April 25, 2024, 2:45 am

Đà Nẵng ơi, tình người!

Trong thư gửi đến gia đình nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh (32 tuổi, nhân viên khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) qua đời vì Covid-19; Bác sỹ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương xúc động viết: "Cái chết đối với từng người vốn dĩ là một hành trình cô đơn không thể chia sẻ cùng ai. Nay điều khủng khiếp nhất của đại dịch Covid-19 không chỉ là chia cách tình thân, cắt đứt sự giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm và người bị chết vào hoàn cảnh đơn độc đến tận cùng”.

Sars-cov-2 lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ. COVID-19 lúc “quét qua, hoành hành dữ dội”, tước đoạt của chúng ta cả những quyền cơ bản nhất của con người. “Một thứ giặc” không lộ diện, nhưng sự tàn ác chẳng thua kém lũ giặc hữu hình nào.

Trong hai mùa dịch 2020-2021, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng – nơi thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng  đến rất nặng – , đội ngũ những người Thầy thuốc, điều dưỡng, cán bộ quản lý, nhân viên ở đây, … vừa kiên trì giành giật sự sống từng giờ cho mỗi bệnh nhân, trông chờ mỗi phút giây tín hiệu hồi phục từ người bệnh … Cũng vừa cố gắng, không để 74 bệnh nhân tử vong ra đi trong cô quạnh (số liệu tính đến 07/10/2021).

Một bệnh nhân COVID-19 nặng xuất viện trong niềm vui của cả tập thể Bệnh viện. Ảnh T.Ngọc.

 

Trong phút giây tử biệt thiêng liêng, theo quy định, không một người thân nào được phép tự lo liệu những công việc đạo hiếu lần cuối, như vệ sinh thân thể, khâm liệm, nhập quan… Một nhóm các chị hộ lý, điều dưỡng (có khi cả bác sỹ điều trị) cùng các chú, các anh kỹ thuật và nhân viên hành chính (luân phiên nhau từ 6 đến 8 người), bằng cái TÂM, lặng thầm chu toàn để người đã khuất thanh thản ra đi.

Trong những lần đến tác nghiệp tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, có hai lần tôi “may mắn” chứng kiến để rồi cảm nhận hết những gì mà cổ nhân đã tổng kết “Nghĩa tử là nghĩa tận” … Đó là lần chứng kiến phương tiện đưa chiếc áo quan vào cổng sau và lần thứ hai, … một bệnh nhân vừa tử vong, thi thể được đưa xuống nhà đại thể (nhà xác). Thói quen tò mò của nghề nghiệphối thúc tôi tìm hiểu về lần hành trình đặc biệt này.

Chị Phan Thu Hoài – Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính Bệnh viện Phổi Đà Nẵng- đầu mối khởi động công việc hậu sự cho một bệnh nhân COVID-19 qua đời, nhớ lại và kể:

Mỗi khi có bệnh nhân ra đi, tôi nhận thông tin từ khoa - phòng, và thực hiện thông báo ngay cho nhân viên của phòng. Công việc trước hết là chuẩn bị tươm tất Nhà đại thể để đón bệnh nhân qua đời. Máy điều hòa được bật sẵn để bảo quản thi thể, chờ giờ nhập quan.

 

An lòng ra đi

Khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng, các chị hộ lý, điều dưỡng (và cả bác sỹ điều trị)sẽ nhẹ nhàng tháo gỡ những dây nhợ còn mắc, cài trên người bệnh nhân, thu dọn gọn máy móc và chuẩn bị vệ sinh thân thể lần cuối…

“Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẹ nhàng từ cái vuốt mắt, khép hàm, vệ sinh từng ngón tay, kẽ chân (bằng loại khăn riêng có tẩm sẵn xà-phòng diệt khuẩn được bệnh viện đặt mua). Lúc này người bệnh nhân vẫn còn ấm, anh chị em tranh thủ xếp lại ngay ngắn chân tay. Bệnh nhân qua đời do COVID-19 được bọc giữ trong một bao chứa tử thi (chuyên dụng),và chuyển về nhà đại thể.Công tác khử khuẩn được triển khai song song từ toàn bộ khu vực phòng bệnh, thi thể, đến cả những đoạn hành lang mà thi thể đi qua...” – anh Nguyễn Văn Xu, nhân viên hành chính – nhân viên nhà đại thể cho biết.

