March 29, 2024, 12:22 pm

Cuộc diễn tập lịch sử

Sinh thời, cha tôi hay nói: “Người may mắn được sống lâu là để coi đời”. Ông qua đời ở tuổi 60, không thọ nhưng đủ chứng kiến thăng trầm lịch sử. Điều làm ông sốc nặng là sau ngày hoà bình phải ăn độn, bị ngăn sông cấm chợ, hàng hoá bị đông cứng vì bài toán lưu thông không giải được do cơ chế.

Nhưng nếu còn sống đến hôm nay, chắc chắn ông không chịu đựng nổi, bởi ngay những ngày khó khăn, đen tối nhất thời bao cấp, hàng hoá thiếu nhưng gia đình vẫn trồng trọt, chăn nuôi, tôm cá dồi dào. Với tài tháo vát của mẹ, tôi vẫn được ăn những món bánh ngon từ khoai củ, đầy màu sắc từ thiên nhiên. Tuổi thơ tôi xa lạ với phẩm màu từ hoá chất vì màu được mẹ lấy ra từ trái điều, màu lá cẩm, màu trái gấc, hoa đậu biếc... Màu hoa cỏ ấy nhuộm vào nếp, vào bột rực rỡ biết bao nhiêu. Còn dầu ăn thì thật sẵn, chỉ cần nạo mấy trái dừa, vắt lấy nước, đem nấu lên là có dầu. (Về sau này, dầu dừa trở thành thứ dược phẩm, mỹ phẩm đắt tiền nhờ những công dụng tuyệt vời).

Lật trở lại những trang thời bao cấp, nghe xót xa, rùng rợn nhưng so với thời Covid này có đáng gì. Chỉ hai năm mà con vi khuẩn bé xíu, gần như vô hình đã huỷ hoại thế giới khủng khiếp. Sài Gòn, kể từ mùa xuân năm Mậu Dần, khi Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Chúa Nguyễn vào Nam kinh lược, lập xứ Đồng Nai, Gia Định mở mang đất phương Nam cho đến nay đã 323 năm, chưa lúc nào tang thương đến vậy.

Càng sống, gắn bó máu thịt, tự hào với một thành phố trẻ trung, năng động, hào hiệp, nghĩa tình càng thấy Sài Gòn đau đớn, căng mình trong mùa dịch Covid. Thiên tai, địch hoạ đâu là điều xa lạ với người dân Sài Gòn. Từ những ngày đầu tiên khai phá, những lưu dân đã đối mặt với nỗi bất an: “Đến đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”.

Dịch bệnh cũng đâu là chuyện mới mẻ gì nơi xứ sở miền nhiệt đới với những cánh rừng ngập mặn hoang vu, đầy muỗi mồng, thú dữ. Lịch sử Trịnh Nguyễn phân tranh từng ghi lại những trận rút quân vì dịch bệnh. Trước cách mạng tháng Tám, bệnh dịch tả cướp đi sinh mạng nhiều người dân, đặc biệt ở những vùng nông thôn. Sinh thời, bà Nguyễn Thị Một - một cựu tù Côn Đảo kể lại nỗi ám ảnh này: “Hàng ngày, nghe tiếng trống báo động cấp cứu không ngớt, người chết đến nỗi trại hòm đóng không kịp để bán”.

***

Thành phố có thêm nhiều bênh viện chống Covid với hàng trăm giường; hàng loạt bệnh viện dã chiến được thành lập, hình thành nhiều khu cách ly. Nhiều đoàn y bác sĩ từ các miền đất nước quay ngược về Sài Gòn chia lửa. Trong tĩnh lặng những ngày giãn cách, Sài Gòn không có tiếng trống báo động cấp cứu dịch bệnh đã chìm khuất trong lịch sử mà nhức nhối, xé lòng trước tiếng rú vang lên từng hồi riết nóng của những chiếc xe cấp cứu. Âm thanh ấy gợi lên niềm dự cảm “Chuông nguyện hồn ai”, như Hemingway đã từng cảnh báo, rằng tiếng chuông ngân hôm nay đưa tiễn một người nào đó qua đời, hôm sau có thể sẽ tiễn đưa bạn.

