March 29, 2024, 6:08 pm

Dạo này làm gì?

Đại dịch Covid-19 làm náo động thế giới. Nhà văn ta, nói như Xuân Diệu, là những người bao nhiêu lâu nay đã cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu với dân tộc, với triệu người vất vả gian lao, thì những ngày này đã tích cực vào cuộc theo cách riêng của mình rồi. Có thể kể ra:

Việc thứ nhất, cách làm truyền thống với nội dung cập nhật, mới mẻ

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai vừa in xong bài biểu dương các nhà văn nhà thơ nữ trên báo Văn nghệ (số 10, ra ngày 7 tháng 3), không biết có ai gợi ý hay do bản tính siêng năng, cả nghĩ, đã sưu tầm được một lô thơ của mọi nhà sáng tác trong đợt “đánh” Covid-19 này rồi in ra (photo thì đúng hơn). Bà bỏ vào mỗi túi một tập thơ này với củ khoai luộc hay cái bánh mì thơm, rồi phi xe đến nhà bạn. Như một người đưa hàng chuyên nghiệp, nhà thơ ta bấm chuông gọi, treo túi thơ và quà vào khe cửa rồi lên xe đi. Chủ nhà xuống ngẩn ngơ, rồi sướng quá reo lên. Nhà thơ ta nghe tiếng chuông điện thoại gọi, chắc là định cảm ơn hay nói chuyện gì đây, thôi, đi cho được việc đã, người ta cấm tụ tập, mình cũng ngoài 60 xuân rồi, nhanh còn về kẻo bị nhốt cách li thì khốn!

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên (Kiên lục bát) thì đang sưu tầm thơ và ca khúc (gợi ý thêm: cả truyện mini… nữa) để làm mấy tập thơ văn nhạc họa gì đó. In mỏng, khổ nhỏ, ra nhanh để ai cũng mua được, ông bảo thế. Thì cũng là hưởng ứng Thủ tướng, Phó thủ tướng… cả thôi. Văn nghệ đứng ngoài, đứng cạnh chuyện quốc gia sao được, xưa nay không có chuyện văn nghệ sĩ đứng ngoài, đứng cạnh và tụt hậu đâu nhé!

Tác giả truyện ngắn Nguyễn Thị Anh Thư và dịch giả - nhà văn Phạm Văn Ba cả tháng nay hầu như ngày nào cũng đưa tin về các Thông báo của chính phủ, về tình hình đánh dẹp dịch Covid-19 ở nước ta và các nước khác, hai nhà này cùng các vị trong Câu lạc bộ văn nghệ sĩ chùa Hà còn sưu tầm các bài thuốc, các cách phòng dịch. Trang mạng của họ bỗng đông vui hơn trước rất nhiều. Tuyên truyền viên à? Có người hỏi thế, tôi muốn thay mặt họ trả lời: Hơn cả tuyên truyền viên, họ là huấn luyện viên, nay mai, có khi làm thêm nhà tổ chức sự kiện cũng nên ấy chứ.

 

Việc thứ hai, mở “trại sáng tác” tại gia

Lâu nay, ai đi trại sáng tác của Hội Nhà văn, thì trước đó, đều phải gửi về Ban sáng tác của Hội kế hoạch/ đề cương viết, có nhà do chuẩn bị kĩ, còn nộp cả bản thảo đang viết giở. Đến trại rồi, theo đó cắm cúi viết/ sửa cho xong. Bây giờ có khác một tí: sáng ra, lướt Web mấy chục phút để “nắm tin tức”, rồi vào bàn viết, đọc, sửa… Hăng hái lắm, như thi với ai đó không rõ.

Qua điện thoại được nghe:

- Tôi sắp xong cái bản thảo 300 trang cò cưa cả năm ngoái rồi!

- Đang viết nha, té ra lại viết được ông ạ, ăn uống có vợ con lo rồi, hà hà… ông viết thêm gì đấy?

