March 29, 2024, 2:24 am

Covid-19 trong văn học dân gian hiện đại

Thuật ngữ “Văn học dân gian hiện đại” đã từng là vấn đề gây nhiều ý kiến tranh luận trong giới học thuật nước ta. Có nhiều học giả khả kính khá đắn đo khi nhìn nhận sự tồn tại văn học dân gian trong đời sống đương đại. Tuy nhiên cũng có nhiều bài viết, nhiều chuyên luận đã khẳng định sự tồn tại cũng như sự phát triển tự thân của một số thể loại văn học dân gian như: truyện cười, truyện ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ, vè, câu đố… trong đời sống đương đại.

Quả thật văn học dân gian hiện đại luôn tồn tại và chưa bao giờ có biểu hiện mai một hoặc mất cảm hứng lưu truyền. Đặc biệt khi đời sống xã hội phát sinh những sự kiện đòi hỏi sự phản ánh tức thời thì văn học dân gian tỏ rõ sự ưu thế của mình. Hơn thế nữa với sự xuất hiện của mạng xã hội, nhìn ở khía cạnh tích cực thì đây chính là mảnh đất màu mỡ để văn học dân gian hiện đại ươm mầm và phát triển.

Trong những tháng qua, Việt Nam cũng như thế giới phải oằn mình chống đại dịch Covid-19. Đại dịch này có sự ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của mỗi người dân thế nên đề tài về dịch Covid-19 đã trở thành nguồn cảm hứng cho những bài ca dao, câu tục ngữ, bài vè, truyện cười hiện đại ra đời.

Ngay lời hiệu triệu của chính phủ “Chống dịch như chống giặc” đã mang dáng dấp của một câu tục ngữ. Đặc điểm về nội dung và nghệ thuật cũng như phương thức lưu truyền rộng rãi trong toàn quốc của câu nói chính là những đặc trưng của tục ngữ.

Câu “Phát xít như con Covid” cũng là một câu tục ngữ như thế. Với biện pháp so sánh thường thấy trong tục ngữ và kết cấu vần lưng đã khái quát nên sự nguy hiểm khủng khiếp của căn bệnh dịch.

Khi phê phán những cá nhân vì sự ích kỉ của mình đã không cách li đúng quy định. Lời ca dao mang ý nghĩa phê phán đã ra đời trong sự đồng tình tán thưởng của cộng đồng: Thu đi để lại lá vàng/ Em đi để lại một làng cách li.

Phản ánh nỗi lo âu của cộng đồng trước sự lây lan nhanh chóng của Covid-19, khiến cho mọi người điều cảnh giác trước những biểu hiện “nguy cơ” nhiễm bệnh của một ai đó. Mọi người đều hết sức cảnh giác “Nghe tiếng ho lo hơn nghe tiếng súng”. Khi toàn xã hội phải giãn cách, nhịp sống như chậm lại, con người càng có những chiêm nghiệm những giá trị của cuộc sống giản tiện: Chẳng mong sung sướng cao sang/ Chỉ mong cuộc sống bình an mỗi ngày.

Khi dịch Covid diễn ra hết sức phức tạp đúng vào thời điểm cả đất nước hướng về quốc Tổ Hùng Vương (Mùng 10 tháng 3 âm lịch). Mọi hoạt động kỉ niệm ngày Giỗ Tổ đều phải được giản tiện đến mức thấp nhất thì mạng xã hội cũng đã xuất hiện và lan truyền bài ca dao lay động lòng người: Cúi đầu dâng nén hương xa/ Quốc Tổ phù hộ nước nhà an yên/ Đẩy lùi Covid khắp miền/ Con dân về với Tổ hiền Hùng Vương.

Bài ca dao nói lên tâm sự của người con xa xứ, nơi hải ngoại xa xôi không thể trở về đất nước để thắp nén hương tri ân quốc Tổ. Bên cạnh đó bài ca dao thể hiện những ước vọng ngàn đời của con cháu Lạc Hồng: trước những tai ương của thiên tai, nhân họa, mọi con dân Việt đều ngưỡng vọng về quốc Tổ mà cầu mong sự gia hộ độ trì của tổ tiên.

Văn học dân gian hiện đại cũng đã đặc tả tính cách truyền thống của dân tộc khi phải đương đầu thiên tai và dịch bệnh:

- Tiếng hát át tiếng ho;

- Chống giặc thì phải xông pha

Chống dịch thì phải ngồi nhà nhớ không?

Có thể nói với hai câu trên cần có cái nhìn liên văn bản với lời hiệu triệu của chính phủ “Chống dịch như chống giặc”. Khi đã xem dịch bệnh như giặc, chúng ta mới thấy được ý vị sâu xa của lời tục ngữ cải biên: Tiếng hát át tiếng ho (Cải biên từ khẩu hiệu nổi tiếng trong thời chiến tranh của quân và dân ta: Tiếng hát át tiếng bom).

Câu thứ hai thể hiện tốt khả năng “tuyên truyền” hiệu quả của mình những khuyến nghị đúng đắn từ các cơ quan hữu quan: Chống giặc thì phải xông pha/ Chống dịch thì phải ngồi nhà nhớ không?

Với thể lục bát truyền thống và kết cấu đối Xông pha/ ngồi nhà, câu tục ngữ hiện đại đã đi vào lòng một cách tự nhiên, không cần phải là những diễn ngôn rườm rà chữ nghĩa.