“Tôi luôn nhớ giới tính, độ tuổi của người vừa qua đời để xưng hô phù hợp. Trên đoạn đường từ phòng bệnh đến nhà xác, vừa đẩy xe, tôi luôn khấn thầm. Có lúc là “Thôi Mẹ yên nghỉ nhé, số mệnh thôi Mẹ ơi !” ; hoặc có khi là “Anh ra đi thanh thản nhé, chúng em thay mặt người thân, sẽ lo hậu sự chu đáo. Mình luôn xem chính mình là người thân duy nhất của bệnh nhân đã qua đời, thấu hiểu và an ủi hương hồn, để họ không thấy đơn độc” – anh Nguyễn Đức Thả, nhân viên hành chính - kỹ thuật nhà đại thể bày tỏ thêm.

Tôi (may mắn) được phép đọc nhiều mẫu tin nhắn của người thân gửi đến Phòng Tổ chức – Hành chính, cũng như các chú, các anh chị làm công việc khâm liệm. Câu chuyện “Nghĩa tử, nghĩa tận” của người Việt mình sao thiêng liêng đến thế. Dù hoàn cảnh phải nói quá ngặt nghèo (người chết vì dịch bệnh, chết trong lúc dịch diễn biến quá phức tạp), nhưng với hai chữ “có thể”, mọi nghi thức, tập quán “xưa truyền, nay gìn giữ”, đều được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn tình thâm.

“Nhờ các anh chị mặc giúp bộ âu phục mới nhất, người nhà sẽ mang lên ngay. Còn những bộ áo quần mang theo vào bệnh viện, nhờ các anh chị cắt bỏ những hột nút áo…. Cũng nhờ các anh chị lưu giữ lại những hình ảnh cuối đời và chu toàn từ khâm liệm đến chuyển bệnh nhân đi hỏa táng”. “Nhờ các anh chị sắm đủ bông hoa, trái cây, cũng phải có đủ áo giấy vàng bạc, các hũ đựng ngũ cốc để bà đi mà không thiếu thứ gì …”.

Anh Nguyễn Văn Xu thắp nén nhang khấn vái thành tâm trước giờ nhập quan. Ảnh Trần Ngọc

 

Thương cảm người đã khuất, khi thi thể vào trong nhà đại thể, bệnh viện có chén cơm xông đầu (tùy vùng miền, có nơi còn gọi là cơm cúng đầu, cơm đặt đầu), quả trứng luộc. Dân gian bao đời vẫn cố làm sao để người ra đi không hề đói trên suốt hành trình về đến thế giới bên kia ... Bệnh viện cũng chu toàn như thế.

Nhân viên chúng tôi thì không có anh chị em nào chuyên nghiệp trong khâm liệm, nhập quan, không thể bằng những người thường đảm nhận dịch vụ này. Qua học hỏi, qua tìm hiểu, và quan trọng là bằng cái tâm, bằng tất cả trách nhiệm, chỉ cố gắng chu toàn tốt nhất, như một nghĩa cử lần cuối trong đời, đối với bệnh nhân xấu số.

Lúc bệnh nhân đang điều trị, mình tích cực chăm sóc, giành giật sự sống hằng giờ thế nào, thì lúc họ ra đi mãi mãi, cũng phải tận tụy, chu đáo như thế. An lòng cả người đi lẫn người ở lại. Anh chị em vẫn hay nói ngắn gọn “Như đang được làm những công việc lần cuối cho cha, cho mẹ, hay cậu, dì, anh chị em ruột của mình ”…Lại có hôm bệnh nhân ra đi đúng ngày trời mưa không ngớt, trước khi chuyển thi thể ra nhà xác, nhiều tấm bạt, dù để che phải được chuẩn bị sẵn, cố giữ không để nước mưa rơi vào…”- bác sỹ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi bùi ngùi kể .