Lặng lẽ, mà có thể là đạt kết quả thiết thực hơn, là nhà thơ Trần Nhương. Trong những ngày này ông đang kiểm kê lại kho tranh ông đã vẽ mấy năm nay, nghe nói trong đó có nhiều bức kí họa, sơn dầu, mầu nước… về các văn nghệ sĩ. Anh định mở một triển lãm chuyên đề à? Cười: Chứ sao…

Quay sang, thấy cánh nghiên cứu lí luận như “bí mật nhà nghề” hơn, im lặng ra phết. Có ông thì thào kiểu giọng rất nhà nghề: Đang đọc sách giải thưởng! Hình như mấy ông bà làm thơ là điềm nhiên và có hiệu quả ngay được. Các vị cứ đọc trang thơ các báo Văn nghệ (Hội Nhà văn), Văn nghệ công an, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh… (qua mạng) thì sẽ biết. Vẫn là những dòng thơ quen thuộc, mà cách viết và điểm nhìn hiện thực có vẻ khác, nội dung tâm trạng tâm tưởng cũng mơi mới, tính công dân – chiến sĩ như bừng khởi.

Dịch Covid-19 đang thành đại họa lây lan. Gặp đại họa, muốn thắng chúng, cha ông ta đã rất điềm tĩnh mà tìm ra kế sách, nhà nước ta bây giờ cũng đang quyết liệt một cách có kế sách. Văn nghệ sĩ muôn đời nay vẫn là hàn thử biểu của thời cuộc, lại cũng là nơi nuôi dưỡng phần hồn, phần chìm ẩn của sức mạnh dân tộc, bây giờ họ cũng có được sự sôi sục mà an nhiên, tôi nghĩ thế là rất đáng mừng.

 

Việc thứ ba, là “chuyện nhỏ” của nghề viết, nhưng cũng xin lược kể

Ấy là việc học để sử dụng “cho hết công năng” của điện thoại di động thông minh và máy vi tính. Số là, trước đây, cũng đã có một số quý vị chỉ dùng điện thoại di động để alo, hay đọc và gửi tin nhắn, thế là thỏa mãn rồi, còn món vi tính thì “tớ ngại quá”. Nay nhóm văn sĩ cận mù công nghệ thông tin này hăm hở học, rồi thì cũng có tiến bộ. Có ông 70 tuổi cười phớ lớ trên màn hình: Bây giờ tôi biết tuốt rồi nhé! Này, ông mở mạng đi, thấy chưa, ông Putin đang dạo dương cầm, ông tổng thống Mỹ và bà Hilari đang nhảy múa theo nhạc đấy. Ấy ấy, có thằng bé con cái nhà ai lại hát bài nhắc lại lời kêu gọi của Chính phủ diệt và phòng tránh dịch Covid-19 theo nhạc bài Nối vòng tay lớn nữa đấy, ông xem chưa?

Vợ ông hình như cũng là một nữ sĩ nói với sang: Sáng và trưa nay tôi trực cơm nước rồi, bốn giờ chiều nay đến lượt ông lo bữa tối nhé! Có tiếng mấy trẻ con: Ông ơi, cháu xong bài tập toán rồi, cho cháu xem hoạt hình nhé, lại có tiếng đứa khác: Em thích nghe bà kể chuyện đời xưa cơ, bà ơi…

- Thế là lại thêm việc đầu bếp và bảo mẫu như xưa à?

Có tiếng “vâng” qua điện thoại, nghe như hơi khác thường.

Chợt nhớ câu ông Đỗ Chu: Rõ khổ, vừa viết vừa nấu lấy mà ăn, lại có một đàn cháu xúm xít nữa, khổ nhỉ…

Việc nữa, mới hơn: Một số nhạc sĩ ở Hà Nội, ở Vinh, ở Đà Nẵng… và Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang làm như Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thế Kiên rồi. Có ông Duy Mạnh và mấy thầy giáo mấy thanh niên ở Nghệ An, Quảng Bình cũng đưa lên mạng các ca khúc tự biên tự diễn, có cả ngàn cả vạn người xem nữa, xôn xao lắm… Thốt nhiên, tôi lại nhớ đến hình ảnh chàng trai khỏe mạnh mặc áo có hình cờ Tổ quốc hát bài kêu gọi diệt Covid-19 theo nhạc bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân trên trang mạng, có bao người hát theo.

Văn nghệ chuyên nghiệp và văn nghệ phong trào đang tự phối hợp mà cùng cả nước chống đại dịch, dẹp đại dịch. “Mày phải chết, mày phải cút đi ngay”, lời một ca khúc dân gian âm vang cái ý ấy.

Nguồn Văn nghệ số 16/2020


Có thể bạn quan tâm