March 29, 2024, 12:22 pm

ĐẠI SỨ CUBA TẠI VIỆT NAM ORLANDO NICOLÁS HERNÁNDEZ GUILLÉN: Trong khó khăn người Cuba luôn nở nụ cười

Cuộc trò chuyện với các nhà văn, nhà báo Việt Nam là cuộc trò chuyện đầu tiên của Ngài Ðại sứ Cuba Orlando Nicolás Hernández Guillén. Các nhà văn, nhà báo Việt Nam là những vị khách đầu tiên ông tiếp đón tại trụ sở sứ quán kể từ khi ông đến Việt Nam nhậm chức Ðại sứ, dù ông vẫn chưa trình Quốc thư.

Ðiều đặc biệt là Ngài Ðại sứ Cuba Orlando Guillén chính là cháu ngoại nhà thơ Cuba nổi tiếng Nicolas Guillén mà nhiều nhà thơ và bạn đọc Việt Nam từng biết đến. Thơ của nhà thơ Nicolas Guillén đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam từ những năm 1980 của thế kỷ trước.

Câu chuyện giữa Ngài Ðại sứ Cuba và các nhà văn, nhà báo Việt Nam là câu chuyện của những bạn thân thiết, nhiều cảm xúc và chia sẻ.

Văn nghệ xin giới thiệu một phần nội dung cuộc trò chuyện đó.

Ảnh: Dương Minh Long

TẤT CẢ CÁC NGÀNH NGHỆ THUẬT CỦA CUBA ĐỀU BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI LỆNH CẤM VẬN CỦA MỸ

Một hình ảnh ở khu phố cổ của thủ đô Havana.
Ảnh: Quang Diệu

Phóng viên: Vào tháng 3 năm 2015, chúng tôi được biết các nhà thơ Việt Nam, Mỹ,  Colombia và nhà thơ Alex Pausides, Phó chủ tịch Hội nhà văn Cuba, đã soạn thảo một bức thư gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi chính quyền Mỹ xóa bỏ cấm vận Cuba bởi người dân Cuba có quyền sống bình đẳng với tất cả các dân tộc khác trên thế giới. Họ đã kêu gọi hàng chục ngàn các nghệ sĩ, nhà văn, dịch giả, nhà thơ trên thế giới ký vào bức thư đó. Tổng thống Barack Obama đã có thư trả lời, nói sẽ tiếp tục chính sách kể cả khi ông không còn là Tổng thống Mỹ nữa. Nhưng quan hệ Cuba và Mỹ sau đó trở nên tồi tệ hơn dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thưa ngài Đại sứ, cho đến lúc này, quan hệ giữa Cuba và Mỹ có gì tiến triển không dưới thời Tổng thống Biden?

Đại sứ Orlando Guillén: Dưới thời Tổng thống Donald Trump, lệnh cấm vận Cuba đã tăng lên gấp năm lần, gần như Tổng thống Donald Trump tuyên chiến với Cuba, chỉ thiếu mỗi nước đưa quân vào xâm lược thôi. Donald Trump tìm mọi cách để ngăn cản nguồn thu ngoại tệ của Cuba, những nguồn cung cấp các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, ngăn cản cả những hãng tàu chuyên chở nguyên nhiên liệu cho Cuba; những con tàu đến Cuba đều bị phía Hoa Kỳ truy đuổi. Họ cũng tấn công tất cả các ngân hàng có dính dáng giao dịch, có mối quan hệ thương mại với Cuba, lên danh sách trừng phạt các doanh nghiệp Cuba hoạt động trên thị trường quốc tế, những chuỗi khách sạn trên thế giới dám nhận khách du lịch Cuba, những doanh nghiệp hay tập thể nhập khẩu và xuất khẩu liên quan đến Cuba dù họ chỉ thực hiện những giao dịch thương mại bình thường. Trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã đưa Cuba trở lại danh sách “các nước tài trợ khủng bố”. Hiện nay ông Biden chưa bãi bỏ bất cứ biện pháp trừng phạt cấm vận nào trong số đó. Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden có hứa sẽ quay trở lại chính sách đối xử với Cuba thời ông Obama, nhưng đó mới chỉ là lời hứa chứ chưa thực hiện.

Phóng viên: Thưa Ngài Đại sứ, trong bối cảnh vừa bị cấm vận, vừa bị bao vây nghiệt ngã như vậy, hiện nay các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Cuba đang sống như thế nào?

