April 25, 2024, 12:48 am

Đậm một tâm hồn thi sĩ

 

Nhắc đến tên Dương Kỳ Anh, mọi người nhớ ngay đến Tổng biên tập nổi tiếng một thời của báo Tiền Phong. Trong khoảng hơn ba mươi năm đương nhiệm, ông đã góp phần không nhỏ đưa tờ báo “thường thường bậc trung” lên tầm vóc mới, hấp dẫn và có độc giả đông nhất nhì cả nước.

Ông còn được biết đến là người tiên phong khởi xướng, người đầu tiên đưa cuộc thi sắc đẹp danh tiếng dành cho phụ nữ đến với Việt Nam, do đó người ta thường gọi ông bằng cái tên “Cha đẻ các cuộc thi hoa hậu Việt”. Với tôi, Dương Kỳ Anh trước hết là một thi sĩ. Ngay từ thuở thiếu thời, Dương Kỳ Anh đã có thơ đăng trên báo Thiếu niên tiền phong. Bài thơ đó được Nhà Xuất bản Kim Đồng chọn vào tuyển thơ Bông hồng đỏ, cùng các “thần đồng” thơ thời ấy: Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân… Sau này, dù ở cương vị gì, ông vẫn luôn chung thủy với Nàng thơ. Năm 1994, Dương Kỳ Anh vào Hội Nhà văn với tư cách một nhà thơ, dẫu rằng văn xuôi cũng khá nhiều thành tựu. Cho đến nay, Dương Kỳ Anh đã trình làng 7 tập truyện ngắn, 9 tập phóng sự - ghi chép - tản văn. Đặc biệt trong mười bốn năm (2004-2018), ông đã cho ra mắt bốn cuốn tiểu thuyết được sự chú ý: Xuyên Cẩm, Thổ địa, Cõi Ta BàMiền trần gian, trong đó tác phẩm Xuyên Cẩm được trao tặng thưởng VHNT Nguyễn Du trên chính quê hương Hà Tĩnh của ông. Cảm nhận chung khi đọc các tác phẩm văn xuôi của Dương Kỳ Anh, dù viết theo hình thức nào, văn ông cũng rất giàu chất thơ (Xuyên Cẩm, Cõi Ta Bà, Miền trần gian, Bông hoa lạ, Người lấy hai vua, Người rêu…).

Mấy năm gần đây, bạn đọc còn biết đến Dương Kỳ Anh qua một loạt tác phẩm lý luận, khảo cứu và phê bình văn học. Ông đã trình làng ba tác phẩm về phê bình, biên soạn, mà tác phẩm mới nhất là cuốn Đổi mới, làm mới thơ. Tuy không chia ra các phần, nhưng có thể hình dung ba phần của tác phẩm. Phần đầu là bức tranh chung về quá trình đổi mới thơ Việt, từ thời thơ mới (1939-1945) cho đến hôm nay. Thậm chí ông còn nhắc đến các bậc tiền bối rất xa chúng ta như Mãn Giác Thiền Sư (Trước mắt, việc đi mãi/ Trên đầu, già đến rồi/ Ai bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai) hay Đại thi hào Nguyễn Du (Bóng trăng đã xế, hoa lê lại gần). Quan điểm của ông về cái mới rất khác với nhiều người hiện nay. Theo ông, “thơ mới” đồng nghĩa với “thơ hay” chứ không phải là thứ thơ “viết cho khác đời, khác người” bắt chước những trào lưu phương Tây để lòe thiên hạ. Phần thứ hai ông dành viết cho các tác giả mà ông tâm đắc hay yêu mến (yêu thơ và cũng có thể yêu người). Bên cạnh những “cây đa cây đề” của làng thơ Việt: Trần Dần, Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa … là những nhà thơ ít biết hơn, thậm chí có người mới nghe tên lần đầu. Dù viết về tác giả nào, ông cũng đều nâng niu trìu mến, cũng tìm được cái mới, sự đổi mới trong thơ họ để bàn luận, để biểu dương. Phần cuối là bài viết Cái đẹp trong thơ phái đẹp, bởi ông luôn là đệ tử trung thành của cái đẹp.

Nhìn lại những cống hiến của Dương Kỳ Anh, không biết gọi ông là nhà thơ, nhà văn, nhà báo… đây, dẫu biết ông thích gọi mình là nhà thơ hơn cả. Mà cũng đúng, vì dù ở lĩnh vực nào thì mỗi tác phẩm của ông cũng đều mang đậm một tâm hồn thi sĩ.

Nguồn Văn nghệ số 28/2020


Có thể bạn quan tâm