April 19, 2024, 9:05 pm

Dành dành cánh kép

 

Nhấp một vần thơ với rượu 
Nghe chiều hát tan khói mờ
Thả một ván cờ chức tước
Đường về xa như mơ…

(Thơ Thi Đoàn Hải Sam)

Làng tôi ven sông Cả. Mở mắt ra là thấy đê quai sừng sững chắn ngang trước mặt, che khuất cả một nửa chân trời, bốn mùa lan lan những trảng màu hoa cỏ. Tanh tách tím hút dài theo vệt gió. Hoa lau vờn như mây. Và cả mùa đông, cỏ may lụi trong gió bấc vẫn ủ triền đê một màu tím thẫm như bóng tối.

Ngày nhỏ, chiều nào cũng thế, đã thành lệ, bao giờ tôi cũng cắt chéo một đường xương cá, băng qua cỏ, qua hoa, lên mặt đê, hướng về phía bến sông. Cuối tầm nhìn, chỗ dòng sông đổi hướng quặt về làng, tạc thành khối là hình cây đa ba cội bao quanh một ngôi miếu cổ, một chiếc vó bè giương cần vó với bốn gọng khổng lồ. Chiếc vó bè mục nát, chiếc cầu vó nhịp còn nhịp mất và túp lều bỏ hoang chẳng có gì hấp dẫn. Tôi chẳng ra đấy làm gì nếu như ở ngay dưới chân cầu, bên sườn đê không có một cây dành dành cánh kép. Trọn vẹn suốt tháng cuối xuân sang hè bung trắng muốt một màu hoa. Hương thơm loang dài trên sóng, ru ngủ cả một triền đê lộng gió bốn mùa.

Và cũng tròn trong tháng ấy, không đêm nào tôi ngủ được.

            Cũng đã hơn hai mươi năm, cứ vào quãng ấy, nếu nửa đêm nào đó nghe tôi trằn trọc trở mình là giường bên thấy tiếng bà lẩm bẩm: “Lại sắp rồi đây!”. Tôi cố nằm im để khỏi chạm vào giấc ngủ của bà nhưng nghe rõ mồn một trong  mưa bụi ẩm có tiếng cánh hoa bung mình ra khỏi nụ, thấy hương dành dành tràn ngập khắp căn nhà nhỏ, sóng sánh, lớp nọ chồng lên lớp kia, hối thúc tôi ngồi dậy, lật giở từng lớp mùi thơm ngọt, mát như sương, để thấy rõ dần một bờ đê xoải nghiêng cánh chim, một dòng sông quen thuộc nước xuôi trong tĩnh lặng, kẽo kẹt chiếc vó bè.

            Và tôi nhìn thấy hai người - hai vợ chồng trẻ quẩn quanh ríu rít bên nhau trong túp lều vó lợp lá gồi. Người vợ không rực rỡ nhưng dịu dàng và mềm mại. Còn người chồng tôi chẳng trông rõ mặt bao giờ. “Họ làm gì đấy?”- Tiếng bà thì thầm bên tai. “Vẫn thế bà ạ! Người chồng đang kéo vó. Chiếc vó lớn lắm, hơi nghiêng đón chiều nước chảy, chiếm cả phân nửa dòng sông. Người vợ vẫn lui cui nhặt tép nhặt tôm, chuẩn bị xuống thuyền xuôi chợ. Con nghe thấy người chồng dặn đi rồi về sớm, tiếng người vợ hỏi gì về giấy, về mực, về bút, về nghiên. Ai đấy hả bà?”. “À! Vợ chồng anh học trò nghèo sống bằng nghề vó bè! Bà cũng không biết. Chỉ nghe kể lại thôi!”.

