April 26, 2024, 4:46 am

Cửa Xuân

 

            Phó Chủ tịch Trần Văn Khang nhổm người khỏi thành ghế dựa, chống hai khuỷu tay lên bàn, dướn hẳn về phía trước, nhìn chằm chằm vào mặt tay báo cáo viên trên Tỉnh cử về khi hắn ta lật đánh “soạt” tờ giấy A4 đen ngòm những chữ để chuyển sang phần hai: “Triển khai các cuộc thi cấp cơ sở”. Chẳng biết có cuộc thi thơ nào không? Có là rách việc rồi đây!

            Đang lúc nước sôi lửa bỏng thì điện thoại trong túi quần xoay ù ù. Thò tay tắt đến lần thứ ba vẫn kiên trì rung thêm lần bốn. Cái kiểu gọi cho kì phải nghe này chỉ có thể là của một người. Trần phó thở hắt ra, chúi đầu xuống gầm bàn: “Mẹ! Con đang họp!”. “Hôm nay là thứ mấy mà họp? Tôi nói một tí thôi!”. “Một tí của mẹ cũng nửa tiếng! Chốc con gọi lại!”. “Thế tôi ngồi đây đợi anh nhá!”. “Đợi chỗ nào cơ?”. “Ngoài cổng. Chỗ quán thím Nhỡ”. “Thôi được rồi! Mẹ yên đấy! Con cho người ra đón!”. Rồi ngẩng phắt dậy, ngoắc tay gọi Hà thư kí đang ngồi ngáp vặt, chỉ chỉ vào điện thoại, thì thào: “Ngoài cổng… Quán mụ Nhỡ… Nhanh lên!”. Không nhanh, đêm dài lắm mộng, chỉ lát nữa thôi là nửa cái huyện này đồn um lên: “Nhà Phó Chủ tịch có việc gì đột xuất, bà cụ phải lên tìm giữa buổi. Không hay rồi!”.

    Mười lăm phút sau, Trần phó bước ra khỏi phòng họp, lòng thơ thới, nhẹ bồng bồng, những tưởng chỉ cần quạt hai cánh tay cầm hai tờ công văn mấy cái là bay lên như chim. Trên chỉ rót về hai cuộc thi mà ơn giời không có cuộc nào liên quan đến thơ. “Con đã bảo mẹ chờ con làm gì”. “Anh giỏi thật! Mấy tháng nay mất mặt”. “Con đi học, mới về hôm qua”. “Tôi sốt ruột quá! Lên xem anh thế nào. Nhỡ làm sao”. “Con thì làm sao được!”. “Bôi vôi vào mồm anh! Ngày xưa, có lần tôi nhỡ phiên chợ chiếu, bố con anh ở nhà nuôi nhau, ăn sống uống sít thế nào mà vừa thổ vừa tả, đi như tháo cống. Có hai hôm mà đầu anh toắt lại bằng bát nước chấm, mặt như ngón tay chéo. Tí chết còn gì!”. “Chuyện ấy lâu rồi. Mà mẹ để con ở nhà với bố như thế, còn sống là may”. “À! Nhắc đến bố anh mới nhớ! Lại đây tôi bảo”. “Có chuyện gì? Mẹ nói to lên! Ở đây không có ai. Con chả nghe thấy gì cả”. “Tôi bảo là nhắc đến bố anh mới nhớ! Dạo này ông ấy làm sao ấy! Khác người lắm”. “Thế thì có gì là lạ. Mẹ chẳng bảo bố con bị dở hơi còn gì”. “Dở cái vả vào mồm anh! Nói là nói thế! Chỉ là ngày xưa có tính nghệ sĩ, thỉnh thoảng lên cơn chập mạch, rân rất tí. Nhưng dạo này lạ lắm, không giống người thường. Tôi lo gở bệnh già. Thật đấy! Không tin, anh cứ về mà xem”.

*

            Vậy là dẫu không tin thì tối hôm ấy, Trần phó cũng phải về xem sự việc khác đến đâu.

