April 16, 2024, 6:17 pm

Của chùa

- Năm nay các con có về quê ăn tết? Cha tôi bịn rịn vừa nói vừa kéo rệ cánh cổng chùa.

 - Có chứ. Chúng con không về quê thì đi đâu ạ?

 - Thì cha hỏi vậy. Trời nổi giông đó. Đi đường chú ý cái ô tô to. 

Lần nào về quê, lúc đi cha cũng dặn hai vợ chồng tôi cẩn thận cái xe container.

Minh họa của LÊ TRÍ DŨNG

Ăn tết ở quê vừa là trách nhiệm, sau là niềm vui lớn nhất năm mà tôi thường khoe với mọi người trong khu tập thể. Nói không cường điệu, giờ, ngôi làng nhỏ của tôi tựa như cục xi măng, không còn nhiều tre, còn con sông nhỏ bao bọc tuổi thơ nhột mình tép nhảy, tuốt quả ruối chín vàng vờn mặt nước để ăn... về quê những ngày cuối năm, với tôi chỉ là các chiều tảo mộ, thăm bà con xóm giềng rồi được cha cho rửa tay bằng nước thơm trong chiếc chậu đồng trước khi vào thắp hương ở chùa làng. Ngôi chùa cha tôi làm bõ, trông nom, đã được hơn hai chục năm, tận khi tôi chưa về nhà. Mà thực ra, chùa đã là nhà của ông từ lâu rồi. Ai muốn tìm cha thì cứ việc ra chùa.

Sân chùa vắng vẻ. Giếng chùa lập lờ bóng mây trắng xốp bồng bềnh trôi từ đông sang tây.

Câu chuyện ông Dưỡng kể, cồn cào tôi sau đó một năm.

-  Tráng niên, cha cậu ngang tàng, phóng túng có tiếng đấy.

Tôi phì cười.

- Ngang tàng?

- Trên, ông ấy sợ ông nội cậu, dưới, sợ mỗi thằng Đớt quý tử.

Nói vậy, xong ông Dưỡng ngó tôi chăm chăm. Tôi gật đầu, có ý bảo: “Cháu biết mình là con nuôi rồi còn gì”.

Giọng ông Dưỡng vẫn đều đều.

… Chuyện nhà cha nuôi cứ gờn gợn trong cái đầu non nớt của tôi.

*

Súng cối từ bốt cái Cẩm Giàng đùng đùng nã về Cầu Bát.

Bên kia Cầu Bát là an toàn khu du kích.

Bỗng pháo chuyển làn.

Dân Kinh Đôi lúc này không còn ai ở làng để chứng kiến cảnh chùa làng bị đổ. Nhà tôi cũng trong đám người đang chạy càn tận bên Cẩm Đoài. Nửa tháng sau, ngớt càn, mọi người mới lục tục trở về. Không ai là không bàng hoàng trước cảnh đổ nát điêu tàn của ngôi chùa đã gắn bó với làng mấy trăm năm. Chùa đổ, vậy mà không hiểu sao, chẳng có ai ra xếp nép hay thu quén gì cả. Đống gạch ngói, gỗ lạt bừa bãi cứ nguyên trạng suốt cả năm trời. Một ngày, trong đống phế tích ló ra chiếc chậu đồng hình thù giống chiếc mũ cát rộng vành. Chiếc chậu nặng trịch, gò thủ công chứ không đúc bằng khuôn, có từ đời nào? xưa nhà chùa dùng nó vào việc gì? không ai biết. Chiếc chậu gội mưa nắng và chịu đất cát ruộm màu xìn xịt. “Anh ra chùa lấy chiếc chậu về cho tôi”. Ông nội tôi bảo với cha tôi thế. Cha ra chùa móc máy đến sứt cả tay mới mang được chiếc chậu về nhà. Về đến nhà, ông nội lại sai cha mang chậu ra cầu ao dùng tro bếp đánh đi đánh lại cho thật bóng. Cha mỏi rã tay, mặt mũi nhăn nhó còn ông nội thì sõng lưng, săm soi và cứ xoa xoa vào thành chiếc chậu đồng, miệng lụng bụng không ra tiếng: “Chưa được”. Mỗi lần vậy, mặt cha lại xầm xì. Cuối cùng, cha mài tro đến cạn buổi chiều, chiếc chậu đồng cũng bóng lì lên nước.

