April 26, 2024, 6:25 am

“Đãi cát tìm vàng” giữa vùng biên giới

 

Ngôi trường duy nhất có một dãy phòng học xây ba tầng, cứ đỏ rực lên như một chùm hoa phượng khổng lồ nằm giữa núi rừng lớp lớp bao quanh. Đây chính là trường THPT Phan Chu Trinh, một trong ba trường THPT của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

So với trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ngọc Hồi và trường THPT Nguyễn Trãi thì trường Phan Chu Trinh là điểm xa nhất, mới thành lập được 9 năm nay (2010). Những người gắn bó với trường từ buổi đầu tiên như thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn; cô giáo Trần Thị Kiều Oanh; thầy giáo Nguyễn Thanh Vũ; thầy Hiệu trưởng Lưu Quý Bình, đều còn chưa quên những ngày đầu khởi nghiệp với ngôi trường mới với 15 giáo viên, ba lớp học và 120 học sinh, phần lớn là con em dân tộc thiểu số. Mùa khai giảng đầu tiên, thầy trò phải vượt qua những con đường lầy lội vì mưa gió, tới học nhờ tại trường THCS Đăk Dục.

Tháng Tám chở mùa thu sang, chào đón khách xa bằng những cơn mưa nặng hạt, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Giữa một khuôn viên rộng, xanh, đẹp rực rỡ nhiều sắc hoa, với những hàng cây xà cừ tỏa bóng mát và những lối đi đổ bê tông sạch sẽ. Xung quanh, núi mờ xanh, lãng đãng mây trắng phủ. Tiếng cười nói của các em học sinh như vọng từ sườn non, khe suối tới. Mảnh đất trước kia huyện duyệt cấp cho trường vốn là bãi đất thoai thoải hình tam giác nhọn. Đá to đá nhỏ, gốc cây cỏ lá ngổn ngang.

- Ba năm cật lực đấy ạ! Giữa mùa mưa tầm tã, cứ sau buổi học là thầy trò cùng nhau xắn tay áo lên dọn dẹp đất đá, cây cối!

Cô giáo Kiều Oanh, Thạc sĩ đầu tiên của trường nói như vậy. Những người thầy năm ấy chưa thể hình dung ngôi trường tương lai của họ sẽ như thế nào, giữa điệp trùng núi rừng biên giới. Cũng chưa hình dung nổi các học trò của mình sẽ có là bao nhiêu, sức học thế nào. Trong một ghi chép cá nhân hồi trường mới thành lập của cô giáo Kiều Oanh, thì "hơn 80% học sinh là con em các dân tộc thiểu số, nhiều em còn áo rách, đói cơm, gia đình neo người làm, chỉ muốn có thêm tri thức nên hàng ngày vẫn khát khao được học. Thầy cô giáo đến đây chỉ mong sao các em biết nói sõi tiếng Việt, biết bước đi nhanh hơn, và biết ngấng đầu lên khi giao tiếp với bạn bè... Chính vì vậy, sự có mặt của ngôi trường THPT Phan Chu Trinh là niềm vui lớn cho bà con các dân tộc nới đây, nhiều em dẫu đầu trần, chân đất vượt núi vẫn miệt mài đến trường. Thầy cô đến đây cũng thiếu thốn trăm bề, chỉ có thầy Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng đến nhận nhiệm vụ, còn hầu hết đội ngũ giáo viên vừa mới ra trường từ những miền quê xa xôi tụ về, tuổi đời còn rất trẻ, chưa có nơi ăn chốn ở ổn định, đi lại xa xôi, chưa có kinh nghiệm trong dạy học nhưng giàu lòng yêu nghề, thương học trò". Hiện nay, cuộc sống của người dân tộc thiểu số vẫn còn muôn vàn khó khăn.  Sáu xã có con em theo học tại trường thì năm xã thuộc vùng biên giới: Xã Đăk Nong; Đăk Dục huyện Ngọc Hồi. Xã Đăk Môn; Đăk K' rông; Đăk Long huyện Đăk Glei, đều là những xã nghèo. Xã Đăk Ang tuy không là xã biên giới nhưng lại là xã nghèo nhất, vẫn đang hưởng chế độ 116 của Nhà nước. Tất cả đều gồng mình lên, vì sự học của con trẻ. Những đứa học trò vì yêu cái chữ mà vất vả đến trường, dù áo chưa đẹp, dù chân đi đất tới lớp. Thầy Hiệu trưởng Lưu Quý Bình cười rất tươi khi nói đến học trò của mình.

- Các em siêng lắm! Ngoan lắm! Vì cũng đã lớn nên tự lo cho mình được rồi.

