April 20, 2024, 7:12 pm

Cử tri nhận nhiều hơn những lời hứa trách nhiệm

 

Sôi động, thẳng thắn là cụm từ truyền thông dùng nhiều nhất khi viết về phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong tuần làm việc thứ 4 kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Sôi động, thẳng thắn bởi lẽ câu chuyện nghị trường đã trở thành tâm điểm chú ý của hàng triệu cử tri trên cả nước trong một tinh thần dân chủ, nói thẳng, nói thật đã lan tỏa từ nghị trường ra ngoài xã hội. Và sôi động cũng bởi, đây là kỳ họp giúp cử tri cả nước thấu hiểu hơn nữa tinh thần kiến tạo, phục vụ của Chính phủ. Bên cạnh phiên chất vấn, trong tuần làm việc thứ 4, Quốc hội tiếp tục hoàn thành vai trò lập pháp với nhiều dự luật quan trọng. 

Mở cửa là chấp nhận cả tốt và xấu

Có thể coi là bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất tại kỳ họp lần này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã vượt qua cuộc “sát hạch” một cách khá trọn vẹn bằng tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, không né tránh những yếu kém đang tồn tại của ngành, trong đó có vấn đề quản lý, sử dụng mạng xã hội hiện nay trước những thông tin xấu, thông tin độc hại.

Trên thực tế, đây là những vấn đề không mới, thậm chí nó đã được đặt ra từ các thời bộ trưởng tiền nhiệm. Nhưng tại những thời điểm đó, những đòi hỏi, những yêu cầu, cùng những thách thức của một nền công nghệ thông tin chưa thực sự bức bách như hiện nay. Chình vì vậy, tại Quốc hội, đại biểu cũng như cử tri cả nước đòi hỏi nhiều hơn về một vị trưởng ngành đối với mặt trái của mạng truyền thông cũng như mạng xã hội hiện nay. Đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hoá) đã dẫn ra hàng loạt thông tin về sai phạm của báo chí, đồng thời cung cấp thông tin về 363 trang mạng xã hội trong nước đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Ngoài ra, có 2 mạng xã hội nước ngoài rất đông người sử dụng là facebook (53 triệu người dùng) và youtube (35 triệu người dùng) để nhấn mạnh một sự lo ngại có thực chính là báo chí chính thống đang bị các trang mạng lấn lướt. Đại biểu cũng không ngần ngại đề nghị bộ trưởng đưa ra những giải pháp để vừa có thể  tận dụng mạng xã hội nâng nhằm cao dân trí, đồng thời hạn chế thông tin xấu... Đại biểu Đinh Thị Diệu Trinh (đoàn Nghệ An) cũng chất vấn về biện pháp kiểm soát lượng thông tin xấu, độc hại, tin giả, xuyên tạc, bôi xấu chế độ còn nhiều trên mạng xã hội. Cho rằng vai trò của cơ quan chủ quản chưa phát huy đầy đủ, và bộ cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới….

Tình trạng sử dụng mạng xã hội như một diễn đàn để bôi nhọ, sát phạt nhau đã trở nên thường xuyên hơn. Thậm chí là công cụ để người ta hạ bệ nhau. Tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã dẫn ra không ít trường hợp những cái chết thương tâm có nguyên nhân từ mạng xã hội, hay chuyện những cá nhân bày tỏ quan điểm bất lợi cho lãnh đạo đã bị xử lý theo kiểu “trả thù” dưới nhiều hình thức, gây bức xúc trong dư luận xã hội…

Trước sự thẳng thắn của các đại biểu, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã thừa nhận, ở nơi này, nơi khác vẫn không tránh khỏi có những cá nhân lợi dụng quyền hạn, danh nghĩa nhà báo mưu cầu lợi ích riêng, làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp, lớn hơn nữa là lợi ích của quốc gia, dân tộc. Mặc dù bộ đã rất kiên quyết trong việc xử lý, nhưng tình trạng không giảm…

Lĩnh vực quản lý đã nghiêm

Nếu như 15 năm trước đây, Việt Nam chưa thấy mạng internet, mạng xã hội là quan trọng thì nay, internet, mạng xã hội đã len lỏi vào từng gia đình, từng lĩnh vực hay nói đúng hơn là mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Thậm chí nó còn được coi là công cụ đi trước một bước của Chính phủ kiến tạo hiện nay. Chính vì vậy để mạng internet, mạng xã hội đi đúng định hướng không có chỗ cho sự dễ dãi, yếu kém trong quản lý, càng không chấp nhận có sự tụt hậu so với khu vực và trên thế giới. Luật Báo chí đã được thông qua năm 2016, được coi là hành lang pháp lý an toàn để báo chí truyền thông và mạng internet phát triển. Nhưng do tầm nhìn và khả năng tiên đoán sự phát triển của KHKT ở Việt Nam còn thấp nên gặp khó trong điều hành, trường hợp google và youtobe là những ví dụ điển hình trong phân khúc quản lý và phân chia lợi nhuận đã và đang cho thấy sự lúng túng của nhà quản lý. Chính từ lý do này mà đã có ý kiến cực đoan đặt ra nên hay không sử dụng mạng internet?...

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã khẳng định, mạng xã hội như một con đường thì trên con đường đó có cả kẻ cướp có cả người bình thường. Vấn đề đặt ra là ý thức của người đi trên con đường đó, và cái Tầm của nhà quản lý phải làm sao cân bằng được cả năng lượng tốt và năng lượng  xấu. Bằng những dẫn chứng về công tác điều hành trong lĩnh vực mình quản lý chỉ trong năm 2016, bộ đã xử lý gần 150 cơ quan báo chí. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định báo chí có vai trò rất lớn trong mọi thành công của đất nước.Tuy nhiên, theo bộ trưởng, gần đây sai phạm của báo chí đang trong tình trạng đáng báo động, nhưng chưa đủ để có thể làm biến dạng dòng chảy chính thống của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Dòng báo chí chính thống vẫn là dòng chủ lưu. Điều này khẳng định công tác quản lý đã theo kịp và đi trước một bước so với sự phát triển của báo chí và công tác kiểm tra đã được thực hiện một cách nghiêm minh.

Chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội đã thực sự trở thành một hoạt động giám sát có hiệu quả của Quốc hội đối với công tác điều hành của Chính phủ. Thông qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp này, mọi vấn đề của xã hội đã được thể hiện một cách rõ ràng, minh bạch. Đây cũng là động lực để mỗi vị tư lệnh ngành không chỉ có trách nhiệm và tầm bao quát vấn đề trong phạm vi của mình quản lý, mà còn phải có kế hoạch hành động cụ thể, để từ đó có thể trả lời một cách có tình, có lý, có sức thuyết phục cũng như thể hiện được trách nhiệm cá nhân của mình trong đó. Và Chính phủ đã thể hiện tinh thần cầu thị, thái độ trách nhiệm rất cao từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, đến các bộ trưởng qua chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua…

PV

Nguồn Văn nghệ số 47/2017


Có thể bạn quan tâm