April 20, 2024, 10:22 pm

Dạo chơi thành phố Lille - Pháp

 

Lille cách thủ đô Paris hơn 200 km, nằm ở phía bắc nước Pháp, có đường biên giới giáp Bỉ và là thủ phủ vùng Haute-de-France, có sông Deule chảy qua. Đây là vùng đô thị lớn thứ tư của Pháp sau Paris, Lyon và Marseille. Kể từ năm 1667, sau cuộc chinh phục thắng lợi của vua Pháp Louis XIV, vùng này đã thuộc Pháp, nên diện mạo thành phố đã ít nhiều thay đổi theo phong cách Pháp. Tuy nhiên, Lille vẫn giữ được những nét kiến trúc và văn hóa của vùng Flandres trước đây. Với đường biên giáp Bỉ và Anh, Lille mang nhiều màu sắc khác nhau, nhưng du khách vẫn được chiêm ngưỡng sự giao thoa hài hòa giữa các nền văn hóa. Lille là một thành phố thân thiện, nổi tiếng bởi các chương trình triển lãm, festival và các công trình nghệ thuật phong phú. Các kho tàng di sản được bảo quản tốt và đời sống văn hóa năng động, sở hữu nhiều cấu trúc lịch sử, các nhà bảo tàng, di tích, công viên, vườn hoa. Các bộ sưu tập tranh từ thế kỷ 15-20 tại Nhà bảo tàng Beaux-Arts được giới nghệ thuật đánh giá là một trong những bảo tàng nghệ thuật quan trọng, chỉ đứng thứ hai sau Louvre ở Paris. Lille cũng là một trung tâm đô thị sầm uất. Khu mua sắm tại Lille thường rất cổ kính với những con đường hẹp, lát đá và những ngôi nhà theo phong cách Flamand. Lille cũng nổi tiếng với nhiều quán bar và cà phê, nhà hàng thanh lịch và những hộp đêm…

Từ Paris, có nhiều phương tiện để đến Lille. Bạn có thể dùng tàu TGV và chỉ hơn một giờ sau, bạn đã có mặt tại đây, nhưng sẽ thú vị hơn nếu bạn dùng xe ca và mất chừng bốn giờ. Bù lại dùng xe ca, bạn sẽ được ngắm phong cảnh hai bên đường. Trừ một số kilomet xe chạy trên đường cao tốc, còn lại sẽ len lỏi qua các thành phố nhỏ, phong cảnh đồng quê rất thú vị. Bạn sẽ được chứng kiến sự an bình của làng quê Pháp, những cánh đồng cỏ bát ngát, nhưng tòa lâu đài cổ và tháp chuông nhà thờ Gauthique thấp thoáng đâu đó xa xa qua những tán lá …

 

Một chút lịch sử :

Theo các nghiên cứu, Lille có thể được thành lập vào những năm 640. Nhưng dấu tích của thành phố này chỉ xuất hiện lần đầu tiên trong các văn bản của quận công vùng Flandres từ sau khoảng 1054. Trong Hiến chương năm 1066 của Bá tước Baudouin V, Lille được biết theo tiếng Pháp cổ là Isle, có nghĩa là đảo. Tên của thành phố có nguồn gốc từ vị trí địa lý ban đầu. Nơi đây xưa kia vốn là một hòn đảo có nhiều đầm lầy thuộc thung lũng sông Deule. Ban đầu chỉ là một hải cảng, Lille dần phát triển thành một thành phố thương mại. Ngày nay tại Pháp, Lille vẫn còn được mệnh danh là “Thủ đô xứ Flandres”, bởi Lille và các vùng lân cận thuộc một vùng lịch sử của xứ Flandre-roman, và cũng là một tỉnh lịch sử của xứ Flandres Pháp. Là một thành phố quân sự với bằng chứng là khu thành cổ kiên cố. Theo dòng lịch sử, Lille đã chịu nhiều biến cố trong suốt thời Trung cổ cho đến cuộc Cách mạng Pháp. Nơi đây đã nổi tiếng là một thành phố bị vây hãm nhiều nhất nước Pháp bởi nhiều quốc gia và các lãnh chúa lân bang trước khi được vua Pháp Louis XIV vĩnh viễn chiếm lại vào thời kỳ Cuộc chiến Kế thừa Tây Ban Nha và vẫn còn bị vây hãm vào năm 1792 nhân cuộc chiến Pháp – Áo. Nơi đây cũng hứng chịu nhiều tổn thất đau thương trong hai cuộc Đại chiến thế giới của nửa đầu thế kỷ XX, thành phố đã bị chiếm đóng và phá hủy phần lớn.