            Quãng ấy vẫn sớm. Chừng chưa đến bảy giờ. Xe vừa quặt vào mép ngõ - con ngõ nhỏ vừa bé vừa ngoắt ngoéo như ruột gà, hai bên mọc hai cây duối đại mùa này đầy quả chín vàng bóng, ngọt tan như đường phèn thì bỗng “soạt” - một cái bóng loắt choắt mặc áo M.U đỏ trắng nhao từ lỗ hổng hàng rào khu vườn cao xuống ngõ thấp, mông trượt tường rêu, chân loạng choạng suýt đâm vào đầu xe. Báo hại, Trần phó giật mình, ngoắt tay lái đánh vèo sang bên kia. “Điên à? Tụt ngõng như thế bố thằng Tây nào tránh được!”.

            Cái bóng reo lên khào khào: “Anh Khang! Anh về hả”. “Cò! Mày làm gì mà lẩn như trộm vặt thế?” “Không! Em có lẩn đâu”. “Không lẩn mà chui qua rào ra ngõ? Giấu gì sau lưng kia?”. “Không giấu gì”. “Đừng cãi! Mày lấy trộm gì? Bỏ đây tao xem”. “Em lấy gì đâu?”. “Thì cứ bỏ đây! Cái này là cái gì?”. “Anh nói bé thôi! Thơ đấy!”. Minh Cò hé miệng túi nilong đen, hơn chục cuốn sổ cũ, mới, mỏng, dày tranh nhau thò đầu ra: “Thơ của bố đấy!”. Trần phó chúi xuống, bới đống sổ, cũng thì thào: “Mày to gan nhỉ? Dám lấy trộm thơ của bố! Nhưng tao hỏi thật, mày lấy cái của nợ này làm gì? Đòi tiền chuộc à”. “Chuộc gì? Em định đem giấu quách. Nhân tiện dạy cho con Hòa một bài học. Dạo này nó lên mặt lắm, không coi em ra gì. Loạn rồi”. “Thế nó làm loạn liên quan gì đến đống thơ này?”. “Thế mới nói…”.

            Minh Cò buộc lại miệng túi thơ, ôm khư khư trước ngực, thở hắt ra, dáo dác nhìn quanh. Có những chuyện chẳng liên quan gì đến nhau mà lại dính chằng chằng. Nó hiểu điều này nhất bởi cơ sự này có nguồn cơn cũng từ mấy năm rồi.

*

Ngày ấy, học xong hôm trước, hôm sau - mẹ nó - cũng là mẹ phó Trần - hai anh em hơn nhau chẵn mười sáu tuổi, cất cẩn thận tờ giấy chứng nhận Tốt nghiệp vào cái hộp thiếc trong hộc tủ rồi quay ra vớ cái nón: “Đi thôi!”. “Đi đâu hả mẹ?” “Sang nhà bác Phúc chứ đi đâu! Anh đừng khéo giả vờ”. Nó te te chạy theo, chỉ thiếu điều nhảy cẫng lên vì sung sướng.

Bác Phúc là bạn nối khố của bố nó từ hồi còn cởi truồng tồng ngồng chơi bi đầu ngõ nhưng giờ một người ở riệt góc vườn với chim, cây, đá, lá, với cái nhà ngang chỉ cần mở cánh cửa gỗ sơn xanh, lỗ chỗ vài vết mọt đục là thấy lủng lẳng trên tường trống, phách, sáo, đàn… thấy trên cái thồi gỗ mít xếp mấy chồng dầy bản thảo tiểu thuyết, truyện dài… cái nào cũng đang viết dở, không làm việc gì nhưng lúc nào cũng bận, có lần mải quá, nghe vợ gọi có ăn cơm trưa không còn ngơ ngẩn “Trưa thế nào! Tao đã ăn sáng đâu”… còn một người lại chu du trong Nam ngoài Bắc với con máy lạnh ghế mềm.

