April 25, 2024, 8:09 pm

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam – Chi hội Nhà văn Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội, nòng cốt là các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nằm trong khối Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Từ năm 2008, địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội được mở rộng, Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, nâng số hội viên lên đáng kể. Theo đó, số nhà văn hội viên của chi hội nhà văn Việt Nam tại Hà Nội cũng tăng lên, theo con số triệu tập tại Đại hội lần này là 110 người, đứng thứ 2 toàn quốc (sau Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh). Ngày 16/10 vừa qua, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam – Chi hội Nhà văn Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được tiến hành tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Đoàn Chủ tịch gồm các nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Gia Thái, Bùi Việt Mỹ và Nguyễn Hòa Bình. Về phía lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, ngoài nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội, thay mặt Ban Chấp hành tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội, còn có các nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Khuất Quang Thụy cùng có mặt tham dự. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tham gia chỉ đạo Đại hội
Toàn cảnh Đại hội             Ảnh Hữu Đố

Là Đại hội cơ sở trong lộ trình tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, bên cạnh việc giới thiệu nhân sự cho Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Hội; Đại hội đã bầu ra 55 đại biểu chính thức cùng 5 đại biểu dự khuyết theo tỷ lệ cho phép để tham gia Đại hội toàn quốc. Thời gian còn lại dành cho nội dung góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội. Ở nội dung này, các nhà văn Hà Nội thể hiện mối quan tâm nhiều đến 3 lĩnh vực, là:

- Về công tác phát triển Hội, bao gồm việc kết nạp Hội viên, việc tăng cường vai trò của Chi hội trong kết nối hội viên với Hội, việc cần thiết phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của hội viên, nhất là hội viên trẻ, đối với các hoạt động của Hội, và một số vấn đề liên quan đến tính khoa học, hợp lý và hiệu quả trong cơ cấu tổ chức hiện nay của Ban Chấp hành cũng như các ban chuyên môn trong Hội

- Về nâng cao chất lượng sáng tác, xuất bản, chất lượng phê bình văn học và chất lượng giải thưởng của Hội. Cụ thể là việc tổ chức các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế cho hội viên. Đặc biệt là đầu tư sáng tác cần chú trong hơn nữa đến chất lượng tác phẩm chứ không nên dàn trải. Tiêu chí xét giải thưởng cũng là vấn đề được quan tâm ở góc độ này… Ngoài ra, các yêu cầu về quảng bá, giới thiệu tác phẩm của hội viên cũng được nêu ra, nhưng ở góc độ cụ thể hơn. Đó là phải làm thế nào để các nhà văn có cơ hội và điều kiện để đọc của nhau, biết rõ hơn về nhau, chứ không phải chỉ là tiếp cận với độc giả

- Trong bối cảnh dư luận xã hội đang bày tỏ sự quan tâm nhiều đến chất lượng sách giáo khoa thời gian vừa qua, một trong những ý kiến đặc biệt và đáng chú ý ở Đại hội này là kiến nghị Hội Nhà văn Việt Nam cần chủ động tham gia sâu, rộng hơn nữa vào các hoạt động giáo dục, trong đó có việc biên soạn sách giáo khoa, để trí tuệ của nhà văn đóng góp được nhiều hơn, thiết thực hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục của đất nước

*

Lắng nghe ý kiến của hội viên để tự đánh giá về kết quả làm việc sau một nhiệm kỳ là thái độ của của Ban Chấp hành tại đại hội. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng những ý kiến sôi nổi, thẳng thắn và mới mẻ tại Đại hội này thực sự đã giúp cho Ban Chấp hành rút ra nhiều điều, kể cả đã làm được và chưa làm được. Song tựu chung ở một vấn đề. Ấy là: Không có Hội Nhà văn thì các nhà văn của chúng ta vẫn sáng tác, vẫn xuất hiện và vẫn thành công. Nhưng có Hội Nhà văn thì rõ ràng quyền lợi của người sáng tác được bảo vệ rộng rãi, toàn diện hơn; trong đó có quyền sáng tác và quyền công bố tác phẩm. Thực tế cho thấy hàng năm số đơn xin vào Hội vẫn rất đông, thể hiện một điều rằng uy tín và vị thế của nhà văn với xã hội còn rất lớn. Vấn đề bây giờ là phải làm sao để nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm trong việc xét kết nạp

Chia sẻ với các nhà văn của Thủ đô, Chủ tịch Hội Nhà văn cũng công nhận một thực tế chưa vui, đó là chi hội ở các địa phương hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn so với chi hội ở Hà Nội. Về phía chủ quan, đó là do sự quan tâm của Ban Chấp hành đối với các địa phương dường như có những ưu ái hơn. Song từ phía khách quan, ông cũng đưa ra một cảm nhận; đó là tuy đất nước thống nhất đã hơn 45 năm, song dường như văn học vẫn đang tồn tại ở mỗi vùng miền. Bạn đọc, và cả các các nhà văn, đọc của nhau còn ít, sự giao thoa trong đời sống sáng tác còn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông, một phần do Ban Chấp hành khóa IX chưa đủ số lượng và chưa đủ cơ cấu, nên chưa bao quát, quán xuyến hết được trong phạm vi cả nước…

Nói đến vấn đề nhân sự của Ban Chấp hành, đó không chỉ là mối quan tâm của riêng hội viên, mà của cả Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đương nhiệm. Với số lượng 6 ủy viên Ban Chấp hành như hiện nay, đa phần các ủy viên đều phải kiêm nhiệm nhiều công việc, trong đó có cả công tác quản lý. “Vì số lượng ủy viên Ban Chấp hành quá ít, cho nên khối lượng công việc đối với Ban Chấp hành là rất lớn” (Dự thảo Kiểm điểm Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2015-2020). Chính vì thế mà một Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X với nhân sự đầy đủ về số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu; đủ năng lực và nhiệt huyết, đảm bảo tính kế thừa, chính là nguyện vọng và cũng là mục tiêu của Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X. Mà “Nhân sự Đại hội không có chỉ đạo. Tất cả sẽ được tiến hành một cách dân chủ bằng lá phiếu đề cử của tất cả hội viên ngay từ các Đại hội cơ sở…”. Ý kiến của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng chính là chủ trương của Ban Chấp hành, và trở thành trách nhiệm của mỗi hội viên đối với tổ chức của mình

Lương Ngọc An  


Có thể bạn quan tâm