Ông Dưỡng kể không hề khách sáo.  Tôi thì cứ dán mắt vào cái miệng hòn hon chỉ còn ba chiếc răng cửa của ông lão cao niên nhất làng.

- Điều ong tiếng ve, nhà cậu nghe đã quen tai. Cái tính cương cương, không chịu ai của bố con ông Hoán khiến câu chuyện về chiếc chậu đồng - của chùa, càng cằn cộc, thành chủ đề đàm tiếu suốt cả chục năm trời.

Chùa làng tôi sau này được phục chế ngay trên nền đất cũ bằng tiền của bà con đóng góp. Mấy người ra ngoài khá giả cũng gửi của nả về quyên. Chùa thiết kế đủ tam gian ngũ mái, có cả dẫy nhà ngang không tường chống hoang chống huếch. Khi khánh thành chùa, việc đầu tiên là làng đòi tắp lự chiếc chậu đồng nhà tôi. Lúc này, ông nội tôi đã mất. Cha tôi nóng nảy lớn tiếng: “Đòi chậu á? Làm nhục nhà ông thì có. Ông thách đấy. Làng này không bằng con…”.  Tiếng chửi của cha ồm ồm, váng nửa làng. Mẹ tôi và anh Đớt sợ run, ôm nhau ngồi rịt trong buồng. Dân làng chẳng ai có máu mặt đối nhời trực diện với cha tôi. Chửi chán, cha lại nghe. Mãi, rồi cũng mệt, phải thôi. Sau này mỗi lúc vui vui, có ai nhắc chuyện chiếc chậu là cha tôi bay biến: “Đây là thứ ông cha đào được ngoài bãi Váu”. Có lần cha tôi còn nhận mình đã cất công sang tận làng đồng Lý Đông, Lý Đỏ, gò. Dân làng nản, bảo nhau: “Đòi gắt, lão lại chửi cho như bận trước mà xem”

Tháng ngày nhảng trôi, khi anh Đớt năm tuổi, trông mập mạp như cái bồng sen. Một đêm, cha tôi không ngủ. Bực dọc trong người ông dâng cuồn cuộn. Cha như con trâu điên lao ra ngoài sân, rồi lại lao vào trong nhà. Ông còn ra tận mỏm Rùi đứng đấm ngực chửi thề khiến mọi người đi đường nhìn phát nổi gai. Nguyên nhân cũng bởi hàng tháng nay cha nghe được lời cạnh khoé “Thằng Đớt, trông không giống cha”. Quan trọng là trong đầu cha nghĩ điều dớ dẩn: “Khi mới về nhà bà ấy thường xin đi bỏ gấm. Mà có đận cả tuần ở bên ngoại không về. Không có lửa, sao lại có khói được?”. Cha đi ngang, đi dọc, tay vung viêng bốn hướng rồi giơ chân đá một đá, làm đống rơm cạn lõi hình chiếc nấm đổ kềnh. Bàn chân cha lần nữa nhằm cạnh sắc chiếc chậu đồng đang đặt sát gờ sân gạch, dông tới. Không hiểu ông huých thế nào mà một nửa gót chân phải bị gọt lìa, văng tận góc vườn. Máu vọt thành vòi, nhuộm đỏ hai viên gạch vuông. Kệ cái gót chân thâm xịt còn động đậy, cha xông ào vào trong buồng. Mẹ tôi thì đang cùng cực trong sự đau khổ và sợ hãi. Bà cứ ôm riệt chiếc chăn chiên vào ngực rồi nép sát góc tường. Cha nhảy một bước lên giữa giường, thượng cẳng chân hạ cẳng tay đấm đá mẹ liên hồi kỳ trận. Mái tóc có những sợi bạc xổ tung xuống ngang lưng. Bà oằn mình trước trận đòn thần sai quỉ khiến của chồng. Một hồi, mẹ không chịu nổi, nằm vật ra thì cha cũng mệt, quay đơ. Nhà tôi tựa bãi chiến trường. Máu lênh loang từ ngoài sân rong tận trong nhà. Cha nằm ngất lịm mà lông mày vẫn dương lên dữ tợn.

