April 26, 2024, 6:50 am

Cùng trẻ thơ đến mọi miền đất nước

 

Từ năm 1991, Hoài Khánh đã liên tục xuất bản 4 tập thơ dành cho thiếu nhi: Bé Kim Giây (1991); Tia nắng xanh (1996); Trăng treo giữa nhà (2004); Dắt biển lên trời (2012). Mùa hè năm 2019 này, Hoài Khánh lại vừa tiếp tục cho ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi tập thơ thứ 5 mang tên Địu chữ qua cổng trời với 30 bài thơ xinh xắn, đáng yêu. Ở tập thơ mới này, ta vẫn dễ dàng bắt gặp một Hoài Khánh trong thế giới trẻ nhỏ cùng những bài thơ trong sáng, giản dị, giàu hình ảnh về những sự vật, hiện tượng gần gũi, thân thuộc, gắn bó với cuộc sống thường ngày của các em.

Từ chiếc kẹp tóc, một vật dụng thân thuộc, hàng ngày làm đẹp mái đầu của các bé gái, được Hoài Khánh miêu tả thật giản dị mà sinh động: Cong chiếc lá, thắm bông hoa/ Khi chùm quả mọng, lúc là bướm xinh/ Dù thay sắc hay đổi hình/ Vẫn đây chiếc kẹp rung rinh trên đầu (Chiếc kẹp tóc). Hay như cây bàng quen thuộc vẫn “Đứng lụ khụ sân trường”, để một sáng xuân, khi bé đến trường sau kỳ nghỉ Tết dài, bé chợt phát hiện ra: Búp bàng non he hé/ Cây nhú lộc tươi xanh/ Chim rủ nhau vây quanh/ Cùng líu lo ca hát / Nõn bàng xanh đầu cành/ Biếc khung trời bát ngát (Cây bàng mùa xuân). Đến những cây cau trước thềm nhà, búp măng, giàn mướp, hoa râm bụt, bông hoa bèo cũng được tác giả biến thành những người bạn vô cùng dễ thương của các em nhỏ: Lá xòe như chiếc lược/ Cau chải tóc cho mây/ Những trưa hè nóng nực/ Gió mát thường ghé đây/…… ... / Vào những đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng thềm/ Bạn gái nào qua ngõ/ Hương quyện trong tóc mềm (Cây cau). Những bông hoa bèo tim tím cũng trở nên đáng yêu dưới cách miêu tả ngộ nghĩnh của tác giả: Dập dềnh sóng nước thảnh thơi/ Đung đưa cùng gió/ Hoa cười với mây/ Chú Rô Ron lượn quanh đây/ Ngắm hoa/ Mà mắt nhuộm đầy hoàng hôn (Hoa bèo)...

Với sự tưởng tượng phong phú, tác giả đã thực sự hòa mình, nhập vai để cảm nhận thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống và thế giới xung quanh bằng con mắt ngây thơ, hồn nhiên của trẻ nhỏ. Cùng với cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh ngộ nghĩnh, dễ thương, những sự vật, hiện tượng tự nhiên được miêu tả trong thơ của Hoài Khánh luôn hiện lên trong trẻo cùng những phát hiện vô cùng lý thú: Ai đến Cổng Trời mà xem/ Thăm thẳm chỗ nào cũng đá/ Vầng trăng cao nguyên lạ quá/ Ngồi trên mỏm đá tai mèo (Đêm phố cổ Đồng Văn). Hoặc là một phát hiện rất trẻ thơ như thế này: Hình như khi mùa thu tới/ Ông mặt trời bớt ham chơi/ Mỗi năm được thêm một tuổi/ Vẫn vui như trẻ lên mười (Ông mặt trời mùa thu)

Viết cho thiếu nhi, tác giả không chỉ làm cho các bé và bạn đọc thấy niềm vui, sự phấn khởi của trẻ thơ trong ngày tết dành riêng cho mình, mà còn gửi gắm trong đó một cách rất nhẹ nhàng những bài học về lòng nhân ái, tình yêu lao động, tình yêu quê hương đất nước cũng như khát vọng về một thế giới hòa bình: Địa cầu toàn bé thơ/ Trong ngày đầu tháng Sáu/ Nối vòng tay yêu dấu/ Mong năm châu hòa bình (Ngày mở đầu tháng Sáu). Lời nhắn gửi các em thật nhẹ nhàng: Thương bác nông dân vất vả/ Thân cò lận đận sớm khuya/ Vẫn ơi à câu cò lả/ Ru cái ngủ dưới trăng ngà (Đảo cò). Em men theo vạt bắp/ Lách qua mấy luống cà/ Dắt buổi chiều xuống bến/ Gánh dòng sông về nhà (Chiều bến sông).

