April 26, 2024, 4:14 am

Đã qua thời “dạy toán, học văn...”

 

Mười năm trước, một nhà báo đồng môn khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp của chúng tôi đã đưa ra một quyết định rất gia trưởng: anh bắt cả ba con gái của anh phải học đại học ngành văn xong rồi thích học đại học gì mới cho học tiếp… Nghe anh phân tích chúng tôi thấy cũng có lý. Học văn vừa vui, vừa nhàn, hợp với thể lực con gái, lại vừa như được tiêm chủng để vào đời. Văn chương giúp cho người ta một thứ vũ khí chống chọi mọi phong ba, bất hạnh phía trước. Học xong Văn người ta yêu đời hơn, bình tĩnh hơn khi nhìn đời, mà chí ít thì, theo anh, cũng có thể viết văn, viết báo lấy nhuận bút, khi thấy trong túi chẳng còn đồng nào.

Quan niệm của nhà báo nọ gợi ta nhớ đến một câu châm ngôn hiện đại được dùng vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước: “Dạy Toán, học Văn, ăn Thể dục”.  Đó cũng là một lời khuyên, một tổng kết kinh nghiệm thực tế: giáo viên dạy Toán nhà nhã hơn, vì ít phải nói, có thể ra bài tập cho học sinh làm bài tại lớp, rồi ngồi nghỉ, chờ chữa bài. Học văn chỉ ngồi nghe, thưởng thức, nghe thầy như nghe chim giảng. Còn dạy thể dục, giáo viên được hưởng tiêu chuẩn lương thực lao động nặng, hơn giáo viên thường tới dăm bảy cân gạo gì đó.

Chúng tôi thuộc thế hệ vào đại học những năm 70, hoàn toàn không kiểm chứng được độ chính xác của châm ngôn trên. Chúng tôi không trải nghiệm được công việc làm thầy ở hai môn Toán và Thể dục, nên không biết đúng sai ở mức độ nào, nhưng riêng chuyện học Văn thì chúng tôi thấy đúng.  Những năm 60-70 của thế kỷ trước, Khoa học xã hội trong trường Đại học Tổng hợp Hà Nội bấy giờ chỉ có hai ngành Văn và Sử. Phần lớn sinh viên học khoa Sử chỉ vì bắt buộc phải học, bị chuyển từ nguyện vọng học Văn sang học Sử, hoặc do điểm thi môn Văn không may thấp hơn điểm thi Sử. Những buổi đầu năm học mới, sinh viên khoa Sử vây quanh cửa sổ các phòng học Văn, nghe nhờ, nghe trộm các thầy giáo giảng Văn.

Sinh viên Văn khoa khóa chúng tôi hưởng hạnh phúc của kẻ học Văn. Hạnh phúc vì hai lẽ: Cần tận hưởng, cần “sống gấp” với văn chương vì chiến trường miền Nam đang vẫy gọi, chúng tôi có thể lên đường bất cứ lúc nào. Thứ hai, văn chương khi ấy là văn chương nguyên chất, như một thứ vàng ròng, chưa hề pha chế. Tuyệt đại đa số các môn học là Văn. Thầy giáo và sinh viên trong giờ học như lặn sâu vào thế giới nghệ thuật của những anh hùng ca Homere, kịch cổ Hy La, văn học Phục hưng, văn thơ Lý – Trần, tới Đoạn trường tân thanh... Các môn học khi đó chưa bị pha trộn, nhồi nhét quá nhiều các môn học “ngoài văn chương”. Nội dung tác phẩm, tác giả văn học cũng không bị áp đặt những quan niệm, tư tưởng pha chế từ bên ngoài. Các thầy dạy Văn trong con mắt sinh viên chưa bị phân biệt theo học vị học hàm. Thầy cô chỉ được phân biệt, nhận diện qua bút danh và phong cách học thuật. Những thầy cô bị “tai nạn nghề nghiệp” tản mát ra ngoài, hay lui về làm công việc thư viện, dịch tài liệu… đã vô tình tạo ra cho sinh viên một không gian học thuật huyền bí, hứa hẹn ngày giải mã. Nhiều thầy giảng văn lên lớp như một nhà truyền giáo, giảng văn như “lên đồng”...