Sự xuất hiện của tàu siêu tốc TGV vào năm 1993 và tàu Eurostar năm 1994 đã đưa Lille vào vị trí trung tâm của thủ đô các quốc gia châu Âu. Các sự kiện quốc tế thường niên như Chợ đồ cũ diễn ra vào đầu tháng chín đã thu hút từ hai đến ba triệu lượt khách, sự phát triển các khu học xá và trường đại học quốc tế với lượng sinh viên đứng thứ 3 nước Pháp, việc được xếp hạng là Thành phố Nghệ thuật và Lịch sử vào năm 2004 và ứng cử viên Thủ đô Văn hóa châu Âu là những biểu tượng của thành phố Lille hiện đại ngày nay.

Đi nhẩn nha trong thành phố, bạn sẽ thấy những công trình hết sức hiện đại mọc xen kẽ với những tòa nhà, di tích cổ kính. Trong ánh nắng thu, cây cối ngả vàng, cảnh vật như hiền hòa hơn, rực rỡ hơn những không kém phần cổ kính.

 

Một số “điểm nhấn” Lille

Porte de Paris

Porte de Paris là một trong những cửa vào khu thành cổ nhất của thành phố Lille, được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 thành hình Khải hoàn môn để chào mừng chiến thắng của vua Louis XIV. Nơi đây được coi như một kiệt tác Nghệ thuật chiến tranh và đã được xếp là Di sản lịch sử vào năm 1875. Nơi đây xưa kia vốn là Cửa Người ốm, lối tiến vào thành phố từ phía nam.

Ngày 28 tháng 8 năm 1667, sau 10 ngày bao vây, vua Louis XIV đã tiến vào thành phố theo cửa này và nhận chìa khóa Thành từ tay “Chính quyền thành Lille”. Một năm sau, với hiệp ước Aix-la-Chapelle, Lille trở thành một phần của lãnh thổ Pháp. Vua Louis XIV đã thấy được tầm quan trọng của thành phố nên đề nghị Kiến trúc sư Simon Vollant (1622-1694) xây dựng Cửa Paris này để thay thế Cửa Người Ốm. Nó được xây dựng từ năm 1685 và khánh thành năm 1692, là biểu tượng của thành Lille đã thuộc về nước Pháp.

 

Nhà thờ Saint-Maurice

Nhà thờ này nằm trên phố Pierre Mauroy tại trung tâm thành phố cổ. Theo truyền thuyết dân gian, nơi đây xưa kia thuộc làng Fins, và nhà thờ này được xây dựng trên nền móng đổ nát của một nơi thờ cúng Thần Chiến tranh. Nhưng theo văn bản đầu tiên thì nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1066. Còn nhà thờ như chúng ta chứng kiến ngày nay thì được khởi công xây dựng vào cuối thế kỷ 14 và chỉ được hoàn thành vào cuối thế kỷ 19, kéo dài trên hơn bốn thế kỷ. Đây là một nhà thờ có năm gian với độ cao ngang nhau theo phong cách gothique và tân-gothique. Nhà thờ được hoàn thành với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư hàng đầu mỗi thời đại. Nơi đây được xếp hạng di tích lịch sử vào năm 1840.