Điểm gần nhất từ nhà tới trường là 5 cây số, trung bình là 10 cây số, thậm chí có điểm xa 20 cây số. Dù đã được cấp phát gạo theo chế độ học sinh miền núi, nhưng các em phải dậy sớm để đi tới trường cho kịp giờ học, nên đều không kịp nấu cơm để mang theo. Buổi trưa, vào căng tin nhà trường mua một gói mì ăn liền nấu ăn, hoặc dọc đường đi mua bọc xôi, túi bánh. Hình ảnh các thầy cô và học trò tới trường, ai cũng mang theo một túi bóng đồ ăn nhẹ cho buổi trưa đã thành quen thuộc. Trường không có ký túc xá, không bếp ăn, không nhà điều hành. Đúng là "ba không" như mọi người hay nói vui. Cô giáo Kiều Oanh trước kia phải chạy xe máy 40 cây số tới trường, ngày hai lượt đi, về. Năm gần đây, cô phải tìm thuê một căn nhà nhỏ gần trường cho tiện đi lại, giá mỗi tháng 1 triệu đồng. Hỏi sao giá thuê nhà ở miền núi mà đắt? Cô nói vậy là còn rẻ! Ở vùng Ngã ba biên giới này, giá cả sinh hoạt chẳng thua gì Hà Nội!?

- Hồi chuyển tới nhà mới thuê, tôi cũng thấy gờn gợn. Nhất là thấy trên giường chủ cũ bỏ lại hai cuốn sách. Một cuốn sách cúng bái, một cuốn tiểu thuyết có tên là Ma rừng. Nhưng sau đọc sách thì thấy hay quá, nên xếp vô tủ sách luôn. Sách này của một nhà văn ngoài Bắc viết, ký tặng ai đó, rồi sao nó lại lạc đường tới một ngôi nhà giữa vùng núi xa xôi này.

Cuốn Ma rừng hình như giúp cô giáo lấy lại cân bằng khi chấp nhận cuộc sống ở đây, vì lòng yêu thương các em học sinh nghèo. Cô giáo Kiều Oanh có lẽ là người duy nhất gắn bó với cả ba ngôi trường ở Ngọc Hồi. Vốn là giáo viên dạy ở trường phổ thông Dân tộc nội trú Ngọc Hồi, năm 2005, huyện xây thêm trường THPT Nguyễn Trãi cô lại đầu quân về trường mới, sau đó đi học cao học ở Đại học Huế. Năm 2009, bảo vệ xong luận án Thạc sĩ văn học. Năm 2010 xây thêm trường Phan Chu Trinh, cô xung phong lên hỗ trợ và ở lại tới bây giờ. Cũng vì vậy mà cô rất ấn tượng với cuốn tiểu thuyết có cái tên Ma rừng.  Lạ thế, đọc sách như là uống thêm liều thuốc bổ, nó giúp người ta mạnh mẽ lên. Cũng vì vậy mà tủ sách cá nhân của cô giáo cứ ngày một đầy thêm, cô chuyển một số lớn ra thư viện nhà trường, cho học sinh và bạn đồng nghiệp cùng đọc. Những buổi trưa mùa thu se se lạnh, cả thầy lẫn trò đều ở lại trường, có gì tiện và thú vị hơn là đọc sách. Năm nay, số thầy cô giáo cũ còn lại không nhiều, chỉ đâu ba bốn người bám trụ từ đầu. Những thầy cô giáo trẻ được bổ sung về, đầy năng lượng hoạt động. Họ có nhiều sáng kiến về quản lý và tiếp xúc học sinh. Không như ở thị trấn, thành phố, các em học sinh xong buổi học thì về nhà, chịu sự quản lý của gia đình. Ở đây, các cô cậu học sinh cuối cấp đã là những nam thanh, nữ tú đến tuổi trưởng thành. Không quản lý tốt sợ nhiều chuyện không hay xảy ra, nhà trường sẽ có lỗi với gia đình. Gần trường là đồn Biên phòng 675, các chú bộ đội trẻ măng, khỏe mạnh, vui vẻ, nhưng cũng ít quan hệ với trường. Hàng năm, những ngày lễ, Tết, đại diện đồn đều tới tặng quà, chúc mừng. Tổng kết năm học, các chú biên phòng đều tới tặng học bổng trong chương trình "nâng bước em tới trường" của cán bộ chiến sĩ trong đồn. Chỉ vậy thôi,vì các anh muốn giữ sự yên bình cho mái trường vùng sâu này. Tuổi trẻ đầy yêu thương, khát vọng, nhưng cũng hay ngộ nhận, ngã lòng. Mình giữ gìn cho các em, các cháu là điều nên làm. Nhiệm vụ của các em bây giờ là học tập, chuẩn bị thật tốt hành trang vào đời. Bởi vậy không ngạc nhiên khi thấy nhà trường và đồn biên phòng rất hạn chế trong việc kết nghĩa, giao lưu, mặc dù họ đều là những người đang gắn bó với vùng đất biên giới. Hỏi một cô giáo trẻ mới về trường:

- Vậy lúc rảnh rỗi, các cô làm gì?

- Có thiếu gì việc đâu ạ!

