April 26, 2024, 5:54 am

Đánh thức đảo chè sinh thái Thanh Chương

 

 Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn. Xưa nay người ta nhắc đến huyện Thanh Chương với món đặc sản nhút - chế biến từ ruột quả mít có đặc điểm nguồn gốc rất xa xưa hợp với thổ nhưỡng vùng bán sơn địa. Nhưng với dân làm văn hóa du lịch thích xê dịch thì nơi đây còn có một kỳ quan thiên nhiên' Đảo chè sinh thái Thanh Chương được mệnh danh là thiên đường du lịch sinh thái đảo chè xứ Nghệ. Háo hức thế nhưng đến khi làm khách mời dự hội thảo khoa học quốc tế Nữ sĩ Hồ Xuân Hương Danh nhân văn hóa thế giới, tôi mới chủ động đề nghị đi về Đảo Chè Thanh Chương.

 

Đảo chè sinh thái Thanh Chương

 

Hội đồng họ Lê, họ Hồ tỉnh Nghệ An kết nối, chị Võ Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An giới thiệu với anh Trình Nhã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương. Đúng 7 giờ sáng ngày 4.12, bác tài Văn phòng Ủy ban huyện đã có mặt tại lễ tân Khách sạn Giao Tế ở thành Vinh đất Phụng Hoàng Trung Đô đón chúng tôi về thẳng đảo chè. Trời mờ sương có chút mưa lất phất, gần một giờ sau qua bến chính, chúng tôi đã lên thuyền du lịch Quang Thắng. Chao ôi là sương mờ. Chao ôi là đồi chè. Đồi chè soi bóng nước lung linh, long lanh như những bức tranh thủy mặc. Thi thoảng trên các ngọn đồi là những túp lều tranh hoang dã chờ đón khách. Tôi nhìn bao quát, thuyền du lịch ở đây cũng thanh nhã nhẹ nhàng có sức chứa 20 đến 40 khách. Ghế ngồi chắc chắn, lịch sự. Có ấm nước chè xanh nóng hổi phục vụ miễn phí cho khách.

 

Mùa Xuân, tháng Hè, ngày lễ Tết, đảo chè sinh thái Thanh Chương tấp nập du khách

 

Chủ thuyền Quang Thắng đon đả mời chúng tôi bát chè xanh ấm lành. . Anh nói: Bữa ni mùa Đông se lạnh nên ít khách, chứ vào mùa Xuân, tháng Hè, ngày lễ Tết thì đông vui rôm rả. Không chỉ khách ta mà khách Tây đều thích các món ăn đặc sản nhà quê trên thuyền như: tôm cá, gà đồi, quả cọ, quả trám đen um. ". Tôi hỏi: Toàn đảo có bao nhiêu thuyền du lịch? Bao nhiêu hộ trồng và chăm sóc chè? Anh hạ bớt ga cho máy nổ nhẹ rồi nói: Có 83 thuyền du lịch sẵn sàng đón khách. Có 180 hộ nhận canh tác chè. Chè ở đây phần lớn được hái, bó từng gánh rồi bán tươi cho các cơ sở thu mua chuyển đi các thị trường. Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nguyễn Mạnh Hảo cho tôi một thông tin toàn cảnh: Đảo chè Thanh Chương vốn là công trình thủy lợi của hơn một vạn Thanh niên xung phong huyện xây đắp trong năm 1963. Nó còn có tên Đập Cầu Cau tiếp giáp ba xã Thanh Thủy, Thanh An và Thanh Thanh. Đập có sức chứa 3 triệu khối nước, diện tích mặt nước hơn 83 ha cung ứng nước sản xuất cho 5 xã trên địa bàn huyện. Người dân khai phá các đồi cây khoảng 450 ha để trồng 89 ha chè, cấp nguyên liệu cho hai nhà máy chè Ngọc Lâm và Thanh Mai. Thuyền đưa chúng tôi dạo quanh đảo chè. Nhà thơ Thạch Châu bộc bạch: Tôi năm nay 83 tuổi từng đi các nơi thăm các rừng chè, đồi chè, nông trường chè nhưng chưa thấy nơi đâu có đảo chè xanh mát, đẹp và sinh thái nhẹ nhõm an lành như ở đây. Chu cha, đây là một vịnh Hạ Long trên cạn. Nhìn qua, tiếc là chưa thấy dấu hiệu có nhà đầu tư lớn để đảo chè trên bến dưới thuyền nườm nượp du khách tham quan. Nhà thơ Văn Quốc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản thơ, văn truyền thống và Hán Nôm Nghệ Tĩnh, văn phòng tại thành phố Vinh khoe đã 4 lần tổ chức cho anh em thơ ca tham quan dã ngoại thưởng lãm và sáng tác về đảo chè Thanh Chương, trong đó có một lần được anh Thái Thanh Thúy, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, nay là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ giáo viên và nhà thơ về đảo chè giao lưu sáng tác.

