April 25, 2024, 12:10 pm

Cuốn tiểu thuyết của những nhân vật tập thể*

 

Sách dày 635 trang, bìa cứng, giấy trắng, in đẹp và thoáng.

Đọc xong ngồi lặng, suy tư, tự cảm nhận, và rất nể phục nhà văn Hà Lâm Kỳ. Rằng, làm sao anh dày công đọc và tra cứu tài liệu nhiều đến thế; anh gặp gỡ nhân chứng và ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận, nhiều đến thế; anh dành thời gian những hai mươi năm ấp ủ với hai năm để viết, và tình cảm nhiều đến thế cho cuộc cách mạng và kháng chiến của Yên Bái và quê hương anh - Đại Lịch anh hùng. Vẫn biết, viết tiểu thuyết lịch sử khó lắm! Vì thể loại tiểu thuyết này đòi hỏi ở nhà văn một tình yêu lớn, một sự kiên trì, nhẫn nại và một bản lĩnh vững vàng vượt lên cả không gian, thời gian, nhất là phải vượt qua những cái “đã có rồi, đã thấy rồi, đã nghe rồi” trong lịch sử, trong sách vở, trong dân gian.

Cánh cung đỏ không chỉ ghi lại, mà hơn thế, đã kể lại, đã mô tả một cách cụ thể và thật sinh động về những chiến sĩ cộng sản âm thầm, kiên trì và dũng cảm với một niềm tin tất thắng ngay trong những ngày đầu đi tuyên truyền, vận động, tổ chức lực lượng cách mạng và kháng chiến ở vùng dân tộc, miền núi xa xôi Yên Bái; về những người nông dân miền núi - người Kinh, người Tày, người Mông, người Dao, người Thái... được giác ngộ, đi theo cách mạng, theo Đảng và Bác Hồ, giải phóng dân tộc và tham gia kháng chiến giữ gìn nền độc lập, những người đã bước từ bóng tối ra ánh sáng, từ bùn đen đứng dậy sáng lòa, cùng nhân dân cả nước đứng lên làm cách mạng, đã chiến đấu, hy sinh vô cùng dũng cảm để lật đổ cả một chế độ thực dân phong kiến tàn bạo, thối nát, lật trang mới lịch sử cho chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hình ảnh những chiến sĩ âm thầm đi gieo mầm cách mạng như Ngô Minh Loan, Đào Đình Bảng, Trần Quý Kiên, Nguyễn Quang Trạch, Nguyễn Duy Thân, Trần Đức Sắc, Nguyễn Phúc, Nguyễn Bình Phương..., và những người con của núi rừng Yên Bái hoạt động và chiến đấu dũng cảm như Hà Thiết Hùng, Đào Tiến Lộc, Bùi Đức Lạc, Quản Văn Tình, Trần Quốc Mạnh, Nguyễn Duy Sinh, Hoàng Minh Lưu, Hà Thị Thuần..., những chức sắc của chế độ cũ được giác ngộ, có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng như Trần Đình Khánh, Hoàng Văn Cừ, Đặng Bá Lâu..., còn bao nhiêu bộ đội, bao nhiêu những người dân bình thường yêu nước khác nữa, những con người vì nước quên thân ấy sẽ còn mãi trong lòng nhân dân, còn mãi trong trang sử vàng dân tộc.

 

Tiểu thuyết Cánh cung đỏ của Hà Lâm Kỳ đã để lại một bài học lớn cho mọi thế hệ về lòng yêu nước thương nòi, về hoài bão dấn thân, hy sinh vì nghĩa lớn, về sức mạnh vô song của sự đoàn kết nhân dân, đoàn kết dân tộc, về tinh thần chiến đấu dũng cảm vì công cuộc giải phóng dân tộc, giành và giữ gìn độc lập dân tộc. Cánh cung đỏ nhiều chất văn chương, từ kết cấu chặt chẽ, sắp xếp các chương hợp lý theo dòng thời gian và sự kiện, cách xây dựng nhân vật có vẻ “lướt” nhưng khá ấn tượng, ngôn ngữ truyện giản dị, trong sáng, gần gũi với ngôn ngữ dân tộc miền núi, lối dẫn dắt truyện của nhà văn cũng giản dị, mạch lạc, nhiều hình ảnh trong truyện được mô tả khá sinh động, đậm chất núi rừng. Truyện có hư cấu văn học nhưng vẫn giữ được tính chân thật lịch sử, đấy là điều khó của tiểu thuyết lịch sử mà nhà văn Hà Lâm Kỳ đã vượt qua.

