March 29, 2024, 6:53 pm

Đại tiệc văn hóa ở Bali

Một đại tiệc thực sự, đấy là Diễn đàn văn hóa thế giới ở Bali, World Culture Forum 2016. Đại tiệc, bởi ở đó đầy tràn tinh thần và cảm xúc. No con mắt nhìn, no cái tai nghe, no tâm và no trí bởi rất nhiều ý tưởng và cảm xúc.

 

Khai mạc Diễn đàn văn hóa thế giới ở Bali, World Culture Forum 2016

 

Những đặc sản văn hóa nhân loại

Một diễn đàn văn hóa, hoạt động chính sẽ là những bàn bạc thảo luận vấn đề chiến lược và đường hướng cho văn hóa nhân loại. Đồng thời, ấn tượng đầu tiên và trên hết của Diễn đàn Bali là văn hóa nghệ thuật. Hoành tráng và ngoạn mục đến mức, đang chìm ngập giữa sắc màu âm thanh ánh sáng của carnival và những sân khấu đồ sộ, tôi cứ luôn thầm ước bao giờ đến thời ta có thể tổ chức được như thế kia. 1500 khách mời từ khắp thế giới. Đoàn ca múa dân tộc của 13 nước từ đủ các châu lục. Tất cả đã tham gia vào một lễ hội carnival tưng bừng trong công viên ở thủ phủ Denpasar. Nghệ thuật đặc trưng Hindu của đảo Bali rộn rã niềm vui sống làm nền cho nghệ thuật của các vùng ở xứ vạn đảo. Nghệ thuật dân gian của nước Ý, nước Anh, Hy Lạp hòa trộn với múa dân gian Nga, Bulgaria, Nhật, Thái Lan, Kazakhstan, Uzbekistan... Táo bạo nhất là nghệ thuật múa dân tộc vùng Papua, họ đã dám đưa vào đoàn diễu hành và đưa luôn lên sân khấu lớn "bộ trang phục lúc lọt lòng mẹ" của thổ dân. Hai diễn viên nam hoàn toàn khỏa thân, với cái ống bọc sinh thực khí dựng lên đến tận ngực, khắp mình bôi phẩm màu vằn vện vừa múa hát vừa chơi đàn giữa dàn nhạc. Thực sự văn hóa là thái độ tiếp nhận của công chúng Indonesia, một sự tiếp nhận thản nhiên, tự nhiên, vui vẻ và cởi mở. Một người dân Bali nói với tôi: Papua là một vùng văn hóa độc đáo của đất nước Indonesia. Một người xứ văn hóa Bali mà nói như thế, đầy vẻ trân trọng và tự hào.

Bộ trưởng văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy trong diễn văn khai mạc đã nói: "Diễn đàn lần này tổ chức ở Bali, nơi có khả năng hài hòa nhiều yếu tố khác nhau vào một dàn nhạc văn hóa đầy mê hoặc. Hy vọng rằng với âm thanh Bali, không ai sẽ chơi lạc điệu". Hàm ý của ông bộ trưởng thì đã rõ, đấy là ông nói đến tính thống nhất trong đa dạng, đến sự đồng tâm nhất trí, đến sự tương tác kết nối đồng điệu của các nền văn hóa... Nhưng cũng có thể hiểu một cách cụ thể trực diện khi chứng kiến trên sân khấu lớn một vở kịch múa hợp tác của mười ba nước. Hơn một trăm vũ công các nước đã cùng dựng vở này trong vòng một tuần, từ khi họ bắt đầu đến tham dự diễn đàn, do một biên đạo múa Indonesia dẫn dắt. Tiếng là các đoàn múa dân tộc, nhưng trong vở múa hòa trộn yếu tố dân gian và cả múa hiện đại này, các diễn viên Á Âu Mỹ Phi đều phải sử dụng đến kỹ thuật ballet cơ bản. Vở múa hoành tráng tràn đầy triết lý hành tinh và nhân loại, với các yếu tố tạo nên sự sống như đất, khí, lửa, nước. Những niềm vui cuộc sống, những khát khao mang tầm vũ trụ, thậm chí là cả những lo âu cảnh báo dữ dội. Nghệ thuật thị giác, nghệ thuật hình thể và âm thanh cùng lúc đã diễn tả được những điều tinh tế với ấn tượng mạnh.