Ngày ấy triền sông mới chỉ có gốc đa già, có hai vợ chồng trẻ tận cuối làng, ruộng vườn không có, dắt díu nhau ra bến, chỗ gốc cây dành dành, dựng một chiếc vó bè. Người chồng ham học lắm, bảo quyết tâm thi đỗ làm quan rồi đưa vợ đi cùng. “Thảo nào con nghe tiếng đọc sách suốt đêm.”. “ Bà nghe nói người vợ cũng giỏi lắm. Chồng học đến đâu, vợ thuộc theo đến đấy. Những đêm thư thả, không bận con nước lại cùng chồng xướng họa… Con còn thấy gì nữa không?”. “Bây giờ mịt mùng quá. Chỉ thấy một chấm đèn vàng. Và nghe người vợ hát: “ Sao không trở lại bờ đê. Diều lên thả hết đam mê thị thành. Ổi ương, sung chát, sông xanh. Vó bè gửi cánh dành dành tìm nhau…”. Hát một mình bà ạ!”. “Chắc người chồng đi rồi! Đi thi ấy! Có đỗ đạt, làm quan. Nhưng rồi ham giàu, ham công danh, chức tước…”. “Vâng! Con thấy!”.

            Tôi thấy người vợ vừa hát, vừa rướn quằn mình, víu từng nấc dây để kéo chiếc vó khổng lồ lên khỏi mặt nước, mắt vẫn ngóng phía xa chờ một cánh buồm về. Thấy túp lều bao lần thay lá lợp, thân cầu mục trống dần từng nhịp. Thấy tận mắt cả cái đêm giông bão, sông chồm lên giật chiếc vó bè sập xuống, kéo chiếc cầu vó và túp lều có người vợ trôi xa. Tất cả mất hút dưới vực xoáy cửa sông. Nhưng xác người vợ ba ngày sau lại quay về chỗ cũ, tấp vào gốc đa. Rồi qua một đêm mối đùn thành đống. Thấy dân làng lập miếu thờ. Thấy cây đa chuyển mình vào sát miếu, buông thêm hai cội, trùm lên chắn sóng và chắn gió. Thấy chiếc vó bè dựng lại, gọng vó bắt chéo, khắc lên nền trời bốn vạch hình chữ thập, làm dấu đợi người về.

            “Con còn nhìn thấy gì không?”. “Thấy một đêm trăng sáng, ở bên lợi sóng có một chiếc thuyền thúng nhỏ. Có tiếng trẻ con khóc.”. “Là tiếng con đấy!”.

Đó là một đêm cuối xuân. Nhà mình xa như thế mà tiếng khóc cứ rót vào tai. Bà lần theo ra tận cầu vó, thấy con nằm trong lòng thúng, xung quanh ủ kín hoa dành dành. Giời cho mày về với bà. Lành như đất. Bú chực được ai thì bú còn nước cơm, nước cháo cũng qua. Chỉ tội cứ đến mùa này là đêm nào mày cũng khóc.”. “Con quấy hả bà?”. “Không phải quấy mà là khóc ngằn ngặt cả đêm không dứt tiếng. Tím cả người. Vía van đốt thế nào cũng không khỏi, cứ chỉ tay ra ngoài, ra tận triền đê, ngồi dưới gốc dành dành mới yên. Sau thành lệ. Cứ mùa dành dành nở là bà cháu lại dắt díu nhau ra đấy, ngủ ngoài cái lều vó cũ. Cứ như thế đến năm mày năm tuổi. Còn từ bấy đến giờ, hơn hai chục năm rồi, cứ đến mùa này mày lại thức thâu đêm. Chẳng biết căn số gì…”. “Con nhìn thấy bà ạ! Những gì đã qua con nhìn thấy hết. Để con viết lại rồi kể bà nghe.”. 

Tôi bắt đầu viết từ năm hai mươi tuổi. Viết lại để cho mình khỏi quên. Để tàn những đêm trắng  có chuyện kể cho bà. Và viết cho một người nữa. Ở xa…

Và đêm nay tôi còn nhìn thấy…

*

Ga Sài Gòn đêm tháng ba không mùa, không thời gian, xoáy tròn vào tâm hối hả người và rầm rập những chuyến tàu xuôi. Tiếng loa bình thản, đều đều đập vào tim người chờ từng nhịp rồi xiết chặt lại bằng cái cảm giác bồn chồn đến tức thở: “Tàu SE 8 đang chuẩn bị xuất phát từ đường ray số 5. Xin quý khách chuẩn bị hành lý. Chúc quý khách thượng lộ bình an!”.

Chuyến tàu của anh còn hơn tiếng nữa mới khởi hành.

