April 19, 2024, 8:49 pm

Đắng ngọt hành trình xác lập bản ngã*

Bàn về sáng tác của phái đẹp, các nhà phê bình nữ quyền cho rằng, điểm khác biệt về sinh lý, cảm xúc cùng với diễn ngôn phái tính hình thành hành văn nữ, lối viết nữ. Viết về nữ giới, trong cái nhìn nữ, giọng văn của phái đẹp bao giờ cũng chân thực, quặn thắt

Họ viết như viết cho nỗi niềm chính mình. Họ vừa chia sẻ, cảm thông với các nhân vật nữ vừa cùng đối thoại, tranh biện với nam giới về giá trị sống. Sự song trùng cảm xúc này là thế mạnh và nét biệt khác của họ so với các cây bút nam giới. Nguyễn Thị Lê Na là một cây bút thể hiện rất rõ ý thức phái tính và sắc thái nữ quyền trong các sáng tác của mình. Từ Bến mê (2007) đến Đắng ngọt đàn bà (2020), giọng văn của chị vẫn ấm nồng, mềm mại với những đề tài về tình yêu, cuộc sống gia đình, thân phận người phụ nữ. Ở hoàn cảnh nào, các nhân vật nữ trong truyện của chị đều khát khao bộc lộ bản ngã giới. Kể cả những cảm xúc, mâu thuẫn thầm kín, khó nói đều được chị lẩy lên và gọi tên. Nếu bản ngã nữ giới Bến mê dung dị, đằm thắm thì Đắng ngọt đàn bà mang một tâm thế khác, da diết hơn, cuộn xiết hơn. Tâm lý giằng co giữa đắng cay và ngọt ngào, tình yêu và dục vọng, cá nhân và bổn phận, nhu mì và táo bạo... của các nhân vật nữ được chị khám phá, lý giải thật tinh tế, sâu sắc nhưng không kém phần quyết liệt, dứt khoát. Hành trình kiếm tìm hạnh phúc đích thực và tình mẫu tử của các nhân vật nữ trong Đắng ngọt đàn bà chưa khi nào ngưng nghỉ. Họ không hề so đo, tính toán thiệt hơn. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi hoàn cảnh, nhưng trong họ, lòng vị tha, bao dung, nhân hậu luôn dạt dào. Tuy nhiên, dường như càng khao khát, nỗ lực, vươn tới bến bờ niềm vui và hạnh phúc, họ càng bị vòng xoáy cuộc đời quấy đảo, vùi dập. Sinh, Vy, Kim, Lụa, Thư,... là bóng dáng của mẫu phụ nữ như thế. Phận số bẽ bàng, ngang trái cứ bủa vây, riết bám cuộc đời họ. Sinh trong truyện ngắn cùng tên – Sinh, đã dùng quyền lực mềm giữ lửa hạnh phúc gia đình. Nhưng chiến thuật quyền lực mềm của Sinh không được Lâm thấu cảm, trân trọng, khiến cô vô tình trở thành người hứng chịu mọi nỗi khổ đau. Kim trong Nước mắt đàn ông lại khác. Xây dựng nhân vật Kim bị mắc kẹt giữa vùng bão tố, bất an, Nguyễn Thị Lê Na đã gửi gắm được nhiều vấn đề. Giá trị thân thể, trinh tiết vẫn được người phụ nữ tự xem là tiêu chí đánh giá nhân cách của mình. Càng ý thức về giá trị bản thân, trách nhiệm với gia đình, người phụ nữ càng mặc cảm có lỗi. Đó là phẩm giá cao quý mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng quyết gìn giữ. Sống trong hoàn cảnh này, Kim luôn chờ đợi sự minh oan, sự cảm thông, cởi mở hơn từ phía người chồng.