“Hai mẹ con cô đi đâu mà xớn xác, sấp ngửa thế”. “Em dẫn cháu sang cho nó đi hầu bác. Ở nhà không công ăn việc làm, lang thang thì chết em”. “Thế cô bảo tôi không lang thang”. “Bác đi có tuyến về có bến. Lang thang là lang thang thế nào? Bác cho nó đi ăn cơm thiên hạ hộ chúng em, may nhớn thêm một tí chứ ở nhà người cứ dẹt như cái đóm. Ăn bao nhiêu mọc hết lên tóc.”. “Sao không thi Đại học, rồi thằng Khang xin việc cho. Làm cán bộ sướng chứ”. “Cháu không thích. Đi như bác mới sướng”. “Thằng này phải là con tao mới phải”. “Cháu cũng nghĩ như bác. Ở nhà như bố cháu chán bỏ xừ”. “Bác cho đi cùng phải hầu hạ dạ vâng, cơm bưng nước rót. Vớ vẩn tao đập mày phát chết”. Mẹ nó ra đến cổng còn dặn thêm một câu. Nghe rõ quen, chẳng thấy sợ là gì.

*

Hai chín Tết năm ấy, xe bác Phúc từ trong đã ra quá Nha Trang. Nó đang bấm điện thoại nhắn tin cho con Hòa thì nghe gọi: “Mày xem lại gói quà Tết nhận từ đầu bến giao đi đâu?”. “Ra Phú Yên bác ạ!”. “Còn sáu chục cây nữa. Gọi người ta hẹn giờ đi!”. Minh Cò lôi từ gầm ghế ra một bịch to uỵch, cầm điện thoại, dạ vâng một hồi rồi tắt, mặt đần ra, tay sờ đủ bốn góc cái gói vuông chằn chặn. “Sao rồi”. “Không nhận bác ạ! Bảo là không có người ra nhận. Tặng lại nhà xe”. “Tặng cái con khỉ! Không nuốt được thì bày đặt tặng”. “Cái gì thế bác?”. “Thơ đấy!”. “Sao bác biết?”. “Lão dở người này năm nào chả in mấy tập thơ tặng Tết dọc đường. Năm ngoái, năm kia người ta còn nhận. Năm nay chắc chán rồi. May thu tiền cước ngay từ đầu bến. Cho mày đấy! Bán đồng nát đủ bữa sáng”. “Thôi! Cháu mang về cho bố cháu đọc”. “Tôi lạy ông! Bố ông đọc rồi đua theo làm thơ thì ông chết”. “Kệ! Bỏ đi phí lắm!”.

Và cơ sự nguồn cơn bắt đầu từ bịch thơ ấy.

*

Trong lúc hai ông con vẫn đang mắt trước mắt sau dấm dúi, thì thào trong góc ngõ thì ở trong nhà, chỗ đầu hồi tối mò, lão Thiểm Sĩ đang đánh trần, phô bộ ngực dẹt như cái bánh đa năm nghìn treo lủng lẳng trong quán bia mụ Tách, từ hõm ngực trũng hoáy như lòng bàn tay toe ra hai bên mấy rẻ xương sườn căng đét, cắp  nách cái quạt nan khâu bằng mảnh bao dứa đựng cám con cò in hình con lợn vẽ bằng hai vòng tròn màu vàng với cái đuôi quăn tít, đứng dưới gốc nhãn cổ thụ, hiêng hiếng con mắt nhìn lên cái vòm đen sầm, im phăng phắc, bói không lấy một cơn gió mồ côi. Không khí như trong lò om, nực quắt người không còn mỡ mà chảy mà lũ dở người a dua, cứ một con kêu là cả đàn é theo long óc. Dự án mới của lão là viết một bản trường ca, dài 3254 câu thơ lục bát - đúng bằng độ dài Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, nói về lịch sử xã nhà, gồm ba phần khái quát từ thời lầm than, cơ cực dưới ách thống trị của Thực dân Phong kiến đến quá trình giác ngộ một lòng đi theo Đảng, tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đặt tên là “Quê hương lịch sử diễn ca”. Dàn ý chi tiết đã lập xong, đã cơm nước, tắm rửa từ sớm mà ngồi chầu hẫu mãi chả được chữ nào. Ve thì ve, chả ve thì đừng. Tối mai cho thằng Cò gọi trẻ con hàng xóm sang soi sạch cho tiệt giống. Có thế mới tập trung tĩnh trí, hoàn thành đúng tiến độ, kịp kỉ niệm Đảng bộ xã nhà.

