April 26, 2024, 3:25 am

Đằng sau lợi nhuận "khủng" của NXB Giáo dục Việt Nam

Là công ty do Nhà nước làm chủ sở hữu nhưng thời gian qua không ít lần Nhà xuất bản này xảy ra những sai phạm.

NXB Giáo dục Việt Nam (trước đây là Nhà xuất bản Giáo dục) trực thuộc Bộ GD&ĐT với nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in, phát hành sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học. Giúp Bộ GD&ĐT chỉ đạo công tác thiết bị giáo dục và thư viện trường học trên toàn quốc.

Từng có thời gian, NXB là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp độc quyền biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in, phát hành, kinh doanh SGK. Nhưng, tuy là công ty do Nhà nước làm chủ sở hữu nhưng thời gian qua không ít lần NXB này xảy ra những sai phạm.

Lãnh đạo thông thầu để nhận lợi ích

NXB Giáo dục Việt Nam này không chỉ có “sạn” trong việc biên soạn sách, mà trong quá trình quản lý, kinh doanh đã vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ án.

Cụ thể ngày 13/2 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên NXB giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT.

Lực lượng chức năng khởi tố bị can, bắt tạm giam với Nguyễn Đức Thái là Cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục.

Theo đó, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam có dấu hiệu thông thầu với Công ty CP Giấy Phùng Vĩnh Hưng trong đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Sau khi trúng thầu Nguyễn Đức Thái đã được nhận lợi ích vật chất từ doanh nghiệp nêu trên.

 

Bão lãi khủng có phải con số thật?

Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Đức Thái từng có 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ tháng 3/2017. 

Theo báo cáo tài chính, cũng trong năm 2017, kết quả kinh doanh của NXB này cũng tăng trưởng mạnh, lợi nhuận lên tới 150,8 tỷ đồng, nộp ngân sách 85,6 tỷ đồng, mức cao nhất từng đạt được. Tổng lao động năm 2017 giảm từ mức 285 người xuống còn 257 người. 

Đến năm 2021 NXB Giáo dục Việt Nam báo lãi kỷ lục. Doanh thu của đơn vị này đạt 1.828 tỷ đồng, đạt 132% so với kế hoạch Bộ GD&ĐT đặt ra. Trong đó, doanh thu thuần là 1.780 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính là gần 45 tỷ đồng, thu nhập khác là 2,8 tỷ đồng. Những kết quả này khác hoàn toàn so với thời điểm trước năm 2017, khi kết quả kinh doanh chỉ đạt khoảng vài chục tỷ đồng.

Và cùng với kết quả kinh doanh đạt kỷ lục của NXB Giáo dục Việt Nam trong năm 2021, Chủ tịch Nguyễn Đức Thái nhận lương và thưởng lên tới gần 700 triệu đồng.

Bảng lương được NXB Giáo dục Việt Nam công bố.

Tất nhiên, đã là doanh nghiệp cần hoạt động có lợi nhuận, nhất là một công ty do Nhà nước là chủ sở hữu việc báo lãi khủng càng là điều đáng mừng, bởi từ xưa đến nay không hiếm các trường hợp doanh nghiệp Nhà nước cạn tiền.

Những hành vi để có được lợi nhuận trên có thực sự chân chính hay không? Bởi lẽ, trước thời điểm ông Thái bị bắt, Thanh tra Chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm về biên soạn, tăng giá sách giáo khoa, gắn với trách nhiệm Bộ GD&ĐT, kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra “dấu hiệu lợi ích nhóm” giữa Bộ GD-ĐT và nhà xuất bản trong in ấn, phát hành sách bài tập.

Thậm chí, theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước phải đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp.

Nhưng, trong nhiều năm qua, NXB Giáo dục Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh hằng năm chỉ tóm lược số liệu. Về báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng có thực hiện công bố nhưng không đầy đủ, năm có năm không. Văn bản mới nhất đầu năm 2023 đơn vị này mới có công văn gửi các đơn vị về việc cung cấp thông tin lập báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 toàn NXB.

Nhiều dấu hiệu vi phạm của nhà xuất bản Giáo dục

Đặt ra nhiều băn khoăn là bởi theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố chiều ngày 29/12/2022, những sai phạm của NXB trực thuộc bộ cũng bắt đầu trong giai đoạn ông Thái nắm giữ chức vụ.

Theo đó, đã có những quyết định không minh bạch khi NXB này cũng chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in, chỉ có 2 đến 3 đơn vị được NXB lựa chọn cung cấp giấy in SGK trong một năm, lặp đi lặp lại trong nhiều năm.

Trong giai đoạn 2014-2019, Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1% số lượng giấy của NXB (tương ứng 1.890.879 triệu đồng). Kiểm tra xác xuất một số hợp đồng cung cấp giấy in của Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng cho NXB (1/3 tổng lượng giấy in đã cung cấp) cho thấy giá giấy in Công ty bán cho NXB cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp.

Từ những nội dung nêu trên, cơ quan điều tra cho thấy việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB có nhiều điểm bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Nhiều bộ sách giáo khoa giáo cao nhưng không đảm bảo chất lượng

Ngoài ra, NXB này có tính sai chi phí doanh nghiệp vào trong giá SGK. Đơn vị chưa thực hiện xây dựng tiêu chí cụ thể để phân bổ cho từng mảng hoạt động mà chỉ lựa chọn và thực hiện tiêu thức phân bổ các chi phí chung vào giá thành SGK dựa trên tiêu thức tỉ lệ doanh thu, phân bổ chi phí chung không đúng tỉ lệ doanh thu của SGK trên tổng doanh thu, làm tăng chi phí chung được phân bổ cho SGK cao hơn so với số liệu thực tế.

Kết quả kiểm tra, xác minh tại NXB cho thấy quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK, hạch toán của NXB có sai sót dẫn đến gia đình học sinh (là khách hàng) phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng ký giá từ năm 2011 (được ấn định trên bìa SGK) cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá.

Đây chỉ là 2 trong số hàng loạt “chiêu trò” mà NXB Giáo dục Việt Nam đã thực hiện nhằm đội giá SGK khiến phụ huynh, học sinh than trời vì mức tăng khó hiểu.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng vụ án, thu hồi triệt để tài sản Nhà nước

 

Bí quyết kinh doanh: Bạo chi để tập huấn SGK và phát triển thị trường?

Trong 9 tháng năm 2021, ông Lê Huy, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam (NXB GD VN) đã bạo chi để "tập huấn và phát triển thị trường" số tiền khủng là gần 54 tỷ đồng, khiến ai cũng "giật mình".

Năm 2022, tuyệt nhiên, trong Báo cáo tài chính không thấy SED cho thông tin về khoản tiền khổng lồ để “tập huấn và phát triển thị trường” – đúng hơn là thao túng thị trường nữa. Phải chăng trước những biến động ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội của NXB GD, đã khiến SED thận trọng hơn trong cách dùng từ ?

Đáng chú ý, trong năm 2021 SED đã chi tới gần 5 tỷ đồng để chi trả các khoản thù lao, tiền lương, tiền thưởng cho HĐQT và Ban Điều hành công ty.

Cụ thể, ông Lê Huy, Chủ tịch HĐQT được nhận hơn 1,07 tỷ đồng; bà Lê Phương Mai, Uỷ viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc được nhận tới hơn 908 triệu đồng… Ngoài ra các vị trí Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng đều ghi nhận mức tiền lương của Ban Điều hành dao động từ 550 triệu đồng trở lên.

Theo https://www.nguoiduatin.vn


Có thể bạn quan tâm