April 26, 2024, 4:52 am

Đã về “Dưới vòm hương tinh khiết”

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ ĐÀM KHÁNH PHƯƠNG

1.

Biết tin nhà thơ Đàm Khánh Phương bị tai biến từ mấy tháng trước, nhưng không ngờ ông đã vội ra đi, nhanh thế.

Đàm Khánh Phương, tên khai sinh là Đỗ Đặng Quyết, sinh năm 1945 tại Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội – một vùng chiêm trũng khi xưa, ven sông Đáy. Ông tạ thế hồi 23h 56 phút, ngày 16/5/2023 tức ngày 27/3 năm Quý Mão, hưởng thọ 79 tuổi. Với tuổi ấy, còn tiếc lắm chứ, ngày xưa thì “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (Đỗ Phủ); nhưng ở thời tuổi thọ con người ngày càng cao, thì 79 tuổi đã phải rời “cõi tạm”, người đời luôn “xoa xuýt”. Cũng xin nói thêm, ở trang bìa gấp một số tác phẩm thơ, “trích ngang” lý lịch của nhà thơ thì sinh năm 1943, có nghĩa là ông đã bước sang tuổi 81.

Nhà thơ Đàm Khánh Phương

Từ ngày 26-27/7/2022, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 13, nhiệm kỳ 2021–2026, Đàm Khánh Phương còn dự Đại hội này. Rất không may, ông bị tai biến và ngã trên sàn nhà mình. Do ông ở một mình nên mãi mấy ngày sau người thân mới phát hiện ra. Ông được đưa vào Bệnh viện Đức Giang, với thể trạng nói ngọng, liệt nửa người. Sức khỏe ông ngày càng yếu dần. Đến 11h tối ngày 16/5/2023 thì ông thở dốc, và chưa đến 1 tiếng sau, nhà thơ Đàm Khánh Phương ra đi...

Biết tin ông ngã bệnh mà chưa tới thăm ông được. Bây giờ, ngồi trước bàn phím này, gõ vài dòng hồi ức, xin được hầu chuyện với Đàm Khánh Phương, thay nén tâm nhang, thay lời tạ lỗi, thay lời cầu chúc ông lên đường tới nơi xa xăm, nơi đó có “vòm hương tinh khiết” thanh thản.

...

Xin trả lại dưới vòm hương

tinh khiết

Gom lại tôi sau tất cả hoang tàn

Những năm tháng ngỡ ngập tràn

thắm thiết

Hóa chỉ còn là những chuyến

tiêu hoang

(Dưới vòm hương tinh khiết)

Thuở ước mơ, Đàm Khánh Phương từng là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng vì vướng lý lịch gia đình nên phải nghỉ giữa chừng. Từ đó cuộc đời Đàm Khánh Phương phạm mỗi hai “tội”: yêu đương và làm thơ.

Vợ chồng ông sinh được 4 người con 3 trai 1 gái, các cháu đều đã trưởng thành, gia đình hạnh phúc. Yêu nhiều. Bạn bè ngoài cuộc đời và thi huynh có thể có nhiều “giai thoại” về chuyện yêu của Đàm Khánh Phương, nhưng dễ thống nhất, ông là người yêu con hết lòng.

Nhìn Đàm Khánh Phương bề ngoài không khác gì một lãng tử, phớt đời. Ông luôn ăn nói nhẹ nhàng đến mức sương khói, lịch lãm, quần là áo lượt, comple, cà vạt, rất “chảnh”. Thế nhưng bên trong, ông có một trái tim ruột rà, dành hết tình cảm cho những người thân yêu.

Ai cũng biết, lứa tuổi của ông, tất cả đều trải những ngày gian khó, giữa thời gian khó. “Trang viết mới ra đời bên cót ép/ Loan tin ai khao nhuận bút lần đầu/ Đem tất cả cho bạn bè ra Mậu dịch/ Gom từng tờ tem gạo, uống mừng nhau”, (Hà Nội thời gác xép của chúng tôi). Thời ấy nghèo nhưng con người sống với nhau nghĩa tình, xem nhẹ mọi thứ. Với Đàm Khánh Phương, tất cả chỉ có ý nghĩa khi thỏa chí tang bồng.

