April 19, 2024, 3:22 pm

Đại Bình, làng trái cây, làng thi ca

 

Đại Bình xưa gọi Đại Bường/Sum suê cây trái ngát hương ba miền/Bao đời làng vẫn bình yên/Sông Thu rót mật bãi biền xanh dâu/Chân trời góc bể về đâu/ Đại Bường như thuở yêu đầu sao quên (Trích từ trường ca Dòng sông di sản của Hoa Cẩm Chướng).

 

Theo các cụ xưa kể, đến nay làng Đại Bình  tuổi thọ gần 300 năm. Ảnh LAD

Đúng như tên gọi, Đại Bình là làng bình yên nhất qua các cuộc chiến tranh, qua thiên tai, hạn hán. Theo các cụ xưa kể, đến nay làng có tuổi thọ gần 300 năm, được hoài thai từ núi Chúa với con sông mẹ Thu Bồn ngọn nguồn Trà Linh chảy về. Bao đời nay, làng được ví như một miệt vườn trái cây Nam Bộ thu nhỏ. Lịch sử kể lại, ông Hương Hân một tri điền của làng đi tham quan các vựa trái cây miền Nam đem các loại giống sầu riêng, măng cụt, vú sữa, lê-ki-ma, sa pô chê, bưởi Năm Roi...về trồng và nhân rộng ra cả làng.

 

Người dân và khách thập phương tham dự Ngày hội văn hóa - du lich Đại Bình năm 2022 

Theo chân Ngày hội văn hóa - du lich Đại Bình năm 2022 của huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, tôi và Đặng Đình Khánh, người trồng cây dược liệu và sản xuất thuốc thảo dược chữa bệnh dạ dày phải chật vật chen chúc lắm mới len lách từ cầu Nông Sơn đến làng trái cây Đại Bình. Hai bên đường xe máy dựng hàng hai, hàng ba để cuốc bộ hỉ hả trẩy hội cùng hàng ngàn du khách, thực khách. Dưới ánh đèn đủ sắc màu, người chen người, sạp hàng chen sạp hàng, các loại trái cây được bày biện và được chào hàng rôm rả. Những trái bơ to bằng nắm tay, những trái đu đủ chín vàng ươm, những trái trụ lông thơm thảo, những trái sầu riêng, trái ổi nồng thơm nức mũi, những nải chuối xanh chắc bên ngoài, chín bên trong vừa hái xuống còn vương dấu tay của các cô thôn nữ... Tất cả tạo nên một ngày hội trái cây thoạt nhìn đã no, đã thơm, đã thèm con mắt. Đồng hành với trái cây còn có các loại hương trầm thẻ, hương trầm viên của làng Đại Bình, do người Đại Bình chế tác, sản xuất thơm lừng lựng. Và có cả rau Sen thương hiệu VietGap bày bán. Rồi chè từ trái cây các loại trong vườn nhà.

 

Bao đời nay, làng được ví như một miệt vườn trái cây Nam Bộ thu nhỏ

 Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, trưởng ban tổ chức Ngày hội làng văn hóa - du lịch Đại Bình, Nguyễn Thị Thu Thủy hồ hởi báo tin vui: Chưa bao giờ đêm khai mạc Ngày hội lại đông nghịt người, đến nỗi không chỗ chen chân như tối nay. Chứng tỏ sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch văn hóa đã trỗi dậy. Với Đại Bình, nhà nhà, vườn vườn, người người đều là chủ nhân, chứng nhân tham gia du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ngoài việc UBND tỉnh trao quyết định công nhận làng Đại Bình là điểm du lịch của tỉnh, làng còn được Ocoop đón nhận với các sản phẩm bưởi trụ lông, dầu mè, dầu phộng, trầm hương.

 

Làng Đại Bình còn nổi tiếng với các sản phẩm Ocoop như: bưởi trụ lông, dầu mè, dầu phộng, trầm hương.

Theo hương hoa của miệt vườn cây trái, chúng tôi hòa vào với dân làng. Ngôi làng cổ, đẹp, hiền như ca dao, cổ tích, quanh năm bốn mùa ngát xanh cây trái với hàng trăm loài thực vật, người dân hòa thuận an lạc không bon chen ganh đua chạy theo thời thượng. Làng có bố cục theo hình bàn cờ bởi trước mặt là con sông Thu Bồn di sản, huyền thoại, linh hiển, bên kia sông là chợ quê Trung Phước, nơi những người con miền ngược miền xuôi lên giao lưu buôn bán “ Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên” ( Ca dao); sau lưng là dãy Trường Sơn hùng vĩ, trong làng có núi Cấm bàng bạc khói sương gây vấn vương, thương nhớ “ Theo em, anh về Cấm Sơn/Lỡ ăn trái cấm (nên) thương thơm một đời” ( Ca dao)

Chính hồn cốt của làng, tình nghĩa nhân văn, chan hòa giữa nhiều dòng họ và thiệt thà, chất phác, mến khách, trọng người của bà con trong làng nên Đại Bình hấp dẫn hủt hồn bao tao nhân mặc khách, danh nhân, thi nhân, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật nổi tiếng như Bùi Giáng, Khương Hữu Dụng, Hoàng Châu Ký, Thu Bồn, Tường Linh, Trinh Đường, Lê Trọng Nguyễn... lớp trước; nhạc sĩ Mạc Ly, nhà thơ Lê Anh Dũng, nhà thơ  Nguyễn Đại Bường lớp sau này.