Đôi tình nhân trẻ ngồi bên anh đi rồi, cuốn theo cái quấn quýt nồng nàn, để lại bên anh một khoảng trống loang hơi lạnh. Anh đặt cái ba lô về phía ấy, lặng lẽ chờ. Chỉ năm phút nữa thôi, dưới màn hình Inbox sẽ xuất hiện một cái chấm xanh của một Avatar hình bông hoa cánh kép. Câu hỏi đầu tiên vẫn sẽ là: “Có nhìn thấy em không?”.

Anh nhìn thấy cô như thế đã hơn một tháng rồi!

Bắt đầu từ một buổi tối tắc đường, anh xuống xe bên rìa đại lộ chan ánh sáng nhưng ngập bụi và chật tiếng còi xe, men vào con hẻm nhỏ tối mờ, ngổn ngang dưới chân là nồi niêu, bếp núc, giăng giăng trên đầu là những dây phơi quần áo. Có cái đã khô, chưa kịp rút, có cái vừa giặt, nước nhỏ tong tong. Cuối con hẻm mở ra đường lớn - phố nhà anh. Anh biết lối này cũng từ một lần kẹt xe như thế. Cậu tài chỉ ngang: “ Nhà anh tắt  hẻm này là tới. Một quãng đi bộ. Chắc anh quen đi đường to không biết.”. “Thế cho anh xuống. Cứ thế này, cả tiếng nữa chưa thông.”. “Cứ ngổi đây đi anh! Nóng và bụi, em sợ lắm!”- người con gái nãy giờ vẫn cuộn mình trong lòng anh nũng nịu. “Anh cho xe đưa em về tận nhà!”. “Thế thì em cũng xuống!”.

Cô gái rón rén từng bước trên đôi giày cao gót. Rúm người lại, xuýt xoa sợ những khoảng thịt da trắng nõn hở ra bị ám khói bếp than tổ ong quẩn trong lòng ngõ, thì thào: “Ôi trời ơi! Bẩn thế này mà sống được. Em không biết lại có những chỗ như thế này.”. Anh im lặng. Lời nói vô tình chạm vào một nơi nào đó trong kí ức. Buốt tận tim…

Trạm chờ xe bus gối đầu vào hẻm. Lâu lắm rồi anh mới có cảm giác thanh thản ngồi đây, nhìn phố phường xuôi ngược người xe. Cô gái trẻ đầu ghế bên kia đang lúi húi làm cái gì đó rồi ngẩng lên nhìn anh cười: “Anh đi chuyến nào?”.

Tất cả ồn ào quanh anh bất chợt yên lặng hết. Anh choáng váng vì nụ cười rạng rỡ. Không gian bỗng tràn ngập mùi hương của một loài hoa quen thuộc, mát lạnh trong cảm giác nồng nàn. Anh ngẩn ngơ không thấy chuyến xe vừa tới, không nghe cả tiếng cô chào, chỉ vội vã đuổi theo khi cánh cửa xe khép lại che khuất cái bóng mềm. Không kịp nữa. Cô gái đi rồi.  Bỏ lại một giỏ hoa màu trắng và mình anh lẻ loi giữa bến xe bus không người.

Những bông hoa dành dành ở một góc vườn quê nào đó lạc vào thành phố, ủ hương trong veo, theo anh về căn phòng nhỏ, thả một dòng hương loang mềm như lụa, vẽ vào lòng đêm đặc sánh nụ cười rạng rỡ trên gương mặt trắng ngần.  Anh cứ ngồi mải mê ngắm mãi cho tận đến khi màn hình máy tính trước mặt xuất hiện thông báo Inbox của một Avata hình bông hoa cánh kép: “Có nhìn thấy em không?”.  Anh chồm dậy, ngón tay díu vào nhau: “Có! Em để quên giỏ hoa.”. “Em biết rồi! Em tặng anh mà! Chắc anh không nhận ra em?”. “ Mình quen nhau à?”. “Vâng! Biết lâu rồi ấy!”. “Anh gặp em được không?”. “Anh đọc em đã nhé! Đến khi nào nhận ra em thì mình sẽ gặp nhau!”.