Độc giả quan tâm đến thơ thiếu nhi hẳn còn nhớ lời Hoài Khánh từng chia sẻ: “Tôi luôn coi trẻ em là những người bạn vĩ đại”. Phải chăng chính bởi thế mà tác giả luôn dành cho các em những tình cảm lớn nhất, chân thành nhất, sâu lắng nhất. Và cũng phải chăng đó chính là động lực để nhà thơ không chỉ bó hẹp phạm vi không gian viết cho trẻ thơ ở những gì sát cạnh bên các em hằng ngày nữa, mà anh đã mạnh dạn bằng những vần thơ trong trẻo của mình, dẫn dắt các em đi thăm thú các miền đất khác lạ suốt chiều dài đất nước, trải nghiệm cuộc sống rộng mở của những vùng miền khác nhau.

Đó là Cao nguyên đá Đồng Văn nơi cực Bắc Tổ quốc với cảnh đẹp hùng vỹ, hoang sơ, với đêm phố cổ lung linh, huyền ảo sắc màu của đèn lồng đỏ, với những con người chăm chỉ cần mẫn lao động, học tập và gắn bó với thiên nhiên: Trời ở gần lắm/ nhé/ Chị mây lượn quanh người/ Bé ngồi trên lưng mẹ/ Sớm chiều qua Cổng Trời… (Trăng núi). Núi đá xúm quanh phố cổ/ Nhà nhà lợp ngói âm dương/ Mùi ngô nướng chạy khắp đường/ Hun hút nồng thơm thắng cố (Đêm phố cổ Đồng Văn). Bản Mông em sơ sài/ Chênh vênh trên núi đá/ Vẫn có bao điều lạ/ Từ sách hồng bước ra (Bên ô cửa đá). Dịu dàng khăn lụa chị Mây/ Vắt ngang sườn dốc/ hứng đầy hương hoa/ Bé thơ váy áo xập xòa/ Gọi nhau địu chữ vượt qua Cổng Trời (Buổi sáng ở rừng).

Đó còn là vẻ đẹp hùng vỹ của thác Bản Giốc - Cao Bằng với những đóa hoa phù dung dịu dàng; là Đảo Cò - Hải Dương thanh bình và đẹp như tranh vẽ; là Tam Đảo nổi giữa biển mây với nhiều con vật ngộ nghĩnh; là một bản nhỏ thuộc huyện miền núi Cao Phong - Hòa Bình với cảnh đẹp nên thơ và những nét độc đáo trong sinh hoạt và văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường… Vùng đất Quảng Bình, khúc ruột Miền Trung Tổ quốc, cảnh vật Đèo Ngang cũng được Hoài Khánh khéo léo mô tả bằng cách nhìn và ngôn ngữ rất hồn nhiên, tinh nghịch của trẻ thơ: Núi duỗi chân ra biển nghịch/ Tha hồ bêu nắng, tắm mưa/ Rập rờn bướm bay thỏa thích/ Xe qua đèo hệt đàn rùa (Đèo Ngang).

Và chặng cuối, tác giả dẫn các bé khám phá là miệt vườn sông nước miền Tây Nam Bộ với cảnh sắc yên bình: Đôi bờ thơm miệt vườn/ Nghiêng rặng dừa soi bóng/ Lục bình tím rập rờn/ Cõng bồng bềnh mây trắng/ Bầy trẻ như vạt nắng/ Tô hồng cả mặt sông/ Tiếng đàn ca tài tử/ Ngân giữa chiều mênh mông (Sông Tiền quê em).

Bằng những vần thơ sống động và tình yêu đối với thiếu nhi, nhà thơ Hoài Khánh đã cùng những bạn nhỏ của mình khám phá từng miền đất tươi đẹp của Tổ quốc Việt Nam, để các em cảm nhận được sự thanh bình, vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên, cảnh sắc, con người khắp mọi miền đất nước, bồi đắp thêm cho các em tình yêu quê hương và lòng tự hào về dân tộc mình. Tập thơ Địu chữ qua Cổng Trời của Hoài Khánh thực sự là một món quà vô cùng ý nghĩa dành cho trẻ thơ.

Nguồn Văn nghệ số 22/2019


Có thể bạn quan tâm