Tương ứng với vở múa đầy tư duy hiện đại, dàn nhạc giao hưởng Indonesia còn giới thiệu một chương trình nhạc cổ điển với hai nghệ sĩ opera hàng đầu. Âm nhạc bác học cũng cho người ta ấn tượng về một nền nghệ thuật đa dạng Indonesia, nơi mọi thể loại khác nhau đều có chỗ đứng bình đẳng và dân chủ.

Chủ ý bày tỏ nhiều nhất về văn hóa Indonesia, ông tổng vụ trưởng Văn hóa Hilmar Farid đích thân dẫn hàng trăm đại biểu đi đến các địa chỉ văn hóa ở Bali. Một địa chỉ ấn tượng là bảo tàng mặt nạ và con rối Setia Darma. Đoàn xe buýt hơn mười chiếc nối đuôi nhau có xe dẫn đường, đi một tiếng rưỡi đồng hồ thì đến bảo tàng đặt giữa một làng quê, những cánh đồng bao bọc xung quanh. Mặt nạ là văn hóa nguyên sơ và phổ biến ở hầu khắp các dân tộc trên thế giới. Nhưng hiếm thấy nơi đâu mặt nạ lại tràn đầy trong đời sống hàng ngày như ở xứ vạn đảo. Một tập quán dân gian theo dòng lịch sử đã nâng lên thành một thứ nghệ thuật bậc cao, thậm chí thành một thứ tín ngưỡng, biểu đạt đầy đủ những sắc thái cảm xúc và triết lý dân tộc. Trong bảo tàng có bộ sưu tập 1300 mặt nạ, 5700 con rối, chủ yếu là của Indonesia, đồng thời còn được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới. Trong một tủ kính trưng bày có mấy con rối nước Việt Nam: con lân, con phượng và người đánh trống chèo. Tủ kính nhỏ thôi, nhưng dù sao cũng là một sự góp mặt.

Nghệ thuật múa rối, nhất là múa rối bóng của Indonesia rất nổi tiếng trên thế giới. Đã trở thành biểu tượng là hình ảnh những con rối lấy sự tích từ sử thi Hindu, MahabharataRamayana. Những con rối khẳng khiu, mũi nhọn, đầu cũng nhọn, những hoàng tử Rama và nàng Sita, những tướng khỉ Hanuman và năm anh em hoàng tử Pandava. Tất cả các nét tạo hình đều nhọn, một kiểu tư duy nhọn sắc, tưởng như lạnh mà đầy ắp cảm xúc hội hè.

Một đặc sản văn hóa nữa của Indonesia là tay guitar Balawan. Làng âm nhạc thế giới gọi anh là Ngón tay ma thuật (Magic Fingers), người phát triển lối chơi tám ngón (8 fingers touch style), và rất thiện nghệ chơi một chiếc guitar hai cần (double neck guitar). Balawan đến, vừa chơi đàn vừa hát vừa dẫn chương trình cho buổi diễn ở bảo tàng mặt nạ và cả buổi diễn trong đêm đại tiệc khai mạc diễn đàn.

No nê về mọi phương diện văn hóa, tất nhiên cũng no cả văn hóa ẩm thực Indonesia, một thứ nghệ thuật sắp đặt trên bàn ăn, đậm đà hương vị các vùng miền của đảo quốc. Món ăn nhiều nước dừa, phong vị nhục đậu khấu và đinh hương, những gia vị gắn với lịch sử chống thực dân ngày trước và cuộc hội nhập toàn cầu hôm nay.

 

Văn hóa vì một hành tinh bền vững toàn vẹn

Vở múa phối hợp của hơn 100 diễn viên từ 13 nước

Đấy là chủ đề của Diễn đàn văn hóa thế giới 2016, một diễn đàn mà Indonesia có sáng kiến tổ chức ba năm một lần, được UNESCO ủng hộ và đứng ra làm đồng tổ chức. Lễ khai mạc chiếu video phát biểu chào mừng của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova. Ba năm trước, diễn đàn lần thứ nhất đã được tổ chức, cũng ở Bali.

Từ ngày 10-10 đến 14-10-2016 đã diễn ra nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, từ những chủ đề mang tính bao quát như: Đa dạng văn hóa để phát triển có trách nhiệm; Hòa giải nhà nước, cộng đồng và những chia rẽ văn hóa; Văn hóa trong một thế giới mới được số hóa cho đến những vấn đề về đô thị và nông thôn: Đan xen lịch sử, không gian đô thị và phong trào văn hóa; Làm sống lại văn hóa vì sự bền vững của nông thôn.