Và bắt đầu từ đêm ấy…

Khi thành phố lắng xuống tiếng ồn ào, khi sương nửa đêm về sáng len vào vờn quanh khung cửa sổ, hương hoa dành dành ở giỏ hoa bắt đầu khô lại loang dài thành vệt, chấm xanh Inbox lại bật sáng, im lặng kể anh nghe, nhẩn nha từng bước đưa anh về chạm tay vào một miền xưa mấy mươi năm vời vợi mờ xa như khói, chạm tay vào những bức tường đất mủn trơ lõi rạ với con ngõ nhỏ đầy lỗ khăng, lỗ đáo; chạm vào những góc vườn xanh um bóng lá với những cây nhãn, cây ổi mòn dấu chân trèo; chạm vào triền đê nồng nồng mùi khói cỏ mật cuối heo may ngả rét và mắt được chạm lại mênh mang cả một cánh đồng triều, để thấy dấu chân chính mình in trên bãi sông phù sa đỏ mịn mềm như bột… Mỗi vệt chạm là một lần tim anh buốt nhói, cổ họng ứ đầy lên, nghẹn trong cơn tức thở, ứa nước mắt- những giọt nước mắt nhòe lan về phía quê nhà thăm thẳm xa hun hút cuối trời. Nỗi nhớ hai mươi năm rồi tưởng ngủ yên bỗng cuồn lên quặn thắt- nỗi nhớ suốt hai mươi năm không đêm nào cho anh yên giấc, đêm nào cũng gọi anh bật dậy trong thảng thốt, dợm chân định bước nhưng rồi lại rũ xuống khi nghĩ đến cảm giác đứng trước ngõ, trước vườn xưa mà lạnh bóng người thân.

Mỗi câu chuyện cô kể kết thúc bao giờ cũng là một câu hỏi: “Có nhận ra em không?”. “Anh chưa nhận ra nhưng em đưa anh về quê cũ. Anh về tìm em nhé!”. “Đừng! Chờ  bao giờ anh gọi đúng tên em!”.

Cho đến đêm qua…

“Hôm nay có gì mới không? Kể em nghe với!”. “À! Cả ngày nay ngồi chủ trì hội thảo về tiềm năng du lịch Tây Bắc. Tối là tiệc chiêu đãi. Nhưng anh về”. “Sao thế?”. “Để còn gặp em!”. “Thì anh đi rồi về là được.”. “Đi là uống. Mà khi đọc em, anh phải tỉnh táo. Không cho phép mình say!”. “Viện trưởng không đi, không ai nói gì à?”. “Có. Nhưng anh muốn về! Hôm nay có gì mới? Kể anh nghe!”. “Vâng! Nhưng em không còn nhiều thời gian nữa. Nhận ra em đi anh!”.

Đêm ấy, cô kể về đôi vợ chồng trẻ, nhà tận cuối làng, ruộng vườn không có, dắt díu nhau ra bến dựng một chiếc vó bè…

Anh chết sững rồi chồm dậy, vồ lấy bàn phím: “Anh nhận ra em rồi! Cô bé dành dành trong thuyền thúng! Bây giờ em ở đâu?”. Màn hình Inbox hiện lên hình mặt cười: “Nhận ra em rồi à? Em vẫn ở với bà. Vẫn căn nhà cuối làng ngày xưa ấy”. “Nhưng anh tưởng…”. “Tưởng không còn ai nữa chứ gì. Anh bình tĩnh…Đừng run như thế! Để em kể anh nghe…”. “Không! Giờ đến lượt anh!”.

Câu chuyện của anh về một bà lão nghèo cưu mang một cậu bé mồ côi. Bé lang thang theo bà khắp đầu sông cuối bãi. Lớn lên cũng đó, cũng nơm ngang dọc đồng triều. “Hai bà con ăn uống là mấy. Mày đi làm gì. Học cho giỏi, sau này làm quan về đón bà đi.”. “Làm quan là làm gì hả bà?”. “À! Là làm to ấy! Có chức, có quyền. Giàu sang. Lúc ấy đừng quên bà nhé!”. “Con không quên đâu! Lúc ấy, bà thích ăn gì con mua, không phải đi dận trai mò hến nữa!”.