Tôi thoắt sởn người, dựa mình vào vai ông Dưỡng.

Ông Dưỡng hạ giọng:

- Từ bệnh viện trở về, cha cậu tự dưng thuần tính lại. Kiệm lời, cả ngày không nói câu nào. Người ác khẩu trong làng lại dè bỉu: “Không còn thấy lão điên này chạy khắp xóm đập chó người vì bãi phân và thấy cảnh lão vác gạch tu vào đầu trâu nhà ai khi nghe tiếng cọ sườn roàn roạt ở hông nhà”

Ông Dưỡng thở dài:

-  Nhà cậu bớt xẩy ra những trận đấm đạp và không còn nghe thấy cha cậu chửi bới hàng xóm láng giềng. Lời đàm tiếu của dân làng lại cằn cục đi rồi cằn cục lại “Do thay máu nên em con chó Vá trong người ông Hoán chết”. Thay máu, mà khiến chữ thiện rõ rệt ra thì thời nay khối kẻ...

Lần thứ hai, cách lần trước bốn năm. Tôi nằn nì mãi ông Dưỡng mới kể tiếp chuyện nhà cho nghe. Lần này, tôi đã manh nha được cuộc sống gia đình mình trước kia. Những lời ông Dưỡng như làn gió mỏng cứ heo hoắt len nỏi vào cơ thể, dấm dứt tận tâm can tôi.

Nghề làm bánh đúc nhà tôi dần sa sút.

Anh Đớt lớn lên, học hành trầy trụa mãi mới tốt nghiệp cấp hai. Mà cũng yếu sức không đi nghĩa vụ quân sự được. Thấy anh chơi bời vô bổ lại còn tấp tểnh cờ bạc, một hôm, cha bảo: “Muốn khá thì đi buôn chứ đừng học thói đánh bạc mà cũng đừng tập nhòm đít con trâu”. Nói xong, ông gọi anh Đớt vào trong buồng, đặt vào tay anh hai khau vàng: “Đây là hai đồng cân. Mày cầm lấy mà đi buôn”.  Không biết nghe ai, ai xúi, anh Đớt xoay nghề gom mèo trong làng trong xã bán cho nhà hàng tiểu hổ trên thị trấn. Không có mèo thì ắt sinh lắm chuột. Dạo ấy chuột sao mà nhiều. Dân làng cáu giận: “Thằng Đớt là mầm mống nạn chuột bọ trong làng nở rộ”. Chuột đầy đồng. Chuột cắn tã tười hàng mẫu lúa, phá huỷ nửa cánh đồng dưa hấu các hộ xóm Ngoài. Diệt chuột. Việc làm bức bách của dân làng. Sáu con chuột năm điểm, mười hai con chuột một công. Một công là ba cân thóc. Diệt chuột bằng bẫy, đánh bả, luyện chó thay mèo bắt chuột. Nhà nhà bẫy chuột. Cha tôi là người bẫy giỏi nhất. Ông chế hàng loạt chiếc bẫy chuột bằng tre, trên chèn một hòn đá hay hai viên gạch chỉ. Dưới để cái càng cua nướng. Chuột mò vào ăn, hòn đá, viên gạch dập xuống, chuột to đến đâu cũng bị nát đầu. Có đêm  cha tôi diệt được cả... chục công. 

Anh Đớt gây nạn chuột tràn lan.

Cha tôi là người diệt chuột giỏi nhất làng, kiếm công điểm gấp mấy chục nhà cộng lại. Nhà tôi lần nữa lại là tâm điểm ghẻ lạnh của dân làng Kinh Đôi.

Một chiều chạng vạng.

Cuối làng phơ phất rặng tre buồn thiu.

Mé đường tàu sau làng bỗng cồn lên.