Truyện của Nguyễn Thị Lê Na chú ý nhiều đến ngôn ngữ thân thể. Ngôn ngữ thân thể là một trong những thủ pháp nghệ thuật giúp chị khẳng định bản lĩnh, vẻ đẹp, sự quyến rũ từ dung nhan đến tâm hồn của người đàn bà, đồng thời thể hiện bút văn riêng của mình. Người phụ nữ trong truyện của chị toát lên vẻ đẹp chân chất, tròn trặn, mặn mòi của vùng biển miền Trung với: bờ vai tròn lẳn, mái tóc thơm mùi hương sả bồ kết, đôi bắp đùi trắng mọng, ngực nở mông nở, bờ vai tròn và hai cánh tay trần trắng nuột, đôi vú trên vầng ngực căng mẩy, da trắng nõn, người đầy đặn, săn chắc, làn da nông quê, làn da nâu,… Chị thường miêu tả, gắn kết vẻ đẹp của các nhân vật nữ trong vẻ đẹp hương đồng gió nội nhằm khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp, sức sống tự nhiên, dung dị của các nhân vật nữ. Chị lấy những sống động, hấp dẫn của ngôn ngữ thân thể biểu thị sự chủ động, tự tin trong chăn gối của các nhân vật nữ. Nhân vật nữ của chị đã nhận thức được sức mạnh của vẻ đẹp hình thể, biết cách gìn giữ, làm chủ giá trị ấy. Hành vi điều tiết ngôn ngữ thân thể của Vy trong Đắng ngọt đàn bà đã khẳng định chủ quyền thân thể và ý thức về bản ngã đàn bà. Sự khước từ, chối bỏ đụng chạm thân xác người đàn ông không phải chồng mình của Vy đồng nghĩa với việc Vy đã chiến thắng bản thân, chiến thắng con người sắc dục. Đây là một trong những đoạn văn cho thấy khả năng mô tả, phân tích, mổ xẻ diễn biến tâm lý nhân vật nữ hết sức hấp dẫn, sâu sắc và ý nhị. Chị chọn lựa góc độ bản năng, lúc người phụ nữ dễ sa ngã nhất để thể hiện những giằng xé tâm lý: giữa lý trí và tình cảm, giữa tình yêu và tình dục, giữa ánh sáng và bóng tối. Các nhân vật nữ của chị vừa tự tin, chủ động bày tỏ tình cảm, vừa lý trí, tỉnh táo, không để bản thân rơi vào cạm bẫy tình dục. Trong khoảnh khắc nóng bỏng ấy, con người luân lý đã chiến thắng con người sắc dục. Cho nên, việc họ kiếm tìm nhu cầu “ngoài chồng ngoài vợ” rồi từ chối nhu cầu ấy, như là hành động tuyên chiến, khiêu khích, thách thức các giá trị mà xã hội đã chụp lên cuộc đời họ từ xưa đến nay. Họ biết sống cho mình, vì mình nhưng quyết không rời xa trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ với gia đình…

Người phụ nữ trong truyện Nguyễn Thị Lê Na đều có điểm chung: nhiệt thành trong tình yêu, mong muốn được sống đúng với bản năng và khao khát dâng hiến cho người mình yêu. Những giây phút trượt ra ngoài đường ray gia đình thường được chị biểu đạt bằng diễn ngôn tự vấn. Dòng ý thức này trườn lên dòng ý thức khác, nhân vật nữ như dốc cạn lòng mình ra mà giãi bày. Ở truyện Cơn bão, trong chị có hai người đàn bà dùng dằng, tranh biện: người đàn bà đức hạnh và người đàn bà suồng thả. Cả hai người đàn bà đều đòi chị ly hôn với Phan. Người đàn bà thứ nhất cho rằng, những cảm xúc “đồng sàng dị mộng”, “hồn Trương Ba da Hàng Thịt” với Phong như thế là xấu xa, là không thể chấp nhận, là dối trá. Người đàn bà thứ hai cho rằng, Phan tự đưa cu Bi đi xét nghiệm AND là việc làm thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu tin tưởng với chị. Vy trong Đắng ngọt đàn bà đã tạo cho mình cơ hội gặp Phong theo tiếng gọi “tình cũ không rủ cũng đến”. Nhưng sự “nhạy cảm”, “rạch ròi” của người đàn bà đức hạnh cùng với tình yêu thương con trẻ của một người mẹ trong Vy đã cứu Vy thoát khỏi giây phút nổi nênh của trái tim. Mận trong Cầu vồng sau mưa cũng là kiểu nhân vật tự ý thức. Mận có thể giành lại Huân từ tay Phương, vì ngọn lửa tình yêu giữa chị và Huân chưa bao giờ tắt. Phương có tiền tài, sắc đẹp cùng hai đứa con nhưng Phương không thể có tình yêu như Huân luôn dành cho chị. Cái tôi đạo đức và cái tôi phi đạo đức trong chị, Vy, Mận,... thường tranh biện, phản bác lẫn nhau. Cái tôi đạo đức thông qua cái tôi phi đạo đức mà khẳng định vai trò, trách nhiệm và bổn phận. Cái tôi phi đạo đức ẩn đằng sau cái tôi đạo đức mà bày tỏ ham muốn ban sơ nhất, bản năng nguyên thủy nhất. Cái tôi đạo đức xuất phát từ sự chủ động có ý thức, còn cái tôi phi đạo đức nảy sinh từ vô thức, khu vực chìm của bản năng... Như cách Vy đến với Phong vì những khúc mắc tình cảm mười lăm năm chưa được bày tỏ (Đắng ngọt đàn bà); chị đến với Phong để kiếm tìm nguồn sống mới lạ mà tình yêu, hôn nhân giữa chị và Phan không có, tất cả chỉ “như một sự mặc định”,...

