April 18, 2024, 7:29 pm

Đạo đức trong học đường ngày nay

 

Bác Hồ luôn đề cao người công dân mẫu mực phải “vừa hồng vừa chuyên”. “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Thế mới thấy được chữ tài chữ đức phải luôn song hành cùng nhau. Phải chăng, với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật công nghệ ngày nay mà người ta chỉ lo dạy chữ mà không dạy làm người?

Các bé bắt đầu chập chững vào lớp mầm non đã được các giáo viên dạy dỗ để trở thành người lương thiện, biết sống vì mọi người. Lên tiểu học, các bé có được học môn đạo đức. Các tính cách, ứng xử đúng mực bắt đầu được hình thành. Thời gian này, nhiều bé còn có khi chỉnh sửa cha mẹ, người lớn ở nhà vì “Cô con dặn là…”. Tiếp tục rèn luyện chữ đức của học sinh ở môn Giáo dục công dân ở cấp học phổ thông cơ sở. Nhưng đến cấp học trung học phổ thông, học sinh được giảng dạy chuyên sâu về kiến thức văn hóa, không dạy về chữ đức nữa. Đến giờ đã 37 tuổi, tác giả cũng ngớ người ra khi muốn biết tại sao không có môn học như môn “Người công dân xã hội chủ nghĩa” hay tương tự như vậy. Ở một số trường đại học hiện nay đã có môn Pháp luật Đại cương. Tuy nhiên, nhìn chung, các môn dành để rèn luyện chữ đức cho người học chỉ là rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Phải chăng việc học làm người đã không còn thích hợp để giáo điều mà đã để người học tự nhận thức được ngay trong các môn học chuyên ngành. Vậy cũng không đúng, vì trong các môn học chuyên ngành, chỉ có một số ít giáo viên ý thức được và đã làm mẫu chính xác một nhân cách tốt đẹp cho người học. Còn lại đa số giáo viên lắc đầu chép miệng: “Việc của tôi chỉ là dạy chữ, dạy mà người học còn tiếp thu không kịp, thời gian đâu mà lo dạy làm người nữa chứ”. Họ nói vậy đúng không?

Tôi đang theo học lớp cao học về Giáo dục học ở Tp. Hồ Chí Minh, cô giáo của chúng tôi đã lần nữa khẳng định, nhà giáo phải dạy chữ và dạy làm người ở bất kỳ cấp học nào. Trong ứng xử trong lớp hay ngoài lớp, nhà giáo phải luôn làm gương cho mọi người noi theo. Nhiều giáo viên thì lại kể cả chê bai người học vì họ lười biếng, ngốc nghếch, hỗn hào… Nhưng cô giáo của chúng tôi khuyên rằng, đừng xét nét người học giầu nghèo, giỏi dở, hãy yêu thương người học và dạy dỗ cho họ trở nên tuyệt vời như những gì mình mong muốn. Tôi xúc động khi được nghe như vậy và cảm khích vô cùng vì những gì học được ở lớp cao học Giáo dục học này.

Tới mùa thi học kỳ, các giáo viên đều đi coi thi. Có người về nhăn nhó “Học sinh sao mà hư thế. Hôm nay đi canh thi mà bắt được mấy trường hợp quay cóp bài”. Thầy cô dạy dỗ, làm gương sao mà một ngày nào đó, học sinh tự giác ngồi thi một cách trung thực là một ước mơ biết khi nào thực hiện được. Còn cả những luận văn, luận án bị “đạo văn” là tiêu cực trong học đường. Đức tính trung thực rất cần thiết để xây dựng xã hội giầu mạnh, văn minh. Cách đây chưa lâu, tôi có dịp đi Nhật Bản. Tất cả cửa hàng tiện lợi, siêu thị ở Nhật đều không cần gửi giỏ xách. Khách mua hàng cứ thoải mái tay xách nách mang đi vào mua sắm. Ở Nhật, người ta giáo dục ngay từ nhỏ rằng ăn cắp rất xấu, nên tỷ lệ ăn cắp là rất ít, hầu như không có. Nếu Việt Nam cũng được như thế thì hay biết mấy. Xã hội sẽ bình yên và tốt đẹp hơn rất nhiều.

Giáo dục Việt Nam vẫn chưa thể gọi là thành công, nên cứ khoảng thời gian là lại phải cải cách giáo dục. Nghĩ cho cùng, cải cách hay nhất là cải cách nhận thức của tầng lớp nhà giáo. Một khi nhà giáo ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình thì họ sẽ tìm hiểu, lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học sao cho hợp lý, hiệu quả nhất. Còn phải kể đến vai trò của những lớp học phi chính quy, lớp học không chính quy. Nếu ở những lớp học ấy, cũng có thể rèn luyện được chữ đức của người học thì hay biết mấy.

Học đường chỉ là một phạm trù tương đối trong toàn xã hội. Nên nếu muốn xây dựng đạo đức trong học đường thì rất cần thiết và hợp lý. Tại sao không có một bản CV dành cho đạo đức nhỉ. Khi ra trường, hãy cầm một CV công việc và CV đạo đức để đi kiếm việc làm. Chỉ khi nào như vậy thì mới hy vọng mọi người trong xã hội mới quan tâm đến vấn đề đạo đức trong học đường ngày nay.

Nguồn Văn nghệ số 07/2020


Có thể bạn quan tâm