Mấy chục người hầm hầm sát khí. Tay gậy, tay dao sùng sục đi về phía chùa làng. Dân làng Kinh Đôi nhao ra xem có chuyện gì. Đám đông làng Tú La đến gần, thì mọi người thấy họ đang dẫn giải một thanh niên bị trói giặt cánh khuỷu, mặt mũi sưng vù, không còn nhận ra. Nhìn kỹ, không ai khác chính là anh Đớt tôi. Anh Đớt sang làng Tú La lấy trộm đường dây điện đèn bị Tú La bắt quả tang. Dân làng rện anh lên bờ xuống ruộng. Đến khi mọi người không còn muốn đánh nữa thì hô hoán rong anh về trả Kinh Đôi. Mà lại giao tại sân chùa làng mới oái oăm. Anh Đớt tôi bị trói đứng run rẩy rạc rài như con cò bợ, khiến mọi người không ai muốn nhìn.

Hôm toà xử án, cha tôi không ló mặt. Mẹ cực chẳng đã bước ra với thân hình nhỗm nhẹo, nước mắt cạn đạch dòng.

Anh Đớt đi tù hai năm.

Nhà tôi tụt dốc như mít rụng đầu hè.

Cha tôi buồn, thường ra mỏm Rùi ngồi thu lu ngẫm ngợi. Giông kéo về đầy trời khiến da mặt cha tê trong gió vờn mà vẫn không hay. Chỉ khi mẹ chạy ra đập vào vai, cha mới giật mình thất thểu về nhà.

Mùa đông năm ấy như dài thêm.

Ông Dưỡng giơ tay xoa xoa vào thành chiếc chậu đồng. Kể tiếp: “Đi tù về nhà, thằng Đớt vẫn sằng sặc xoãi mình trong thói chơi bời cờ bạc. Mọi thứ có trong cái rương gồm ba bình sứ Giang Tây, vài tấm gấm quý bà Hoán để dành nó cuỗm sạch gá bạc mà ông Hoán không hay biết. Buổi tối thằng Đớt vác xe đi. Sớm thì một hai giờ sáng, muộn, đến tận chiều hôm sau mới vật vờ về. Nó là con bạc khét tiếng liều lĩnh và ngu đần trong vùng. Quá mù sang mưa, đến đận thằng Đớt lấy cắp năm đồng cân vàng giấu trên lỗ đòn tay nhà, ông Hoán mới ầm ầm nổi giận và sự giận dữ càng bốc hoả khi ông sờ đến cái rương... Ông Hoán chẻ dóng chuồng trâu làm bốn, rồi điệu thằng Đớt từ chiếu bạc Tú La về, nọc ra... lưng, đít, tay chân thằng Đớt không còn chỗ nào là không nổi bầm, nổi trạch. Thằng Đớt kêu la rầm trời. Bà Hoán không dám vào can. Dân làng không muốn ngó xem. Đánh chán, ông Hoán tuốt mấy sợi lạt giang trên gác bếp, trói gô thằng Đớt như trói chó rồi vác nó ra mỏm Rùi. Đang kỳ xả nước đập Bát Thuỷ. Nước nổi cồn ầng ậng vào chân Rùi, quẫy ngang thành vệt trắng bọt. Ông Hoán đứng choạng chân lấy đà, quăng thang lang một cái. Thằng Đớt chìm mất dạng. Ông Hoán quay lưng mà không nghe thấy tiếng tòm thứ hai là bà Hoán dù không biết lội sông vẫn len lén lao xuống cứu con. Ông Hoán bỏ về nhà thu lu ngồi hút thuốc lào. Bà Hoán hoảng hồn cuống cuồng nhấp nhô mãi, cuối cùng cũng kéo được thằng Đớt vào bờ. Khi ghếch được cái đầu nó lên cạnh phiến đá thì bà đuối sức quá. Cố gượng không được, bà đành buông tay...”

Lời ông Dưỡng tựa mưa Đông nặng hạt. Ông kể chuyện nhà tôi bằng sự xúc động dâng tận đáy lòng chứ không chỉ lời nói phát ra từ cái miệng nhóm nha nhóm nhém.