Lão Thiểm Sĩ ngồi ghé xuống bậc thềm, quạt phành phạch. Mà quái! Vừa loanh quanh có người mà bây giờ nhoảng một cái đã đi đâu mất cả. Cổng trước nhà trên tông hống, đèn đuốc sáng choang mà tĩnh như tờ. Lão chúi đầu vào buồng làm thơ từ nhập nhoạng. Cửa rả thế này nó khoét hết ruột ra. Rõ trông nhà còn nóc chửa? Đã bị một lần như thế chưa chừa!

*

Nhưng công bằng mà nói lần ấy là tại lão.

Đúng chiều ba mươi Tết năm kia, thằng Cò đi chuyến Nam ra, xách về cho lão một bọc nặng: “Con có quà cho bố”. “Cái gì thế?” “Thơ người ta tặng bố”. “Ai tặng?” Một nhà thơ ở Sài Gòn. Ông ấy nổi tiếng lắm đấy”. “Nhưng sao lại biết tao”. “À! Bác Phúc kể cho khách nghe về bố. Chắc người ta truyền tai nhau. Mang ra tận bến xe gửi con đấy”. “Quý hóa quá! Bỏ tao xem nào”. “Để con cắt lấy cái địa chỉ lưu vào đã”. Mồm nó xoen xoét, tay nó cắt xoẹt cái giấy ghi địa chỉ bên ngoài cất biến vào túi áo: “Để vào đây kẻo mất”.

Hôm ấy cũng bận. Lão cất chồng thơ cẩn thận lên thồi, chờ mùng ba Tết giờ rộng ngày dài mới bỏ ra nghiên cứu.

Và từ lúc ấy, lão bỏ hẳn đống truyện dở, chuyển sang làm thơ.

Một buổi chiều thứ bẩy, mẹ con nhà nó không dưng mà đi đâu hết cả. Đang ngồi đánh vật với cuốn từ điển Tiếng Việt tìm một chữ thật hay kết cho bài thơ lục bát ca ngợi nghề đóng chuồng gà, làm hòm thóc quê hương để đọc vào hôm hội làng thì từ ngoài ào vào một chiếc xe máy chở hai tay đeo kính trắng, catap đen. “Bác cho cháu hỏi nhà bác Thiểm thi sĩ ạ!”. “Vâng tôi đây! Khí không phải, các anh hỏi ai?” “Ối giời ơi bác! Hân hạnh quá! Chúng cháu gặp bác đây rồi!” “Các anh là…”. “Chúng cháu bên báo Tỉnh về lấy tin điển hình tiên tiến. Bác cho phép chúng cháu phỏng vấn ạ”. “Tôi có cái gì mà được phỏng vấn?” “Bác đừng khiêm tốn thế! Thơ bác nổi tiếng khắp vùng. Ai cũng biết.”- Rồi giở cuốn sổ bìa đen cùng cây bút: “Xin phép bác”. “Ấy chết! Mời các anh vào nhà”. “Thôi chúng cháu ngồi đây cho thoáng. Cháu xin hỏi bác làm thơ từ lâu chưa ạ? Đề tài bác thường chọn là gì? Tại sao thơ bác lại có chỗ đứng trong lòng công chúng như vậy?” “Thì tôi cũng mới làm thôi nhưng tôi chọn đề tài gần gũi nên mọi người thích. Ví dụ như bài thơ Nghề quê này”. “Bác cho phép cháu đọc: “Nhớ về ngày ấy lầm than. Đêm đêm tăm tối muôn vàn đắng cay. Quê hương giờ đã đổi thay. Chuồng gà, hòm thóc đóng ngày đóng đêm. Một là thu nhập tăng lên. Hai là danh tiếng càng thêm lẫy lừng”. Bài này hay quá bác ạ, theo sát tình hình thực tế địa phương. Bác còn bài nào như này không ạ”. “Còn nhiều! Các anh chờ tôi…”.