Đại sứ Orlando Guillén: Ngành nghệ thuật thì đương nhiên chịu ảnh hưởng rồi. Ở Cuba, các buổi biểu diễn, các sinh hoạt âm nhạc đóng cửa hết. Để duy trì hoạt động cần phải có sự hỗ trợ của Chính phủ và không có loại hình nghệ thuật biểu diễn nào mở cửa, các dàn nhạc lớn không thể biểu diễn, tất cả các hoạt động xã hội hầu như ngưng trệ. Người nào có thể làm việc tại nhà như họa sĩ, nhà văn thì có thể vẽ, viết, nhưng cũng ít có cơ hội để giới thiệu các tác phẩm của mình; tất cả các phòng triển lãm tranh các hiệu sách đóng cửa hết. 

Phóng viên: Nhiều người trở về từ Hội chợ sách năm ngoái ở Cuba rất vui mừng và thán phục Cuba tổ chức một hội chợ sách đặc biệt. Phải chăng đất nước Cuba phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng văn hóa và sách đã giữ cho người dân sống bình thản trước mọi khó khăn?

Đại sứ Orlando Guillén: Đúng thế! Khó khăn thì nhiều. Rất nhiều người không thể đi làm, ngay cả những hộ kinh doanh cá thể cũng không kinh doanh được; cái gì không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì lại bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của Tổng thống Donald Trump. Nhưng chúng tôi vẫn sống bình thản. Hy vọng trong năm nay chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình phục hồi. Năm ngoái kinh tế Cuba tăng trưởng âm 11%, dự kiến năm nay có thể tăng trưởng khoảng 6% nhưng cũng mới chỉ là dự kiến thôi.

ÔNG TÔI LÀ MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN

Phóng viên: Ông có những kỷ niệm gì đặc biệt với Nicolás Guillén, một nhà thơ danh tiếng của Cuba và của thế giới?

Đại sứ Orlando Guillén: Tôi có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Nicolás Guillén. Đó là người đã nuôi nấng tôi, là ông ngoại của tôi. Bố tôi là bác sĩ, thường hay đi về các địa phương nông thôn để làm việc. Thời còn nhỏ tôi bị hen, bà ngoại tôi gần như là “bắt cóc” tôi để mang về nơi ông bà ở. Tôi sống với ông bà ngoại tôi là chính, thời gian sống với bố mẹ rất ít. Bố tôi làm việc ở Minas khoảng bảy tám năm, chỉ có mùa hè tôi mới về với bố. Thời trước cách mạng ông ngoại tôi bị chính quyền độc tài Batista truy đuổi, vì thế ông không thường xuyên ở Cuba. Khi cách mạng thành công ông trở về Cuba và tôi sống với ông, nhưng tôi lại không theo nghiệp văn chương của ông.

Phóng viên: Như vậy ông ở với ông ngoại đến năm 1989, cho đến khi ông ngoại mất phải không? Chúng tôi được biết ông ngoại ông là Đảng viên đảng cộng sản Cuba từ năm 1937...

Đại sứ Orlando Guillén: Đúng vậy. Ông ngoại tôi từng tham gia chiến đấu thời nội chiến Tây Ban Nha, từng tham gia hội nghị quốc tế của các nhà văn cùng với những nhà văn Tây Ban Nha như Garcia Lorca và nhiều nhà văn nhà thơ danh tiếng khác. Ông đã chứng kiến tất cả những điều xảy ra với chủ nghĩa phát xít, cuộc khủng hoảng ở Tây Ban Nha và ông đã trở thành người cộng sản. Ông là đảng viên, sau đó tham gia Ban chấp hành trung ương Đảng. Ông rất yếu trong 5 năm cuối đời do bị bệnh Alzheimer...

Phóng viên: Chắc ông không biết một nhà thơ lớn của Việt Nam là Xuân Diệu đã dịch và in thơ Nicolás Guillén ở Việt Nam từ sớm vào năm 1981, tái bản năm 2004…

Đại sứ Orlando Guillén: Ở Cuba có một quỹ Nicolás Guillén, mang tên của ông tôi. Quỹ đó lưu giữ tất cả các tác phẩm của ông tôi được dịch ra 50 thứ tiếng trên thế giới. Nếu các bạn tìm được bản dịch thơ ông tôi bằng tiếng Việt thì tôi sẽ chuyển về cho quỹ. Hiện nay em tôi đang điều hành quỹ đó. Quỹ Nicolás Guillén tương tác với rất nhiều nước trên thế giới như Argentina, Mexico, Tây Ban Nha, Mỹ, Canada, Dominica…Ở Cuba cũng có các chi nhánh của quỹ tại khắp các địa phương trên cả nước.