Chương trình văn học nước ngoài thời ấy được giảng nhiều giờ hơn, kỹ lưỡng hơn chương trình hôm nay. Mỗi giờ học Văn thục sự là mỗi giờ sinh viên hưởng thụ. Nhiều sinh viên ra trận vẫn tự an ủi, thỏa mãn vì đã kịp đem theo bên mình cả bao gạo, bao đạn lẫn một “túi thơ”. Những sinh viên tốt nghiệp ngành “Văn tổng hợp” ra trường được nhà nước phân công thoải mái, dùng vào đủ mọi nghề: Nghiên cứu, giảng dạy văn học, văn hóa - nghệ thuật, làm báo, làm luật, sáng tác... Cuối thế kỷ 20, trong tổng số hội viên Hội nhà văn Việt Nam có tới một phần tư hội viên tốt nghiệp Văn khoa Tổng hợp. Đúng như câu nói đùa (nhưng có ý động viên nhau): Học văn làm gì chả được (!) Khả năng thâm nhập vào nhiều lĩnh vực hoạt động văn hóa, xã hội của sinh viên khoa Văn, cũng như sinh viên khoa Sử của Đại học Tổng hợp một phần do điều kiện khách quan mặc định: Văn học và Sử học là hai khoa duy nhất độc chiếm lò đào tạo cán bộ khoa học xã hội suốt mấy thập niên, nhưng về cơ bản là do tri thức tổng hợp và phương pháp tư duy mà sinh viên được trang bị trong bốn năm học.

Đấy là câu chuyện học Văn của 40 năm trước...

Còn hôm nay, rất buồn cho người bạn văn của chúng tôi: Quyết định cho con cái học Văn của anh đã không được thực hiện nghiêm chỉnh. Chỉ cô con gái đầu của anh học gấp bằng cử nhân Văn học rồi nhanh chóng học sang nghề Kế toán. Hai người con sau của anh chỉ học một năm khoa Văn rồi bỏ, bố thuyết phục mấy cũng lắc đầu, không chịu quay trở lại. Sự chống đối này còn có bà mẹ đứng sau khích lệ.

Bạn văn của chúng tôi đã nhầm. Anh không biết chương trình học Văn đại học chuyên ngành lâu nay đã đổi. Cách học văn thay đổi và lòng người học văn hôm nay cũng đổi. Nhà thơ Chế Lan Viên có câu thơ triết lý rất buồn: “Có khi mùa xuân đang còn mà lòng người hái hoa của anh đã hết”. Hoàn cảnh xã hội lịch sử thay đổi đã buộc các bậc cha mẹ và học sinh trung học phải thật lý trí trong việc chọn trường, chọn hướng lập nghiệp tương lai. Phần lớn sinh viên học Văn của trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội không vào học Văn vì yêu văn học. Hơn chục năm qua, học sinh đoạt giải học sinh giỏi Văn toàn quốc và học sinh chuyên Văn không thi vào khoa Văn. Các thí sinh thông minh đó chỉ tận dụng điểm môn Văn của mình để nâng tổng điểm thi của mình vào các ngành khối D, khối E và vào các ngành học “dễ kiếm việc” khác. Ngày nay, học sinh giỏi Văn phần lớn hy sinh tình yêu văn chương của mình vì kế sinh nhai.

Để nâng cao khả năng thích ứng, khả năng thâm nhập vào nhiều nghề nghiệp, lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau, đào tạo cử nhân Văn chương tại Văn khoa tổng hợp cũ không thể đi theo hướng chuyên ngành. Nhiều khái niệm, thuật ngữ của quản lý đào tạo xuất hiện, đọc lên có phần xa lạ đối với các cựu sinh viên Văn khoa. Văn chương nhưng học theo “Tín chỉ”, “Học phần”, văn được học theo các “khung”. Trong hai năm sinh viên có thể tích hợp đủ số tín chỉ, học phần, thi tốt nghiệp ra trường với hai bằng đại học: một đại học Văn với một đại học X nào đó của trường hoặc từ một trường đại học khác. Sinh viên học Văn trong 2 năm đó tất nhiên không thể có thời gian đọc chậm một tập thơ, càng không đủ kiên nhẫn để đọc những bộ tiểu thuyết kinh điển (?)

Nhìn vào khung chương trình, có đến 40 % tiết học trong khung chương trình ngành Văn là dành cho những môn học ngoài văn học. Trong số 60% số giờ học Văn còn lại cũng có nhiều môn tuy được tự chọn nhưng nội dung lại bị phân tán, giao thoa sang các ngành học khác như Ngôn ngữ, Báo chí, Điện ảnh... Và nữa: Trong số 2/5 số giờ học được gọi là trang bị kiến thức chung, có thể nhận ngay ra những môn rất “nặng”: Triết học Mác Lenin, Lịch sử Đảng, Nhà nước và Pháp luật đại cương, Xã hội học đại cương, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng… Đó là những môn học bắt buộc, là “phần cứng” của khung chương trình. Những môn học bắt buộc đó thường được người học tiếp nhận một cách miễn cưỡng, có tính đối phó. Vì nội dung của các môn học đó hoặc là quá nặng về mặt tâm lý, hoặc là quá nặng về mặt thể chất. Sinh viên học Văn đành học các môn đó cho qua ngày, tích lũy điểm để đủ điều kiện tốt nghiệp.