Cô gái hoa dành dành gửi biểu tượng hình trái tim rồi im lặng rất lâu. “Anh là một thằng khốn nạn. Hứa với bà như thế mà đi mãi không về. Không có em, anh mãi là một thằng khốn nạn!”. “Đừng như thế anh! Bà vẫn khỏe. Vẫn nhắc…”. “Mai anh bay chuyến đầu tiên. Chỉ chiều là về tới!”. “Đừng! Anh đi tàu đi! Em vẫn ước được đi suốt chiều dài đất nước. Từ ga đầu tiên đến ga cuối cùng. Đi hộ em đi anh! Nhớ chụp hình và kể chuyện dọc đường em nghe!”.

                                                                        ***

Và đêm nay, anh ngồi đây- ngồi với đêm ga Sài Gòn tháng ba dìu dịu gió.

“Có nhìn thấy em không?”. “Có! Tàu của anh hơn tiếng nữa mới khởi hành!”. “Vũ tiểu thư có đi tiễn anh không?”. “Không! Sao em biết Vũ?”. “Em biết hết. Em khác người. Anh không nhớ à?”. “Anh nhớ!”.

Đúng là cô khác người.

Năm ấy anh tròn mười tuổi.

Vào một đêm tháng ba cuối xuân ấm nồng, bà lay anh dậy: “Có tiếng trẻ con khóc. Gần lắm! Mày tỉnh tai nghe xem ở hướng nào? Hôm nay gió đông to quá!”. “Từ ngoài sông bà ạ!”. “Đi với bà xem sao!”.

“Em về với bà với anh từ trong lòng thuyền thúng. Người lúc nào cũng thơm ngát mùi hoa dành dành. Bây giờ vẫn thế phải không?”. “Vâng! Bà vẫn bảo thế!”. “Em xinh và ngoan lắm! Theo anh đi khắp nơi chẳng khóc bao giờ.”. “Thật không?”. “À! Trừ mùa hoa dành dành nở. Em nhìn thấy gì ngoài bến ấy! Cứ đòi ra bằng được mới im!”.

Mười năm tuổi, anh bảo bà: “Bà cho con ra bến dựng lại cái vó bè. Chỗ nước ấy quẩn dòng, nhiều tôm cá. Em lớn rồi. Sắp đi học. Con thêm vào nuôi em!”. “Cứ học cho giỏi. Lo làm gì nhiều. Mà quẩn quanh chỗ ấy nước độc. Ai dám ra!”. “Con chả sợ gì. Với lại sắp mùa hoa. Con dựng lại cái lều vó. Năm nay, bế em ra còn có chỗ mà ngồi!”.

Nhưng tất cả đều chưa kịp làm…

“Vâng! Em nghe bà kể cậu về đón anh đi. Hai anh em mình cùng khóc. Chỉ có bà là không. Bà vừa khuyên, vừa ép: “Con đi với cậu, học cho giỏi. Sau này làm quan về đón bà và em đi với! Ở nhà với bà rồi cũng chỉ đi kéo vó bè suốt kiếp!”.

“Dạo ấy cũng là tháng ba. Cỏ bờ đê trong mưa xuân ngùn ngụt lên như mạ. Anh bế em đứng mãi bên mép nước. Em không khóc nữa. Chỉ ôm cổ anh im lặng. “Hay bà cho con ở lại hết mùa hoa. Đêm em khóc, con bế đỡ bà!”. Bà đẩy anh xuống thuyền, dúi cho anh đùm tép rang với khế: “Con đi đi! Đi rồi nhớ trở về!”. Anh nhớ mãi bà bế em dầm chân trong nước nhìn theo. Nhớ tay em mềm, thơm như những cánh hoa chạm vào má anh mát lạnh.”.

“Và từ mùa hoa ấy em không khóc đêm nữa.”.

“Anh cũng đi từ mùa hoa ấy không về.”.

“Anh là một thằng tồi!”. “Đừng nói thế! Em biết. Cậu đưa anh ra nước ngoài. Rồi một hôm, cậu gọi anh vào, lau nước mắt, báo tin bà mất. Em bị cho đi, phiêu dạt tận đâu. Em thấy anh khóc hàng đêm.”. “Ừ! Khóc nhiều lắm ấy! Muốn về mà không có cách. Sau này “làm quan” như lời bà nói mà chần chừ, lần lữa mãi… vẫn không…”. “Em biết. Anh không muốn quay lại vì sợ đau lòng. Không về nhưng đêm nào anh cũng nhớ. Nhớ tất cả. Chỉ quên mất em thôi!”. “ Em giận anh đấy à? Nhưng anh còn chưa hỏi sao bây giờ em mới tìm anh?”. “Có lý do anh ạ!”. “Em vẫn chờ anh chứ?”. “Vâng! Vẫn chờ!”.