 “Tảng sáng sờ vào hũ gạo/ Ngó sang củi lửa muối dầu/ Yên lòng các con no đủ/ Mới biết giờ mình tới đâu”. Đây là khổ cuối bài thơ Bến, Đàm Khánh Phương đề tặng hai con trai là Hoàng Quân và Hoàng Vũ. Ông viết bài này năm 1997, nghĩa là lúc 52 tuổi. Ông lo cho các con mình ăn học, tử tế. Đó là cố gắng phi thường của ông bố có bốn người con, giữa thời “thóc cao gạo kém”.

Dù được gia đình chạy chữa, nhưng nhà thơ Đàm Khánh Phương đã không vượt qua được mệnh; ông ra đi trên tay người con trai út Hoàng Vũ, trong một ngày Hà Nội oi nồng, trời đất “khó ở”.

2.

Đàm Khánh Phương làm thơ từ ngày trẻ. Năm 1961, đã đoạt giải thơ của báo Người giáo viên nhân dân, năm 1965 giải Nhất thơ Hà Tây... nhưng nửa thế kỷ sau, năm 2011 Đàm Khánh Phương mới xuất bản tập thơ đầu tiên. Năm 2010, khi chuẩn bị bản thảo, ông khôi hài: “Mười năm trước tôi đã tập hợp thơ mình trải dài trên trục thời gian, khoảng 40 năm, kể từ khi bài thơ đầu tiên được giải thưởng... trong tập bản thảo Thức cùng huệ trắng và đã được giới thiệu trên một số mặt báo. Ngại ngần vì làm thơ tuyển cho tập thơ đầu tay của mình là việc làm quá sớm. Bởi vậy, đến nay lại thêm 10 năm nữa, gọn 50 năm. Thơ tôi mới vào sách của riêng mình”.

So với các nhà thơ cùng thời, Đàm Khánh Phương là người “lười in”. Và gã lãng tử Đàm Khánh Phương cũng làm cái việc “chẳng giống ai”. Đó là cùng một lúc, ông in ba tập Nghe gió về cậy cửaDưới vòm hương tinh khiết và Những ngả đường trong lòng bàn tay. Có thể di cảo ông còn nhiều thơ, nhưng đến nay “danh chính” sự nghiệp thơ Đàm Khánh Phương mới có 3 tác phẩm, mỗi tác phẩm cũng vừa phải, nếu không muốn nói “khiêm tốn” về số trang. Chính vì thế, Đàm Khánh Phương cũng trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khá muộn. Mãi tới năm 2010, ông vẫn cười tếu táo: “Muốn vào Hội Nhà văn Việt Nam ít nhất phải xuất bản hai tập thơ, đến ngay một tập mình còn chưa có”. Thời gian ấy, ông đang chuẩn bị bản thảo cho lần “sinh ba” vừa nói ở trên.

Câu chuyện “lười in” đến bây giờ chắc cũng chưa ai hiểu. Riêng tôi, đoán rằng, ông cẩn trọng, kỹ tính trong việc tuyển chọn, dẫu bên ngoài ông là người có vẻ phóng túng.

Nhắc đến Đàm Khánh Phương là nhắc đến nhà thơ đa tình, trái tim hoang hoải, sắc màu. Và thực tế thì “tình trường” của ông cũng dữ dội, ông được tắm táp từ thác yêu này đến thác yêu khác. Ông cứ thế mà trầm mình vào tình ái, miên dai cùng khoái cảm thi ca. “Xin xất giấu những nồng nàn mê dại/ Những mắt môi, thổn thức, thịt da quen/ Gội giá buốt cho hồn ta sống lại/ Có lẽ nào mưa trôi mất em...” (Viết trước cơn mưa).

Đàm Khánh Phương yêu nhiều, có người còn bảo Đàm Khánh Phương mỗi bài thơ một cuộc tình... Có thể ông chia tay người đàn bà này đến với người đàn bà khác, nhưng tất cả đều ở tâm trạng nâng niu, cám ơn. Với Đàm Khánh Phương, không có tình yêu thứ nhất, tình yêu cuối cùng mà tất thảy đều là tình yêu duy nhất, mê đắm, tan loãng, kiệt cùng vì sinh thể ấy.