Thiết nghĩ, những môn học “phần cứng” nói trên có thể “thả lỏng” cho sinh viên tự đọc, tự tìm hiểu khi thấy cần thiết phải mở rộng kiến thức chuyên ngành. Giáo trình, tài liệu học tập, tham khảo hiện tại rất phong phú và rất dễ tiếp cận qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Việc trang bị “kiến thức chung” trong khung chương trình Văn (và cả ở nhiều ngành Khoa học xã hội & Nhân văn khác) đã thành những công việc thừa thãi, lãng phí.

Ở nhiều nước tiên tiến, chương trình đại học thường được thu gọn trong 3 năm. Các môn học như Thể dục, Giáo dục quốc phòng và cả Ngoại ngữ đều không được dạy. Ngoại ngữ cũng như sức khỏe là chuyện riêng, sinh viên tự lo. Cha mẹ và các thày giáo phổ thông đã giúp cho con cái và học trò của mình chuẩn bị đầy đủ sức khỏe và kiến thức ngoại ngữ cơ bản trước khi vào giảng đường đại học. Quan niệm giáo dục đào tạo con người toàn diện, con người có đủ các phẩm chất “văn – thể - mỹ”, “vừa hồng, vừa chuyên” có thể vẫn đúng xét trên bình diện triết học nhân sinh, nhưng đã trở thành lạc hậu khi vận dụng máy móc vào giai đoạn đào tạo đại học trong hoàn cảnh kinh tế xã hội hiện đại. Trong thực tế, có rất nhiều môn học theo định hướng chính trị - tư tưởng đó đều có thể tích hợp hoặc lồng ghép vào các môn học chuyên ngành. Giáo dục chính trị - tư tưởng đạo đức sẽ đạt hiệu quả cao nhất, đi con đường ngắn nhất là qua các giáo trình văn học chuyên ngành. Thậm chí môn ngoại ngữ - một môn học lẽ ra sinh viên phải tự lo, “tự túc” – vẫn nên tích hợp vào các môn Văn học, trở thành ngoại ngữ chuyên ngành. Giảng viên khoa Văn học của Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội hiện nay đã sẵn sàng đảm nhiệm thêm, tiến tới chuyên ngành hóa các môn học chính trị - tư tưởng và ngoại ngữ. Đội ngũ cán bộ giảng dạy mới, của thời đại @ dễ dàng làm mềm hóa các môn học phần cứng trong chương trình đào tạo cử nhân Văn học, trừ phần Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng. 

Nếu làm một so sánh nhỏ, có thể nhận ra rằng, những năm cuối thế kỷ trước, sinh viên Văn khoa học ít môn nhưng ra trường làm được nhiều nghề. Còn hiện tại, sinh viên học rất nhiều môn, có vẻ như “cái gì cũng biết”, nhưng ra trường, “vào việc” lại thấy mình chẳng biết cái gì. Nếu như Văn khoa Tổng hợp ngày xưa có thể trao cho sinh viên khi ra trường một tình yêu cuộc sống, tình yêu văn chương, nghệ thuật, như trang bị một thứ vũ khí để bình tĩnh vào đời, thì ngày nay các cử nhân văn chương của Đại học Quốc gia Hà Nội ra trường, vào đời với cảm giác hoang mang, như người lính ra trận mà tay không vũ khí. Mang nhận xét trên đây trao đổi với nhiều đồng môn đồng nghiệp, nhiều người mong có ngày chương trình đào tạo cử nhân văn chương hiện tại sẽ được rút ngắn một năm, chỉ cần ba năm, theo phương thức giảm tải (gác lại các môn Thể dục, Quốc phòng - An ninh. Nhà nước - Pháp luật) và tích hợp các môn học Chính trị - Tư tưởng cùng các môn bổ trợ (như Tâm lý học, Xã hội học, Logic học, Kinh tế học…) vào các môn chuyên ngành ngữ văn. Có như vậy, “học văn” mới như một hình thức tận hưởng niềm vui cuộc sống. Bởi vì, văn chương dù là viết, là đọc hay là học, trước hết nó phải là văn chương đích thực!

Nguồn Văn nghệ số 41/2019


Có thể bạn quan tâm