March 29, 2024, 4:27 pm

Cuốn sách thú vị của một người thú vị*

1.

Với tôi và không ít người, Gs. TSKH. Trần Văn Nhung là một người thú vị. Vì ở anh kết hợp một cách thú vị hàng loạt những mặt tưởng như đối lập nhưng thống nhất hài hòa: chân quê - uyên bác; giản dị - lịch lãm; cổ điển - hiện đại; con người khoa học, con người quản lý - con người nghệ sĩ; cần cù, chu đáo - ham vui; khó tính - cả nể; v.v…

Tùy nơi, tùy lúc mà con người này hay con người khác của anh xuất hiện, khiến bối cảnh và những người mà anh đối thoại, tiếp xúc phải nể phục vì thú vị và thú vị vì nể phục. Cuốn sách đề cập trong bài viết này của Trần Văn Nhung kết hợp nhiều dạng: hồi ký, hồi ức, chân dung các nhà quản lý, nhà khoa học, bài phát biểu tại các diễn đàn chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp hay khoa học trong nước và quốc tế, những bức thư tâm huyết gửi Bộ Chính trị và UNESCO, những mẩu chuyện nhỏ chứa đựng bài học lớn về cuộc đời và nhân cách, những bức ảnh kỷ niệm, sưu tầm về gia phả, địa danh quê hương, cho đến những danh ngôn dạy làm người, danh ngôn tiêu biểu về giáo dục, về toán học, v.v… Mục đích là: “gom những mẩu chuyện và kỷ niệm trong cuộc đời mình lại…” để “những ai quan tâm, hiểu mình, hiểu những điều mình đã nói, đã viết và đã làm, một cách có hệ thống hơn, để họ thấy cả cái hay, cái dở của mình, theo chiều dài năm tháng và sự trải rộng của không gian”.

GS.TSKH Trần Văn Nhung

2.

Những kỷ niệm cuộc đời của Gs. Trần Văn Nhung có khá nhiều sự kiện. Có những mất mát khủng khiếp, đau đớn nhất của đứa trẻ mẹ mất sớm. Có những tháng ngày bất hạnh, đói khát, nhiều đêm đi đặt lờ bắt cua rạm phải ngủ trên cái cống cao giữa cánh đồng, không chăn, không chiếu. Có hơi ấm giản dị, thiêng liêng của tình cảm gia đình. Có tiếng cười nghịch ngợm, tự hào của tuổi học trò từ trường quê vùng biển Hải Hậu (Nam Định), với sức bật mới từ lớp A0 chuyên Toán đầu tiên của nhà nước đặt tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giữa thời bom đạn. Rồi những kỷ niệm về Hungary, đất nước nhỏ, “bé hạt tiêu” nhưng lớn về khoa học, nhất là về toán. Kỷ niệm khi được phong thẳng là Giáo sư (1992), không qua Phó Giáo sư. Kỷ niệm bình thơ của/với đồng nghiệp, anh em. Có cả chuyện “Nổi tiếng bất đắc dĩ xung quanh bằng Tiến sĩ”… Từ những kỷ niệm cuộc đời của Gs. Trần Văn Nhung, có thể thấy khá rõ chân dung đích thực một thế hệ trí thức Việt Nam. Họ đã lớn lên trong nghèo khó, rất nghèo khó. Họ rất tự hào về cái “gen” mà gia đình, dòng họ, quê hương đã trao truyền cho mình, kể cả cái “gen” sức khỏe, đa cảm, đa tình. Họ có lý tưởng khoa học và nghị lực vươn lên đáng nể phục. Cái “phông”văn hóa của họ rộng và sâu, chủ yếu do tự học và trải nghiệm cuộc đời. Họ luôn có hai chân, hai công cụ, hai phương tiện vững chắc, nhanh và mạnh để tiếp cận với văn minh, văn hóa, khoa học nhân loại: ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, và công nghệ thông tin.

3.

Gs. Trần Văn Nhung là người có tư tưởng rõ ràng, nhất quán về giáo dục. Với anh, “Hội nhập quốc tế là giải pháp quan trọng nhất để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” và đã không ít lần anh nói rõ tư tưởng đó của mình trên các diễn đàn khoa học, giáo dục. Trong thời đại ngày nay, đầu ra của giáo dục phải là nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng và hiệu quả cạnh tranh toàn cầu và hội nhập quốc tế, do đó cần phải lấy những kinh nghiệm, chuẩn mực và giá trị quốc tế tiên tiến làm cơ sở và đích đến cho nền giáo dục của chúng ta. Ngẫm ra, anh có lý, cả cơ sở khoa học lẫn thực tiễn sống động.

