April 20, 2024, 2:03 am

Cuốn " Bước ngoặt thiên niên kỷ- đào mỏ nơi đâu"- một bách khoa thư về ngành khai thác khoáng sản

 

Đó là cuốn “Bước ngoặt thiên niên kỷ Đào mỏ nơi đâu” của tác giả người Romania – Nicolae Bud. Ông là tiến sỹ khoa học, suốt đời tâm huyết và đam mê với ngành khai thác khoáng sản. Dịch tác phẩm này từ tiếng Romania ra tiếng Việt là Nhà văn, nhà báo, dịch giả Phạm Viết Đào. Cuốn sách được ra mắt công chúng VN do Giám đốc NXB Trí thức ký QĐ xuất bản và phát hành vào quý III. 2021.

Tác phẩm “Bước ngoặt thiên niên kỷ. Đào mỏ nơi đâu” là một công trình khoa học lớn chứa đựng nhiều nội dung phong phú về mọi lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, an ninh, khoa học tự nhiên và xã hội. Với 457 trang khổ 19 x 27 cm, tác giả Nicolae Bud đã khái quát khá đầy đủ về lịch sử đất nước, con người Romania, đặc biệt là ngành khai thác khoáng sản qua hàng ngàn năm nay. Bằng sự cống hiến lớn lao cho đất nước, tác phẩm “Bước ngoặt thiên niên kỷ Đào mỏ nơi đâu”, đã được Viện hàn lâm Romania trao giải năm 2014.

Kết cấu của tác phẩm gồm 13 chương theo một trình tự logic, khoa học, giúp độc giả hiểu rõ nội dung cốt lõi của tác phẩm. Riêng chương 12, với tiêu đề “Ngành tài nguyên khoáng sản ở Romania”, tác giả đã dành 71 trang trình bày lịch sử dân tộc Romania, từ khi lập quốc đến nay. Đặc biệt, tác giả đi sâu nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển và những thăng trầm của ngành khai thác khoáng sản ở quốc gia này. Thông qua tác phẩm, độc giả biết đến Romania - một quốc gia nhỏ thuộc Đông Âu, có diện tích tự nhiên 238.391 km2, dân số là 21.848.504 người (số liệu năm 2012).

Là một quốc gia nhỏ, giàu khoáng sản ở Đông Âu nên Romania luôn bị các cường quốc xâu xé, dẫn đến đất nước xơ xác, dân chúng đói nghèo triền miên. Mãi đến năm 1881, Romania mới trở thành một vương quốc riêng. Do vậy, từ lâu Romania có câu ngạn ngữ “Núi của chúng ta chất đầy vàng ở cổng; nhưng người Romania lại phải đi ăn mày hết cổng này qua cổng khác”…Tác giả cho biết, hơn 2.500 năm trước, vàng bạc của Romania đã được khai thác để trang hoàng cho thành phố Roma của đế chế La Mã. Không chỉ có vàng bạc, quốc gia này còn có cả mỏ dầu, khí đốt dồi dào. Trong thế chiến II, xe tăng của Đức quốc xã đã dùng xăng dầu của Romania đi xâm chiếm khắp châu Âu. Sau khi thế chiến II kết thúc, Romania đã phải ký một hiệp định song phương với Liên Xô vào ngày 08/5/1945. Đây là hiệp định bất lợi cho Romania, tạo ra thời kỳ Xô viết hóa đất nước Romania. Đặc biệt hàng loạt nhiều tổ chức liên doanh, hợp tác với Liên Xô nhanh chóng ra đời như: Sovromcarbon (liên doanh Liên Xô-Romania về than đá), Sovromchim (liên doanh Liên Xô-Romania về hóa chất), Sovrompetro (liên doanh Liên Xô-Romania về dầu khí)…tiêu biểu là liên doanh khai thác uranium với Liên Xô được thành lập vào ngày 31/12/1951. Nhờ liên doanh này mà Romania đã cung cấp cho Liên Xô một lượng 18.000 tấn uranium” ( trang 244). Ngoài ra, Quân đội Liên Xô còn chở về Maxcova 120 tấn vàng (hiện nay chính phủ Romania đang đàm phán với chính phủ Nga, yêu cầu trả lại số vàng đó).

Sau biến động ở Đông Âu và Liên Xô vào những năm 1988-1991, kinh tế Romania từng bước được phục hồi và phát triển. Từ một quốc gia với nền kinh tế nhà nước tập trung (giai đoạn 1946-1989), Romania đã chuyển sang nền kinh tế thị trường vào năm 1990. Đặc biệt, sau khi gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2007, kinh tế Romania từng bước ổn định phát triển. Theo số liệu của tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Romania đứng thứ 75 trên thế giới và 32 ở châu Âu về kinh tế. Chỉ số về phát triển con người (HDI, UNDP) đứng thứ 56 /187 quốc gia (trang 245).