Khi lão từ dưới nhà ngang đi lên ôm theo chồng cao chồng thấp, sách mỏng sổ dày những thơ sửa lần một, thơ nháp lần hai thì hai thằng phóng viên báo Tỉnh cùng cái xe đạp điện cu Khang mua cho mẹ nó túc tắc đi chợ Huyện không cánh mà bay. Lão hàng tuần ngẩn ngơ, quẩn quanh góc hè, chỗ dựng cái xe, tiếc quá hóa lẩn thẩn: “Thế ra nó lừa mình… Thế ra…” ăn cũng không thiết, lờ đờ như gà cúm. Thằng Cò thủng thẳng: “Cái xe đạp nó như con chó. Phải mất tiền mua nó mới ở với mình. Bố mẹ chẳng bỏ ra đồng nào, nó bỏ đi cũng phải thôi”. “Ai bảo mày thế”. “Con bảo thế”. “Ừ! Có nhẽ! Tao cũng cho là may. Nó mà giáng cho bố mày một cái quay ra đấy thì quá tội”. Suốt mấy ngày mẹ con nó nói đi nói lại thế, lão mới nguôi dần.

Lão Thiểm Sĩ đứng dậy, ngỏng cổ gọi chõ vào trong: “Hòa ơi! Thằng Cò đâu”. Im lặng… Lại chõ ra cổng: “Cò ơi! Mẹ mày đâu?”

Minh Cò giật mình, đẩy vội cái yên xe: “Đi anh!”. “Đi đâu?”. “Sang nhà cái Hòa rồi tính. Mau lên không chết bây giờ”. “Chết cái gì. Tao phải về xem sao đã”. “Mẹ không có nhà đâu”. “Không có thì đi đâu?” “Sang nhà chú Thám. Thằng Tèo sắp lấy vợ”. “Cái gì? Mấy tuổi ranh. Ai cho lấy”. “Con vợ nó chửa năm tháng rồi. Chờ đủ mười tám tuổi thì con nó biết ngồi”. “Không được”. “Không được cũng kệ nó. Anh cho em sang nhà cái Hòa ngay không bố ra bây giờ là tiêu đời! Rình mãi mới lấy được trọn bộ đấy”. “Thế mày tính thế nào”. “Cứ đi rồi hãy tính! Cái này phải nhiều người. Mình em không tính được.”.

*

Vậy là chưa đầy mười phút sau, trong phòng máy lạnh bật điều hòa mười năm độ chốt trong, ba người có béo, có gầy, có già, có trẻ ngồi chụm đầu rau, nhìn chằm chằm vào bịch nilong đen sì nằm lù lù một đống giữa giường. Rồi hai người ngẩng lên nhìn vào mặt Minh Cò hỏi cùng một lượt: “Thế làm sao”. “Con đã bảo rồi, bố không tin. Dạo này bố con làm sao ấy”. “Hôm qua gặp, tao cũng thấy thế”. “Thấy thế là như nào bác?” “Thì ngày càng dở chứ sao”. Rồi quay sang: “Cò! Thấy chưa? Tao đã bảo rồi không nghe. Từ ngày dính vào thơ đâm lẩn thẩn tợn”. “Con cũng đã bảo bố rồi, đừng có khen nữa, bố không nghe. Bài nào mang sang đọc cũng khen! Thơ như điên. Khen dơ cả mồm”. “Nhưng không chê được. Có lần tao chỉ bảo câu: “Sáng nay gió thổi bay quần rộng. Thấy thu về lồng lộng ở bên trong…” chữ “lồng lộng” đi liền với “quần rộng” không được nhã. Bố mày bảo tao không hiểu. “Lồng lộng” ở đây chỉ tâm hồn phơi phới bay trong gió mùa thu. Rồi dỗi bỏ về. Hàng tuần không sang. Thế thà khen còn hơn”. “Thì bác khen thế mới chết! Bố cháu cứ tưởng mình thơ hay, làm sẵn ít bài giắt túi quần, đi đâu cũng giở ra đọc. Con chị Tí mọc răng đọc một bài. Bác Thu gẫy chân, bó bột đọc hai bài. Quanh quẩn chỉ mấy câu: “Hôm nay chân bác bị đau. Vì thằng xe máy bên cầu đâm sang…”. Nhất là hôm đám ma cụ Bách. Vào viếng thì nói cho xong, đằng này bố cháu lại viếng thơ. Mọi người cười ầm lên. Cháu dơ cả mặt, chả lẽ lại chui vào lỗ cống”.