Có riêng hẳn một chủ đề cụ thể về nước: Nước cho đời sống - hòa giải sự tăng trưởng kinh tế xã hội với đạo đức môi trường. Không chỉ ngồi thảo luận tại diễn đàn, các đại biểu còn được tổ chức đi tham quan những đồng lúa Subak. Đồng lúa thì có ở khắp nơi, vậy Subak là cái gì đặc biệt? Đấy là những thửa ruộng Subak đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ruộng bậc thang như tranh vẽ, trong một thị trấn, ngồi ở bất cứ một quán cà phê sang trọng hay bình dân nào thì phong cảnh chiêu đãi no mắt cũng là những đồng lúa trước mặt. Đến mức ở Bali có hẳn những tua du lịch chỉ đi ngắm ruộng bậc thang. Subak là tên của hệ thống thủy lợi dẫn thủy nhập điền, công việc duy trì hoạt động của Subak hệ trọng đến mức làng xã nào ở Bali cũng có một đội thủy lợi. Toàn thể dân làng đều phải tham gia đội thủy lợi hoặc chịu sự phân công của đội.

Các đại biểu đã đặt chân lên những cánh đồng Subak, ngắm nhìn lúa óng ả đang làm đòng, chuyện trò với đội thủy lợi. Tất cả, bao gồm danh nhân văn hóa của nhiều nước, bộ trưởng văn hóa của tám nước, đại diện các đại sứ quán tại Indonesia, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các nghệ sĩ, các đại biểu dự Diễn đàn tuổi trẻ quốc tế.

Diễn đàn Bali có một khu vực riêng dành cho tuổi trẻ. Hơn 200 đại biểu trẻ từ nhiều nước đã tham gia diễn đàn Văn hóa tuổi trẻ vì sự bình đẳng và biến đổi xã hội. Bốn vấn đề được đưa ra thảo luận: 1) Tuổi trẻ và cam kết mới với công chúng; 2) Tuổi trẻ và phương thức sở hữu mới; 3) Hành động - xóa bỏ thành kiến tuổi trẻ là một nguy cơ; 4) Tuổi trẻ và những vấn đề bất bình đẳng kinh tế xã hội.

Diễn đàn tuổi trẻ mang đến cho Bali một không khí trẻ thực sự. Trong hội nghị toàn thể, Tuyên bố của Diễn đàn văn hóa thế giới được đọc lên trong không khí trang trọng. Nhưng đến khi hai đại biểu thanh niên quốc tế lên đọc Tuyên bố của Diễn đàn tuổi trẻ thì hội trường tưng bừng hẳn. Các đại biểu thanh niên hò reo tán thưởng với từng đoạn cam kết của bản tuyên bố. Một không khí vui vẻ và tươi mới lây lan khắp hội trường hơn một nghìn đại biểu.

Bali luôn là đắc địa để tổ chức những hội nghị quốc tế, chẳng hạn Diễn đàn dân chủ Bali đã trở thành đặc sản của Indonesia, là niềm tự hào của chính phủ Indonesia, coi như một đóng góp của xứ vạn đảo với khối ASEAN, với châu Á và với cả thế giới. Với những diễn đàn văn hóa nghệ thuật, Bali lại càng là nơi phù hợp. Đấy là nơi tập trung những văn nghệ sĩ hàng đầu đất nước, cũng là điểm xuất phát và lan tỏa ra khắp nơi âm nhạc và múa, văn chương và mỹ thuật, sân khấu và kiến trúc. Cộng đồng tôn giáo đa số theo đạo Hindu và đạo Phật, sống hài hòa với cộng đồng thiểu số đạo Hồi và đạo Thiên Chúa.

Trên diễn đàn, các quan chức bộ Văn hóa sau câu chào Hồi giáo Salam Alaykum, riêng ở Bali họ không bao giờ quên kèm câu chào của Hindu giáo và Phật giáo: Om Shanti, Om Shanti. Đấy là câu chào tiếng Sanskrit, vốn khởi thủy từ bên xứ Ấn Độ. Cũng là đồng nghĩa, đều là cầu cho quý vị an lành.

