April 20, 2024, 10:45 am

Cuộc trình diễn tay ba

 

Ngày 12/1/2019, các hãng truyền thông quốc tế tiết lộ, địa điểm có khả năng được chọn để tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã được chốt lại là Hà Nội hoặc Singapore. Bước sang 2019, chính quyền Trump một mặt, lo xây bức tường biên giới giáp Mexico, mặt khác lo chuẩn bị cuộc gặp đầu năm giữa ông Trump và ông Kim.

Từ ngày 7 đến 9/1/2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tiến hành chuyến thăm Trung Quốc lần thứ tư trong hai năm qua và là chuyến thăm đầu tiên trong năm mới 2019. Trong khi ông Tập Cận Bình chưa có chuyến thăm đáp lễ nào tới Triều Tiên, việc ông Kim sang Trung Quốc liên tiếp bốn lần chỉ trong thời gian ngắn được cho là hiếm thấy. Một câu chuyện nổi bật khác là cuộc đàm phán mậu dịch cấp thứ trưởng Trung-Mỹ kết thúc sau ba ngày mà kết quả vẫn chưa được công bố chính thức. Ban đầu dự định tiến hành trong hai ngày, nhưng đàm phán đã kéo dài thêm một ngày, với những tuyên bố khá lạc quan. Tuy nhiên chiều 9/1, hai bên thừa nhận vẫn còn tồn tại bất đồng về một số vấn đề quan trọng. Trong khi đó, trên đất Mỹ, ông Trump hôm 10/1 dọa sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nếu không đạt được thỏa thuận với phía Dân chủ về việc xây tường biên giới. Ông Trump còn đến khu vực gần biên giới Mỹ-Mexico để tạo thêm sự chú ý về vấn đề này, sau khi cuộc thương thảo với các nhà lập pháp Dân chủ thất bại.

 

Chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tưởng rời rạc nhưng gắn kết

Tình trạng một phần chính phủ Mỹ phải đóng cửa kéo dài nhiều ngày hơn so với dự đoán, với hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ liên bang phải nghỉ làm ở nhà hoặc làm việc mà không được trả lương, trong khi cuộc tranh chấp về bức tường cứ tiếp diễn. Chính quyền Trump, một mặt, lo xây bức trường thành bảo vệ biên giới phía Mexico ngăn chặn hàng ngàn di dân từ Trung Mỹ chạy lên và thương thuyết với đảng Dân Chủ để mở cửa chính phủ, mặt khác lo tập trung màn trình diễn ngoại giao trên hai hướng chính. Một hướng, thúc đẩy thương thuyết với Bắc Kinh để giảm bớt sức nóng của cuộc chiến tranh thương mại; hướng kia, lo chuẩn bị cuộc gặp gỡ trong tháng giêng hoặc tháng 2 tới giữa ông Trump và ông Kim. Tổng thống Trump từng nhận định rằng các đời tổng thống trước ông đã “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” sau chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Đến nay, Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về kinh tế và trở thành “kẻ thù của nước Mỹ”. Vì thế, bắt đầu từ năm ngoái, ông Trump chính thức phát động cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc.

Cạnh tranh toàn diện này giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh hai trụ cột chính là kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” và sáng kiến chiến lược Vành đai - con đường” (BRI). Hai trụ cột này tạo điều kiện cho Trung Quốc kiểm soát 80% thị trường hàng hóa công nghệ cao toàn cầu. Vì thế, chính giới thuộc hai đảng cầm quyền ở Mỹ là Cộng hòa và Dân chủ đều thống nhất quan điểm cho rằng “Vành đai-con đường” (BRI) và “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” là hai trụ cột của trật tự thế giới mà Trung Quốc chủ trương thúc đẩy. Để chuẩn bị thực hiện sáng kiến BRI, Trung Quốc đã hoạch định chiến lược biển nhằm đưa Trung Quốc phát triển thành cường quốc đại dương trên cơ sở một luận đề của học thuyết địa-chính trị đã từng được sử dụng làm cơ sở lý luận cho chiến lược toàn cầu của đế chế Hà Lan trong thế kỷ 18, đế chế Anh trong thế kỷ 19 và đế chế Mỹ trong thế kỷ 20: “Quốc gia nào làm chủ được đại dương thế giới sẽ kiểm soát thương mại toàn cầu. Quốc gia nào kiểm soát được thương mại toàn cầu sẽ kiểm soát kinh tế thế giới. Quốc gia nào kiểm soát kinh tế thế giới sẽ giành được quyền kiểm soát toàn cầu”.