Phó Trần tuôn ra một mạch rồi nằm vật xuống gối, thở phì hơi nóng ra đằng mũi: “Cháu kinh nhất có cuộc thi nào liên quan đến thơ. Kiểu gì bố cháu cũng tham gia hàng chục bài. Chẳng may được giải thì mang tiếng có con làm bên Văn hóa. Không được thì giải thích nguyên nhân với bố cháu còn chết hơn. Thế nên hai năm nay cháu cấm tiệt không tổ chức thi cử gì liên quan đến thơ sất. Hôm nọ, chúng nó bảo bố cháu còn làm đơn xin vào Câu lạc bộ thơ tỉnh Hải Dương, chi nhánh An Tân. Nhận cũng chết. Không nhận cũng chết. Đau cả đầu, chưa biết giải quyết thế nào”. Rồi ngồi bật dậy, thì thào với Minh Cò: “Sao mẹ bảo tao về ngay? Có việc gì lạ lắm”. “Lại chả thế”. “Thế nào”- ba cái đầu chụm lại. “Anh thấy tóc bố dạo này thế nào”. “Ai để ý! Chỉ thấy lần trước về, mẹ cho tiền đi cắt tóc, bố không đi”. “Ba tháng nay rồi, bố để tóc dài rồi. Buộc dây nịt”. “Điên à?” “Anh nói thế mẹ nghe thấy chửi chết. Em chỉ bảo tóc bố trông như dở hơi mà mẹ chửi tí ủng óc, bảo tao vả vỡ mồm, dở mà đẻ được ra mày”. “Thì tao nói ở đây thôi! Rồi sao nữa”. “Cả tháng nay rồi lập ních phây cơ”. “Bố mày siêu nhỉ! Tao chịu chết món này”. “Con gái bố đầu têu đấy! Xin nghỉ trước một tháng chờ đẻ mà nó làm loạn cả nhà lên”.

Đúng tầm này tháng trước, con Hòa nghỉ. Vác cái bụng cành cạnh ra vườn vào bếp, ngồi phản nằm giường, nó kêu: “Em đang chân chạy, giờ ngồi vêu mõm, chán héo người. Phải kiếm việc làm thêm”. “Thêm nếm gì? Đẻ đến nơi rồi”. “Một ngày không kiếm ra tiền, em khó chịu lắm. Vài hôm nữa sợ nổi cơn điên”. “Thôi! Tôi lạy bà! Bà bình yên cho tôi nhờ! Cứ tanh tách như con cào cào nhảy ngược thế này có chuyện gì thì chết”.

Nói đến thế tưởng rằng yên, nào ngờ qua một đêm nó nghĩ ra trò mới: “Bố! Thơ của bố phải đến được với quần chúng nhân dân rộng rãi hơn nữa”. “Tao cũng muốn thế nhưng làm thế nào?”. “Để con làm cho. Bố sẽ có hàng nghìn người hâm mộ. Thơ của bố sẽ đến với bạn bè cả trong và ngoài nước”. “Thật hả? Thế thì làm ngay đi”.

“Thảo nào nó về lôi cái máy cây cũ sang bên ấy. Hỏi để làm gì nó bảo có nói bố cũng không biết được. Nhưng thôi! Bố mày ngồi yên một chỗ làm thơ càng tốt chứ sao”. “Lúc đầu con cũng tưởng thế. Nhưng bố không biết đâu. Con Hòa nhà bố xúi bẩy lập trang riêng, tham gia vào Hội những người thích làm thơ lục bát, kết bạn tứ phía, làm được bài thơ nào là đăng ngay lên, tag hết vào. Con ngu đi kết bạn với bố con, ngày nào cũng bị tag, ép like. Không khen thì chết”. “May quá! Tháng nay tao bận, không mở phây”. “Con Hòa mách bố nick của anh rồi. Không thoát được đâu”.

Theo lời Minh Cò, nó chưa thấy đứa nào tính toán, hám tiền như con vợ nó. Lập xong nick facebook, nó dấn thêm một bước: “Bố có đánh máy thơ không? Con nhận”. “Là sao? Tao không hiểu”. “Là đánh máy sẵn thành tập. Bao giờ chỉ việc xuất bản. Khỏi phải thuê ngoài, vừa đắt nó vừa gõ sai, hỏng hết ý tưởng trong thơ bố. Ngoài kia nó lấy bốn nghìn một trang A4, con chỉ xin bố một nghìn mua sữa cho cháu bố thôi”.