Giáo dục Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh “Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ” (Hoài Thanh), từ chỗ bị, tiến tới chủ động tiếp nhận ảnh hưởng của giáo dục Pháp, đi vào quỹ đạo của giáo dục thế giới, đã tạo nên tầng lớp trí thức tinh hoa, tích cực góp phần vào cuộc kháng chiến chống Pháp và xây dựng đất nước. Những năm từ 1960 đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, giáo dục Việt Nam tiếp nhận ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết, trở thành “bông hoa của chế độ”, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước. Bối cảnh Việt Nam và thế giới bây giờ đã khác, rất khác, càng đòi hỏi nền giáo dục nước nhà hội nhập quốc tế nhanh, mạnh và toàn diện hơn. Hội nhập quốc tế từ triết lý, mục tiêu giáo dục cho đến phương pháp, giáo trình, sách giáo khoa. Anh tâm đắc triết lý, mục tiêu giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người dân tộc nhất và cũng quốc tế nhất, đã nêu từ năm 1949: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Tư tưởng đó của Bác, theo anh, có ý nghĩa đi trước thời đại, đi trước đề xuất của UNESCO vào năm 1996 về bốn trụ cột giáo dục toàn thế giới trong thế kỷ XXI: “Học để có kiến thức, học để làm việc, học để chung sống với nhau và học để làm người”. Các bài viết của Gs. Trần Văn Nhung về giáo dục luôn ẩn chứa tư tưởng. Anh nhìn giáo dục bằng cái nhìn dài hạn, bằng các hệ giá trị; bài học kinh nghiệm thành công hoặc chưa thành công của các quốc gia; các mối quan hệ trong hình chóp tam giác giáo dục; ý nghĩa vô cùng to lớn của tự học, học suốt đời; góc nhìn mới về vai trò của người thầy khi chuyển từ Teacher (người dạy) sang Tutor (người hướng dẫn); tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam; gửi giảng viên đại học ra nước ngoài đào tạo; bồi dưỡng học sinh giỏi, triết lý đầu tư tối ưu (chứ không phải tối đa) cho giáo dục... Ba con người - nhà quản lý nhà khoa học, người thầy - đồng hành cùng xuất hiện trong mỗi bài viết của anh.

Con người thứ tư, con người của vị thế, thể diện quốc gia, của anh xuất hiện đúng lúc khi anh chối từ và chất vấn, khuyên nhủ người bạn láng giềng về quà tặng là tấm bản đồ có đường lưỡi bò trên biển Đông, hay câu hỏi của anh với giảng viên Trường Đảng Trung Quốc về luận thuyết phát triển bền vững và xã hội hài hòa của Hồ Cẩm Đào. Con người ấy cũng xuất hiện đúng lúc khi đấu tranh để kéo cờ Việt Nam trên đất Mỹ khi dẫn đầu Đoàn sinh viên Việt Nam dự Đại hội thể thao đại học thế giới năm 1993 hoặc khi yêu cầu chuyên gia quốc tế đến làm việc vẫn cần phải có giấy giới thiệu, v.v.. Anh rất thích danh ngôn của L.Pasteur “Khoa học không có tổ quốc nhưng nhà khoa học phải có một tổ quốc”… Chính vì vậy mà các nhà quản lý, nhà khoa học quốc tế luôn thể hiện sự trọng thị mỗi lần tiếp xúc, làm việc với anh.

Còn con người thứ năm - nghệ sĩ - thì xuất hiện sau, lúc anh nói chuyện hay uống rượu. Con người nghệ sĩ làm duyên dáng, hóm hỉnh những con người kia. Và những con người kia làm sâu sắc thêm con người nghệ sĩ. Những con người ấy hài hòa thống nhất đã giúp anh có cách viết thú vị về chân dung những nhà quản lý, nhà khoa học, người thấy nổi tiếng của đất nước như Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Phan Huy Lê hoặc để cùng bình văn, bình thơ với bạn bè và đồng nghiệp. Chẳng hạn, đoạn anh viết về một trong những cái thú của mình: “Chúng tôi thường đọc để cùng nghe, cùng bình những câu thơ, những ca từ hay, để trầm trồ, để ngẫm và nghĩ, để hành động và, nhiều khi, để khóc…”…

4.

Hiếm có người nào hiểu và nặng lòng với lịch sử Toán học Việt Nam như Gs. Trần Văn Nhung. Bản thân anh là Giaos sư Toán học, là người liên tài luôn trân trọng tài năng, cá tính độc đáo của đồng nghiệp. Anh chủ trì xây dựng Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020, đóng góp lớn vào việc thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Viện/VIASM). Chương trình và VIASM được ra đời từ thành tích xuất sắc của Đoàn học sinh Việt Nam tại Kỳ thi Toán quốc tế (IMO 2007), từ việc hoàn thành xuất sắc việc đăng cai tổ chức IMO 2007 lần đầu tiên tại Việt Nam, từ sự ủng hộ của Chính phủ, của Bộ Giáo dục & Đào tạo, của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, từ triển khai cụ thể của các Giáo sư như Ngô Bảo Châu, Trần Văn Nhung, Lê Tuấn Hoa, Nguyễn Hữu Dư, Ts. Nguyễn Thị Lê Hương và các nhà Toán học Việt Nam và quốc tế. Từ Chương trình và Viện, những thành tích của Toán học Việt Nam và VIASM, số công bố quốc tế của Toán học Việt Nam tăng lên 2,5 lần trong 5 năm qua, các nhà toán học trẻ có công bố quốc tế xuất sắc được tặng thưởng, học sinh giỏi toán ở khắp miền đất nước được cấp học bổng, đông đảo các nhà toán học trong, ngoài nước và quốc tế gặp nhau, cùng làm việc tại VIASM, trong đó có cả những nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhiều người được Giải thưởng Nobel, Fields...

