April 19, 2024, 1:52 pm

COVID-19: Trung Quốc và ASEAN hợp tác chống dịch

Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt đối phó dịch Covid-19 giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN, đã được tổ chức tại Vientiane (CHDCND Lào) ngày 20/2/2020. Hội nghị đặc biệt này diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình, từ Bắc Kinh đã phải thừa nhận: “Covid-19 là thách thức y tế lớn nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1949” và việc xử lý chống dịch trên thực tế còn “nhiều thiếu sót”.

Vậy là cho đến nay, ít nhất hai lần, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng cảnh báo. Thậm chí, phát biểu ngày 23/2/2020 trong cuộc họp với đội ngũ lãnh đạo cao cấp, từ Bắc Kinh, Chủ tịch Tập buộc phải nhấn mạnh đến “một cuộc khủng hoảng”, “một thách thức lớn”, “rất khó để dự đoán và khó kiểm soát”. Trước đó, tại Vientiane (CHDCND Lào), Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố: Thông qua công cuộc chống dịch hiện nay, “Trung Quốc không chỉ bảo vệ người dân nước mình mà còn bảo vệ cả phần còn lại của thế giới”. Trong buổi họp với 10 đồng nhiệm ASEAN ở Vientiane, Vương Ngoại trưởng đã khẳng định như thế nhằm trấn an các nước láng giềng. Cuộc họp đặc biệt được Lào đứng ra nhận tổ chức ngày 20/2/2020 cũng là dịp để Bắc Kinh “trắc nghiệm quyền lực mềm” đối với các nước ASEAN, theo nhận định của truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những nỗ lực phối hợp chống dịch là điều cần thiết, song với vị thế và đặc thù của mỗi quốc gia, luôn cần có những biện pháp ứng xử tỉnh táo và thích hợp.

 

Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt đối phó tình hình Covid-19 giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN, Vientiane, Lào, ngày 20-02-2020

 

Trung Quốc tìm “đồng minh”

Dường như Trung Quốc không muốn đơn độc mà muốn kéo cả ASEAN cùng “chống sóng gió, sát cánh bên nhau để vượt qua thử thách”, theo đúng như ngôn từ ông Vương Nghị phát biểu trên diễn đàn: “Sự sợ hãi còn đáng lo hơn là virus và niềm tin còn quý hơn vàng”. Cách tuyên bố này của Vương Ngoại trưởng được Giáo sư Alfred M. Wu, trường Chính sách Công Lee Kuan Yew, đại học Singapore, đánh giá là nhằm phản công những chỉ trích của phương Tây về cách Trung Quốc xử lý dịch. Về hình thức, Trung Quốc đã đạt được mong muốn khi ngoại trưởng Vương Nghị và đồng nhiệm 10 nước ASEAN đồng thanh hô vang trước ống kính của báo giới: “Hãy kiên cường, Vũ Hán! Hãy vững vàng, Trung Quốc! Hãy mạnh mẽ, ASEAN!”.

Ngoài ra, trong “Tuyên bố của Hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc về dịch bệnh Covid-19”, khối ASEAN bày tỏ “tin tưởng hoàn toàn vào khả năng của Trung Quốc để thành công khắc phục dịch bệnh, Trung Quốc đánh giá cao sự thông cảm, sự ủng hộ và hỗ trợ của các quốc gia thành viên ASEAN đối với các nỗ lực ứng phó của Trung Quốc”. Tại hội nghị, ngoại trưởng Vương Nghị nhắc đến số lượng ca nhiễm Covid-19 đã giảm dần ở Trung Quốc và hối thúc các nước ASEAN nới lỏng các lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc và các hạn chế du lịch khác nhằm kiềm chế sự lây lan của virus. Yêu cầu này cũng được ông Vương Nghị đề xuất với phái đoàn của Việt Nam trong cuộc họp song phương ngày 19/02, một ngày trước hội nghị đặc biệt về hợp tác ứng phó Covid-19. Và khi trao đổi với đồng nhiệm Singapore, Vivian Balakrishnan, ông Vương Nghị còn bày tỏ “quan ngại về những biện pháp chặt chẽ” của Singapore, đồng thời hy vọng “những trao đổi bình thường giữa hai nước có thể được nối lại ngay khi có thể”.

