng sáng tác văn học của sinh viên, học viên. Văn học đôi khi khác nhau bởi cảm xúc, cảm nhận của mỗi người, nếu như áp đặt lối cảm nhận rập khuôn tới người học thì sẽ làm hạn chế khả năng cảm thụ và hiểu tác phẩm. Hơn nữa, tác phẩm văn học là trung tâm của văn học, nếu không tự đặt mình vào góc độ người sáng tác thì sẽ thiếu hụt đi một góc nhìn, và sự hiểu tác giả của người đọc sẽ bị hạn chế. Điều đó giống như việc, chúng ta quan sát một việc làm, cảm nhận công việc đó, bình luận công việc đó nhưng không bắt tay vào làm. Lao động nhà văn là lao động sáng tạo, cần thiết phải bắt tay vào công việc thì mới thấu hiểu hết được sự vất vả, tâm tư và cách viết của nhà văn.

Khảo sát đầu ra của sinh viên ngành Văn học và Sư phạm Ngữ Văn, có rất ít người đi theo con đường sáng tác văn học, hoặc đơn thuần có những truyện ngắn, tạp bút, bài thơ nhỏ đăng trên các báo, thay vào đó là tiểu luận, khóa luận bàn đi bàn lại những vấn đề đã có sẵn. Họ chủ yếu đi theo con đường giảng dạy hoặc nghiên cứu, kiến thức về văn học chủ yếu vẫn nằm trong sách vở mà ra, dựa nhiều vào tư liệu, nếu không đọc có thể quên ngay, còn kỹ thuật, nghệ thuật sáng tác, thứ công cụ của các cử nhân, thạc sĩ văn học không mấy nổi bật.

Nhiều tác phẩm văn học hay, được chọn đăng ở các báo lớn lại do những người không hề chuyên về văn học sáng tác. Họ đơn thuần là có khả năng quan sát, chiêm nghiệm và muốn kể hết ra thành một tác phẩm hoàn chỉnh, đôi khi họ không nắm được về cách thức xây dựng nhân vật, cốt truyện, hành văn còn chỗ dài chỗ ngắn nhưng họ đã tạo ra được một tác phẩm, điều đó mới có sự ảnh hưởng, tác động đến đời sống xã hội.

Đào tạo ngành Văn, tại sao cứ phải mãi nghiên cứu văn học Nga, văn học Anh, văn học trung đại, hiện đại… nhu cầu việc làm khi học các môn này ra vô cùng ít, học không khác gì cưỡi ngựa xem hoa. Và khi họ dạy lại cho học sinh lại là một bản rập khuôn khác, tạo ra một lối mòn làm thui chột tiềm năng sáng tác văn học của sinh viên.

 

Cần để Nhà văn gần hơn ở Nhà trường

Bất kỳ ngành học gì cũng phải có lý thuyết và thực hành. Ngành Văn cũng vậy, nếu như chúng ta chỉ đào tạo sinh viên bằng những tác phẩm đã được sáng tác hàng chục năm trước và chỉ dạy ở bình diện cảm nhận, lý luận thì mãi sản phẩm đầu ra sẽ luôn thiếu việc làm, hơn nữa tiếp tục trông đợi vào sự sáng tác văn học từ các ngành khác, thử hỏi, một ngày không còn nhà văn sáng tác nữa thì thạc sĩ văn học, tiến sĩ văn học lấy gì ra để bình luận, cảm nhận?

Vì vậy, trước nhất, đối với các ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn cần thiết phải thay đổi khung chương trình đào tạo. Nhất thiết phải đưa những môn như Phương pháp sáng tác, Sáng tác tác phẩm Truyện, Ký, Thơ vào giảng dạy, và không ai khác hãy mời những nhà văn chuyên nghiệp đứng lớp hoặc mở trại sáng tác, bài tập hết môn sẽ là một tác phẩm mới. Cả lớp sẽ cùng bình luận về những tác phẩm đó, hình thành phong cách sáng tác của mỗi sinh viên, chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn so với những môn học hiện nay.

Nhà văn là những người sáng tác tác phẩm, họ có thể không đi sâu vào thi pháp, tầng tầng lớp lớp cảm xúc nhưng họ biết kết nối tất cả vào một tổng thể. Tại sao, trong một giờ giảng văn chúng ta không mạnh dạn đưa các tác phẩm đoạt giải cao ở các cuộc thi văn học do Hội Nhà văn, báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội… vào để phân tích, hơi thở cuộc sống là ở đó, cớ sao lại lãng quên mà không đưa vào đào tạo thay cho những bài văn mẫu tràn lan khắp nơi, rồi đề thi trung học phổ thông quốc gia quanh quẩn bao năm chỉ có vài tác phẩm đó, với bazem chấm điểm chẳng khác gì môn trắc nghiệm.

Nhà văn quá xa Nhà trường chính là nguyên nhân làm cho lớp lớp sinh viên học ngành Văn ra trường rất khó xin việc, học văn nhưng lại không tiếp xúc với nhà văn, không có tác phẩm thời sinh viên thì chẳng khác gì ôm mớ lý thuyết suông ra bơ vơ ngoài xã hội. Sáng tác, đó có thể là năng khiếu nhưng cũng có thể do đào tạo, đặc biệt nếu ai có được cả năng khiếu lẫn đào tạo thì chắc chắn sẽ nổi lên như diều gặp gió.

Những tác phẩm tốt do sinh viên sáng tác sẽ được nhà văn thẩm định và có thể đưa giới thiệu trên báo. Đây là nguồn động lực to lớn để cho sinh viên đi theo một con đường mới, phát huy được năng lực của mình thay vì những khóa luận nằm ngủ hàng thế kỷ trong thư viện trường. Hơn nữa, công việc sau khi ra trường sẽ luôn ưu tiên ai tìm tòi cái mới, trong lĩnh vực truyền thông đó là nội dung, mẩu truyện, thông điệp chứ không phải kho lý luận về văn học đồ sộ.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các trường đại học đào tạo ngành Văn phải thay đổi chương trình đào tạo, hướng sinh viên đến năng lực sáng tác tác phẩm. Cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đưa những tác phẩm mới vào sách giáo khoa và thay đổi cách đánh giá học sinh, sinh viên học văn bằng tác phẩm chứ đừng bằng bài cảm nhận, tiểu luận mang tính khuôn sáo. Tôi tin rằng, các cử nhân, thạc sĩ văn học đã và chuẩn bị ra trường rất mong muốn điều đó.

Nguồn Văn nghệ số 25/2020


Có thể bạn quan tâm