 

Furet du Nord – Hiệu sách lớn nhất châu Âu

Cái tên này có nguồn gốc từ những truyền thống địa phương: săn thỏ bằng chồn sương. Cửa hàng ban đầu là một nơi bán lông thú, nằm trên phố Vieille-Comédie, được chuyển thành hiệu sách vào năm 1936. Ngày nay, hiệu sách Furet lớn nhất nằm ở quảng trường Grand Place, được xây dựng năm 1959 và đã từng đạt kỷ lục là hiệu sách lớn nhất thế giới từ năm 1992 đến 1999. Hiện nay nó vẫn là hiệu sách lớn nhất châu Âu và đã trở thành một chuỗi hiệu sách có mặt tại Pháp và Bỉ. Hiệu sách khởi đầu chỉ với 70m² vào năm 1936, sau đó tăng dần lên 200m² rồi 600m². Le Furet trở thành hiệu sách đầu tiên tự-phục vụ. Mặt bằng của hiệu sách tại Lille đã chuyển từ 500 m² năm 1982 lên 4000 m² rồi 8000m² vào năm 1991. Hiện này, hàng ngày nơi đây tiếp đón chừng 12.000 lượt khách. Hiện nay, hiệu sách có đến 19 chi nhánh cùng tên, trong đó 13 nằm tại vùng Haute de France, 4 tại Paris và vùng phụ cận và 2 cửa hàng tại Bỉ.

 

Nhà hát Opéra

Nhà hát Opéra-Lille hiện nay được lấy cảm hứng theo phong cách tân-cổ điển, được khởi công xây dựng từ năm 1907 đến 1913 và chính thức khánh thành vào năm 1923. Tòa nhà được xếp hạng Di tích Lịch sử vào năm 1999.

Kể từ Hiệp ước Aix-la-Chapelle năm 1668, Lille chính thức thuộc Pháp thì hoạt động văn hóa trữ tình được phát triển nhanh chóng. Các buổi trình diễn liên tục được tổ chức trong phòng lớn của Tòa thị chính. Năm 1700, phòng này đã bị phá hủy sau một buổi trình diễn vở Médée de Charpentier. Nó được tái xây dựng nhờ sự đóng góp hảo tâm của vua Louis XIV. Vị vua Mặt trời đã mở hầu bao cho việc này với số tiền lên tới 90.000 florin (đơn vị tiền cổ của Hà Lan). Vào cuối thế kỷ 18 một nhà hát rộng hơn được kiến trúc sư Lequeux xây dựng và đã được khánh thành vào năm 1788. Kể từ đó, Nhà hát ấy đã phải chịu nhiều thăng trầm và hỏa hoạn. Trong đợt tái thiết đầu thế kỷ 20, vào năm 1914 khi nhà hát vẫn chưa hoàn thành thì cuộc Đại chiến thế giới lần I xảy đến, quân Đức đã chiếm đóng và hoàn thành nốt công việc xây dựng và khắc trước mặt tiền nhà hát hàng chữ “Nhà hát Đức”. Buổi trình diễn đầu tiên tại đây đã diễn ra vào lễ Noel năm 1915, dưới sự có mặt của Rupprecht de Bavière - Thái tử cuối cùng của xứ Bavière và nhà lãnh đạo quân sự trong cuộc đại chiến thế giới thứ I, và Thống đốc von Heinrich - tướng chỉ huy các lực lượng chiếm đóng tại Lille. Các nghệ sỹ Đức chỉ rời khỏi nhà hát Opéra-Lille vào cuối tháng chín năm 1918 mà không hề phá hủy những trang thiết bị sân khấu, như quân Đức đã làm ở hầu hết các nơi trên lãnh thổ Pháp. Trận chiến kết thúc cho phép Pháp hoàn thiện Nhà hát và chính thức khánh thành vào năm 1923. Trang trí mặt tiền nhà hát mang nhiều thị hiếu của vua Louis XIV, phù hợp với các qui định kiến  trúc vào Thời vàng son nổi tiếng từ những năm 1900. Được xây dựng bằng đá vôi, rất sáng. Toàn bộ cảnh trí được Louis Marie Cordonnier vẽ thiết kế, với đội ngũ nghệ sỹ điêu khắc nổi tiếng, minh họa sự Tôn vinh Nghệ thuật. Xung quanh thần nghệ thuật Apollon là chín nàng thơ đại diện cho thơ ca, âm nhạc, sân khấu, và các nền nghệ thuật trữ tình hoặc khoa học khác.