Bài ca dao sau thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng, niềm tin sắt đá vào tinh thần quyết tâm chống dịch của Chính phủ, ngành y, của những người lính nơi tuyến đầu ăn gió nằm sương và trách nhiệm của mỗi người dân vì quyền lợi chung của cộng đồng đất nước: Thương Chính phủ, thương ngành y/ Thương người lính chống cô vi đêm ngày/ Chúng ta cố gắng chung tay/ Chớ quên phòng dịch ở ngay trong nhà.

Bằng phương thức “nhại” lại một bài ca dao xưa, bài ca dao hiện đại thời Covid cũng không kém phần duyên dáng và tỏ ra sự hữu dụng trong tuyên truyền: Một yêu đừng có ra ngoài/ Hai yêu đừng có rủ ai vào nhà/ Ba yêu tỉa lá chăm hoa/ Bốn yêu giữ dáng điệu đà như xưa/ (…)/ Mười yêu biết sống thảnh thơi mỗi ngày.

Để răn đe những cá nhân vì lợi ích riêng tư của mình mà quên đi nghĩa vụ đối với cộng đồng đất nước, bài ca dao hiện đại đã thể hiện sự quyết liệt: Đứa nào tính trốn cách ly/ Bà cho một phát, hết đi hết bò.

Hưởng ứng lời kêu gọi giãn cách xã hội, mỗi người dân hạn chế ra đường khi không thật cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh dịch hàng loạt khẩu hiệu mang dáng dấp tục ngữ đã ra đời: - Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Đang ở chỗ nào ngồi nguyên chỗ đó;/ -Hỡi quốc dân, hỡi đồng bào/ Yêu nước xin chớ đi vào đi ra/ Yêu nước xin hãy ở nhà/ Khẩu trang sát khuẩn nhắc ta nhắc mình;/ - Muốn cho Covid tránh xa/ Xin hãy ở nhà đừng có ham vui…

Với thể loại vè, khi đề cập đến nội dung của vè, chúng ta thường thấy đa số bài vè thường phản ánh hiện thực ở từng địa phương nhất định, bộc lộ rõ thái độ của người dân trước những sự việc, sự kiện đó. Ngoài ra có những bài vè có thể phổ biến rộng rãi ở nhiều địa phương, đôi khi toàn quốc. Vè mang tính thời sự, các sự kiện trong quá khứ ít được vè quan tâm. Vè xuất hiện tức thời, nắm bắt nhạy bén sự việc, sự kiện, ghi nhanh, rồi truyền đi để gây dư luận. Với chức năng bám sát hiện thực như thế, vè là thể loại có ưu thế trong việc phản ánh thực trạng của dịch bệnh Covid một cách kịp thời. Trong thời điểm Covid hoành hành, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện bài vè sau: Yêu Tổ quốc/ Yêu đồng bào/ Ngồi một chỗ/ Đừng lao xao/ Chỉ ước ao/ Mau hết dịch/ Đừng rậm rịch/ Mua tích trữ/ Nghe tin dữ/ Hãy bình tâm/ Cứ âm thầm/ Giữ sức khỏe.

Bài vè nêu bật được nhiều vấn đề thiết thực mà mỗi người dân cần phải thực hiện giãn cách xã hội, không nên tích trữ nhu yếu phẩm. Đặc biệt người dân không được tin vào những tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận gây khó khăn thêm cho công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan hữu quan.

Ở thể loại truyện cười, trên mạng xã hội chia sẻ nhiều và nhận được sự yêu thích của cộng đồng mạng là truyện cười Nước nào thoát được tử thần. Câu chuyện cho thấy cơ sở và niềm tin vững chắc sẽ chiến thắng đại dịch của dân tộc chúng ta. truyện cười Nhầm vợ lại là một tình huống oái oăm. Do mọi người thực hiện việc đeo khẩu trang để phòng dịch bệnh. Truyện kể về Một anh chồng chở vợ ra siêu thị mua đồ. Giữa thời Covid ai cũng đeo khẩu trang kín mít. Lúc lâu sau thấy một người phụ nữ khệ nệ xách hàng ra và nhảy lên ngồi sau xe mình, người chồng nọ bèn nổ ga phóng ngay về nhà. Đến khi dừng xe cả hai mới biết là họ đã bé cái nhầm.

Nhìn chung văn học dân gian hiện đại mùa Covid đã truyền tải được nhiều thông tin “nóng hổi”, thiết thực mang tính ứng dụng cao. Đặc biệt sự hài hước dí dỏm luôn là thanh âm chủ đạo. Điều này phản ánh những đức tính quý báu thường thấy của dân tộc ta khi phải đối đầu trực diện với những cam go trong cuộc sống. Đó là tinh thần lạc quan yêu đời. Luôn suy nghĩ tích cực trong những cảnh huống khó khăn. Nhìn chung tiếng cười trong văn học dân gian thời Covid nghiêng về tính giải trí, nhằm giúp con người giảm căng thẳng áp lực khi phải đối diện với đại dịch đáng sợ. Tuy nhiên thông điệp phổ biến luôn lan tỏa trong những tác phẩm văn học dân gian hiện đại màu Covid. Đó là khẳng định ngợi ca, là tiếng nói toàn dân đoàn kết tương thân tương ái yêu thương thiêng liêng hai tiếng đồng bào.

Nguồn Văn nghệ số 33/2020


Có thể bạn quan tâm