Hiểu và nặng lòng với Toán học như thế, nên viết chân dung một số nhà toán học nổi tiếng; mỗi người anh “điểm nhãn” thần thái ở những đóng góp nổi trội và cá tính độc đáo nhất. Đó là Gs. Hoàng Tụy, nhà khoa học tài năng, nhà sư phạm mẫu mực, “cha đẻ” của Lý thuyết Tối ưu toàn cục (Global Optimization), trong đó có khái niệm quan trọng “Tuy’s Cut” (Lát cắt Tụy) mang tên ông”. Là Gs. Phan Đình Diệu, người chỉ nói điều mình nghĩ, cũng là người có công đầu tiên đưa khoa học máy tính, tin học vào Việt Nam. Là nhà Toán học “vô hạn chiều”, đa tài Phan Đức Chính, tác giả cuốn Độ đo, tích phân và đạo hàm trong không gian tuyến tính được xuất bản tại Nga và sau đó được dịch ra tiếng Anh, tiếng Tiệp, người thầy của lớp lớp thế hệ học sinh giỏi Toán đã mang về rất nhiều Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế cho đất nước. Là PGs. Văn Như Cương, “một người mà nói chuyện, ai cũng thấy rất thú vị và ấn tượng, vì ông có trí tuệ uyên bác về nhiều lĩnh vực, luôn có ý tưởng, ngôn từ, phản xạ, cách nói độc đáo, độc đáo đến ngạc nhiên, và bất ngờ, bất ngờ đến thú vị”. Là Gs. Hoàng Hữu Như, nhà Toán học luôn kiên định một cách hồn nhiên và hồn nhiên một cách kiên định; Gs. Nguyễn Duy Tiến, “nhà toán học tích cực dạy, tích cực viết và viết hay với phong cách rất riêng”… Tất nhiên, tác giả cuốn sách đã dành sự trân trọng, ưu ái đặc biệt đối với Gs. trẻ Ngô Bảo Châu, học sinh Việt Nam đầu tiên giành hai Huy chương Vàng Olympic Toán Quốc tế; và giải thưởng Fields, sau đó được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

5.

Sẽ là thiếu, khi viết về Gs. Trần Văn Nhung và cuốn sách này, mà không trở lại nói thêm về những mặt tưởng như đối lập nhưng thống nhất hài hòa, thú vị của anh. Là người chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ nhưng cũng lại ham vui, cái ham vui của văn hóa… Sau thời gian làm việc, cái thú của anh vẫn là đi uống bia, uống rượu, chuyện trò về cuộc đời, về người đẹp, khoa học, văn hóa, thể thao với bạn bè. Trời cho anh có một sức khỏe tốt, để năm nay, 70 tuổi, vẫn làm việc khỏe, trí nhớ tốt, uống rượu tốt, ngủ tốt… Có lần anh tâm sự: “Dần dần mình mới hiểu tại sao về cuối đời, những thiên tài như A. Einstein, S. Hawking..., lại càng tin có Chúa và cố gắng tìm một lý thuyết thống nhất hay Thuyết Vạn vật. Chính những quy luật, cấu trúc hoàn hảo trong tự nhiên và trong chính cơ thể người cũng như động vật mà khoa học phát hiện được càng củng cố thêm ở họ niềm tin nói trên. Đến nay, mình vẫn chưa có được niềm tin tâm linh thực sự, ít tin ở cúng bái. Nhưng luôn tâm niệm: hiếu nghĩa từ tâm, tu từ tâm, tương lai và tiền đồ một con người phụ thuộc vào tấm lòng, trí khôn, nghị lực lao động, phấn đấu. Có yếu tố may mắn, nhưng không phải do cầu, cúng mà có…

Chân quê và sang trọng. Khoa học và tình tứ. Chu đáo, tỉ mỉ đến “đa mang” thú vị, thú vị vì “đa mang” về sự kiện, chi tiết và tình đời. Chẳng thể nào khác, bởi vì sách, cũng như người của sách, là như thế!

_______

* Sộp thành Nhà giáo, cuốn sách của Trần Văn Nhung, Gs. Toán học, nguyên Trưởng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và hiện nay là Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. 

Nguồn Văn nghệ số 21/2020


Có thể bạn quan tâm