Nhân viên Bệnh viện Phổi túc trực trên xe để theo dõi một bệnh nhân nặng, ra viện về với gia đình. Nhiệm vụ hoàn thành khi người nhà đón người thân bình yên, tỉnh táo trở về. Ảnh Trần Ngọc

Chị Phan Thu Hoài cũng là người thay mặt bệnh viện tiến hành ngay việc thông báo đến gia đình, người thân. Câu trước là lời chia buồn thành tâm, còn những lời sau là căn dặn cùng nhau chu toàn hậu sự cho người vừa nhắm mắt, xuôi tay…

 “Tôi lần lượt trao đổi những đầu việc như xem giờ, chuẩn bị một chiếc áo quan, tư trang bỏ vào áo quan. Theo quy định phòng chống dịch COVID-19, khâu khâm liệm, nhập quan được thực hiện càng sớm càng tốt. Thông tin phối hợp phải vừa chặt chẽ, vừa phải hài hòa. Làm sao có đủ thời gian để người nhà xem giờ và chúng tôi sẽ cố gắng nhập quan đúng giờ gia đình chọn. Nhưng cũng phải hết sức lưu ý là không được vượt  quá thời gian mà quy trình cho phép (chỉ trong vòng 6h).

Đặc biệt nhất, mọi việc phải hoàn tất, trong đó có bước phối hợp nhịp nhàng với Trung tâm cấp cứu 115, sẵn sàng phương tiện, chuyển bệnh nhân đi hỏa táng, đúng với quy định trong 24h. Cũng cố gắng để khớp với giờ (di quan) mà người nhà mong muốn”.

Không phải cuộc điện thoại nào, người đại diện bệnh viện cũng giữ được bình tĩnh. Có những trường hợp rất bối rối, không biết sẽ phải báo tử như thế nào để người thân không bị sốc tâm lý. “Mình đặt mình vào vị trí của người thân, nhận cuộc gọi báo tử từ bệnh viện: Người thân đã chết vì dịch bệnh. Nỗi đau thật tột cùng”.

Công việc nhập quan người qua đời do COVID-19 được thực hiện ngay tại nhà tang lễ, trong khuôn viên bệnh viện.

Khác với điều kiện vệ sinh, khâm liệm nhập quan bình thường, các chị em, các chú, các anh đảm nhận phần việc này phải khoác lên mình bộ trang phục bảo hộ “kín từ đầu đến chân, kín trước mặt, kín sau lưng”. Ngột ngạt và nóng bức; căng thẳng và rất áp lực. Cũng không phải giờ nhập quan lúc nào cũng diễn ra ban ngày. Tùy theo giờ tốt được người nhà bệnh nhân tha thiết gửi gắm, công việc nhập quan mới được tiến hành. Có hôm, phải nhập quan và di quan sau 0h của ngày hôm sau, lại có hôm việc nhập quan diễn ra lúc 3h sáng.

Nghi lễ nhập quan trong hoàn cảnh dịch, không thể có các nhà sư, các thầy đến cúng, bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn máy ghi phát các bài kinh kệ (Máy niệm Phật). Khu vực nhà tang lễ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng – những khi nhập quan – vang vọng tiếng kinh tụng niệm, tiếng mõ, tiếng chuông trầm ấm, dẫn độ linh hồn nhẹ nhàng từ biệt trần gian, về nơi chín suối ... Trong không gian u tịch, tống tiễn một vong linh về cõi vĩnh hằng, nhiều nén nhang được những tấm lòng thành thắp lên tự bao giờ …  

Tụi tôi thắp nén nhang đầu là để xin phép vong linh cho anh em chúng tôi được tiến hành công việc nhập quan. Nếu có gì sơ suất, cũng xin vong linh niệm tình mà bỏ qua” - anh Nguyễn Văn Phú nhân viên hành chính – kỹ thuật nhà đại thể kể.

“Mình làm bằng cái Tâm thôi. Sao cho người bệnh xấu số ra đi thật thanh thản” - anh Nguyễn Văn Phú. Ảnh Trần Ngọc

 

Trong giờ khâm liệm, việc giữ liên tục các nén nhang không tàn cũng có nghĩa là mượn hương khói làm ấm, vong linh bớt tủi lạnh.

“Tùy tuổi tác người mất mà mình có cách xưng hô phù hợp. Cái này là lễ nghĩa với vong linh. Tôi thắp nén nhang và khấn rằng “Thưa vong linh, đã đến thời khắc nhập quan, vĩnh biệt trần gian, xin Ông, bà, có khi là chú, là anh, là chị … cho anh em chúng tôi bắt tay vào công việc. Do hoàn cảnh dịch bệnh, con cháu không thể có mặt, xin vong linh lượng thứ. Chúng tôi sẽ thay con cháu, lo cho vong linh ra đi nhẹ nhàng” – anh Nguyễn Văn Xu chia sẻ.

Công việc nhập quan hoàn tất, các chú, các anh lại kính cẩn thắp thêm nén nhang tiễn biệt linh hồn.

