March 28, 2024, 7:03 pm

Đại dịch và những “lỗ hổng” văn hóa

Mùa xuân năm Canh Tý 2020 có lẽ đi vào lịch sử khi gần như các lễ hội mùa xuân truyền thống không được tổ chức bởi đại dịch COVID-19. Dù Việt Nam cho tới hiện tại chưa có trường hợp tử vong, nhưng hầu như các hoạt động văn hóa lễ hội trong cả nước đều bị hủy từ đầu tháng giêng âm lịch và sẽ kéo dài có thể tới đầu mùa hạ. Không hoạt động lễ hội, không các sự kiện văn hóa cộng đồng, không showbiz, đời sống văn hóa Việt Nam không lẽ tê liệt? Người dân không còn hoạt động văn hóa nào khác?

Mùa xuân là mùa của hội hè, đình đám, mùa của các cuộc du xuân bất tận qua những lễ hội, nhưng khi đại dịch COVID-19, đúng dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 đang là cơn ác mộng toàn cầu, trở thành một ám ảnh bệnh dịch lan tràn bao trùm, làm đóng băng mọi hoạt động lễ hội văn hóa mùa xuân và các sự kiện văn hóa nghệ thuật cộng đồng ở Việt Nam.

Và bỗng dưng, mọi người cảm thấy không khí thật tẻ nhạt, thật quá yên tĩnh đến buồn chán. Có gì để “chơi” khi không thể ra khỏi nhà để tụ tập, để náo nhiệt? Phải chăng, đây là lỗ hổng lớn của ngành văn hóa một khi không hội hè đình đám? Làm gì để nhu cầu văn hóa nghệ thuật không bị đứt đoạn, ngồi nhà mà vẫn có thể du xuân, hay thưởng thức nghệ thuật như trong nhà hát, rạp xine…?

Đời sống văn hóa tê liệt khi không lễ hội, showbiz?

Mùa xuân ở Việt Nam có hơn 1000 lễ hội trải dài khắp đất nước, riêng Hà Nội và một số vùng lân cận cũng có trên trăm lễ hội vào tháng giêng âm lịch, và vì thế mà dân gian đã đúc kết “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Nếu không tính những lễ hội nhỏ có tính chất quy mô cấp làng trong 3 ngày Tết, thì lễ hội tầm quốc gia mở đầu xuân là Lễ hội Gò Đống Đa mồng 5 Tết, tiếp theo khai hội chùa Hương vào 6 Tết ở Hà Nội, là hai lễ hội tầm quốc gia được may mắn tổ chức vào xuân Canh Tý. Sau đó tất cả các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống, các sự kiện văn hóa nghệ thuật cộng đồng cũng như các chương trình showbiz… trên toàn quốc đều bị hủy hay dừng lại, các khu tham quan du lịch cũng hạn chế khách thậm chí đóng cửa bởi đại dịch toàn cầu COVID-19… Một không khí khá tĩnh lặng bao trùm trái ngược lại với những huyên náo nhộn nhịp, chen chen lấn lấn đi hội, đi lễ hay vui chơi xuân như các năm khác. Gần như những cảnh tắc đường, kẹt xe ở các con đường đi về những lễ hội xuân không diễn ra như mọi năm, thậm chí còn vắng vẻ đến tĩnh lặng. Từ các vùng ngoại vi Hà Nội như Đền Sóc, Đền Gióng, Đền Chử Đồng Tử, xa hơn chút như vùng Nội Duệ - Bắc Ninh, Phủ Giày, Đền Trần - Nam Định, Yên Tử - Quảng Ninh…, hầu như vắng lặng thanh bình đến ngỡ ngàng, vì tất cả các lễ hội khai xuân những nơi này đều không tổ chức do sợ lây lan dịch bệnh.

Không lễ hội, nhưng rồi các hoạt động văn hóa công đồng cũng bị hủy. Các rạp chiếu phim, mọi năm vào dịp Tết là mùa “hốt bạc”, thì nay cũng chỉ mở chiếu cầm chừng thậm chỉ hủy nhiều xuất chiếu, một số phim Việt dự định ra mắt công chiếu mùa Tết cũng tạm dừng. Các show ca nhạc xuân, sân khấu kịch ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… cũng đều hủy, đóng cửa tắt đèn, cho dù trước đó đã bán vé. Thậm chí lễ hội thơ truyền thống của giới văn chương Việt toàn quốc vào ngày Nguyên tiêu cũng phải hủy giờ chót, dời lại dịp 30/4, Lễ hội sách toàn quốc vào tháng 3 ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh hiện tại cũng phải dời lại một ngày tháng khác, lễ hội Áo dài của Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 3 thường niên cũng không được tổ chức…, Festival Huế dự định vào tháng 4/2020 cũng phải dời tới tháng 8. Phố sách Hà Nội, Đường sách Tp. Hồ Chí Minh loe hoe khách vãng lai, các sự kiện giới thiệu sách mới ở hai đầu thành phố to nhất nước cũng phải tạm hoãn..

Không lễ hội, không hoạt động văn hóa nghệ thuật cộng động, đời sống văn hóa trong cả nước gần như “án binh bất động”. Bỗng giật mình, vậy thì nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật không lẽ “đóng băng” theo? Các văn nghệ sĩ sẽ như thế nào nếu tình trạng ngưng trệ này kéo dài không chỉ là 3 tháng mùa xuân mà có thể kéo dài hơn? 

Ngành Văn hóa cần một dự án chiến lược không lễ hội?