Viết về đời sống tình dục không lạ trong đời sống văn chương hiện nay. Nhưng, viết để tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn và riêng khác lại là vấn đề chẳng dễ dàng chút nào. Nguyễn Thị Lê Na không cày xới khoái lạc tình dục ngoài luồng. Sự kề cận, tiếp xúc giữa nữ giới và nam giới chỉ dừng ở màn dạo đầu. Hành động và điểm dừng tình dục của các nhân vật nữ đã thể hiện quan niệm thẩm mỹ của chị. Chông chênh, giằng co trong tâm thế giữa bên này là bổn phận, trách nhiệm gìn giữ hạnh phúc gia đình giữa bên kia là tiếng gọi của bản năng, nhưng cuối cùng, khoảnh khắc thăng hoa bản năng của những người phụ nữ vẫn bị trì níu bởi thành trì khắt khe từ phía gia đình. Cách khai thác quan hệ tình dục theo lối này, cho thấy Nguyễn Thị Lê Na không hề cổ suý cho hành động bỏ chồng bỏ con đi tìm tình mới của người phụ nữ. Việc họ ngoại tình trong tâm tưởng hay nếm cảm giác của khúc dạo đầu cần phải nhìn ở góc độ nhân văn, phải thấy được những dồn nén ẩn ức mà họ đang gánh chịu. Cái phút giây ngoại vi mong manh của cái ấy dù đã bị cái tôi và cái siêu tôi kìm kẹp nhưng đó cũng là lúc họ được sống tận cùng với những sôi nổi của cõi lòng. Cái phút giây ngoại vi ấy cũng là sợi dây níu thắt giúp người phụ nữ nhân thêm tình yêu vợ chồng và ý thức gìn giữ mái ấm gia đình.

Từ Bến mê cho đến Đắng ngọt đàn bà, nhân vật chính hầu hết đều là những người phụ nữ. Trong 11 truyện ở Đắng ngọt đàn bà, chỉ có hai truyện nhân vật chính là nam giới. Đó là Nước mắt đàn ông Lụa. Nhìn ở góc độ nam giới, nhưng mục đích của chị lại gián tiếp phản ánh những rối ren, phức tạp trong tâm hồn của người phụ nữ. Chị đặt người phụ nữ trong sự sóng đôi với người đàn ông. Nhân vật nữ của chị không tìm cách gây hấn với đàn ông. Đàn ông trong truyện của chị cũng có người lo toan cho gia đình cũng có người lao vào những cuộc tình mới. Cái khác mà chị muốn nhấn mạnh đó là bản lĩnh của người phụ nữ trước cám dỗ tình dục so với người đàn ông. Các nhân vật như Vy, Mận, chị,... cật vấn chính mình, tìm kiếm chính mình thông qua những giây phút nông nổi nhưng họ luôn khẳng định bản thể nữ tính, mạnh mẽ, quyết đoán và rạch ròi phân định đúng sai chứ không dối lừa, phụ bạc như đàn ông.

Mỗi nhân vật nữ là một phận số. Những cuộc nổi loạn của cái tôi bản thể, sự đả phá luân lý khắc nghiệt vẫn chưa đủ sức để các nhân vật trong Đắng ngọt đàn bà thoát ra khỏi bi kịch mà phận nữ đã giăng mắc. Nỗi bất hạnh, thiệt thòi vẫn đeo bám họ. Tuy nhiên, việc để các nhân vật nữ của mình tự do thỏa thuận cuộc đời theo cách họ nghĩ, họ hành động như thế đã thể hiện cái nhìn đầy nhân ái và không kém phần táo bạo trong lối viết của Nguyễn Thị Lê Na. Trong hành trình ráo riết tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc, bản ngã, dù còn lắm chông gai, nhọc nhằn, nhưng những người phụ nữ trong truyện của chị luôn khẳng định tâm thế công khai, tự tin, thẳng thắn và dứt khoát.

_______

* Tập truyện ngắn Đắng ngọt đàn bà của Nguyễn Thị Lê Na, Nxb Hội Nhà văn, 2020.

Nguồn Văn nghệ số 14/2020


Có thể bạn quan tâm