March 28, 2024, 9:32 pm

Đại sứ Hans-Peter Glanzer: Tôi muốn trở thành người đồng cảm sâu sắc về đất nước của các bạn

NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM QUAN HỆ VIỆT NAM - ÁO

TS. Hans-Peter Glanzer từng được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Colombia, Brazil, Syria, và Việt Nam (từ tháng 9/2021). Bây giờ, ông có mong muốn trở thành người đồng cảm sâu sắc về nước Việt. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao Áo -Việt (1972-2022), đại sứ Hans-Peter Glanzer đã dành cho Văn nghệ cuộc trò chuyện dưới đây.

*PV: Thưa Đại sứ, xin Ngài cho biết cụ thể các hoạt động chính sẽ diễn ra nhân kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Áo – Việt Nam?

- Đại sứ, TSHans-Peter Glanzer: Chúng tôi đã và đang tổ chức nhiều sự kiện, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và kinh tế. Cụ thể như: Vào giữa tháng 6, chúng tôi phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tổ chức Hội thảo kết nối Áo – Việt Nam “Công nghệ giao thông tương lai” tại Hà Nội; Trong tháng 7, phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức triển lãm về nhà soạn nhạc Arnold Schönberg và trường phái Vienna mới; Ngoài ra, còn cócác buổi hòa nhạc thính phòng mà chúng tôi phối hợp với các nhạc sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Vào cuối tháng 9, chúng tôi cũng có kế hoạch đưa bộ tứ Saxophone từ Áo đến Việt Nam biểu diễn. Họ sẽ biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Vào ngày 26/11, là buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với sự tham gia của chỉ huy dàn nhạc Giao hưởng Vienna và hai ca sĩ tại Nhà hát Lớn Hà Nội, và trong đó có một ca sĩ rất nổi tiếng của Nhà hát Opera, Vienna. Họ sẽ biểu diễn cùng nhau trong chương trình “Âm nhạc đến từ Vienna”.

Chúng tôi cũng có một số Phái đoàn thương mại cùng các doanh nghiệp của Áo tại Việt Nam, tổ chức một số sự kiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long vào giữa tháng 5 về công nghệ xanh, và sự kiện về công nghệ đường sắt vào tháng 6. Vào tháng 10, Phái đoàn Thương mại Áo sẽ đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tham dự các buổi Giao lưu với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây sẽ là những cơ hội cho các đối tác kinh doanh của hai nước gặp gỡ và tìm hiểu nhau.

* Xin Ngài chia sẻ về một số thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hoá, nghiên cứu khoa học, kinh tế, thương mại, báo chí truyền thông… mà hai nước đã đạt được trong 50 năm qua?

- Tôi xem xét hai lĩnh vực. Thứ nhất Lĩnh vực quan hệ kinh tế: Có một sự phát triển rất năng động ở lĩnh vực này. Kể từ năm 2000, khối lượng lãi suất song phương đã tăng gấp 10 lần, đạt mức cao nhất là 1,4 tỷ euro vào năm ngoái. Tôi phải nói rằng đó là một giá trị thặng dư mạnh có lợi cho Việt Nam. Vì vậy Việt Nam đang xuất khẩu nhiều hơn sang Áo, cũng như nhập khẩu nhiều hơn từ Áo về Việt Nam.Ngoài ra, có một số công ty của Áo tại Việt Nam, một số công ty có tên tuổi nổi tiếng như Swarovski hoặc là các nhà sản xuất nổi tiếng như Doppelmayr. Khoảng 50 đến 60 công ty có mặt tại Việt Nam, chủ yếu ở Miền Nam. Vì sự phát triển mạnh mẽ này nên năm 2019, Áo đã mở Văn phòng Đại diện - Phòng thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Thứ hai Lĩnh vực học thuật: Chúng ta có khoảng 30 thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học ở Áo và Việt Nam, và nhiều trường đại học trong số này đã tham gia vào Mạng lưới các trường đại học hàn lâm ASEAN Châu Âu, được gọi là ASEAN UNINET. Và mạng lưới này được thành lập bởi các trường đại học Việt Nam và Áo. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy những tiến bộ rất tích cực, đặc biệt là trong hai lĩnh vực này.Ví dụ, trường Đại học Krems và Trường Đại học Hà Nội, đã có hợp tác về chương trình đào tạo cử nhân Quản trị du lịch và lữ hành. Tôi cũng đã có mặt vào đợt tháng 4 khi họ trao bằng Tốt nghiệp tại Hà Nội.Tôi nghĩ đó cũng là một minh chứng về sự hợp tác tốt đẹp giữa các trường đại học giữa Áo và Việt Nam (Từ năm 2013 đến nay, với sự giúp đỡ của các Đại sứ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Viện truyền thông Đại học Tổng hợp Vienna đã hai lần ký kết nâng tầm chiến lược trong hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học quốc tế. Xin cảm ơn Đại sứ rất nhiều - PV)