Chỉ riêng lĩnh vực khai thác vàng và bạc, tác giả cho biết: từ năm 1997-2013, tổng công ty liên doanh khai thác vàng bạc đã đầu tư 550 triệu đôla vào khai thác tại Rosia Motană.

Không chỉ phản ánh thực trạng khai thác khoáng sản ở Romania, cuốn “Bước ngoặt thiên niên kỷ. Đào mỏ nơi đâu” còn đề cập rất sâu rộng về tình hình khai thác khoảng sản của các quốc gia trên thế giới. Tại chương 5, tác giả cho biết: Ở Australia chủ yếu dựa vào hàng hóa khoáng sản với 45% kim ngạch xuất khẩu; hoặc công nghiệp khoáng sản ở Canada đóng góp 3,7% vào GDP và khoản 14% cho xuất khẩu. (trang 100).

Nicolae Bud đã tập trung lý giải về “lời nguyền tài nguyên” từ bao đời nay. Đặc biệt, tác giả phân tích, mổ xẻ một nội dung lớn và cũng là mục tiêu mà loài người văn minh hướng tới- SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG !

Nicolae Bud viết “Thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt hiện nay là hội nhập hoạt động kinh tế với sự toàn vẹn của môi trường, có liên quan tới bất ổn xã hội”. Tác giả đã dành cả chương 3 để nói về những thách thức của sự phát triển bền vững đối với ngành khai thác khoáng sản. Với kiến thức chuyên sâu, uyên bác cộng với trải nghiệm thức tế, Nicolae Bud đã đưa ra nhiều lập luận, dẫn chứng thuyết phục từ khái niệm, nguyên tắc đến giải pháp khả thi nhằm phát triển bền vững ngành khai thác khoáng sản ở Romania cũng như toàn thế giới. Ông nhắc mọi người cần nhớ nằm lòng định nghĩa về phát triển bền vững “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng nhu cầu mà không ảnh hưởng đến tiềm năng (khả năng) của thế hệ tương lai để đáp ứng nhu cầu của của chính họ” (trang 47). Đó là định nghĩa được sử dụng từ năm 1987, bởi Ủy ban môi trường và Phát triển thế giới (gọi tắt là Brundtland). Do đó, tác giả đã cảnh báo về những tác động xấu, ảnh hưởn lớn đến môi trương trong ngành khai thác khoảng sản. Nicolae Bud viết: “Khai thác công suất cao chắc chắn sẽ tạo ra chất thải…ngoài việc mất năng suất đất, chất thải có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các hệ sinh thái xung quanh. Nơi những vùng đất này khía cạnh vật lý không ổn định, xói mòn hoặc lở đất thảm khốc có thể dẫn đến tác động nghiêm trọng hoặc lâu dài. Nơi bãi chứa không ổn định về mặt hóa học, chúng có thể là nguồn ô nhiễm lâu dài hơn…” (trang 172). Khi đọc những cảnh báo của tác giả, người viết stt này lại liên tưởng đến công trình khai thác than đá ở Quảng Ninh, khai thác Boxit ở Tây Nguyên những năm qua mà không khỏi rùng mình ?!

Chương cuối cùng của tác phẩm, Nicolae Bud đã đưa nhiều giải pháp với mong muốn công cuộc khai thác khoáng sản ở Romania nói riêng và thế giới nói chung cần phải đạt hiệu quả tốt nhất trên nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững. Ông nhấn mạnh “Chúng ta không thể phát triển bền vững nếu không có nền tảng là nguồn lực tự nhiên. Cụ thể, chúng ta không cần một nghành khai thác như bây giờ, trong đó chỉ bán tài nguyên thiên nhiên và tài sản hiện có. Dự án khai thác mà tôi cầu xin không có nghĩa là bán tài nguyên bằng bất cứ giá nào…” (trang 363).

***

Có thể khẳng định rằng cuốn “Bước ngoặt thiên niên kỷ. Đào mỏ nơi đâu” là một bách khoa thư về Romania trong quá khứ cũng như hiện tại, là cẩm nang cần thiết cho những nhà khoa học, cũng như các nhà lãnh đạo không chỉ ở Romania. Tôi tin rằng các chính khách và các nhà khoa học VN, nhất là các nhà địa chất học… cần đọc và tham khảo cuốn sách vô cùng giá trị này !

 

*Tác giả: Nicolae Bud-Romania

Người dịch: Phạm Viết Đào

Nhà xuất bản Tri thức xuất bản 2021

 


Có thể bạn quan tâm