Trả lời Reuters, ông Tom Baxter, nhà nghiên cứu độc lập về sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI) của Trung Quốc, nhận định: “Câu trả lời của mỗi nước về dịch Covid-19 trở thành một bài trắc nghiệm mang tính quyết định về tình hữu nghị của mỗi thành viên ASEAN đối với Trung Quốc”. Tuy nhiên, dường như nội bộ khối các nước Đông Nam Á bị chia rẽ về vấn đề này. Hiện tại, sáu nước ASEAN có người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, trong sáu nước đó, chỉ có Camphuchia không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế nào. Philippines cấm du khách đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và Macao. Malaysia chỉ cấm du khách đến từ những tỉnh Trung Quốc bị đặt trong tầm kiểm soát. Cùng ngày diễn ra hội nghị đặc biệt, Thái Lan đăng khuyến cáo công dân nước này tránh đến Trung Quốc nếu không cần thiết và khuyên những người đang có mặt ở Trung Quốc nên rời khỏi đó. Bangkok có thể sẽ hạn chế thêm các chuyến bay đến Trung Quốc.

 

Trấn an đối tác thương mại

Trung Quốc là đối tác thương mại chính của 10 nước Đông Nam Á và toàn khối ASEAN là đối tác thương mại thứ hai của Bắc Kinh. Tăng trưởng của Trung Quốc giảm trong năm 2020 sẽ ảnh hưởng đến các nước ASEAN. Báo cáo ngày 12/02/2020 của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (The ASEAN+3 Macroeconomic Research Office, ARMO), thẩm định, trong năm 2020, GDP của Trung Quốc có thể mất 0,5%, còn các nước thuộc ASEAN sẽ mất khoảng 0,2%. Tuy nhiên, một nghiên cứu được Viện Montaigne (Pháp) công bố ngày 21/2 đánh giá rằng, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chỉ ở mức 4%. Các nước Đông Nam Á sẽ chịu tác động nặng nhất từ dịch Covid-19 tại Trung Quốc do gần gũi về mặt địa lý và sự gắn kết quan hệ kinh tế. Vẫn theo báo cáo của AMRO, dịch Covid-19 tác động trong thời gian ngắn nhưng đáng kể đối với Trung Quốc cũng như với Đông Nam Á.

Du lịch là lĩnh vực bị tác động trực tiếp nhất và nghiêm trọng nhất. Nhiều nước ASEAN phụ thuộc vào nguồn thu từ du khách Trung Quốc, với hơn 65 triệu lượt khách mỗi năm đến Đông Nam Á. Việc hạn chế, cấm khách Trung Quốc tác động đến lĩnh vực hàng không, cũng như ngành du lịch của cả hai bên. Lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan giảm tới 90% trong tháng 02/2020 và ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, vốn chiếm đến 20% tổng sản phẩm nội địa của nước này. Singapore có thể sẽ mất khoảng 30% du khách. Ngành hàng không và vận tải đường sắt cũng bị vạ lây do việc dừng các chuyến vận chuyển đến vùng dịch. Ngành du lịch Miến Điện cũng sẽ bị tác động nặng, trong khi đó, theo một số cơ quan truyền thông Miến Điến, hoạt động thương mại sát biên giới với Trung Quốc cũng “gần như ở điểm chết”, ảnh hưởng đến các mặt hàng thủy sản, ngô gạo, rau củ quả. Trang Global New Light of Myanmar, ngày 14/02, cho biết “khoảng 50.000 người làm việc trong ngành đánh bắt cá bị mất việc do thông thương ở thành phố Muse (bang Kachin) biên giới với Trung Quốc bị tạm ngừng”.