Không như năm trước, F0, F1 còn ở đâu xa xôi, chưa chạm đến ta; nay thì Covid đã sát bên ta rồi. Tôi đã từng một tháng cách ly tại nhà vì có họp chung với một F0. Anh ấy vào bệnh viện, gần một tháng vật lộn với thần chết vì những cơn khó thở. Rồi một nữ nhà văn lăn lộn với hoạt động thiện nguyện giúp gạo, thực phẩm cho những người khó khăn những ngày đầu thành phố giãn cách thì nay cùng chồng dương tính với Covid, phải vào bệnh viện điều trị. Giới văn nghệ sĩ từng cười nói, vui đùa, chia sẻ những dự án nghệ thuật với tôi thì giờ đã có người nhiễm Covid, đang vật lộn với thần chết. Một đạo diễn có mẹ và em chết vì Covid, bản thân anh dương tính được điều trị nhắn với một người bạn: “Cả gia đình anh tan nát vì Covid”.

Sài Gòn tang thương vì những chốt chặn trên đường, khu cách ly, phong toả. Tang thương vì sự vắng lặng, đông cứng. Hơn ba tháng, những toà nhà, cửa hiệu đẹp đẽ đầy sinh lực đóng kín. Mọi hoạt động dừng lại. Con virus bé xíu, không nhìn thấy nhưng gây ra những tổn thất khủng khiếp. Sài Gòn tang thương vì dòng người tháo chạy ồ ạt mà một số “chứng nhân lịch sử” cho rằng đây là cuộc di tản lớn thứ hai sau ngày 30-4-1975. Sài Gòn tang thương vì số bệnh nhân nhiễm và chết vì Covid dẫn đầu cả nước. Sài Gòn tang thương, hoảng loạn vì còn có những tin giả làm xáo trộn nhân tâm...

Vì đâu nên nỗi? Một ngày đầu tháng 7, tôi nhắn tin cho một người em đồng hương, giờ là một Phó Bí thư Thành uỷ thành phố: “Em về Sài Gòn vào những ngày đầy khó khăn, chân cứng đá mềm em nhé”. Đám tang cha em mùa giãn cách diễn ra trong lặng lẽ. Em túi bụi, cùng lãnh đạo thành phố lao vào công tác chống dịch. Tôi nhìn thấy trên gương mặt anh Đam, anh Nên, anh Phong, anh Mãi... dù đeo khẩu trang nhưng vẫn không giấu được vẻ bơ phờ, mệt mỏi. Sài Gòn phải chịu đau đớn để dập dịch. Và sau đó, hàng trăm, hàng ngàn vấn đề phát sinh sau chỉ thị đóng cửa, giãn cách: 15, 16 rồi 16+.

Nếu cha tôi còn sống, ông sẽ gào lên: “Thời này là thời gì vậy?”. Phải, thời gì mà mua bó rau cũng khó. Bánh mì bị ngăn lại ở chốt chặn vì không phải mặt hàng thiết yếu. Băng vệ sinh, tã lót, pin... không được qua chốt vì không phải mặt hàng thiết yếu. Thời này mà máy giặt, máy tính, bếp điện hư thì chết chắc. Thời mà bị bệnh phải cấp cứu là một trận chiến. Những người thân, bạn bè mất trong mùa Covid này được tiễn đưa trong lặng lẽ. Dịch vụ mai táng tăng chóng mặt, lò thiêu quá tải. Những câu sấm truyền từ dân gian sống dậy, được truyền tai nhau: “Mười người chết bảy còn ba/ Chết hai còn một mới ra thái bình”.

Rồi những thông tin thêm loài biến thể mới, chống lại mọi vaccine tràn ngập trên trang mạng càng gây hoang mang, lo lắng... Thời này là thời gì mà “ông ngoại” có thể giúp cháu tiêm vaccine sớm, “thẻ đỏ” đi qua mọi chốt chặn, shipper giao hàng phải tìm mọi cách để có tờ giấy chứng nhận âm tính. Thời này là thời gì mà rau củ ở Đà Lạt, ở quê phải nhổ bỏ mà Sài Gòn thiếu rau như thời bao cấp, thiếu gạo vì các chốt chặn qua các tỉnh...

