March 29, 2024, 5:25 pm

Đại biểu Quốc hội "phản pháo" : Bộ Giáo dục trả lời vênh với nhà xuất bản

- Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, những điều bà nêu ra hoặc chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chưa được giải đáp thỏa đáng.

Theo trả lời của Bộ GD&ĐT, nhà xuất bản đã báo cáo sai hoặc chính công ty không nắm chắc chi phí của mình bằng Bộ GD&ĐT.

 

Trả lời 18 dòng không có từ nào nhắc đến trách nhiệm của Bộ GD&ĐT

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, đổi mới giáo dục là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy được nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có bà.

Từ trước đến nay, bà luôn tâm niệm: "Đại biểu Quốc hội không chỉ khơi ra vấn đề mà còn có trách nhiệm theo dõi, kiến nghị và đôn đốc để thực hiện cho được những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đáp ứng yêu cầu của công việc và nguyện vọng chính đáng của cử tri".

Thế nhưng những điều bà nêu ra hay những vấn đề mà đại biểu này từng chất vấn Bộ trưởng nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng.

Học sinh tham quan triển lãm sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới tại Hà Nội

(Ảnh: Nguyễn Mạnh).

Cụ thể, về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT đối với những sai phạm phải xử lý hình sự ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), trong văn bản trả lời, Bộ GD&ĐT dành tới 18 dòng để giải trình nhưng tuyệt nhiên không có câu nào cho biết cơ quan chủ quản (tức Bộ GD&ĐT) có trách nhiệm như thế nào trong việc "bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát".

Thứ hai, về thái độ của Bộ GD&ĐT và NXBGDVN đối với sai sót trong một số quyển sách giáo khoa (SGK) và khả năng thiếu SGK đầu năm học sắp tới, đại biểu Thúy cho rằng: "Thái độ của Bộ và các nhà xuất bản trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình.

Hiện nay, hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các Nhà xuất bản và Bộ GD&ĐT trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế".

Cụ thể, văn bản trả lời của Bộ GD&ĐT khẳng định: "Việc sửa chữa sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6 (Kết nối tri thức với cuộc sống) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được thực hiện theo đúng Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT".

Tuy nhiên, theo đại biểu Thúy, quy trình sửa chữa này không đúng với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư số 33, cụ thể: "Quy trình chỉnh sửa sách giáo khoa thực hiện như quy trình biên soạn sách giáo khoa được quy định tại Khoản 1 Điều này trừ quy định về thực nghiệm sách giáo khoa.

Trường hợp phải tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa chỉnh sửa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định".

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ GD&ĐT trả lời "vênh" với Nhà xuất bản 

(Ảnh: Quốc Chính).

Bộ GD&ĐT trả lời "vênh" với Nhà xuất bản Giáo dục

Về khả năng thiếu SGK và Bộ GD&ĐT khẳng định nhà xuất bản không in SGK trước khi đấu thầu, đại biểu Thúy cho rằng, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn không nêu căn cứ để đại biểu Quốc hội và cử tri yên tâm bởi hai lẽ.

Thứ nhất, khả năng NXBGDVN chậm có sách giáo khoa trước năm học mới là điều Bộ trưởng biết rất rõ.

Vì vậy, Thông báo số 612/TB-BGDĐT ngày 12/4/2023 về kết luận của Bộ trưởng tại buổi làm việc với NXBGDVN có đoạn: "Cân nhắc thời điểm đăng tải sách giáo khoa PDF trong trường hợp sách giấy chậm tiến độ, công bố rộng rãi để xã hội biết và đảm bảo người dùng dễ tiếp cận và dễ sử dụng".

Thứ hai, ngày 05/5/2023, NXBGDVN mới có công văn mời thầu in SGK các lớp 4, 8, 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ; ngày mở thầu là 21/5/2023.

Nếu thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu thì việc kịp in sách trước năm học mới còn khó, chứ không nói là in kịp trước ngày 30/6/2023.

Ở quy trình lựa chọn SGK, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ GD&ĐT.

Theo đại biểu Thúy, khi tình trạng lựa chọn SGK thiếu khách quan diễn ra tràn lan, việc lựa chọn SGK lại quay về cơ chế chỉ có một bộ SGK cho một môn học ở địa phương, tức là triệt tiêu chủ trương "một chương trình - nhiều SGK" của Đảng và Nhà nước.

ĐB Kim Thúy khẳng định, bà có thông tin cụ thể được cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phản ánh về tình trạng thiếu dân chủ, khách quan trong lựa chọn SGK và sẽ cung cấp cho cơ quan bảo vệ pháp luật khi cần thiết.

Về chi phí của Công ty Phương Nam (thuộc NXBGDVN), trong vòng chưa đầy 2 năm đã chi gần 100 tỷ đồng để "phát triển thị trường và tập huấn", theo giải thích của Bộ GD&ĐT, chi phí phát triển thị trường của công ty này "năm 2020 là 29,7 tỉ đồng", "năm 2021 là 24, 2 tỉ đồng".

Bà Thúy phản bác điều này và cho rằng, tại bản thuyết minh Báo cáo tài chính của Công ty Phương Nam khẳng định: Trong 9 tháng đầu năm 2020 đã chi hơn 42 tỉ đồng và 9 tháng đầu năm 2021 đã chi gần 53,8 tỉ đồng để "phát triển thị trường và tập huấn".

"Như vậy, có thể hiểu là Công ty Phương Nam đã báo cáo sai hoặc chính công ty không nắm chắc chi phí của mình bằng Bộ GD&ĐT?", đại biểu Thúy đặt câu hỏi.

 

Trước đó, sáng 1/6, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã cảnh báo, nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong chọn sách giáo khoa "rồi có ngày hối không kịp, sẽ có những vụ "Việt Á" trong giáo dục.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có văn bản trao đổi lại ý kiến của đại biểu Kim Thúy.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ cùng các nhà xuất bản đã cầu thị, lắng nghe các ý kiến cử tri, ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội để làm cho việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa ngày càng được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đối mới giáo dục phổ thông.

Tại văn bản này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lần lượt trao đổi từng ý kiến được đại biểu Thúy nêu, trong đó có việc Công ty Phương Nam - một trong những công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chỉ chưa đầy 2 năm đã chi gần 100 tỷ đồng để "phát triển thị trường và tập huấn".

Đại biểu đặt vấn đề, không rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra nội dung chi này chưa?.

Mỹ Hà

Nguồn https://dantri.com.vn/


Có thể bạn quan tâm