Báo Le Monde ngày 20/2 trích đánh giá của Quỹ Carnegie, theo đó rất nhiều nước láng giềng của Trung Quốc trông cậy quá nhiều vào Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế của họ. Việt Nam là một ví dụ điển hình, lĩnh vực sản xuất của nước này, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và là một trong những yếu tố giúp Việt Nam có sức tăng trưởng mạnh, hiện giờ trở thành một trong những nước bị tác động trực tiếp nhất. Do thông thương ở một số cửa khẩu bị tạm ngừng, nhiều chiến dịch “giải cứu” nông phẩm tươi xuất sang Trung Quốc, từ hoa quả, tôm hùm… được người dân Việt Nam hưởng ứng. Ngành công nghiệp chế biến là lĩnh vực tiếp theo bị tác động ngay trước mắt. Các nước ASEAN và Trung Quốc gắn chặt với nhau về nguồn cung cấp nhiên liệu, nhân công. Những biện pháp cách ly, hạn chế đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng, trong đó có việc xuất nhập khẩu vật liệu được sử dụng trong những vùng công nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 ở Trung Quốc. Tiếp theo, do hoạt động sản xuất bị tạm ngừng hoặc do thiếu nguyên vật liệu sản xuất nên sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp tạm thời.

 

BRI trong khủng hoảng Covid-19

Một phần của dự án “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) có tên khai sinh là “Con đường tơ lụa mới” của Chủ tịch Tập Cận Bình đi qua Đông Nam Á với những dự án đường bộ và đường sắt cao tốc ở Lào, Thái Lan, Malaysia và Miến Điện. Cuộc khủng hoảng Covid-19 chắc chắn sẽ tác động đến tăng trưởng của Trung Quốc và như vậy ảnh hưởng đến những dự án tại Đông Nam Á. Tại hội nghị, ông Vương Nghị trấn an “dịch Covid-19 được cho là có thể sẽ ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, nhưng có thể vượt qua được và bù đắp được tác động đó” vì theo ông, “nền kinh tế Trung Quốc có động lực mạnh, rất bền vững và lộ trình về dài hạn sẽ không bị lay chuyển”. Trước mắt, để đối phó với khủng hoảng dịch Covid-19, các nước ASEAN và Trung Quốc nhất trí chia sẻ thông tin và công nghệ, nghiên cứu văc-xin phòng dịch. Ngoại trưởng Vương Nghị đề xuất tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh về vấn đề này, nhưng chưa được hưởng ứng, theo phát biểu của hai nhà ngoại giao ẩn danh của ASEAN với hãng tin AP. Trong bối cảnh ấy, truyền thông quốc tế cho rằng, sau dịch Covid-19 gây nên lần này, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc kỹ hơn trước khi bỏ vốn vào Trung Quốc. Về chính trị, Covid-19 cũng khiến các nhà lãnh đạo quốc tế phải đánh giá lại về “sức mạnh thực sự của ông khổng lồ châu Á này”, theo như nhận định của một nhà chính trị học Trung Quốc với báo Le Figaro.

Vào lúc một phần các hoạt động tại Trung Quốc bị tê liệt vì Covid-19, dư luận thế giới chú ý đến sự kiện Chủ tịch Tập Cận Bình lên đài truyền hình Nhà nước hôm 23/2/2020 tuyên bố: “Đây là cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua” đồng thời, thừa nhận vừa qua đã có “một số thiếu sót trong việc xử lý dịch. Có điều, như ghi nhận của phóng viên báo Libération, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã “quên”, không nhắc đến chi tiết này khi tường thuật lại bài phát biểu của Tập Chủ tịch. Gần như cùng lúc Chủ tịch Trung Quốc phát biểu trên đài truyền hình, thì Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng tổ chức một cuộc họp quan trọng khác. Thủ tướng họ Lý, theo truyền thông quốc tế, đã chủ trì một cuộc họp qua video quy tụ 170.000 quan chức, cán bộ, các giới chức quân sự trên toàn quốc để bàn về những biện pháp đối phó với dịch bệnh. Chùm ảnh cho thấy, 170.000 quan chức này đều đeo khẩu trang trong cuộc họp từ xa với Thủ tướng Lý! Tờ Libération bình luận: Màn trình diễn rầm rộ ấy mâu thuẫn với thông báo lạc quan chính Bắc Kinh đã tung ra cách trước đó vài ngày rằng, số ca lây nhiễm mới thấp hơn so với số người đã được chữa trị khỏi dịch Covid-19.

Nguồn Văn nghệ số 09/2020


Có thể bạn quan tâm