Trong suốt thời gian này việc người thân có mặt tại nhà đại thể rất hạn chế, thậm chí là không thể. Nhưng cũng có gia đình bày tỏ nguyện vọng thiết tha, được vào gặp người thân lần cuối. Lãnh đạo Bệnh viện Phổi ghi nhận và đã cố gắng tạo điều kiện để một người thân (chỉ một mà thôi) trong trang phục bảo hộ đầy đủ, đứng xa, hướng về khu vực nhập quan vái lạy, tiễn biệt...

Cánh cổng sau Bệnh viện Phổi Đà Nẵng rồi cũng được mở ra, sẵn sàng cho chuyến xe của lần hành trình cuối cùng trong một đời người. Thi thể sẽ đến nơi hỏa táng.

Xe chuẩn bị rời Bệnh viện Phổi, đưa thi thể về Đài hỏa táng. Chuyện hậu sự cho người đã khuất mới xong một nửa … Ảnh: Thu Hoài.

Trách nhiệm đến tận chặng cuối hành trình tiễn biệt

 “Hoàn tất công việc nhập quan, xe cấp cứu 115 được Phòng Tổ chức – Hành chính phối hợp chuẩn bị sẵn, sẽ nhận quan tài và vận chuyển đến Trung tâm Hoả táng An Phước Viên, Chi Nhánh tại Đà Nẵng (xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang (gọi tắt Đài Hỏa tang An Phước Viên). Luôn luôn có một nhân viên hành chính của đơn vị đi theo để bàn giao thi hài và phối hợp hậu sự còn lại sau cùng: Sau hỏa táng, gia đình nhận lại tro cốt người thân” – Chị Cao Thi Tám, hộ lý tiếp lời.

Nhân viên hành chính đi theo, có lúc, còn lo nhắn nhủ lần nữa ước nguyện của gia đình “Nhờ các anh chị bỏ hột ngọc hoặc vàng vào hủ tro cốt khi đã hoả táng xong người thân của chúng em”. Nghĩa tử, nghĩa tận là đây ! 

Trong câu chuyện vào một buổi chiều muộn, đầu tháng 10/2021, trời Đà Nẵng bắt đầu chuyển mưa, sau khi đã phân công anh chị em nhân viên trong phòng sẵn sàng để lo hậu sự cho một bệnh nhân COVID-19 vừa qua đời, khi đưa cho tôi xem một mẫu tin nhắn: “Lát chị có số điện thoại của anh chở quan tài Ba em đi thiêu chị cho em xin với chị nhé. Để em xin anh đó chạy chậm, cho em lạy Ba lần cuối với ạ”….Giọng chị Thu Hoài như nghẹn lại …“Đọc những dòng tin gửi gắm như thế này, lòng tôi se thắt. Như một người thân ruột thịt của chính mình vừa ra đi …”.

Một mẫu tin nhắn lay động tâm can (chị Thu Hoài – nhân vật bài viết chia sẻ)

Bác sỹ Lê Thành Phúc trong nhiều lần trò chuyện, đều nhắc đến chi tiết “Nếu không có sự đồng hành của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, nhất là vai trò điều phối phương tiện bằng một chữ TÂM của Bác sỹ Trần Công Thông (Giám đốc Trung tâm), và chữ TÂM của anh em trực tiếp điều khiển phương tiện, chúng tôi chưa thể nói hai chữ TRỌN VẸN với người đã khuất, với sự gửi gắm bằng cả niềm tin của người thân”.

Hành trình từ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng lên Đài hỏa táng An Phước Viên cũng từng chứng kiến nghĩa cử của anh em lái xe Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng. Ở chặng cuối cùng hành trình, lái xe sẽ chạy rất chậm, đến điểm chuẩn bị rẽ vào đài hoả táng, cho xe dừng xe lại và mở cửa. Người thân đi đưa linh phia sau cũng dừng lại ở một khoảng cách đúng quy định, cúi đầu vái lạy tiễn biệt.

