March 29, 2024, 2:40 am

Đại biểu Quốc hội tranh luận về sai sót trong sách giáo khoa lớp 1

 

Những sai sót, “hạt sạn” trong một số cuốn sách giáo khoa lớp 1 đã được các đại biểu Quốc hội phân tích và tranh luận tại hội trường vào chiều 3.11.

 

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định). Ảnh: Quốc hội

Một số bộ sách có ngữ liệu thiếu sự trong sáng về ngôn ngữ

Tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định) dẫn chứng câu chuyện dư luận xã hội bức xúc về một số sai sót trong sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1.

Theo bà Thảo, Luật Giáo dục 2019 đã quy định chương trình giáo dục phổ thông là để thể hiện mục tiêu giáo dục và có phạm vi áp dụng trên cả nước. SGK được biên soạn nhằm cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình này.

Đề cao sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK, song bà Thảo cho rằng, vấn đề xã hội hóa như thế nào để vừa đảm bảo tinh thần đổi mới vừa đảm bảo mục tiêu của giáo dục toàn diện là vấn đề quan trọng.

Tháng 9.2020, ngành giáo dục bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó sử dụng SGK mới cho học sinh lớp 1. Bà Thảo cho rằng, bước đầu thực hiện đương nhiên có những sai sót nhưng có nhiều bất cập nổi lên thì cần phải nhìn nhận lại.

“Ở một số nơi bắt ép học sinh mua sách tham khảo. Cá biệt có những phụ huynh phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua SGK lớp 1 cho con cùng với sách tham khảo”- bà Thảo cho biết.

Ngoài ra, vấn đề ngữ liệu trong SGK tiếng Việt lớp 1 cũng được bà Thảo nhắc tới.

Bà cho rằng ngữ liệu ở một số bộ sách còn thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic, chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian dẫn tới việc giáo viên phải vừa dạy vừa điều chỉnh. Đây là tình trạng thực tế và để lại dư luận không tốt.

“Điều đáng nói những tồn tại này xảy ra khi các bộ SGK chính thức đưa vào sử dụng mới bộc lộ mà không được phát hiện trong quá trình biên soạn, thẩm định, hay phê duyệt. Là đại biểu công tác trong ngành giáo dục, bản thân tôi rất tiếc về sự cố này"- bà Thảo nói.

"Cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra"

Bà Thảo cũng đưa ra 3 đề xuất. Đầu tiên là làm rõ “có hay không tình trạng sai sót. Nếu có, thì sai ở đâu, thuộc những cuốn nào, bộ sách nào? Trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai?”.

Quan điểm của đại biểu là SGK sai, bắt buộc phải sửa và không thể để một thế hệ học sinh trẻ học SGK sai sót. Bà kiến nghị đối với các bộ SGK lớp 1 đang bán ở trên thị trường thì Chính phủ chỉ đạo Bộ GDĐT tạm dừng thực hiện, cần khẩn trương tiến hành rà soát và cho thẩm định lại toàn bộ các SGK này. Việc thẩm định lại cần khách quan, minh bạch.

Ngoài ra, bà Thảo cho rằng phải xem xét lại hiệu quả của quy trình thực nghiệm. Thực nghiệm là hết sức quan trọng nhưng phải chặt chẽ, đảm bảo cả trước, trong và sau khi tiến hành.

Về trách nhiệm của các bên liên quan, bà Thảo đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng từng khâu để đảm bảo không có sai sót.

“Để tránh làm tăng bức xúc trong nhân dân, tôi đề nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, phải tăng tiến độ điều tra, đưa ra xét xử, truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo, quyền tác giả, quyền xuất bản của từng bộ sách”- bà Thảo nói.

“Những thiếu sót trong SGK chỉ ở dạng chưa thật sự phù hợp”

 

Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình).

Tranh luận với đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, việc biên soạn SGK là vấn đề rất lớn. Có thể nói ngành GD đã hết sức cố gắng nhưng có một số thiếu sót không tránh khỏi, nhưng không phải sai sót quá nghiêm trọng mà chỉ là một số ngữ liệu ở dạng học âm, học vần chưa thật phù hợp.

“Theo tôi, đây không phải sai sót đến mức như đại biểu nói là phải chuyển cơ quan điều tra hoặc hình sự hoá việc sai sót này. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng nếu không gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong nhân dân, cử tri.

Những thiếu sót trong SGK chỉ ở dạng chưa thật sự phù hợp, những việc này có thể điều chỉnh và sửa được ở trong lần tái bản tiếp theo.

Bộ GDĐT đã có văn bản gửi các địa phương, khi các cô giáo triển khai giảng bài, những bài có liên quan đến ngữ liệu này thì cần có điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta không nên hiểu đây là vấn đề sai phạm gì mà chuyển đến cơ quan điều tra”- ông Phương nói.

Nguồn Lao động


Có thể bạn quan tâm