Nhà tôi đứt mạch nghề làm bánh đúc. Cha tôi ở lì trong buồng và đóng cửa suốt tháng. Ai quan tâm, ngó vào là bắt gặp ông lù lù dính người trên cái phản thớt một, bên cạnh có chai rượu ngang đục lờ nước gạo. Ba bốn hôm liền cha mới trệu trạo cái bắp ngô. “Nhà này còn giậu đổ bìm leo”. Cha cam lòng cúi mặt ướp buồn trong lời đàm tiếu của dân làng. Nhìn khuôn mặt phết sáp của cha tôi lúc ấy không ai còn nhận ra nữa. Chiều vẫn đi dọc ngõ, hoa dâm bụt thì cố đỏ nhịu ngoài cổng nhà càng làm nỗi buồn cha tím thẫm. Cha vốn trầm tính, giờ lại càng trầm hơn khi mẹ mất rồi. Anh Đớt tôi thì coi cuộc đời không còn gì để bấu víu nữa. Anh theo con nhà Thập lên đào vàng trên Biển Động - Bắc Giang, rồi không hiểu thế nào anh đi được xuất khẩu lao động ở tận bên nước Đức. Được hai năm, anh trở về, chỉ có lưng mà không vốn. Phờ phạc, chơi bời một thời gian đẫy, anh Đớt lại đi tiếp. Lần này thì không quay về nữa. Nghe đồn anh sống lưu vong và tham gia vào một băng cướp rồi bị giết trong lần chia chác không sòng phẳng.

Dẫu biết cuộc đời là biển cả đâu thể tránh phong ba, nhưng cha tôi không sao lý giải nghiệt ngã cứ ấp vào mình nhiều vậy. Ông cô độc chẳng thể giãi lòng cùng ai và lạ lùng không ai thấy cha tôi rơi một giọt nước mắt khi hay tin anh Đớt chết. Người tò mò, cố nhòm vào trong nhà xem cha tôi ra sao. Tuyệt nhiên không nhìn thấy bóng ông đâu. Mãi tối khuya mới bắt gặp cha vật vờ lúc đi lúc đứng. Chuyện nhà tôi khiến không khí trong làng căng tựa dây đàn. Ngày ngày cha cứ vục mặt vào cái chậu đồng xưa nhúng bánh đúc, lâu lắm mới ngẩng lên úa úa thất thần. Tiếng kêu ráo hoảnh ai oán như tiếng vạc đêm. Cha đã cạn nước mắt khóc anh Đớt hay nước mắt cha vẫn âm thầm chảy khô lòng chiếc chậu đồng. Trạng thái này diễn ra suốt cả tháng làm thân hình cha tôi tiều tuỵ như cây ngô ngoài đồng hết bắp. Sáng, tối, cứ thấy ông dật dờ mơ mơ tỉnh tỉnh. Không còn khái niệm gì về thời gian.

“Ông phải dậy. Vẫn phải sống. Cõi tạm là nơi người ta trả. Nam mô ai di đà phật”. Sư thầy Huyền Thông hay tin cha tôi suy sụp, không đặng, liền về chùa Kinh Đôi ở cả tháng trời. Ngày, sư thầy kinh kệ, tối lại vào trong nhà thủ dụ, cố gỡ khổ đau đang đóng băng trong con người cha. Không biết sư thầy khai đạo ra sao mà sau khi sư thầy về Cẩm La thì cha tôi nhóc nhách xin làng cho ra chùa làm công việc quét dọn và nhang khói.

 “Chiếc chậu đồng không cần làng đòi, ông Hoán tự giác mang ra chùa đựng nước lau rửa hoa quả. Dân làng cũng không ai còn nhắc chuyện riêng của nhà anh trong các buổi cỗ bàn nữa”. Câu chuyện nhà, ông Dưỡng kể cho tôi nghe mấy năm mới hết. Mà lần nào cũng ở tại sân chùa. Từ buổi đầu tiên tôi về làng, ông Dưỡng còn khoẻ, bước chân vẫn nhanh nhẹn lắm. Bây giờ trông ông cọm rọm, tóc trên đầu đã phơ phơ.

*

Thời gian như cối giã thoi đưa. Ngọn gió mở cửa cuối cùng cũng lay động cái làng cò trắng Kinh Đôi. Nhà nhà làm ăn khấm khá từ viên gạch, ao cá, vườn cà chua. Có người giàu lên bởi việc cho con cái đi xuất khẩu lao động ở Ma-lai hay Hàn-Quốc. Nhà xây mọc như nấm. Mà kỳ lạ, nhà cửa trong làng xây dựng đến buồn cười. Người người thi nhau làm nhà ống, nhà mái trần... những mô típ xưa cũ trên thành phố đã thải ra, giờ người làng tôi tranh nhau áp dụng mới buốt ruột.