Thế là hơn tuần nay hai bố con chúi đầu vào bàn máy. Bố đọc, con mổ cò, cỡ chữ mười sáu to như con gà mái cộ, mỗi bài bốn câu cóp thêm cái hình minh họa, tính là một trang. Nó bảo: “Em sẽ dàn ra. Kiểu gì cũng được hơn ngàn trang. Không. Phải hai ngàn hơn… Nuôi con Pi cho béo”. Mười một giờ đêm hôm qua còn bật đèn sáng trưng, gõ cành cạch rồi gào lên từ dưới nhà ngang, chói ráy: “Anh Cò ơi! Chiến tranh chờ trâu hay chờ chó?” “Con điên lắm rồi! Bố bảo làm thế nào cho nó một bài học, chừa cái thói xúi bẩy, lợi dụng người khác để kiếm tiền đi. Nó còn thế bố con còn dở nữa. Bây giờ đã để râu dài, mặc áo đũi khuy vải, trùm mũ phớt. Chả giống ai!”.

Yêu cầu của thằng Cò quả là hại não. Ba người chụm đầu thì thầm mãi, đến hơn mười giờ phó Trần mới lên xe ra về. Trước khi đi còn dặn đi dặn lại: “Thế nhé”.

*

“Thế nhé!” là đường đi nước bước đã được vạch rõ ràng, đánh số thứ tự trong tờ giấy xé ra từ cuốn sổ thơ, cứ thế mà thực hiện. Bước một: Phi tang túi thơ trong hòm thóc, chả ai sờ vào đấy, còn lâu mới đến mùa. Bước hai: Minh Cò hack nick, đánh sập trang thơ lục bát: “Lung linh chiều thu”. Bước ba: Phó Trần nhắn: “Thím Hòa! Lên anh vài hôm! Chị đưa đi sắm đồ em bé”. Con này ngửi thấy mùi tiền thì đi hàng tuần cũng không nhớ nhà. Bước bốn thực hiện sau cùng, cách vài tuần sau bước ba: Bác Phúc rủ: “Đi vào Nam một chuyến đổi gió với tôi”. Phải cai dần dần kẻo thơ lên cơn vật. Ốm toi!

*

Bàn tính đã đến thế, chỉ việc thực hiện là xong. Nào ngờ, sáng hôm sau, Phó Trần chưa kịp vào phòng họp thì chuông điện thoại đã gào hết hồi này gối liền sang hồi khác. “Có chuyện gì hả mẹ? Hôm qua con bận quá! Chốc con về”. “Anh về ngay đi! Có chuyện rồi”. “Chuyện gì hả mẹ?”. “Nhà mình mất trộm. Bố anh nguy lắm! Nhanh lên, không kịp bây giờ”.

Khi phó Trần về đến nơi đã thấy lão Thiểm Sĩ nằm một dúm trên giường, chân thẳng tưng, tay úp bụng, người mềm oặt, thoi thóp tưởng đi đến nơi. “Gọi xe cấp cứu ngay! Bố anh yếu lắm! Mấy tuần nay gở chết, tôi biết mà! Ối ông ơi”. “Nhưng làm sao hả mẹ?”. “Sáng ngày ra mở cửa nhà ngang thấy kêu mất trộm. Tôi chạy xuống thì đã vật ra đấy rồi. Định gọi cấp cứu nhưng thằng Cò bảo chờ anh về đã. Ối bác Phúc ơi! Nhà em đi trước bác rồi”. “Cô bình tĩnh đi! Thế mất cái gì?”. “Em soát kĩ rồi. Mất chồng thơ của nhà em bác ạ!”. “Thôi được rồi! Cứ yên tâm! Khắc có cách”. “Em báo công an xã rồi”. “Sao nhanh thế”. “Phải bắt ngay bọn khốn nạn này! Chồng em mà chết em cho chúng nó đi tù”. “Thôi! Bây giờ thế này! Con Hòa ngồi một chỗ! Người mày to, đi lại vướng mắt lắm! Thằng Cò, gọi anh Bình tiêm cho bố mày mũi trợ tim. Anh Khang với tôi ra cổng chờ các anh công an cùng giải quyết. Còn cô ngồi xoa bóp cho chú ấy. Đừng có đi đâu”.