Hà Lâm Kỳ đã đưa vào tiểu thuyết Cánh cung đỏ tới 63 nhân vật, mà tất cả là nhân vật có thật trong lịch sử, chưa kể nhiều nhân vật phụ khác, nên truyện hơi bị dàn trải. Bối cảnh câu chuyện từ năm 1942 đến năm 1952, một quãng thời gian và không gian rộng lớn, nên chẳng có nhân vật chính, nhân vật điển hình như trong truyện thường thấy. Băn khoăn lắm! Nghĩ mãi, chợt hiểu ra, Hà Lâm Kỳ rất nặng tình với quê hương. Chẳng thế mà anh đã đặt bút đề tựa cho Cánh cung đỏ bằng những lời như chắt ra từ trái tim: “Làng sinh tôi trong khói lửa chiến tranh/ Tôi nặng nợ với Làng, trăm năm không trả hết”. Bởi thế, anh không nỡ lòng quên bất cứ ai, anh muốn tri ân với tất cả những người từng dâng hiến cuộc đời, từng chiến đấu hy sinh cho quê hương, đất nước. Đấy là tình người! Đấy là giá trị nhân văn cao đẹp của nhà văn. Còn nhân vật chính, nhân vật điển hình của tác phẩm là nhân vật nào? Như thiển nghĩ của tôi, tiểu thuyết Cánh cung đỏ có mấy nhân vật chính, có ý nghĩa điển hình là những “nhân vật tập thể”: Nhân vật chiến sĩ cộng sản - những người đi tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức lực lượng kháng chiến. Nhân vật nhân dân miền núi - những người được giác ngộ và đi theo cách mạng. Nhân vật giác ngộ - những người thuộc chế độ cũ được giác ngộ và đi tham gia kháng chiến. Nhân vật bộ đội Cụ Hồ. Nhân vật phản diện - bọn phản động, lính, sĩ quan và lính Pháp.

Nếu còn gì băn khoăn, thì ấy là chuyện, sau Phần một - Cách mạng, và sau Phần hai - Kháng chiến, có mục Lời kếtChương không số, bỗng xuất hiện Lâm Hà và Đặng Thanh Hương, chuyện gặp ông Ngô Minh Loan ở cuộc gặp mặt những nhân chứng lịch sử tại Yên Bái và gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nhà riêng số 30 phố Hoàng Diệu - Hà Nội, trao đổi đôi điều về cách mạng và kháng chiến ở Yên Bái và cuộc công đồn Nghĩa Lộ, chuyện ấy khiến tôi ngạc nhiên và cứ hình dung ra một sân khấu lớn đang diễn vở kịch Cánh cung đỏ, sân khấu hạ màn, lại mở màn, thì một người “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” dáng như diễn viên, tưởng ai, té ra là Lâm Hà, anh rón rén đi dọc đi ngang sân khấu, ngó mãi xuống khán giả, nháy nháy mắt, vẻ khiêm tốn, nói nhỏ nhẹ rằng, mình vừa gặp nhân chứng ông Ngô Minh Loan, mình vừa gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vở kịch Cánh cung đỏ là do mình chế tác, câu chuyện có thật đấy, là do mình vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn, được chứ…

_______

* Tác phẩm đoạt Giải A, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ VI.

Nguồn Văn nghệ số 21/2020


Có thể bạn quan tâm