Về địa-chính trị, Trung Quốc có chung đường biên giới trên bộ với 14 nước: Phía Bắc giáp Nga, Mông Cổ; Phía Nam giáp Myanmar, Lào, Việt Nam; Phía Tây giáp Kazakhstan, Kirghistan, Tajikistan; Phía Tây Nam giáp Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Butan; Phía Đông giáp Triều Tiên. Bị vây kín về mặt tiếp giáp địa lý với các quốc gia như thế nên muốn bành trướng lãnh thổ thì Trung Quốc chỉ có thể hướng về phía Đông, ra Biển Đông, và từ đó tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Do đó, Biển Đông trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện Mỹ-Trung và cũng là trọng tâm trong chiến lược Ấn Thái Dương (Indo-Pacific Strategy) của “Bộ tứ” do Hoa Kỳ dẫn dắt. Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la diễn ra tại Singapore ngày 2/6/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nêu rõ, Trung Quốc đã triển khai phi pháp hàng loạt khí tài quân sự, trong đó có tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử trên khắp Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh đã xây các đảo nhân tạo trái phép và biến các thực thể trên biển khác thành các cơ sở quân sự.

 

Ván bài tay ba còn tiếp diễn

Kim Jong Un tới gặp Tập Cận Bình đúng ngày sinh nhật 35! Nhưng đây chắc chắn chỉ là sự ngẫu nhiên, chứ không hẳn là kế hoạch định trước. Kim lên nắm quyền suốt sáu năm trời mà chưa một lần qua trình diện ông Tập, cho đến tháng 3/2018, trước khi Kim đi gặp Trump. Sau lần gặp Trump ở Singapore, Kim qua Bắc Kinh ngay, từ đó tới nay đây là lần thứ tư trong vòng 10 tháng. Có lẽ Kim Jong Un muốn vấn kế đàn anh Trung Quốc xem nên ứng xử như thế nào khi gặp Trump trong tháng tới, cho đúng tình “hữu hảo Trung-Triều”. Nhiều phần chắc chắn Kim gặp Tập để xin ủng hộ cho vững tâm trước khi đi mặc cả với Trump. Khi gặp mặt tổng thống Mỹ năm ngoái, Kim đã đạt được những thắng lợi, qua mặt cả hai đời là bố và ông nội của ông. Các bậc “tiền nhân” của Kim cũng chỉ muốn được đứng ngang hàng với Mỹ. Đang là một “quốc gia côn đồ” (cách Hoa Kỳ gọi CHDCND Triều Tiên một thời), Kim Jong Un bỗng đóng vai một chính khách quốc tế ngồi ngang hàng với người đứng đầu “thế giới tự do” mà không phải nhượng bộ cái gì, trừ những lời tuyên bố “có cánh”. Sau đó, Nga và Trung Quốc đã nới lỏng những biện pháp cấm vận do Liên Hiệp Quốc đặt ra. Hàn Quốc cũng gặp gỡ Triều Tiên và nói chuyện giao thương, giúp ông Kim bắt đầu cải tổ kinh tế theo kiểu Trung Quốc.

Bây giờ, Kim Jong Un lại đang lớn tiếng đặt điều kiện trước khi gặp Trump. Trong thông điệp đầu năm vừa rồi, ông Kim dọa sẽ “đi đường khác” nếu Mỹ không bỏ cấm vận! Nghĩa là dọa có thể cho nổ bom hạch tâm và phóng hỏa tiễn mới, vì các trung tâm nghiên cứu Bắc Triều Tiên vẫn hoạt động bình thường trong một năm qua. Kim qua gặp Tập để chứng tỏ cho Trump thấy mình vẫn có đàn anh hậu thuẫn, để có thể mạnh miệng hơn khi bước vào vòng thương thuyết mới. Tất nhiên, Lãnh đạo Kim biết rằng Mỹ sẽ không bao giờ giảm bớt cấm vận trước khi Bắc Triều Tiên chịu xóa bỏ kho vũ khí nguyên tử. Cho nên, trong chuyến đi Bắc Kinh kỳ vừa qua, Kim đã thỉnh cầu ông Tập, xin nới lỏng vòng đai cấm vận rộng hơn chút nữa. Trong thực tế, những tổ chức buôn xuyên biên giới vẫn mua-bán với Bình Nhưỡng và Trung Quốc đành ngoảnh mặt làm ngơ.

Bắc Triều Tiên vẫn không thiếu năng lượng dù bị cấm vận; vì các tàu chở dầu, khí của Trung Quốc và Nga đang tiếp tế trên mặt biển, chuyển nhiên liệu sang các tàu Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Kim sẽ yêu cầu Tập Cận Bình ủng hộ cho Kim “cải tổ kinh tế” theo khuôn mẫu của Đặng Tiểu Bình. Rất nhiều biểu hiện trong chuyến thăm vừa qua cho thấy, Kim Jong Un  đã quyết định thay đổi đường lối phát triển quốc gia, từ bỏ “ưu tiên quân đội” không phải chỉ là nói suông. Để thực hiện mục tiêu xây dựng kinh tế, nâng cao dân sinh và phát triển khoa học kỹ thuật, Kim Jong Un phải trải đường, tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc và các nước láng giềng. Nhưng tại sao Tập Cận Bình lại đứng ra mời ông Kim qua phó hội? Bởi vì Trung Quốc đang thương thuyết với Mỹ về chuyện quan thuế. Ông Trump đã ấn định đầu tháng 3 là phải kết thúc, nếu không Mỹ sẽ đánh thuế nặng hơn. Mời Kim qua Bắc Kinh, ông Tập muốn nhắc Trump đừng quên một món hàng ngoại giao có thể trao đổi. Tập Cận Bình mời Kim qua chơi để nhắc nhở Donald Trump nhớ lại rằng Trung Quốc có thể trao đổi nhiều thứ, ngoài những món hàng xuất nhập cảng. Ngay từ đầu, ông Trump đã liên kết hai vấn đề lại với nhau: Mỹ sẽ nhẹ tay về thương mại, nếu Trung Quốc “thuyết phục” được Kim Jong Un bớt những tuyên bố “cuồng nhiệt”.

 

Mọi con đường hướng đến 2020

Kim sẽ gặp Trump trước hay sau kỳ hạn đầu tháng 3? Nếu gặp trước ngày đó, Kim sẽ hứa nhượng bộ những gì? Tập Cận Bình có thể dùng Kim như một người đi tiên phong dò dẫm thái độ của Trump. Nếu Trump nhường Tập một chút trong cuộc thương thuyết mậu dịch, Kim có thể sẽ nhường Trump một chút để tổng thống Mỹ có thể “ghi một bàn thắng,” đem về cho dân chúng xứ cờ hoa hoan hô. Bàn thắng đó có thể là công bố một chương trình giải giới vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng. Vì từ một năm qua chưa ai nói đến một kế hoạch như vậy, ngoài những lời nói suông. Một chương trình chung chung thôi, không cần có chi tiết, giống như bản tuyên bố năm ngoái vậy. Mỹ sẽ yêu cầu Bắc Triều Tiên cung cấp một bản kiểm kê những nơi chứa vũ khí nguyên tử. Liệu Kim Jong Un có chịu không? Mỹ có thể đòi cho các quan sát viên quốc tế đến chứng nghiệm các cuộc kiểm tra. Lãnh đạo Kim có chấp nhận cho những người này đi lại tự do trong xứ mình không? Cuộc mặc cả có thể kéo dài cả năm trời chưa xong. Nhưng ông Trump có thể sẽ lên tiếng khen “chàng Kim tuổi trẻ tài cao” một lần nữa, như năm ngoái ông đã ca ngợi Kim thông minh và hết lòng vì dân, vì nước (Trump hình như quên hẳn trước đó đã thoá mạ Kim như thế nào). Đứng bắt tay, chụp hình với một người trẻ tuổi “thông minh và hết lòng vì dân, vì nước” cũng là một bức hình đẹp cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2020.

Ông Tập có thể giúp Trump trong cuộc tranh cử hai năm tới. Phần lớn những đòi hỏi của Mỹ cũng là những điều Trung Quốc cần thực hiện. Phải bớt trợ cấp các xí nghiệp quốc doanh, để chính họ phải thay đổi. Cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, không những của người nước ngoài, mà của ngay chính người Trung hoa, nếu muốn canh tân khoa học, kỹ thuật. Mở cửa cho xí nghiệp nước ngoài cạnh tranh, đó là cách tốt nhất để các doanh nghiệp nội địa có triển vọng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nhưng Tập sẽ nhượng bộ Trump từng bước một, không thể làm tất cả ngay một lúc. Nếu bắt tất cả các doanh nghiệp nhà nước phải tự túc ngay cùng một lúc thì sẽ loạn vì xáo trộn kinh tế! Hàng trăm triệu người sẽ mất việc làm! Phe bảo thủ trong đảng sẽ “lật kèo” ông Tập! Cho nên phải tiến bước chậm chậm! Ông Tập có thể ra lệnh các công ty hàng không đặt mua thêm máy bay Boeing. Mua đậu nành, mua thịt, mua khí đốt, mua chip điện tử, tất cả đều là nhu cầu tự nhiên của kinh tế Trung Quốc, mà nước Mỹ có thể cung cấp với giá không cao hơn các nguồn cung cấp khác. Tập Cận Bình có thể buộc các xí nghiệp quốc doanh đang cạnh tranh trên thế giới với Mỹ không được phá giá. Chính phủ Trung Quốc có nhiều cách đền bù cho họ. Cứ như vậy, kinh tế Trung Quốc sẽ được cải tổ mà chính phủ Mỹ lại được vuốt ve.

Nếu ông Tập nhường Trump tất cả, trong mấy tháng giữa năm nay, thì không lợi lộc gì cho Trump cả! Ngược lại, nếu cứ ba bốn tháng Bắc Kinh lại công bố một nhượng bộ cụ thể cho Mỹ vui, thì suốt hai năm 2019-2020, ông tổng thống Mỹ lâu lâu lại báo cáo với dân chúng một tin mừng: “Ta đã thắng!”, “Trung Quốc đã thua!”. Các cuộc trình diễn ngoại giao song song trong năm tới đáp ứng đúng như cầu tranh cử của ông Trump. Trong chiến dịch tranh cử 2016, ông Trump đánh mạnh trên mặt trận chính sách quốc nội: Di dân, an ninh biên giới, thuế má, luật lệ và nỗi niềm của những người Mỹ bị bỏ quên khi kỹ thuật thay đổi và kinh tế toàn cầu hóa. Năm 2019 và năm năm 2020 tới, Donald Trump còn có thể vận động tranh cử với các thành tích ngoại giao. Nếu ông Kim Jong Un và ông Tập Cận Bình chịu tiếp tục lên sân khấu “đồng diễn”!

 

 


Có thể bạn quan tâm