Các anh công an xã sau đợt tập huấn nghiệp vụ làm việc thật hiệu quả. Lửng buổi đã thấy thong thả xách bịch thơ trịnh trọng tiến vào. Lão Thiểm Sĩ lúc này đã hồi hồi, vồ lấy chồng thơ, mãi mới khóc lên lời: “Phúc đức quá các anh công an nhân dân ơi! Xin đội ơn các anh”. Rồi quay sang: “Cả đời tôi chẳng làm được gì nên chuyện. Bà nuôi tôi từ lúc lấy nhau đến giờ, ăn ở đầy đặn, chẳng trách được gì. Tôi chẳng có tiền, định làm tặng bà một tập thơ tỏ lòng biết ơn. Các con ơi! Đây là tấm lòng của bố! Bác Phúc ơi! Đây là tấm lòng của tôi! Trong này chủ yếu là thơ tôi tặng bà ấy, chưa công bố bài nào cả. Tí nữa thì tôi có lỗi với bà, chết không nhắm mắt…”.

Minh Cò rơm rớm nước mắt, quay vội đi. Con Hòa khóc tu tu: “Con xin lỗi bố! Từ nay con gõ thơ cho bố không lấy tiền nữa. Bố bảo anh Cò đi. Chỉ cần anh ấy tặng con nửa bài thơ thôi con cũng mát ruột lắm rồi”. Phó Trần an ủi: “Thím đừng khóc nữa. Ảnh hưởng đến cháu. Hai vợ chồng xuống bếp bắt đôi gà làm cơm đãi các anh công an. May quá! Không có các anh thì chết. Bố yên tâm. Con sẽ in thơ cho bố. Bố thích nhà xuất bản nào?”

*

Nhoảng một cái lại Tết đến sau lưng. Lão Thiểm Sĩ cắp vào nách cuốn “Tuyển tập thơ Văn Thiểm” in bìa nilong láng cóng, giấy ngoại, chữ to, minh họa màu, chân dung qua photoshop trẻ hơn vài chục tuổi, ngồi ở quán cà phê cạnh khách sạn chờ người. Chuyến xe cuối năm này lão nghe lời thông gia: “Đi một chuyến vào xem Tết phương Nam. Lấy cảm hứng làm thêm tập thơ nữa”. Nhưng chủ yếu là hẹn gặp nhà thơ Sài Gòn đã tặng lão tập thơ Tết năm rồi. Liên lạc được với nhau quả là duyên kì ngộ. Gió rì rào qua vòm cổ thụ đổ bóng loang loáng xuống vỉa hè làm lão nhớ đến cây xà cừ đầu ngõ. Cũng to tầm này nhưng giờ rụng trụi lá, nghều ngào vươn tay qua gió rét, vạch trên nền trời xám những nét khắc đậm như mực tàu. Lão thấy mụ nhà lão khoác cái áo Nato lót lông bạc phơ bạc phếch, lượt sượt đến tận đầu gối, thả đôi quang chành, dựng đòn gánh bên gốc, chân dậm bình bịch, tay xoa vào nhau cho khỏi cóng, mắt dõi qua cánh đồng về phía đường cái. Ai đi qua hỏi: “Rét thế, mẹ Minh đứng đấy làm gì? Hôm nay mới mua lá dong à? Tươi gớm!” sẽ nghe những câu trả lời hệt như nhau: “Lão ấy với thằng cu nhà em theo xe bác Phúc. Đang trên đường về. Chắc ba mươi là kịp”.

Chắc chắn thế! Ba mươi lão sẽ có mặt ở nhà với một bài thơ mới tặng mụ. Bài thơ ấy sẽ có nhan đề: “Lục bát về gõ cửa mùa xuân”.

Nguồn Văn nghệ số 42/2019


Có thể bạn quan tâm