                                                            ***

Triền đê cũ đón anh vào một chiều đầu hè âm ẩm gió. Lối mòn men cánh đồng ra bến sông rực rỡ trong nắng, hắt ánh sáng từ mặt sông lấp loáng soi rõ ngấn tường rêu miếu cổ trong lòng cội đa già. Chân anh ríu lại, tim loạn nhịp không thở nổi khi nhìn thấy chiếc vó bè vẫn giương gọng, khắc lên nền trời bốn vạch chéo đậm như mực, thấy cây cầu vó vừa dặm thêm vài nhịp mới, và thấy dưới chân cầu vẫn cây dành dành, lá xòa nghiêng về phía anh theo chiều gió, bắt đầu lấp lánh bung những cánh  đầu tiên.

Và anh thấy cô. Thấy cái bóng mềm quen thuộc. Thấy nụ cười níu tim anh thắt nhịp. Thấy cô chạy về phía anh, gương mặt ngời lên như màu hoa cánh trắng. Thấy cô trong vòng tay mình, ấm áp, mềm mại và dịu dàng. Anh cúi xuống, áp mặt vào cổ cô, hít sâu mùi hương quen thuộc: “Em thơm quá! Y như ngày xưa!”. “Sao anh biết em ở đây?”. “Chẳng hiểu. Chân tự đưa anh đến!”. “Em chờ anh mãi!”. “Thì đây thôi! Anh về với em rồi!”.

Anh ngả lưng trên triền cỏ xanh xôn xao nắng, áp mặt vào lòng cô, nghe bàn tay thơm mềm âu yếm trên má, trên tóc, trên môi, nghe cô rì rầm kể nhìn thấy cậu anh tức giận thế nào khi anh đi mà không nói một lời, thấy Vũ tiểu thư dằn dỗi bắn tin: “Con gọi, anh ấy không trả lời. Bác bảo anh ấy ba con nhắc nếu không về ngay, lỡ cuộc họp bỏ phiếu tín nhiệm cục phó, hối hận không kịp đâu!”. “Anh chỉ cần bà và em! Anh muốn ngủ!”.

Anh nhắm mắt bình an trong tiếng kể rì rầm, với đều đều nhịp bàn tay mềm lùa trong tóc. Hương dành dành quẩn quanh, vỗ về. Rồi tỉnh dậy khi chiều xuống gần hết. Những vệt nắng cuối cùng hắt ánh đỏ rực lên nhuộm sẫm cả một vùng. “Tay em cầm gì thế?”. “Cỏ gà. Anh dậy chơi với em!”. “Sao mùa này đã có cỏ gà?”. “Mùa nào em cũng tìm thấy.”. “Ai chọi trước?”. “Tất nhiên là em!”.

Tiếng cười cô trong veo tan vào hoàng hôn tím khi nhìn nắm cỏ gà cụt ngọn trong tay anh. “Anh thua rồi!”. “Lần sau anh sẽ không nhường nữa!”. “Cứ chờ xem! Bây giờ em về trước. Xem anh còn nhớ đường về nhà không?”. Anh cầm nắm cỏ gà nhét vào túi ba lô, ngẩng lên đã thấy cô hút bóng cuối đường mòn.