Chợt nhớ đến nhà giáo, nhà thơ Trần Thị Năm ở Đà Nẵng, quê gốc Thanh Chương, có tập thơ Người đàn bà đi trong mưa,  tôi liền gọi di động, gợi ý nên ra mắt sách tại quê mình cùng nhà thơ Văn Quốc vào dịp đầu xuân. Chị reo lên: Ôi Thanh Chương tình yêu của em, đảo chè quê em. Em sẽ về ra mắt tặng thơ cho bà con bạn bè và học sinh quê nhà. Trong giọng nói ấm nồng nằng nặng xứ Nghệ của chị, tôi thấy có khói sương bồng bềnh đảo chè, trìu trĩu tình xứ sở. Tôi gọi tiếp cho Đại tá, bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú, bạn chiến trường Campuchia với tôi một thuở. Bác sĩ Chương, thành viên chủ chốt Hội Hán Nôm Đà Nẵng, anh bồi hồi giây lát rồi xúc động: Cám ơn nhà báo, nhà thơ đồng đội đã về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Anh lên chơi đảo chè là chạm vào trái tim tôi, chạm vào mạch nguồn quê xứ Thanh Chương của tôi. Tiếc là ngành du lịch còn đơn sơ, các nhà kinh doanh còn e dè chưa mạnh dạn đầu tư lớn để quy hoạch vùng kinh doanh chè kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng. Tôi đem điều tâm tư này trao đổi với anh Nhã, Chủ tịch Ủy ban huyện. Anh Nhã bộc bạch, không giấu các nhà báo, nhà thơ, trước đây có một tổng công ty lớn có dự án đầu tư vào đảo chè, nhưng chưa biết thế nào đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Tôi thay mặt chính quyền huyện tha thiết mời gọi các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, nhất là những người con quê hương làm ăn thành đạt ở xứ người về đầu tư phát triển bền vững cho đảo chè thêm khởi sắc sinh khí, góp phần làm giàu cho vùng đất tiềm năng ẩm thủy, ẩm thực chè đảo Thanh Chương.

 

Thăm  cơ sở kinh doanh Nhà Trà Phúc Hưng Thịnh

 

Theo yêu cầu, tôi được xe đưa đến cơ sở kinh doanh Nhà Trà Phúc Hưng Thịnh. Một chiếc xe tải lớn đang đón các gói chè Thanh Chương đã được sơ chế chuẩn bị đưa đi các tỉnh phía Nam chế tác thành phẩm. Hai vợ chồng chủ trà Trần Thị Hải Yến và Lê Ngọc Phúc vui vẻ mang tất cả các thành phẩm trà đã chế tác ra bàn chào hàng với chúng tôi. Nhìn qua thấy bao bì nhãn mác cũng bắt mắt, tôi giới thiệu: Thay mặt các vị trong ban tổ chức Lễ hội trà Việt toàn quốc tại Hội An cuối năm 2022 đầu năm 2023 tôi xin mời Nhà Trà của hai bạn thay mặt các Nhà Trà xứ Nghệ, miền Trung đăng ký tham dự giới thiệu quảng bá, kinh doanh và trình diễn chế tác trà ở các ngôi nhà cổ trong không khí tái hiện ký ức cổ tích ở Di sản văn hóa thế giới Hội An. Chủ trà Lê Ngọc Phúc hứa đăng ký ngay để kịp đưa trà dự lễ hội ở phố Hội. Anh cho biết đây là nghề truyền thống tiếp nối ông bà nội, ngoại là Lê Ngọc Yến và Trần Đình Hồng . Sơ chế và thành phẩm trà có mặt ở các tỉnh miền Táy Nam Bộ, có mặt ở xứ Quảng với hai đại lý phân phối ở thành phố Tam Kỳ và thị xã Hội An. Nhà Trà Phúc Hưng Thịnh chúng em bình quân mỗi năm sản xuất 200 tấn chè sơ chế, 60 tấn thành phẩm. Chúng em mong ngành du lịch đảo chè phát triển để bà con làm giàu trên cơ sở dịch vụ, mong ngành chè nơi đây được tiếp sức công nghệ chế tác tiên tiến để danh tiếng chè đảo Thanh Chương vượt đảo nhà đến với mọi miền đất nước, vượt đại dương đến với các nước trên thế giới. Chúng em tự hào Nhà Trà mình mang thương hiệu Chè Đảo Thanh Chương xứ Nghệ.

Vâng Đảo Chè Thanh Chương, Chè Đảo Thanh Chương Xứ Nghệ là hồn quê " Đường vô xứ Nghệ loanh quanh. Non xanh nước biếc như tranh họa đồ" Chè Đảo Thanh Chương Xứ Nghệ độc nhất vô nhị phải phát triển, hội nhập cùng xứ người, tại sao không?

 Lê Anh Dũng

Có thể bạn quan tâm