GÌN GIỮ BẢN SẮC VĂN HÓA LÀ NHIỆM VỤ CỦA CÁCH MẠNG CUBA

Phóng viên: Độc giả Việt Nam đã biết đến một số tác giả lớn của Cuba như  thơ Nicolas Guillen qua bản dịch của Xuân Diệu hay tiểu thuyết của Alejo Carpentier qua bản dịch của Nguyễn Trung Đức; nhưng có một thực tế rằng đã có một sự đứt quãng trong khoảng thời gian vài chục  năm qua, khi mà văn hóa, văn chương Cuba ít được giới thiệu ở Việt Nam. Với vai trò Đại sứ Cuba ở Việt Nam, ông có cảm thấy ngoài lĩnh vực ngoại giao, còn có trách nhiệm của một đại sứ văn hóa nói chung và văn học nói riêng để tiếp tục thúc đẩy mối liên hệ giữa văn học Cuba và văn học Việt Nam hay không?

Đại sứ Orlando Guillén: Tôi rất muốn như thế. Tôi có thể nhờ tới sự trợ giúp của những người có chuyên môn. Với năng lực và cảm nhận của mình, tôi nhất trí với suy nghĩ của các bạn. Đúng là trước đây có sự gần gũi giữa văn hóa văn học nghệ thuật của Việt Nam và Cuba và ngược lại, là thành tố rất quan trọng trong mối quan hệ tổng thể của hai nước mà chúng ta. Chúng ta phải nỗ lực tìm cách để thúc đẩy quan hệ đó, trong đó dịch thuật đóng vai trò rất quan trọng để có thể trao đổi những tác phẩm văn học, thơ ca. Tôi nghĩ sẽ rất hữu ích nếu chúng ta gắn kết được mối quan hệ văn hóa, để hai nước xích lại gần nhau hơn.

Phóng viên: Một trong những cầu nối mà Đại sứ nói là người dịch. Việt Nam có những người như một số nhà văn, nhà báo Việt Nam từng học ở Cuba, biết tiếng Tây Ban Nha; theo ông nên có một cách nào đó để khai thông cho con đường gắn kết văn hóa với sự giúp sức của những người đã có thời gian học ở Cuba để giới thiệu văn học Việt Nam với người dân Cuba hay không?

Đại sứ Orlando Guillén: Nếu làm được như thế thì thật tuyệt vời. Cơ chế tôi cũng chưa nghĩ ra, nhưng tôi cho là việc giao lưu đó nên đến từ hai hướng. Có rất nhiều nhà thơ, nhà văn Việt Nam mà tác phẩm của họ là mối quan tâm của độc giả Cuba.

Phóng viên: Chúng tôi nghĩ rằng đối với hai dân tộc chúng ta thì những tác phẩm về chiến tranh, về chống lại sự áp đặt, về bảo vệ phẩm giá, có những sự tương đồng. Như vậy ông đánh giá vai trò của văn hóa trong cuộc đấu tranh gìn giữ độc lập cũng như phẩm giá của Cuba như thế nào?

Đại sứ Orlando Guillén: Tôi nghĩ đối với những người cách mạng Cuba, điều đầu tiên mà chúng ta phải làm để giữ gìn bản sắc của dân tộc trước kẻ thù, trong cuộc đấu tranh của  chúng ta, đó là giữ gìn văn hóa của mình. Thông qua văn hóa, kẻ thù của chúng tôi có thể phá hoại đất nước, làm cho chúng tôi mất đi cái cội nguồn văn hóa của mình. Những giá trị văn hóa đó xác định chúng tôi là người thuộc dân tộc nào. Đó cũng là triết lý chung của cách mạng Cuba cũng như các cơ quan về văn hóa nghệ thuật Cuba luôn làm việc với quan điểm như vậy.

GIẤC MƠ CỦA TÔI LÀ THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM - CUBA

Phóng viên: Cuba chịu chính sách cấm vận của Mỹ hơn một nửa thế kỷ. Và suốt thời gian dài như vậy, Cuba có nhiều biến động và thay đổi, nhưng có một thứ chúng tôi thấy không hề thay đổi, đó là nụ cười và ánh sáng trên gương mặt của người dân Cuba. Chúng tôi muốn hỏi Ngài Đại sứ là cái gì làm cho nụ cười đó không thay đổi, ánh sáng trên gương mặt đó không thay đổi, mặc dù đất nước Cuba gặp vô vàn khó khăn?