* Thưa Ngài, Áo và Việt Nam đã có những giải thưởng chung nào dành cho các nhà khoa học, doanh nhân, nghệ sĩ… trong các lĩnh vực hợp tác đó chưa? Nếu chưa thì Ngài có đề xuất gì không thưa Đại sứ?

- Cho đến nay, vẫn chưa có giải thưởng chung nào được đưa ra bởi các tổ chức giáo dục giữa Việt Nam và Áo. Nhưng tôi sẵn sàng đưa ra những gợi ý về điều đó. Vì tôi nghĩ nên dành sự công nhận và ghi nhận đặc biệt cho những người đã làm được nhiều điều trong các lĩnh vực song phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà bạn đã đề cập. Ví dụ ở Áo thì chúng tôi có một hệ thống các giải thưởng, nhưng chỉ dành cho phía nước Áo. Nhưng cho đến nay thì vẫn chưa có giải thưởng chung nào như vậy.

* Vienna được coi là Thủ đô âm nhạc của thế giới, được biết trong những năm qua Đại sứ quán Áo tại Việt Nam cũng đã mời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến Việt Nam biểu diễn, theo Ngài thì âm nhạc đóng vai trò như thế nào trong việc kết nối công chúng và nhân dân giữa các quốc gia?

- Vâng, tôi nghĩ âm nhạc và nghệ thuật nói chung là những công cụ rất có giá trị để hiểu rõ hơn về con người, văn hóa, tâm lý chung của một quốc gia. Tôi nghĩ bạn cũng có thể thấy điều đó như là một di sản của loài người… Và tôi nghĩ di sản chung này cũng sẽ giúp tạo ra một nền tảng rất tốt cho sự hiểu biết tốt hơn giữa các quốc gia và con người. Có lẽ đó là một cách dễ dàng hơn để hiểu các quốc gia khác.

* Trong lịch sử Cộng hoà Áo và Việt Nam là hai trong số các quốc gia đã từng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi các cuộc chiến tranh, hơn quốc gia nào hết, hai nước này đã rút ra được những bài học đắt giá cho hoà bình. Vậy với tư cách là người đã từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Uỷ ban thứ hai trong Đại hội đồng lần thứ 52, Phái đoàn thường trực của Áo tại Liên hợp quốc, New York (1996-1999) và Phó Trưởng Phái đoàn thường trực của Áo tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) (1999-2004), quan điểm của Ngài như thế nào về vai trò, vị trí của Áo và Việt Nam trong vấn đề gìn giữ nền hoà bình chung cho khu vực và thế giới hiện nay thưa Đại sứ?