Con nhà Thới là thằng Vuông trên phố là đứa ra ngoài khá nhất. Nó có hai cái nhà ba tầng cho Tây thuê. Có trang trại rộng mấy chục héc-ta trồng cà phê tận trong Tây Nguyên. Người ăn kẻ ở có đến mấy. Người chuyên đi chợ thổi cơm. Người quét dọn, lau nhà... nó còn thuê về một cô bé sinh viên làm mỗi công việc chuyên đọc truyện cổ tích để ru thằng con nó ngủ vào buổi trưa. Về quê, thằng Vuông đánh tiếng xin hiến chùa làng một pho tượng Quan âm đúc bằng đá cẩm thạch. Làng họp, một nửa số người đồng ý còn một nửa lại không đồng ý. Nguyên nhân sâu xa là vì trên kia, thằng Vuông làm nghề buôn bán động vật rừng. Cái ngữ bắt tất tật thứ để dành của núi rừng rồi lớn bùi bé mềm dâng cả vào nhà hàng đặc sản biến thành các món ẩm thực là tổn đức. Của nả thằng Vuông có được rứt khoát nguồn gốc từ điều ác ấy rồi. Bàn đi tính lại chán, cuối cùng dân làng nhất trí là sẽ cử người sang Cẩm La xin ý kiến sư thầy Huyền Thông. Kỳ lạ. Sư thầy Huyền Thông đồng ý ngay, không hề cân nhắc. Tưởng đến đó thì thông đồng bén giọt ai ngờ tâm trạng dân làng càng nặng trĩu hơn. Trong khi thằng Vuông cứ dồn dập báo tin là ở trên ấy nó đã đặt tiền đúc tượng. Cuối cùng dân làng đành phải bằng lòng.

Lúc hô thần nhập tượng, già trẻ phải ra làm lễ đến ba ngày liền. Khi mọi thủ tục xong xuôi, thằng Vuông bèn sai mở cốp xe khiêng xuống một pho tượng Quan âm nữa, giống y hệt pho tượng nó vừa hiến chùa, nhưng nhỏ hơn gấp ba lần. Thằng Vuông nói với sư thầy Huyền Thông:

- Thầy nhập ngài vào bức này, con mang lên điện nhà, thờ.

Sư thầy Huyền Thông giật thót người.

Ánh mắt hoảng loạn không gì tả xiết.

Thầy rùng mình một cái như tách hồn khỏi xác rồi cúi gập đầu.

Cảm giác, sư thầy đang tích tụ đạo pháp để biến mình thoát dương gian.

Lúc này sư thầy Huyền Thông mới chậm rãi san ánh nhìn sang khuôn mặt những thịt là thịt của thằng Vuông rồi buông một câu sắc gọn:

- Cái tâm của thí chủ đang động rồi. Thiện tai, thiện tai.

Sư Thầy thỉnh hồi chuông, dập đầu ba lần trước bức tượng quan âm lớn, rồi khoan thai quén vạt áo tràng, lùi vào tịnh thất.

Thằng Vuông khóc ré lên như cha chết. Nó hướng mặt về tam bảo, dập đầu tựa tế sao.

“Báng bổ”

Mọi người chẳng ai nói với ai, nhất loạt đứng dậy ra về.

Cha tôi vẫn ngồi im ở góc vườn chùa chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc. Trên trán ông quần quã những nếp nhăn. Nếp nào ứng với sự ăn năn hối lỗi thời tráng niên. Nếp nào ân hận thương vợ, trách giận anh Đớt không tu không chịu thành người. Nếp nào mung lung những tháng ngày ít ỏi phận mình còn lại, còn nếp nào, gằn đây…

Năm ấy, sau đám giỗ mẹ tôi, cha tôi bị dính cảm. Cơn gió độc vào cái tháng chạp rét mướt khiến ông kiệt sức mà cấm khẩu. Hôm đó lại đúng vào ngày mùng một. Dân làng vực ông đi bệnh viện. Người thân chẳng còn ai. Làng phải cắt cử nhau xuống trông nom cha tôi. Một tháng rưỡi sau cha mới bình phục.