Quá nhiều vấn đề phát sinh, lãnh đạo thành phố chân thành thừa nhận dù nỗ lực nhưng cũng có lúc lúng túng. Rõ ràng thành phố đã lỡ một nhịp trong dập dịch. Nếu kiên quyết chặn dịch trước ngày 27 tháng 4; nếu lộ trình vaccine về sớm vào tháng 4; tháng 5 tháng 6 triển khai chích cho cư dân thành phố, đặc biệt là các đối tượng tuyến đầu chống dịch: y bác sĩ, quân đội, lái xe, công nhân, shipper... thì thành phố không bị đông cứng vì giãn cách.

Nếu gói cứu trợ cho công nhân đến sớm, được hỗ trợ tiền nhà, tiền ăn trước ngày thành phố ra chỉ thị giãn cách thì công nhân không ùn ùn rời Sài Gòn, gây ra bao cảnh thương tâm trên đường. Thời này là thời nào mà cụm từ “mặt hàng thiết yếu” gây nhiều tranh cãi, mang một nội hàm to lớn. Cái gì mà không thiết yếu, Biết đâu một cục pin cứu cả một cơ đồ. Và phụ nữ đến ngày đèn đỏ, băng vệ sinh mới thiết yếu làm sao? Những ngày tự cách ly là F1, tôi càng suy ngẫm câu ngạn ngữ mà Các Mác thích nhất khi trò chuyện với con gái: “Không có gì thuộc về con người mà xa lại đối với tôi”.

***

Thời này là thời nào mà trong tang thương, tình yêu thương con người thật lấp lánh. Nhiều doanh nhân Sài Gòn góp tiền mua vaccine cho thành phố đến hàng ngàn tỷ đồng. Một doanh nhân nhắn tin cho tôi: “Em không đi Canada với gia đình. Em quyết định ở lại Sài Gòn, vì muốn đóng góp việc mua trang thiết bị cho thành phố”. Trong tang thương, chưa bao giờ tôi thấy Sài Gòn lồng lộng tình người như thế. Những bó rau, bịch gạo, cây ATM gạo, những đồng tiền cứu trợ từ quyên góp đến những phận đời khó khăn hơn mình không không dừng lại sau cánh cửa bị gài chặt vì giãn cách mà len lỏi chảy, thấm sâu vào từng con đường, góc phố.

Có một Sài Gòn an nhiên, tự tại trong những con người có suy nghĩ tích cực. Cậu lạc bộ đọc sách 5 giờ sáng được vận hành đều đặn từ một nhóm người đã thắp lên ngọn lửa ước mơ: làm chủ bình minh sống đời xuất chúng. Có một Sài Gòn lạc quan, không ngừng khát vọng, ước mơ và tìm cách biến ước mơ thành hiện thực trong đau đớn và mất mát. Covid là một thảm hoạ thật khủng khiếp nhưng cũng làm thay đổi nhiều giá trị, đánh thức nhiều cách nghĩ, cách sống.

Những ngày giãn cách này thực sự là một cuộc tổng diễn tập chống thảm hoạ. Không điều gì là không thể xảy ra. Thật may là chúng ta còn không khí để thở, còn có điện, có nước...; còn có những tư duy biến nguy thành an, biết nhìn thấu để thay đổi. Phải, Covid làm được một điều mà nó không ngờ đến: kích hoạt tình người để yêu thương, suy ngẫm về hạnh phúc; để nhìn nhận lại nhiều giá trị bị đánh mất.

Rồi đây thế giới sẽ phải thay đổi để tồn tại, thích ứng với thảm họa. Con người ăn ít để sống khoẻ hơn, tôn trọng thiên nhiên, trồng cây và yêu thương nhiều hơn... Tiếng chuông cầu nguyện sẽ ngân lên truyền đi thông điệp: để cứu trái đất này, con người chỉ có một cách duy nhất: hoà bình và yêu thương.

Nguồn Văn nghệ số 34/2021


Có thể bạn quan tâm