- Vâng, tôi xin cảm ơn. Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất quan trọng và câu hỏi rất xác đáng. Như bạn đã đề cập, cả hai quốc gia đã từng trải qua các giai đoạn lịch sử như vậy, đều là những người ủng hộ mạnh mẽ trật tự toàn cầu, trong việc củng cố của các hệ thống đa phương cũng như ủng hộ Liên hợp quốc và các thể chế khu vực. Ví dụ, đối với Áo, bạn đã đề cập đến OSCE mà trụ sở hoạt động rất gần với nơi chúng tôi đang làm hiện nay (tại Áo). Trong một cuộc phỏng vấn về nước Áo, tôi có thể nói rằng đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chúng tôi. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các phương án ​​giải trừ quân bị. Loại bỏ các loại vũ khí mang tính hủy diệt hàng loạt là một trong những cách được đưa ra trong Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đạt tiêu chuẩn theo công ước này. Vì vậy, tôi thực sự thấy đây là điểm quan tâm chung, thiết thực.

Hy vọng là điều đó có thể xảy ra, nhưng hiện vẫn chưa rõ về chương trình hạt nhân của Iran. Các chương trình đó sẽ được tổ chức tại Vienna, và tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu chúng tôi có thể cung cấp một nền tảng cho các cuộc đàm phán, đối thoại như vậy. Nhưng cũng phải nói rằng đây đều nằm trong chính sách an ninh và đối ngoại chung của Liên minh châu Âu. Chúng ta cũng có thể xem Liên minh Châu Âu là một dự án hòa bình. Ngoài ra, châu Âu đã có những trải nghiệm rất đau thương với hai cuộc chiến tranh thế giới. Và tôi nghĩ rằng một trong những bài học rút ra từ cuộc chiến này là Liên minh châu Âu.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng đã, đang góp phần trong việc xây dựng, kết nối khu vực. Việt Nam cũng đã rất thành công trong vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Tôi cũng nghĩ rằng điều đó đã tạo hình ảnh tốt trong Liên Hợp Quốc. Việt Nam là thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tôi nghĩ điều đó cũng cho thấy sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với sự ổn định và thịnh vượng. Minh chứng là Học viện Ngoại giao Hà Nội cũng đã tổ chức các hội thảo chuyên sâu hàng năm. Hoặc về các vấn đề phức tạp của luật pháp, luật biển… cũng là vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam, điều này cho thấy rõ ràng sự quan tâm của Việt Nam đối với những gì tôi đã đưa ra về các quy tắc chung (các bộ luật quốc tế - PV).

Và Vienna là một trong những trụ sở của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Tôi đã đề cập đến Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu(OSCE), Cơ quan Năng lượng  Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO)… cũng có trụ sở tại Vienna. Có rất nhiều tổ chức quốc tế ở đây, và tôi nghĩ Vienna cũng là nơi gặp gỡ cho các cuộc đối thoại

* Thưa Ngài, chúng tôi được biết, hầu hết các đời Tổng thống Áo đều đã rất nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Áo và Việt Nam, trong đó, đặc biệt là Tổng thống Heinz Fischer - ông đã từng xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam và đã được công chúng Việt Nam rất ngưỡng mộ. Chúng tôi cũng được biết rằng nhiều vị Đại sứ Áo tại Việt Nam cũng đã nhận được những sự yêu mến của nhân dân Việt Nam, vậy xin hỏi Ngài một câu tế nhị rằng trong nhiệm kỳ của mình, Ngài hy vọng sẽ để lại ấn tượng gì cho công chúng và nhân dân Việt Nam?

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đã rất nỗ lực trong việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, giữa nhân dân hai nước, không chỉ ở cấp độ chính trị mà còn giữa các tổ chức giáo dục, trong các lĩnh vực kinh tế và nhiều lĩnh vực khác nữa. Tôi cũng nhận thấy một số người yêu văn hoá, con người Việt Nam, một số người muốn đi đến những vùng xa xôi, các vùng núi phía bắc... để khám phá bức tranh tổng thể về đất nước của các bạn. Tôi nghĩ, tôi thích được nhìn nhận như thế nào à, đó là, tôi muốn trở thành một người có sự đồng cảm sâu sắc về con người và đất nước của các bạn. Và nếu tôi đạt được điều đó thì tôi sẽ rất là vui!

* Xin chúc Đại sứ sẽ đạt được những mong muốn trong nhiệm kỳ của mình. Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

TS Yen Platz Thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 39/2022


Có thể bạn quan tâm