Đại sứ Orlando Guillén: Điều đó nằm trong bản chất, là thuộc tính bẩm sinh trong con người Cuba. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, người Cuba vẫn luôn nở nụ cười tươi sáng. Trước kia Cuba nằm trong khối xã hội chủ nghĩa; các nước trong khối xã hội chủ nghĩa đảm bảo cung cấp những thứ cơ bản cho sự phát triển kinh tế và có sự phân công lao động quốc tế trong khối. Nhưng khi khối đó sụp đổ, thời điểm đó rất nhiều người đánh cược rằng chắc chắn Cuba sụp đổ, nhưng Cuba kháng cự đến cùng. Và Cuba vẫn tiếp tục phát triển như các bạn thấy, dù khó khăn nhiều hơn vào thời điểm hiện nay. Cuba vẫn duy trì các chỉ số phát triển xã hội. Ngay cả tuổi thọ bình quân của Cuba còn cao hơn cả Mỹ. Nếu trẻ em Mỹ mà có được những chỉ số tử vong thấp như của Cuba thì hàng năm Mỹ sẽ có thêm 500.000 trẻ em. Cuba là nước có tuổi thọ cao nhất khu vực Mỹ Latinh, cả về trình độ học vấn, giáo dục và sự phát triển khoa học. Dù có rất nhiều khó khăn nhưng chắc chắn đất nước chúng tôi vẫn phát triển. Nhà nước Cuba đặt ra mục tiêu phát triển du lịch từ những năm 1990; năm 2020 chúng tôi đặt ra kế hoạch đón 2 triệu khách du lịch nhưng vì Covid mà bị ảnh hưởng, cũng do cả Tổng thống Donald Trump nữa.

Phóng viên: Một trong những ấn tượng mạnh nhất của chúng tôi về Cuba là những chiếc xe du lịch cực kỳ sang trọng ở thủ đô La Habana…

Đại sứ Orlando Guillén: Đấy là một tài sản quý báu. Người Mỹ sang du lịch Cuba rất thích những chiếc xe như vậy. Những chiếc xe đó nếu được giữ gìn tốt thì giá còn cao hơn cả xe mới. Một chuyến xe cổ năm người thôi, đi vòng quanh La Habana là 500 USD. Bây giờ lấy một chiếc Toyota đời mới ra sử dụng chắc cũng không thể thu cao đến như vậy.

Phóng viên: Và chúng tôi cũng rất mừng khi Cuba ngày càng tự túc được lương thực. Chúng tôi đã từng đi thăm một trang trại ở vùng quê Cuba và thấy rằng những cánh đồng của Cuba rất rộng lớn phì nhiêu...

Đại sứ Orlando Guillén: Để tiến đến tự túc lương thực thì Cuba còn phải qua một chặng đường vất vả. Hiện nay Việt Nam đang giúp Cuba về trồng lúa và tôi mong muốn trong thời gian sắp tới Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào Cuba về nông nghiệp.

Phóng viên: Một câu hỏi cuối cùng: giấc mơ lớn nhất bây giờ của Ngài Đại sứ là gì?

Đại sứ Orlando Guillén: Giấc mơ lớn nhất của tôi là có thể hoàn thành nhiệm vụ mà tôi đã được giao, để có thể phát triển được quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Đó là điều mà tôi mong muốn nhất bây giờ; điều đó xứng đáng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Cuba.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ngài Đại sứ về cuộc trò chuyện này!

Nhà thơ Nicolás Guillén

(Ông ngoại Đại sứ Cuba Orlando Nicolás Hernández Guillén)

 

Anh da đen môi dày

 

Tại sao anh nổi giận đến như thế

khi người ta gọi anh: “Anh da đen môi dày”

nếu mà cái miệng anh ngon tuyệt

ôi anh da đen môi dày?

 

Môi dày, môi dày anh như thế kia

anh có đủ cả

bởi chưng cái bà đài thọ anh

biếu anh tất cả

 

Nhưng được đến thế nào, anh vẫn còn rên siết

ơi anh da đen môi dày

cái người không làm mà có tiền bạc

ơi anh da đen môi dày

một bộ cánh diện vải trắng tốt

ơi anh da đen môi dày

và một đôi giày hai màu bóng lộn

ơi anh da đen môi dày...

 

Môi dày, môi dày anh như thế kia

anh có đủ cả

bởi chưng cái bà đài thọ anh

biếu anh tất cả

 

Xuân Diệu dịch

Nguồn Văn nghệ số 37/2021


Có thể bạn quan tâm