 

Nhà ga Lille-Flandres

Đây là nhà ga xe lửa chính của thành phố Lille nối liền từ Paris đến miền bắc nước Pháp, nằm tại khu trung tâm thành phố. Do như cầu vận chuyển hàng hóa và giao thông đi lại của dân chúng, Phòng Thương mại thành phố đề suất xây dựng nhà ga vào năm 1839 nhưng do thiếu ngân sách nên cần sự tham gia của chính phủ. Sau nhiều bộ luật được ban hành và chỉ đến tháng bảy năm 1841 thì mới bắt đầu được khởi công xây dựng, và khu đầu tiên được đưa vào sử dụng được hoàn thành vào tháng 11 năm 1842. Sau nhiều năm liên tiếp, nhiều tranh luận thảo luận, các bộ luật được thông qua, nhà ga đã mở rộng chỉnh sửa và bổ sung những trang bị cần thiết để phục vụ những nhu cầu khác nhau của người dân và của thành phố. Từ “Flandre mới được thêm vào từ năm 1993 để phân biệt với một nhà ga mới được xây dựng, ga Lille-Europpe - hiện đại hơn phục vụ cho vận chuyển hành khách xuyên quốc gia bằng tàu siêu tốc.

Trong đêm ngày mùng 1 rạng ngày mùng 2 tháng tư năm 1944, ê kíp trực điện thoại của nhà ga đã đóng vai trò quan trọng, tránh được trận thảm sát diễn ra tại thành phố ngoại ô – Ascq.

Theo con số thống kê, năm 2011, nơi đây đã tiếp 19,8 triệu lượt khách, năm 2012 tăng lên 21 triệu, hàng ngày tiếp chừng 80 ngàn lượt khách. Năm 2016 đã có hơn 26 triệu lượt khách qua ga này.

 

Cộng đồng người Việt và sinh viên tại thành phố Lille

Hiện tại có chừng trên dưới trăm sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường Đại học tại Lille, chủ yếu theo các ngành Quản lý kinh tế. Lượng cán bộ được nhà nước Việt Nam cử sang theo những khóa đào tạo về quản lý hành chính và báo chí điện ảnh tại đây cũng khá đông.

Cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc tại Lille và vùng phụ cận gồm chừng 5 ngàn người, nhưng không tập trung, họ đến Pháp theo nhiều thời kỳ và thực nhiều ngành nghề khác nhau. Nếu bạn muốn tìm chút hương vị quê hương thì có thể đến Roubaix, một thành phố cách Lille chừng hơn 10 km thì sẽ thấy chùa Hộ Quốc. Theo Thượng tọa trụ chì Thích Viên Minh, chùa được thành lập năm 1991-1992 nhằm thể theo nguyện vọng được thực hành đời sống tâm linh của bà con người Việt nói riêng và cộng đồng châu Á nói chung. Qua mấy chục năm, chùa dần dần phát triển và trở nên khang trang hơn. Vào dịp lễ tết và những ngày lễ Phật giáo, thì chùa đều tổ chức các nghi thức để bà con được thỏa nguyện. Ngoài ra, hàng tháng chùa còn tổ chức những buổi Pháp thoại, những buổi lễ cầu siêu. Hội Phật tử tại Lille và vùng phụ cận nhờ vậy mà lớn dần. Được biết, có những bà con đến từ rất xa, cách hàng trăm cây số và đến từ các nước lân cận như Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Thi thảng chùa cũng mời ban văn nghệ của kiều bào đến biểu diễn vào những dịp lễ.

Nguồn Văn nghệ số 42/2018

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm