April 23, 2024, 4:58 pm

Cuộc tìm kiếm cái đẹp

Làm thơ đã lâu, cái tên Đinh Ngọc Diệp chẳng còn lạ lẫm mới mẻ trong làng thơ nước nhà. Thập niên 80 Đinh Ngọc Diệp đã được tặng giải thưởng trong một cuộc thi thơ ở quê nhà Thanh Hoá. Thành công đến khi anh ở tuôi 30, nhưng phải 30 năm sau anh mới có “đứa con” đầu lòng mang tên Hành Trình. Có thể do anh cầu toàn, do “tạng” anh không “mắn đẻ”, và cũng có thể do những yếu tố ngoài thơ... ai mà biết được.

Hành Trình 5 là tiếp nối của Hành Trình 4,3,2,1. Không ngẫu nhiên mà Đinh Ngọc Diệp đặt cho các tập thơ của mình một tên chung Hành Trình. Hành Trình - đó là sự dấn thân không mệt mỏi - một cuộc ra đi tìm sự cứu rỗi (vẻ đẹp) của thơ. Nói tới thơ người ta thường gọi là nàng thơ. Vẻ yêu kiều của thơ không dễ nhìn thấy, nắm bắt nên nhà thơ phải dành cả đời để tìm kiếm, được hay không tuỳ thuộc vào tài năng và bản lĩnh.

       Đến Hành Trình 5, Đinh Ngọc Diệp đã đi được một chặng đường thơ khá dài. So với bước chân đầu tiên anh đã có bước tiến mà với một người thiếu nỗ lực, khó đạt được. Đọc thơ Đinh Ngọc Diệp thấy anh không dễ dãi trong câu chữ, hay tìm tứ. Từ ngữ khoẻ khoắn chắt lọc mà ám ảnh: Giữa dây thừng treo và họng súng/ Hơi thở cho nhau là lựa chọn sau cùng (Lựa chọn sau cùng). Hình ảnh người thương binh bị thương hỏng một bên mắt được ví như ngôi nhà chỉ có một cửa sổ. Ngôi nhà ấy với những kỷ niệm bây giờ trở thành hoài niệm, chốn cũ của ông. Cái chốn cũ mà ông nặng tình nặng nghĩa. Mỗi năm một lần về thăm: Ông gỡ cặp kính đen/ Ngôi nhà chỉ mở một cửa sổ/ Cặp mắt đạn khoét một bên/ Nhìn ra vẫn đủ đầy hai mắt. (Chốn cũ). Khi người con gái đã lấy chồng do quan niệm phương Đông, tự do trong tình cảm với bạn bè khác giới sẽ không còn như trước, Đinh Ngọc Diệp vừa như cảm thông lại vừa như không đồng tình: Nhưng nắp bình đóng kín/ Em là chiếc bình không có tự do (Chiếc bình đựng đầy ánh sáng). Sử dụng hình ảnh tương phản: Nắng rực rỡ xuyên qua/ Như tự do không thể giam cầm (Chiếc bình đựng đầy ánh sáng). Chồi là bài thơ có sức  biểu cảm mạnh, giấu kín được hàm ý người viết, nhưng không nhiều trong tập: Trống hoác khoảng trời ngơ ngác gió/ Cây lũ vùi ngập ngụa bùn đen/ Nghe chùm nắng lìa trời như sấm nổ/ Rễ khoan xuống đời mình. Mùa vẫn gọi lên. Hay bài Ngẫu hứng cây và em: Dưới cây em bừng bừng sắc đỏ/ Thành cái bóng khổng lồ/ Cây trắng bệch trước đam mê… Và: Im lặng vắt kiệt máu mình/ diệp lục. Đó là sự giao hòa âm và dương, trời và đất. Người làm thơ chỉ có thể nhận biết bằng cảm thức chứ không phải là trực quan. Ở đây trực quan chỉ là cái cớ cho sự “lên men” cảm quan. Đó là thứ thơ “đọc” bằng tim chứ không bằng mắt, nó không đánh lừa được ai. Những bài thơ như thế sẽ “làm tổ” trong lòng người đọc. Nhưng nó không có nhiều trong tập.

Do nghiệp báo nên đôi khi Đinh Ngọc Diệp cũng “ngứa nghề” đưa cả chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện biến đổi khí hậu, chuyện bóng đá... vào thơ, vậy nên anh có những bài thơ như một ghi chép nóng hổi tính xã hội, thời sự: Tôi mới lên tàu nửa đêm/ Biết có người ngủ quên, mất cắp/ Người bán đi đôi dép nửa mùa/ Để nộp tiền tàu - toa chở hàng không vé/ Miễn tiền, riêng cô bé bán dừa (Hành Trình). Ở chừng mực nào đó Đinh Ngọc Diệp muốn đưa vào thơ những vấn đề đang được quan tâm của xã hội. Nhà thơ nói chung phải đặt mình là người trong cuộc, anh phải  hiểu mọi người đang cần gì, đất nước ấm lạnh ra sao. Tiếp theo bài Hành Trình là các bài Cảm xúc ngày biến đổi khí hậu, 120 phút không thua dài hơn cả đời người… Nhưng thực sự mà nói anh chỉ đạt được thành công ở mảng thơ tình cảm. Tính xã hội hay triết lý chưa được chưng cất thành rượu mà vẫn còn ở dạng thô cơm gạo trong những bài thơ gọi là thế sự ấy.

Thơ (hay) chỉ đến khi cảm xúc chín. Những câu thơ “bước” ra từ  cảm xúc bao giờ cũng có sự “bừng ngộ”, lay động lòng người… Thơ Đinh Ngọc Diệp không ồn ào sáo ngữ. Cảm giác trên đường thi nó thường “đi nép” về bên; nhưng những người yêu thơ vẫn nhận ra qua hình hài khoẻ khoắn và bước đi vững vàng. Trước người đọc, một bài thơ hay luôn là một ẩn số khó giải mã. Nó như có ma lực mê dụ, ám ảnh, dẫn dắt người ta như một thứ bùa ngải, rồi định vị luôn trong tâm thức họ. Người đọc tuỳ vào hoàn cảnh, có thể hạnh phúc, cũng có thể lây buồn vì nó. Thơ Đinh Ngọc Diệp chưa có được những bài như thế, nhưng đã thấy thấp thoáng hồn cốt ấy trong Hành Trình. Dù đã đi được năm bước Hành Trình, nhưng Đinh Ngọc Diệp vẫn chưa bằng lòng, anh vẫn tìm tòi vật vã, lộn trái mình để tìm tới cái đẹp, sự cao sang của thơ. Cuộc tìm kiếm cái đẹp của thơ của Đinh Ngọc Diệp hẳn là chưa dừng lại. Nhưng điều chúng ta có thể tin là chính sự kiều diễm của thơ sẽ cứu rỗi trở lại người đã sinh ra nó.

Nguồn Văn nghệ số 49/2018


Có thể bạn quan tâm