Khi bước chân ra chùa.

Cha nhìn quay quắt một lượt.

Sân chùa vẫn rợp bóng cây muỗm già.

Giếng chùa lặng nước váng ánh chiều tà.

Đột nhiên, cha tôi rú lên rồi ngồi bệt xuống nền đất nham nhở. Chiếc chậu đồng, thứ của chùa thân thuộc gắn bó với cha mấy chục năm không thấy đâu cả. Thay vào chỗ chiếc ghế đẩu cũ kỹ, giờ là một cái kệ sơn son thiếp vàng rực rỡ, trên toạ uy nghi chiếc chậu đồng to gấp ba lần chiếc cũ. Anh ánh, choe choé, ngạo nghễ sáng cả góc sân chùa. Xung quanh chậu chạm nổi hình núi non, sông nước. Những bụi chúc quân tử la đà. Cậu bé mục đồng gánh củi hẩy mặt cười mãn nguyện. Và điều quan trọng là chính bên hông chậu có nhiều hình quả trám khắc nổi nối nhau. Trên mỗi hình có hai hàng chữ, rõ mồn một: Nguyễn Đức Vuông - Tín chủ, kính hiến. Các quả trám gắn thành vòng ở chỗ phình to nhất. Trông xa như một thứ hoa văn. Cha nhìn thôi miên chiếc chậu đẹp. Giận dữ giăng kín khuôn mặt vặn vọ những vết nhăn. Sự xúc phạm. Lăng mạ. Nỗi trống rỗng của người bị mất cắp. Sự khinh bỉ. Chà đạp. Chơ chẽn... tất cả diễn tiến đồng thời, dồn dập trong trí não và hiển hiện mồn một lên ánh mắt. Cha chậm rãi bước đến cạnh chiếc chậu đồng mới, giơ tay nhấc nó ra khỏi cái kệ sơn son. Dịch cái kệ qua một bên, rồi ông ra góc vườn chùa bê chiếc ghế đẩu đang đổ chỏng trơ, đặt ngay ngắn đúng vào chỗ mọi khi.

Tất cả việc làm của cha tôi chỉ có đàn chim sáo sậu đậu trên cây muồm muỗm chứng kiến.

Đàn chim sáo sậu không biết được con chó Vá cũng đang núp ở cánh cổng chùa nín thở quan sát.

Còn con chó vá lại không hay có ông Thới, bố đẻ ra thằng Vuông đang nép người sát bờ tường bao quanh chùa theo dõi từng động tác, cả sự biến đổi đến dị biệt sắc mặt của ông sãi giữ chùa.

*

“Lão điên kia. Nếu lão còn đấm cổng nhà tôi thêm nữa, tôi sẽ báo Công an gô cổ lão đấy”.

“Anh không trả chiếc chậu đồng cho làng, tôi sẽ ở đây không về nữa”.

“Cả đời lão khốn khổ cùng chiếc chậu, mà lão không từ bỏ được nó sao?”.

Từ trên gác hai ngôi nhà bốn tầng. Cậu thanh niên béo núc, miệng vắt vẻo điếu xì gà, quát vọng xuống. Trước cổng. Ông già gầy guộc, quần áo nhàu nhĩ mệt mỏi đứng bíu tay vào những thanh sắt ken dày. Bên cạnh ông là chiếc bao tải đựng vật gì tròn tròn. Dịch xuống vài mét là lòng đường. Người xe đi lại tấp lập. Phố phường nhộn nhạo không hề chú ý.

Đêm thành phố xuống nhanh.

Từng chùm đèn toả ánh sáng vàng vào dòng người thưa dần.

Cơn mưa giông ập đến. Những bụm nước từ trên cao quạt xối xả. Ông lão vẫn ngồi co ro sát cánh cổng sắt.

Cái lạnh thấm dần vào gan ruột ông…

Nguồn Văn nghệ số 29/2020


Có thể bạn quan tâm