Mọi chuyện sẽ không có gì quá khó khăn khi thành phố Đà Nẵng chưa áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt. Còn từ ngày 16/8/2021 trở đi, với yêu cầu mọi người dân, “ai ở đâu, ở yên đó”, muốn ra đường phải được cơ quan thẩm quyền cấp giấy đi đường …

“Nhiều gia đình gọi điện và chia sẻ không biết sẽ làm thế nào để được phép đi nhận tro cốt sau khi hỏa táng. Qua điện thoại, tôi nhận ra thân nhân người đã mất rất lo lắng, cứ sợ thiếu sót, có lỗi với hương hồn người thân, dù nghẹn ngào cũng cố gửi gắm …

Bằng nhiều cách, tôi cố liên hệ với chính quyền địa phương hay cơ quan công an, phối hợp cung cấp các thông tin liên quan, giúp người thân có được giấy đi đường.

Thêm nữa là “chốt” số điện thoại ở đài hỏa táng, gửi số điện thoại đó cho người thân. Dặn dò cả sự chủ động trong trao đổi, thống nhất ngày, giờ để nhận tro cốt người thân. Phải đến khi nhận được tro cốt, người thân nhắn lại, tôi mới an lòng” – chị Thu Hoài cho biết.

Kể lại thì ngắn gọn như vậy. Nhưng để mọi việc chu toàn, chị Hoài phải sắp xếp thời gian sao cho xong việc này, bắt tay ngay vào việc còn lại. Đó là sau khi dặn dò đầy đủ với người nhà, chị liền quay sang liên hệ xe vận chuyển quan tài, rồi nhắn tin hoặc điện thoại lên đài hỏa táng An Phước viên …

“Bao giờ tôi cũng gửi gắm các anh, các chú, hãy ưu tiên hỏa táng cho bệnh nhân Covid, và không quên nhắn nhủ các chú, các anh cố làm mọi việc thật cẩn thận. Bệnh viện cùng gia đình mong sao người đã khuất, ra đi trong sự mãn nguyện”.

Điều nghiệt ngã nhất là có những gia đình mà “F0 thì vào bệnh viện điều trị, người còn lại thì phải vào hết khu cách ly tập trung”…. Trong hoàn cảnh này, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chỉ còn cách giữ đúng nguyên tắc, thông báo và hướng dẫn đầy đủ qua điện thoại. Sau đó, đứng ra lo hết mọi việc tang ma; hỗ trợ gia đình về thủ tục, căn dặn việc thực hiện gửi lại tro cốt người thân (là bệnh nhân COVID-19) ngay tại Đài hỏa táng. Chờ cả gia đình ra viện, hết thời hạn cách ly, chọn ngày lành tháng tốt, đưa tro cốt bệnh nhân về mai táng.

“Thưa có phải người nhà bệnh nhân …, Bệnh viện Phổi có tin buồn, xin phép thông báo cùng gia đình …” – chị Thu Hoài gọi điện báo tin bệnh nhân đã tử vong. Ảnh: Trần Ngọc

Hai mùa dịch hoành hành trên đất Đà Nẵng, xen lẫn niềm vui mỗi khi cứu sống được bệnh nhân diễn biến nặng, thậm chí nguy kịch, kể cả đã tiên lượng sẽ tử vong; niềm vui tiễn chân bệnh nhân khỏi bệnh, về lại nơi cư trú; tập thể Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng có quá nhiều kỷ niệm buồn, nhưng lại không thể nào quên, canh cánh trong lòng mỗi lúc nhớ lại.

 

Tin nhắn của người nhà bệnh nhân gửi về Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (Bệnh viện Phổi chia sẻ)

Ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, có câu chuyện về cánh cổng trước và cánh cổng sau. Những bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, hồi phục sẽ nhận giấy ra viện, được xe ngành Y tế đón và đưa về tận nhà qua cổng trước. Còn với những bệnh nhân không may mắn, dù được tập thể Bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên tận tình chăm sóc, thậm chí giành giật sự sống hằng giờ, mà vẫn không thể qua khỏi, đành phải rời bệnh viện bằng cửa sau.

Những tưởng họ sẽ ra đi trong quạnh hiu, nhưng lần hành trình cuối cùng ấy trong một đời người lại ấm áp vô vàn. Những mẫu tin nhắn nối nhau, những lá thư ngỏ bộc bạch lòng biết ơn, bày tỏ lòng thành tâm tri ân, được nhiều người thân gửi đến Bệnh viện Phổi, tất cả như muốn bồi đắp thêm xương thịt cho câu chuyện lay động tâm can về một Đà Nẵng thấm đượm tình người trong hai mùa dịch đáng sợ và nghiệt ngã vô cùng!

 

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Mùa dịch Covid-19 năm 2021

 


Có thể bạn quan tâm