Bà Megawati Soekarnoputri, cựu tổng thống Indonesia, nhắc đến tập tục hoàn toàn im lặng trong ngày đầu năm mới ở Bali. Vào ngày tết Nyepi, người Hindu thực hiện bốn không: - Không đốt lửa - Không làm việc - Không ra khỏi nhà - Không vui chơi giải trí. Người và xe cộ không đi lại trên đường, trong các nhà không đốt lửa và không để đèn sáng ban đêm, ăn đồ nguội chứ không nấu nướng. Trên tinh thần triết lý của Ngày Yên Lặng, bà cựu tổng thống đề xuất cả đất nước nên dành một phút im lặng vào Ngày Trái Đất. "Chúng ta sẽ phát hiện ra một không gian nội tâm để trở về với bản ngã con người đích thực của mình. Đây là không gian để tự phán xét lối sống mà ta đã chọn. Sẽ có một phút để phản ảnh cả thế giới, mà tất thảy công dân của đất nước đều tham gia. Thế giới sẽ trở về với câu hỏi mang tính triết lý 'ta là ai', 'thế giới của ta ra sao', 'hành tinh này mong muốn được đi theo đường hướng nào'?"

 

Hoài bão tuổi trẻ

Hội nghị đầy tính chuyên nghiệp và hoành tráng. Người ta nhìn thấy trong ấy cách xử sự của đất nước 255 triệu dân, của nền dân chủ lớn nhất Đông Nam Á, có vai trò đầu tàu trong khối ASEAN. Để giúp đỡ chu toàn cho 1500 đại biểu từ nhiều nước đến, ban tổ chức đã huy động hàng trăm tình nguyện viên. Tổ chức hướng đạo sinh của Indonesia cũng đến tham dự diễn đàn tuổi trẻ, đồng thời huy động thành viên của họ tham gia làm liên lạc viên cho các đại biểu. Thế giới có khoảng 40 triệu hướng đạo sinh, thì riêng Indonesia đã có một nửa trong số ấy, họ tự hào tuyên bố như thế.

Liên lạc viên của tôi là cô Ida Yulia. Cô gái một mình từ phía nam đảo Sumatra đến đây lập nghiệp, mở một quán cà phê thể thao, tức là trong ấy vừa có cà phê, vừa cho thuê đồ lặn biển, bơi thuyền, lướt sóng và hướng dẫn thể thao biển. Tôi tặng cô một hộp cà phê Việt Nam, khiêm nhường nói để cô thử xem hương vị của nó ra sao. Ida cười: Ô, cà phê Việt Nam rất nổi tiếng ở Indonesia.

Những liên lạc viên tình nguyện khác hầu hết là sinh viên, kỹ thuật viên trẻ trong các công ty. Anh bạn Agus đang học năm cuối đại học về quan hệ công chúng, anh giúp tôi làm thủ tục ở quầy dành riêng tại sân bay, rất chu đáo và cẩn thận.

Bữa tối kết thúc hội nghị, tôi đang ngồi cùng đại sứ Ai Cập và đại sứ Jordan, thì một thanh niên bê đĩa thức ăn đến: Cháu xin ngồi cùng có được không ạ? Cách xưng hô và dáng vẻ khiến người ta tưởng là con nhà ai đó đi dự tiệc cùng phụ huynh, nhưng bộ đồng phục liên lạc viên thì không thể nhầm được. Ông đại sứ Jordan bảo: Ngồi xuống đi con. Thì ra đấy là liên lạc viên của ông. Chú học sinh tên là Naufal, đang học lớp mười hai ở thành phố Bandung. Nghe tin người ta tuyển liên lạc viên tình nguyện, chú đi dự thi và trúng, thế là tự mua vé máy bay, bay một giờ ba mươi phút sang đảo Bali. Tôi hỏi chú dự định vào đại học nào, chú trả lời đã có kế hoạch từ vài năm trước rồi, chú sẽ sang Malaysia học ngành quan hệ quốc tế. Có lý do gì mà chọn ngành quan hệ quốc tế hay không? Dạ, cháu muốn trở thành đại sứ như các ngài đang ngồi ở đây.

Mười tám tuổi, rất thẳng thắn, tự tin, hồn nhiên. Đầy hoài bão nữa. Với những người trẻ như vậy, hình như mọi con đường đều sáng rõ, và nếu gặp trở ngại trên đường thì họ tin là mình sẽ vượt qua. Và cả chúng ta, tất thảy đều tin như vậy cùng với họ.

 


Có thể bạn quan tâm