Thuở còn chăn dê bên làng Trung Phước, qua “xin  ngủ dưới vòm cây “ của làng Đại Bình, chàng thanh niên thi sĩ Bùi Giáng đã thốt lên“ Em về ở lại đây thôi/ Nghe mùa nước lũ nguồn trôi phăng đồng/ Một trăm cây lá bên rừng/ Gửi trong tiếng vọng xa chừng ngàn mây” .

Với thi sĩ Tường Linh, người làng bên này sông gần chợ Trung Phước thì Đại Bình là quê ngoại của ông. “ Cháu bà nội, tội bà ngoại”, ông dạt đi làm ăn ở Sài Gòn, thương nhớ quê, thương nhớ ngoại đứt ruột, chưa về được gửi niềm hoài hương qua những câu thơ: “ Tôi muốn về Trung Phước giữa mùa ngô/ Thương quê ngoại Đại Bình cam đỏ ối” và nhà thơ vẽ quê ngoại qua bức tranh thơ “ Đại Bình quê ngoại đẹp như tranh/ Qua bốn mùa tươi quả ngọt lành/ Trước bãi lững lờ dòng nước biếc/ Sau đồng hùng vĩ rặng non xanh”

Bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Đại Bường, lấy tên làng làm bút danh, sống tha hương ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhớ làng mình qua nắm lá mồng Năm: Người về đất Quảng tôi xin với/ Nắm lá mồng Năm ruộm núi đồi/Chắt chiu sỏi đá vào hương ổi/. Rào rạt đường quê mát dạ người/ Em lên đồi với trưa đứng bóng/. Lòa xòa phơi phóng lá xanh tươi/ Nong nia tròn đất tròn xoe nón/ Tròn cả tiếng chim vút giữa trời”...

Thi trung hữu nhạc, trường ca Dòng sông di sản của Hoa Cẩm Chướng viết về sông Thu Bòn chảy qua Đại Bình, Quế Trung, Nông Sơn, được nhạc sĩ Nguyễn Thu Thủy ( Đà Nẵng) phổ đã được giải thưởng âm nhạc 5 năm của tỉnh Quảng Nam: Nằm thuyền nhớ mẹ đưa nôi/ Lời ru có ánh sao trời đung đưa/ Mẹ thả tóc bay bay thi hứng/ Tao đời con chao nghiêng.../Lênh đênh lênh đênh nguồn xưa/ Rong ruổi bồng bềnh tôi ơi phiêu du/ Lững lờ nghe tiếng ai ru/ Ngó lên Hòn Kẽm chiều thu một mình/ Ai thương, ai nhớ Đại Bình/ Trái cây lúc lỉu nghĩa tình mang theo.

Theo dòng thơ Nỗi nhớ ven sông của tác giả Huỳnh Thiên Lam, người con của Trung Phước, Quế Trung, Nông Sơn, Mạc Ly, nữ nhạc sĩ làng Đại Bình đã  phổ nhạc nâng cánh cho thơ: Ta chưa hẹn về thăm quê em/ Chưa cùng em ngắm biền dâu xanh mát/ Nắng hạ vàng say trên từng kẽ lá/ Hương thời gian lan tỏa khắp đâu đây/ Ta chưa hẹn về thăm quê em/ Vườn cây xanh tỏa cho làng bóng mát/ Làng Đại Bình ven sông yên ả/ Sao trong lòng da diết nhớ mênh mông”

Qua một đêm, một ngày thăm thú, thưởng lãm và tập tành làm dân làng Đại Bình, chúng tôi và anh em văn nghệ sĩ, báo chí đều xác định, làng Đại Bình nhờ an lành, hiền hòa, thân ái bốn mùa xanh cây trái mà thu hút phủ dụ nhiều nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa văn chương đến điền dã, sáng tác. Đại Bình có nhiều cái nhất: Làng nhiều trái cây nhất xứ Quảng, Làng nhiều người sống thọ nhất xứ Quảng ( người có tuổi thọ 80 trở lên chiếm 85% trong các người cao tuổi), làng yên bình xanh mát, hiền hòa nhất xứ Quảng.

                           13.8.2022


Có thể bạn quan tâm