Chiều nhập nhoạng nghiêng về tối. Hai mươi năm lối quen thành lạ nhưng theo dấu mùi hoa anh về đúng con ngõ xưa um xum cúc tần giăng tơ hồng nghẽn lối. Căn nhà mái chảy giữa vườn cây rủ rỉ nói chuyện với hoàng hôn. Anh nhận ra bà đang ngồi lặng im ngóng vào nắng quái. “Bà ơi!”. Bà cụ lẩy bẩy đứng lên, lập cập nắm chặt lấy tay anh. “Con ơi! Con về đấy hả? Bà chờ con mãi. Ngồi xuống đây bà xem! Mày cao quá rồi bà không với tới!”. Anh nắm bàn tay run rẩy của bà áp vào má mình, nuốt nghẹn. Im lặng rất lâu. Rồi anh thoáng ngửi thấy mùi hương quen thuộc. “Bà đừng khóc nữa. Con về với bà, với em. Con vừa gặp em ngoài ấy. Em về trước, sao giờ chưa thấy?”. “Giời ơi! Con ơi! Thảo nào đêm qua nó về dặn bà chờ. Sao con không về sớm?”. “Em bảo bà vẫn khỏe và em vẫn đợi con mà!”. “Nó nói thế thôi chứ không chờ được nữa… đi trước mất rồi.  Con nhìn đi…”.

Và anh nhìn thấy cô- trên cao - rạng rỡ nụ cười, gương mặt sáng ngời như cánh hoa dành dành trong nắng.

                                                            ***

Đêm nay. Ngoài bến. Dưới chân cầu vó…

Cây dành dành bung thêm một lần hoa trắng. Hương không tan trong gió sông lồng lộng thổi mà quẩn lại, ủ quanh anh, ấm áp, nồng nàn, cùng anh lặng lẽ chờ.

Rồi anh thấy bàn tay cô đan vào tay mình mát lạnh. Thấy cô ngả đầu vào lòng anh, chạm những ngón tay mềm thơm như cánh hoa lên má. “Những gì em gửi lại, anh nhận hết chưa?”. “Chồng bản thảo, giỏ cánh hoa khô, nắm cỏ gà, laptop. Đủ rồi em?”. “Vâng! Tất cả đấy! Em bắt đầu viết từ năm hai mươi tuổi. Những mùa hoa thức trọn em nhìn thấy hết. Có cái cũ nhắc lại. Có cái mới thêm vào. Em viết để mình khỏi quên. Để kể cho bà. Và viết cho anh.”. “Ngày anh đi, em còn bé, sao vẫn nhớ anh mà chờ? Mà sao anh đi rồi em lại không khóc nữa?”.  “Em cũng không biết nhưng anh thân thương lắm! Em nhìn thấy hàng đêm. Sau này cũng nhìn thấy, ngày ấy, cứ mùa hoa là em khát sữa, đòi ra bến vì có người phụ nữ trong miếu cổ ru em, cho em bú. Hết mùa thì thôi.”. “Rồi sau này mùa thức, thấy những gì, kể anh nghe đấy phải không? Em kể về người vợ hát: “Ổi ương, sung chát, sông xanh. Vó bè gửi cánh dành dành tìm nhau…”. “Vâng! Em ra bến dựng lại vó bè cũng vì thế. Dựng lại y như ngày xưa, làm dấu gọi anh về.”. “Nhưng sao em không cố đợi?”. “Duyên phận mình trời cho là như thế. Em biết mình phải đi. Từ mùa hoa năm ngoái, người phụ nữ trong miếu cổ cứ về giục em theo. Bảo em không cần chờ. Kiếp này anh phải về tìm em. Em khất mãi, bảo để viết xong cho anh đã. Nún nán tận hôm rồi, cô ấy dắt em ra đầu bến, rải hoa làm gối, bảo em nằm xuống, hát ru em. Tỉnh dậy, chỉ thấy còn một mình với giỏ hoa cánh trắng, em theo mùi hương dẫn lối đi tìm anh. Ngày mai, anh bảo bà đừng cho em lên chùa. Từ giờ anh ở đâu em ở đấy. Bây giờ anh nhắm mắt lại! Em hát anh nghe…”.

Trăng khuya lên mênh mang mặt nước. Hương dành dành nương theo câu hát loang xa: “Giông lên cho trắng cỏ gà. Nhường em nhát chọi thế mà trắng tay. Ra đi từ thủa trăng đầy. Chưa đâu xuân đã hao gầy bốn mươi. Gia tài còn một trận cười. Và còn một ngọn cỏ tươi không đầu…”.

 

***

Đêm ấy, trong làng, lại có thêm một người con gái thức tàn canh…


                                                                                                                        (Hết)

Nguồn Văn nghê số 10/2019

 

 

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm