March 28, 2024, 4:56 pm

Đài chiến sĩ mang hình cây bút lửa

Ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) năm nay đang trở thành ngày hẹn hội ngộ của hàng ngàn cựu chiến binh sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội khắp mọi miền đất nước.

Họ sẽ trở lại ngôi trường mình học năm xưa để dự lễ khánh thành tượng đài chiến sỹ sinh viên của trường mình. Đây là đài kỷ niệm về lịch sử lên đường bảo vệ Tổ quốc của hàng nghìn cán bộ và sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội từ những đợt tuyển quân rầm rộ đến những chuyến “đi B” âm thầm, lặng lẽ của những đoàn công tác biệt phái vào Nam, lên Bắc, xuyên suốt mấy cuộc chiến tranh giữ nước nửa sau thế kỷ XX.

Phối cảnh Đài kỷ niệm “Tổ quốc gọi, chúng tôi lên đường” của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 

Tượng đài chiến sỹ của Đại học Tổng hợp Hà Nội đến nay mới ra đời là khá muộn. Các trường đại học khác, như: Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Nông Nghiệp, Lâm Nghiệp, Mỏ - Địa chất… đã lần lượt được xây dựng từ nhiều năm trước. Dư luận trong các khối ngành Đại học lâu nay đều cho rằng tượng đài của Đại học Tổng hợp Hà Nội lẽ ra phải được xây dựng đầu tiên ngay sau khi kết thúc chiến tranh. Vì đó là ngôi trường có cán bộ và sinh viên lên đường sớm nhất, với quân số đông đảo nhất. Năm 1964, thầy Ca Lê Hiến, giảng viên bộ môn Sử thế giới, đã từ chối “suất” nghiên cứu sinh nước ngoài, xin được vào chiến trường để “trở về giải phóng quê hương”. Vì bảo mật, thầy phải dùng bí danh. Bí danh đó lập tức trở thành bút danh của một phóng viên mặt trận đồng thời với tên tuổi nhà thơ Lê Anh Xuân. Thầy Ca Lê Hiến – Lê Anh Xuân ra đi đầu tiên và cũng trở thành liệt sỹ sớm nhất (năm 1968) của khối các trường đại học miền Bắc. Cùng lên đường năm ấy còn có thầy Trần Tiến, giảng viên trẻ của khoa Ngữ Văn, với bút danh Chu Cẩm Phong. Thầy đã hy sinh năm 1971, trở thành Nhà văn đầu tiên trong lịch sử Hội nhà văn Việt Nam được phong danh hiệu Anh hùng Lực lương vũ trang Nhân dân. Tiếp bước các thầy Ca Lê Hiến và Trần Tiến là những đoàn phóng viên mặt trận xuất quân lặng lẽ từ các khoa Ngữ Văn, Lịch sử, Hóa học, Vật Lý… Nhiều người đang học hành dang dở, nhiều người tự nhận mình là “ngoại đạo” báo chí, văn chương; nhưng tất cả đều gạt hết băn khoăn, hăng hái lên đường. Tổ quốc đang cần những anh hùng trước khi cần thi sỹ. Chiến trường cần những người viết tin, làm báo trước những người làm thơ. Và thực tế chiến tranh đã đào luyện tất cả thành những phóng viên mặt trận thành thục...

Từ năm 1969, Đại học Tổng hợp Hà Nội tiếp tục chi viện cho chiến trường hàng nghìn tay súng. Các năm 1969, 1970, quân số lên đường vẫn còn phải hạn chế dè dặt. Đến tháng 9/1971, sau khi có lệnh Tổng động viên, Đại học Tổng hợp gần như dốc hết những sinh viên khỏe mạnh cho chiến trường. 50 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí mọi người vẫn sống động mãi những hình ảnh của buổi Lễ xuất quân hôm ấy ở sân vận động Thượng Đình: Thầy Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum chưa đọc hết diễn văn đưa tiễn học trò, thì lá cờ trên khán đài bất ngờ đổ xuống, gẫy gập cán. Các bà mẹ tiễn con bật khóc vì “điềm gở”. Thật tinh tế và nhanh trí, thầy Hiệu trưởng không ra lệnh treo lại lá cờ. Thay cho việc đọc nốt diễn văn, thầy ôm lá cờ trao vào tay chàng tân binh – học trò gần nhất. Cả tiểu đoàn tân binh xúc động, bởi vì thầy Hiệu trưởng từng là một nghiên cứu sinh của Đại học Sorbonne, đã từ bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn trên đất Pháp để về nước tham gia kháng chiến cứu nước. Động tác trao cờ của Thầy như một sự chuyển giao thế hệ. Trong số 400 sinh viên “gác bút nghiên” lên đường hôm đó, có chàng sinh viên khoa Toán, Nguyễn Văn Thạc từng đoạt Giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc năm 1970. Anh đã hi sinh năm 1972 trên chiến trường Quảng Trị, để lại nhật ký Mãi mãi tuổi 20 bất tử.

Từ sau đợt nhập ngũ 6/9/71, Đại học Tổng hợp Hà Nội còn cung cấp cho quân đội hàng trăm sinh viên ưu tú vào các quân-binh chủng; không chỉ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà cả trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Hàng ngàn người đã ngã xuống trên các chiến trường. Cho đến nay, không thể lập được danh sách Liệt sỹ của Đại học Tổng hợp một cách chính xác; vì các liệt sĩ là cựu sinh viên chỉ được báo tử về cho gia đình…

Kết thúc 10 năm hậu chiến gian khó, đất nước bước vào thời Đổi mới, cũng là lúc các cựu chiến binh sinh viên của Đại học Tổng hợp và các thầy, các bạn của họ nghĩ đến một tấm bia tri ân liệt sỹ của Trường. Nhưng khi đó thì Đại học Tổng hợp đã bị “xóa tên” và chia đôi để làm những đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Khán đài làm lễ xuất quân năm xưa cũng bị cơn lốc đô thị hóa nuốt chửng. Chủ trương xây đài liệt sỹ trở thành vấn đề thường trực trong kế hoạch đầu năm của lãnh đạo ba cơ sở: Đại học Quốc gia, Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Khoa học xã hội - nhân văn. Các Liệt sỹ phần lớn đã yên nghỉ trong Nghĩa trang Đường Chín, Nghĩa trang Trường Sơn và các nghĩa trang quê nhà rải khắp cả nước. Nhưng còn biết bao liệt sĩ sinh viên chưa tìm được hài cốt, không có mộ chí ghi danh? Hiệu trưởng các trường mỗi khi tìm đất cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm trồng cây lưu niệm không khỏi đau đầu vì quỹ đất không còn đủ để xây Đài tưởng niệm. Thêm nữa, Đài tưởng niệm có thể không tồn tại lâu dài vì các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã nằm trong dự án chuyển lên vùng đất phía tây Hà Nội. Vậy có nên xây một đài tưởng niệm nho nhỏ, tạm thời hay không?

Rất may, trí tuệ tập thể của các cựu chiến binh sinh viên đã nhanh chóng tìm ra đáp số cho một bài toán khó: Thay cho Đài Tổ quốc ghi công sẽ là Đài kỷ niệm có dòng chữ: “Tổ quốc gọi, chúng tôi lên đường” để ghi nhận sự hy sinh, cống hiến của hàng ngàn cán bộ, sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội qua các cuộc chiến tranh cứu nước. Thay cho bát hương nhang khói u buồn, Đài sẽ thành một đài hoa, một nơi dâng hoa tưởng nhớ. Đề phòng sự “giải phóng mặt bằng” vì những dự án xây dựng mới trong tương lai, Đài sẽ đúc bằng đồng nguyên khối, có thể dễ dàng di chuyển. Vấn đề kinh phí không ngờ quá dễ: Chỉ sau 3 tuần thông báo kêu gọi “mỗi người góp một giọt đồng cho Đài kỷ niệm”, các cựu chiến binh, bạn bè, đồng đội, các gia đình liệt sỹ, quân nhân… đã tấp nập gửi tiền về trường. Có một sinh viên nữ khi biết tin đã đến ngay phòng tài vụ nhà trường góp 25 nghìn đồng. Hỏi vì sao em không nộp ba chục ngàn cho chẵn. Em thú thật là phải bớt lại 5 ngàn để trả vé xe… Người nhận tiền đã ôm em, bật khóc. Có bà mẹ biết tin xây đài kỷ niệm ở ngôi trường con mình xưa đã ra đi từ đó không về, đã góp luôn tháng trợ cấp mẹ liệt sỹ… Số tiền hơn một tỷ đã gần gấp đôi kinh phí dự trù. Ban vận động quyên góp buộc phải ra thông báo khóa tài khoản.

Đài kỷ niệm được xây không phải bằng kinh phí nhà nước, mà bằng tiền túi cá nhân, mà suy cho cùng là bằng tình cảm tri ân và nỗi nhớ thương đồng đội. Nhưng cũng chính vì vậy mà Ban quản lý dự án nhận được rất nhiều góp ý về thiết kế tượng đài. Trăm nhà trăm ý, ai cũng muốn tượng đài phải có một quy mô hoành tráng. Ban quản lý buộc phải bảo lưu mọi ý kiến đóng góp, kiên định thực hiện một mô hình tượng đài đã thiết kế từ mười năm trước. Căn cứ vào điều kiện thực tế khuôn viên còn lại của Trường và đề phòng những biến động trong quy hoạch thủ đô, tượng đài kỷ niệm không có quy mô đồ sộ, mà là một khối phù điêu đúc đồng, trong đó phần tượng nho nhỏ, nhường không gian thể tích cho phần đài. Phần đài bao gồm biểu tượng mang hình cuốn giáo trình mở ngỏ với điểm nhấn là cây bút bốc lửa, chọc trời xanh, nhắc về một thời hoa lửa với hàng chục đợt tuyển quân, thầy trò gác bút nghiên lên đường ra trận.

Đài kỷ niệm này cũng sẽ trở thành dấu ấn cuối cùng về một ngôi trường Đại học anh hùng nhưng đã mất tên, đang trở thành huyền thoại. Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm nay sẽ là ngày khánh thành Đài kỷ niệm. Hàng nghìn người lính già và cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội trên cả nước đang hồi hộp hẹn nhau về mảnh đất xưa dự Lễ khánh thành. Chưa biết Đài kỷ niệm có thỏa lòng mong ước của tất cả những người dự lễ hay không. Nhưng chắc chắn rằng, trên con đường trở lại thủ đô, dọc đường tìm về ngôi trường cũ, ai ai cũng đã tự xây trong trái tim mình một tượng đài chung – tượng đài về một thời đại mà “kẻ thù bắt ta cầm súng”, tượng đài về một ngôi trường đại học của những người lính anh hùng.

Nguồn Văn nghệ số 52/2021


Có thể bạn quan tâm