Qua đại dịch COVID-19 này, đã bộc lộ sự khiếm khuyết trong đời sống văn hóa công đồng Việt Nam. Một quốc gia có tới hơn 8000 lễ hội văn hóa truyền thống hàng năm, chưa kể hàng trăm sự kiện văn hóa kỷ niệm các ngày lịch sử, giao lưu văn hóa nghệ thuật với quốc tế, lễ hội ngành nghề…, rồi các hoạt động nghệ thuật showbiz như  âm nhạc, thời trang, các sân khấu, điện ảnh… Nhưng khi tất cả những náo nhiệt đó bị “đóng băng”, bị tê liệt, thấy rõ một sự lệch pha trong đời sống văn hóa cộng đồng, đã bị lệ thuộc quá nhiều vào những hoạt động mang tính bề nổi, hình thức, “đi cho có bạn có bè”, và khi không có gì để tham gia, để “tụ tập” thì giống như một bầu không khí tẻ nhạt đến nhàm chán vô vị. Và đương nhiên, là kèm theo đó rất nhiều thiệt thòi vì đời sống văn hóa bị “tước đoạt” dù là khách quan.

Nhưng chính thế, nếu không có đại dịch COVID-19 này, để ngành Văn hóa Việt Nam bộc lộ những khiếm khuyết mà lâu nay những hào nhoáng nhộn nhịp lễ hội, sự kiện, showbiz… đã che phủ, tưởng như hoạt động rất phong phú, cung đủ cầu sự hưởng thụ, thưởng thức văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng. Cho dù việc đại dịch là bất ngờ, nên không thể có những phương án lập tức “trám” vào thiếu hụt, nhưng rõ ràng trong các chiến lược phát triển văn hóa, ngành văn hóa đã không liệu trù tình huống này, nên khi xảy ra, hoàn toàn bị động đến không biết phải đối phó ra sao, không biết làm gì để thay thế vào đó những hoạt động nào, để tạo thành một khoảng trống vắng buồn kéo dài cả mấy tháng.

Không chỉ tới thời điểm này, mà nhiều năm trước đó, đã có rất nhiều cuộc Hội thảo bàn về lễ hội, có cần khuếch trương, phục hồi, nâng cấp, để rồi các lễ hội bị biến tấu không còn giữ nguyên bản giá trị nguyên thủy của nó. Và rồi đời sống văn hóa quốc gia mà chỉ lệ thuộc vào lễ hội, thì thực chất nền văn hóa đó có phát triển không, nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu, khi văn hóa ở các quốc gia văn minh không chỉ là lễ hội.

Đã tới lúc cũng cần giảm bớt hình thức “sân khấu hóa”, phô trương các lễ hội truyền thống, thực chất là những cuộc tụ tập theo phong trào, không mang ý nghĩa đích thực của giá trị lễ hội đó. Đã tới lúc nên để “Trống làng nào làng đó đánh, Thánh làng nào làng đó thờ”, để lễ hội giữ đúng bản sắc riêng, độc đáo của từng địa phương, mang tinh thần tinh hoa, kế thừa, có ý nghĩa thực chất, không xô bồ, đông đúc, mất đi sự linh thiêng của lễ hội.

Thời công nghệ 4.0, khi các cuộc họp, hội nghị đã trực tuyến không chỉ trong nước mà còn có tính quốc tế. Tại sao không, ngành văn hóa có thể xây dựng những chương trình mang tính chuyên sâu, thông tin và tương tác đến cộng đồng qua các phương tiện công nghệ từ truyền hình đến internet về ý nghĩa các lễ hội, xây dựng những mô phỏng lễ hội mang tính nguyên gốc nguyên bản, để mọi người hiều rõ những phần “lễ”, phần “hội”, mà có cách ứng xử văn minh, phù hợp, không đi hội đi lễ nhưng lại thêm kiến thức, tri thức về văn hóa truyền thống dân tộc?... Cũng như khi không thể sáng đèn sân khấu hay tổ chức các sự kiện nghệ thuật có tính cộng đồng, thì ngành văn hóa nên kết hợp với truyền thông đa phương tiện, tạo các kênh văn hóa nghệ thuật chuyện biệt, để có thể như những sân khấu - rạp chiếu phim trong gia đình, áp dụng như kiểu truyền hình trả tiền, để có thể đáp ứng nhu cấu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, mà không cần phải tới rạp xine hay nhà hát. Đừng nghĩ rằng thực hiện công nghệ này sẽ làm cho sân khấu hay rạp xine “ế” khách. Chính khi thực hiện công nghệ này, là mở rộng thêm khán giả, là đến gần hơn với cộng đồng, và sự tương tác là một kênh để các nhà sản xuất chương trình, các tác giả của tác phầm nghệ thuật biết nhu cầu thưởng thức như thế nào, mà điều chỉnh cho “ăn” khách…

Để cho đời sống văn hóa cộng đồng không bị gián đoạn bởi bất cứ tình huống nào xảy ra trong tương lai, một khi không lễ hội, không phim rạp, không sân khấu, không showbiz…, thì công nghệ 4.0 hay 5.0 là phương tiện hữu hiệu nhất để cộng đồng được đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Và ngành văn hóa nên chăng ngay từ lúc này xây dựng những đề án chiến lược một khi không lễ hội để không bị động như thời gian này, khi đại dịch COVID-18 làm đóng băng các hoạt động.

Nguồn Văn nghệ số 09/2020


Có thể bạn quan tâm