...

Ta gặp em như tiền định tự bao giờ

Vào giữa những lúc tưởng chừng

như loãng kiệt

Mỗi đêm xuống lại thấy lòng da diết

Mỗi ngày lên lại phấp phỏng

mong chờ

(Thì ta đã vì em mà đắm đuối)

Những ngày này, Hà Nội tiếng ve bắt đầu chát chúa, phượng đỏ rực trên sắc xanh mùa hạ, báo hiệu mùa chia xa của tuổi học đường và sấu bắt đầu đến mùa thu hoạch. Tôi nhớ bài thơ Gặp đường hoa sấu nở của ông.

...

Có cái gì vẫy gọi phía bên kia

Cánh buồm chạy dọc hai bờ

phiêu lãng

Con sóng đổ cuốn hết màu dĩ vãng

Đã cho ta neo lại bến bờ.

Quê Ứng Hòa của ông có dòng sông Đáy chạy qua. Trong các tác phẩm đã giới thiệu với bạn đọc, thơ Đàm Khánh Phương, chủ yếu về đề tài về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước. Ông viết nhiều về Hà Tây, Hà Nội và cả Ứng Hòa, nơi ông cất tiếng khóc chào đời. “Ôi cái phố Vân Đình quen gọi phố Ga/ Vẫn cái tên cổ truyền khi đất mới sinh ra/ Một dãy sấu già bỗng thành mới mẻ/ Hai hàng phượng dang những cánh tay tròn rất khỏe/ Đã đi vào tất cả lòng ta/ Ta muốn gì ôm phố nhỏ của ta” (Vân Đình – 1964).

3.

Tôi mới quen biết Đàm Khánh Phương từ năm 2014, nghĩa là mới tròm trèm chục năm. Với quãng thời gian ấy, chưa thể gọi là bạn vong viên, biết nhiều giai thoại về ông.

Mỗi bận gặp nhau, thấy Đàm Khánh Phương bao giờ cũng có điếu thuốc trên tay, mắt đeo kính đen, lãng tử, phớt đời. Ông hút khá nhiều thuốc. Có thể, sức khỏe ông suy kiệt nhanh sau tai biến, có phần do thuốc lá. Gần như trên tay Đàm Khánh Phương thuốc liên tục cháy. Tôi nhận ra sau vẻ “hoang đàng” ấy một phẩm cách thi sỹ: Đàm Khánh Phương có trái tim mẫn cảm, thông minh nhưng cá tính cũng rất ngang tàng. Nói thẳng những điều mình nghĩ, nói ngay những điều thấy chướng. Bạn ông kể lại câu chuyện rằng, trong một lần gặp gỡ đồng hương Ứng Hòa nhân dịp năm mới. Thành phần đến dự có doanh nhân, quan chức. Ai khi được giới thiệu lên phát biểu cũng kính thưa, kính gửi... Khi Đàm Khánh Phương được giới thiệu lên, ông chỉ nói ngắn gọn: Xin được chúc mừng và kính chào các anh các chị cùng quê hương làm ăn thành đạt và tử tế. Đàm Khánh Phương lịch lãm: “Đã là đồng hương về với nhau, chỉ cần sự kính trọng là lòng thương mến là đủ, sao ở đây phải thờ phụng chức sắc, sợ hãi người giàu?”

Và cứ thế một đời và cứ thế/ Chạm mắt em không lảng tránh khi nào/ Và đã nhận được một điều giản dị/ Không bao giờ thơ chịu nước bán rao” (Những câu thơ bán lẻ). Thơ là người. Đàm Khánh Phương có phẩm hạnh của một thi sỹ Xứ Đoài, ngẩng cao đầu núi Tản.

Những ngày cuối tháng 5 này, Đàm Khánh Phương đã trả lại nhọc nhằn của cõi tạm, trở về miền mây trắng. Phách ông được an táng tại nghĩa trang quê nhà thôn Hoàng xá, thị trấn Vân Đình, Ứng Hoà, Hà Nội.

Cúi đầu vĩnh biệt người thơ Đàm Khánh Phương.

Ngô Đức Hành

Nguồn Văn nghệ số 21/2023


Có thể bạn quan tâm