Đó chính là việc quản lý học sinh. Tuy trường chỉ có 8 lớp học với 240 học sinh, nhưng lại phức tạp bởi đa sắc tộc. Nếu một ngày lễ hội nào đó, cho các em học sinh của trường mặc sắc phục truyền thống của dân tộc mình, thì sân trường sẽ như một vườn hoa đầy màu sắc. Ví von như vậy để biết các dân tộc thiểu số từ ba miền Bắc- Trung- Nam đều tụ hội nơi đây, ngoài một số em người Kinh, học sinh dân tộc Jẻ Triêng chiếm đa số, bên cạnh nhiều dân tộc khác như Tày; Nùng; Mường; Gia Rai; Sơ rá... Sau buổi dạy, các thầy cô vẫn còn khá bận rộn, mà viêc bận rộn nhất là dọn dẹp vệ sinh trường lớp và quản lý học sinh. Tuy không có ký túc xá, nhưng vì các bản làng ở cách xa trường, nên học sinh chọn biện pháp nghỉ trưa lại trường, ngay trong phòng học. Một số gia đình có điều kiện thì tìm thuê nhà cho con, nhưng số đó đếm trên đầu ngón tay. Hơn 80% học sinh của trường là người thiểu số, có nghĩa là phần lớn khó khăn phức tạp bắt đầu từ số học sinh này. Mới có những chiều, các thầy cô lặn lội về thôn bản, thăm hỏi trò nghèo, trò cá biệt hay bỏ học. Phảỉ hết sức quan tâm chăm sóc tới học sinh. Ban Giám hiệu nhà trường quán triệt như vậy. Một quy định nghiêm ngặt chẳng kém gì kỷ luật quan đội, rằng các giáo viên, nhất là giáo viên nữ, không tụ tập đàn đúm ăn nhậu, không tập trung hát karaoke, không alo gọi nhau khi có khách.

- Thầy hiệu trưởng nghiêm khắc lắm ạ, thường xuyên nhắc nhở các giáo viên, cũng không sử dụng giáo viên vào bất cứ việc gì, trừ việc dạy học và quản lý học sinh.

Một cô giáo trẻ tâm sự như vậy. Một cách quản lý chặt chẽ, có phần hơi nặng nề, nhưng lị có hiệu quả cao với một ngôi trường cá biệt mà mọi người đều cảm thấy cần thiết và tự giác thực hiện.

 Không phải riêng cán bộ, giáo viên nhà trường thương yêu, giúp đỡ học sinh, mà rất nhiều mạnh thường quân luôn quan tâm, chú ý tới ngôi trường mới này. Bác sĩ Đặng Văn Đào, phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Ngọc Hồi, năm học nào cũng có phần học bổng từ 2,5 đến 3 triệu đồng giành cho các trò nghèo vượt khó. Các nhà hảo tâm khác, thường tặng hàng trăm suất quà trị giá từ 200 ngàn tới 1triệu đồng cho các em. Xa xôi như hai ngân hàng Agribank và Sacombank thi thoảng cũng cũng có 5, 10 suất quà gửi vô trường.

Năm học 2018-2109 đạt thành tích khá. Đó là niềm vui và tự hào của thầy trò trường Phan Chu Trinh. Đúng là "đãi cát tìm vàng", ở một điểm trường mà sức học và điều kiện học tập đều thấp hơn hai trường khác trong huyện. Những thành tích này phải được gọi là "kỳ tích". Năm học qua, dù chỉ một trò đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh là vui lắm rồi. Sáu trò giỏi toàn diện, bốn mươi học sinh tiên tiến, Tỉ lệ đỗ kỳ thi THPT Quốc gia đạt trên 90%. Hai năm trước, đã có một A Sước thi đậu vào Trường sỹ quan lục quân 2 tận Đồng Nai, đã là niềm tự hào cho các chằng trai, cô gái người dân tộc thiểu số của trường. Cô giao Lê Thị Hải, chủ nhiệm lớp 12A vui vẻ cho biết. Lớp cô năm nay, tỉ lệ các em đỗ đại học khá cao.

Một năm học mới nữa lại đến. Những ngày đầu tháng Tám, đã thấy các thầy cô giáo tụ họp đông đủ tại trường, sắp xếp lại bàn ghế, sửa sang lại khuôn viên, chuẩn bị đón một lứa trò mới sẽ vào lớp Tám.

Ước mơ của các thầy cô giáo là mỗi năm, số học sinh giỏi, học sinh tiên tiến lại tăng lên, với chất lượng "vàng" chứ không phải chạy theo thành tích như ở đâu đó. Còn các em học sinh thì lại mơ ước, làm sao các thầy cô có thêm được một nhà Hiệu bộ để làm việc, nghỉ ngơi, có một bếp ăn để phục vụ cho các thầy cô giáo ở xa trường buổi trưa ấm bụng, đỡ mệt mỏi.

Những ước mơ thật giản đơn của thầy trò trường THPT Phan Chu Trinh, cháy bỏng giữa núi rừng biên giới.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2019


Có thể bạn quan tâm